Trải qua 120 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế là kết tinh của trí tuệ và lòng nhân ái, khẳng định sự làm chủ về khoa học kỹ thuật, được nhà nước nghi nhận, xã hội tôn vinh. Và sự đóng góp vào các hoạt động hợp tác y tế song phương trong 20 năm hợp tác y tế Việt Nam–Hoa Kỳ, có vai trò của Bệnh viện Trung ương Huế.
Là một trong những Trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước - bệnh viện hạng đặc biệt. Trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Bệnh viện Trung ương Huế đã không ngừng học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn y đức, phấn đấu thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chuyên môn kỹ thuật, về quản lý cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nâng cao năng lực y tế cho các cơ sở y tế ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước cấp chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, Bệnh viện Trung ương Huế luôn chú trọng và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là từ các nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ về vật tư, thiết bị, kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị. Đặc biệt là các tổ chức phi Chính phủ Hoa Kỳ với chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng y tế. Qua đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã không ngừng phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng mới và đưa vào sử dụng các công trình hiện đại có tổng diện tích khoảng 65.000m2 cùng với các trang thiết bị hiện đại đồng bộ; phát triển các kỹ thuật cao, từng bước đạt chuẩn quốc tế về kỹ thuật y học và dịch vụ y tế.
Sự ra đời của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế với tổng diện tích 12,500m2, dự án do Tổ chức Atlantic Philanthropy (Mỹ) tài trợ, được thực hiện bởi đối tác là Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, đã trở thành trung tâm hoàn thiện và tân tiến nhất so với những quốc gia có nền y tế dẫn đầu. Tại đây, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp phẫu thuật của Giáo sư Bùi Đức Phú, ca ghép tim lịch sử được thực hiện thành công - sự kiện đã đưa Việt Nam vào bản đồ ghép tim thế giới.
Để góp phần cùng ngành Y tế thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngoài việc chú trọng công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế hết sức quan tâm tới công tác đào tạo và xác định đào tạo là một trong những mục tiêu cơ bản trong hoạt động của Bệnh viện. Dự án "Xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho Khoa Mắt và Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Trung ương Huế" được Tổ chức Atlantic Philanthropy tài trợ với kinh phí 4 triệu USD. Sự ra đời của Trung tâm Đào tạo-Chỉ đạo tuyến với cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ phương tiện giảng dạy (laptops, projectors, bảng điện tử...), có hệ thống hội thảo trực tuyến, hệ thống mô hình phong phú, hiện đại… đã làm cho quy mô đào tạo của Bệnh viện không ngừng tăng lên và góp phần to lớn vào việc thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho miền Trung.
Trước đó, dự án Khoa Nhi cũng được Tổ chức Atlantic Philanthropy tài trợ, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2002.
Ngoài việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên trong cả nước có hệ thống xử lý chất thải lỏng đạt tiêu chuẩn, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường. Đó là công trình dự án nâng cấp, cải tạo đường ống dẫn nước thải và bể xử lý nước thải của Bệnh viện Trung ương Huế do Tổ chức Atlantic Philanthropy tài trợ, theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Với tiêu chuẩn hiện đại, hệ thống nước thải y tế từ Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được kết nối vào hệ thống thoát nước của TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) và thải ra đảm bảo môi trường. Hệ thống xử lí nước thải hoàn thành đã góp phần đáp ứng khả năng xử lí toàn bộ nước thải y tế của Bệnh viện hiện nay với công suất khoảng 850/m3/ngày đêm.
Tổ chức Atlantic Philanthropy còn giúp Bệnh viện Trung ương Huế nâng cấp, nạo vét một số đường ống chính còn tốt để sử dụng lại, tạo độ dốc đảm bảo khả năng thoát nước, tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải; làm mới lại các nắp hố ga nhằm ngăn mùi hôi thối bốc lên, đảm bảo khi trời mưa nước sẽ không tràn vào đường ống nước thải; lắp thêm 2.900 m đường ống từ các khoa, phòng về đường ống nước thải chính...
Có thể nói, với những chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng y tế từ các tổ chức phi Chính phủ Hoa Kỳ đã giúp cho Bệnh viện Trung ương Huế có nhiều đóng góp quan trọng trong 20 năm quan hệ hợp tác y tế Việt Nam – Hoa Kỳ.
ThS. Nguyễn Văn Hải
Bệnh viện Trung ương Huế