Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Những tấm lòng nơi “Mạch nguồn ánh sáng”

  • |
T5g.org.vn - Thời gian gần đây, do một số cơ quan truyền thông tuyên truyền một cách thái quá, nên khi nhắc đến thầy thuốc nhiều người như “dị ứng” với hình ảnh của sự hách dịch và vấn nạn “phong bì”. Tuy nhiên, bên cạnh “bức tranh” đó có rất nhiều người thầy thuốc đang lặng thầm hy sinh vì sức khỏe người bệnh. Ở một nơi, vì “cửa sổ tâm hồn” của người bệnh, những người thầy thuốc ngày đêm đã làm việc hết mình bằng cả trách nhiệm và trái tim, giúp hàng ngàn người tìm lại được ánh sáng - Đó là những thầy thuốc ở Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam, nơi được mọi người ví như “mạch nguồn ánh sáng!”.
Hội chẩn bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt Hà Nam

Những việc làm nặng lòng vì người bệnh

Theo Bs Vũ Văn Đạt, Phó giám đốc Bệnh viện thì bệnh về mắt vô cùng quan trọng và không hề giản đơn như nhiều người vẫn nghĩ, bởi: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”, khi bị mù thì cuộc sống dường như vô nghĩa. Là người trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca đã để lại trong anh bao dấu ấn không thể nào quên.

 Ấn tượng nhất đối với Bs Đạt là điều trị bệnh nhân Nguyễn Thị Là, 76 tuổi ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân. Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng bệnh rất nặng, như: nôn, nhãn áp rất cao, hai mắt bị thiên đầu thống nặng, có phản ứng màng bồ đào, nếu không kịp thời điều trị thì nguy cơ mù vĩnh viễn là rất có thể. Biết bệnh nhân nặng, anh đã không ngần ngại cùng các bác sỹ tiến hành hội chẩn, kết hợp điều trị hạ nhãn áp, chống viêm màng bồ đào. Thấu hiểu hoàn cảnh của cụ hết sức khó khăn, anh đã kêu gọi đồng nghiệp góp tiền mua dép và biếu cụ dưỡng sức. Sau một tuần với sự nỗ lực hết mình của anh và tập thể thầy thuốc, bệnh nhân đã ra viện trong tình trạng tỉnh táo, ăn ngủ tốt, thị lực 4/10, nhãn áp điều chỉnh. Trong giây phút chia tay thầy thuốc, cụ rưng rưng nước mắt: “Khi vào viện, tôi buồn lắm! Giờ khoẻ mạnh, lại được nhìn thấy ánh sáng thế này, tôi cảm ơn bác sỹ nhiều lắm!”.

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được Bs Lê Thị Định khi chị cùng kíp mổ vừa thực hiện xong ba ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhìn gương mặt thoáng vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt lại lấp lánh niềm vui, tôi hiểu thêm điều chị tâm sự: "Mặc dù công việc vất vả bộn bề, nhưng tôi lại cảm thấy hạnh phúc vì mỗi ngày trôi qua là lại có thêm bệnh nhân cảm nhận thấy ánh sáng của cuộc sống”.

Tận mắt chứng kiến cảnh một cụ già chia tay bác sỹ để ra viện trong một trạng thái bịn rịn, ai cũng rưng rưng. Đội vội chiếc nón lên đầu, cụ nói giọng như tiếc nuối: “Ở đây, tôi sướng hơn ở nhà. Tôi cám ơn bác sỹ lắm, đúng là… Thầy thuốc như mẹ hiền!”. Nói rồi, cụ vội rảo bước như cố giấu đi giọt nước mắt cằn khô nơi khóe mắt. Sau tìm hiểu, tôi biết cụ là Phạm Thị Thàn, quê ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên. Cụ không có chồng con giúp đỡ. Nhập viện ngày 7/8/2015, cụ đã được bác sỹ Dương Nam Trà trực tiếp phẫu thuật thay thủy tinh thể sau sáu năm sống trong cảnh cô đơn, mắt mờ chân chậm. Thấu hiểu được hoàn cảnh, các điều dưỡng thay nhau chăm sóc trong suốt những ngày cụ nằm viện lại còn được Bệnh viện, Khoa Dinh dưỡng miễn phí tiền ăn, tập thể thầy thuốc góp tiền mua dép để đi, khăn ấm mang về…

Nhọc nhằn sự nghiệp phòng chống mù lòa

Nói đến Bệnh viện Mắt, người dân trong tỉnh Hà Nam ai cũng hết lời khen ngợi. Cái ấn tượng không chỉ ở trình độ kỹ thuật trong điều trị mà cao hơn, đó là thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế. Khi bệnh nhân đến đều được cán bộ y tế đón tiếp và hướng dẫn một cách tận tình, tỷ mỷ. Đặc biệt, Bệnh viện đã loại trừ tuyệt đối thái độ hách dịch và vấn nạn phong bì. Chỉ vậy thôi, nói thì dễ nhưng không nhiều nơi thực hiện được. Theo Phó giám đốc Trương Mạnh Cường, để đạt và duy trì được “nếp” đó phải đổi bằng cả một thời gian dài nhọc nhằn “gỡ từng nút thắt” của cả tập thể lãnh đạo. Và công lao nhất vẫn là bác sỹ Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Bệnh viện, một con người quyết đoán nhưng rất thận trọng trên từng… “nước bước, đường đi”.

Gặp bác sỹ Khải đúng lúc anh vừa đi cơ sở về, lau giọt mồ hôi chảy dài trên má, anh trải lòng: Để mỗi cán bộ y tế mang hết tâm, tài và sức lực phục vụ người bệnh thì không giáo điều bằng mệnh lệnh hành chính mà trước tiên bản thân mình phải gương mẫu, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống cán bộ thầy thuốc, bởi “có thực mới vực được đạo”. Bệnh viện tạo ra “cơ chế” rõ ràng giúp người thầy thuốc “sống được từ bệnh viện”. Và như một vòng tuần hoàn, để làm được điều đó, anh quả quyết: “Chúng tôi lấy mục tiêu phục vụ người bệnh làm đầu, không những làm hài lòng người bệnh mà còn phải coi họ là khách hàng, là ân nhân của thầy thuốc!”. Tuy nhiên, nếu phát hiện cán bộ, thầy thuốc nào có thái độ ứng xử hách dịch, vòi vĩnh, thờ ơ với người bệnh, tùy theo mức độ đều bị Bệnh viện xử lý kỷ luật kịp thời.

Nhấp một chén trà đặc sánh, bác sỹ Khải chia sẻ: “Để có được uy tín thì người thầy thuốc cần phải có cả y đức lẫn y thuật!”. Bài toán nhân lực trình độ cao đã được giải, những năm qua anh cử nhiều bác sỹ trẻ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu về mắt ở tuyến trung ương. Bệnh viện đã triển khai, ứng dụng thành công nhiều đề tài và kỹ thuật tiên tiến vào khám và điều trị, đặc biệt là kỹ thuật mổ phaco thay thủy tinh thể. Là đơn vị đứng đầu trong tỉnh thực hiện phẫu thuật phaco, mỗi năm, Bệnh viện mổ thành công hàng nghìn ca bệnh mà chưa từng xảy ra sai sót. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật tiên tiến khác đã triển khai thành công, như: phẫu thuật mộng ghép kết mạc tự thân, với kỹ thuật mới này hầu như người bệnh không bị tái phát; kỹ thuật mổ glôcôm bằng la-de, siêu âm mắt A-B, kỹ thuật chụp đáy mắt phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường... Gần đây nhất, Bệnh viện đã triển khai phòng tập nhược thị, giúp trẻ em bị nhược thị không phải chuyển tuyến trên điều trị.

Không giống nhiều nơi khác, Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam không có “hương vị đặc trưng” như những cơ sở y tế mà ta vẫn thường gặp. Xung quanh, những bồn hoa bốn mùa tỏa hương thơm mát, tạo cho người bệnh sự thoải mái và thân thiện. Dẫn tôi đi thăm một vòng Bệnh viện, các tấm biển với số điện thoại đường dây nóng đều được gắn dễ nhìn, trong đó có cả số của anh, do vậy nhiều tình huống đã được xử lý kịp thời và thấu đáo, tạo ấn tượng tốt với người bệnh.

Không kể lể thành tích, mặc dù treo trang trọng trên tường tấm Huân chương Lao động của Bệnh viện, nhưng bác sỹ Khải lại đưa tôi xem một tập thư viết tay của người bệnh. Với đủ kích cỡ, có tờ đã ngả màu vàng úa, tờ vẫn còn thơm mùi giấy, thậm chí có bức thư viết dài đến 4, 5 trang, anh cười ấm áp: “Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi đấy, anh ạ”. Điều đặc biệt làm người bệnh thấy được quan tâm ngay cả khi đã ra viện, đó là tất cả những thông tin đều được anh trực tiếp viết thư trả lời, cám ơn. Chỉ vậy thôi, cũng rất giản đơn nhưng không hẳn nhiều người có thể làm được!

Chia tay bác sỹ Khải, tôi ấn tượng mãi với câu anh nói: “Để khơi được nguồn ánh sáng cho bệnh nhân thì trước tiên mỗi cán bộ y tế phải là người… tâm sáng, lòng trong”. Tôi hiểu, ngoài yếu tố chuyên môn đã có, thì “tâm sáng, lòng trong” đó mới chính là mạch nguồn của ánh sáng, điều rất cần cho mỗi người thầy thuốc!.

Bài và ảnh: Thanh Hội, t4g Hà Nam

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang