Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nỗ lực, chung tay hướng đến kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam

  • |
T5g.org.vn - “Gần 25 năm kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hai thành tựu nổi bật chính là: đã làm giảm và hạn chế tốc độ gia tăng HIV/AIDS, đồng thời, giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam” - phát biểu của TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tại Hội thảo Xây dựng Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020, diễn ra vào ngày 24/9/2015, tại Hà Nội.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS chủ trì Hội thảo

Nỗ lực phòng, chống Đại dịch

Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 6/2015, cả nước hiện có 227.114 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 71.115 đã chuyển sang giai đoạn AIDS; 74.442 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố với 99,8% số quận/huyện và 80,3% số xã/phường. Số người nhiễm HIV chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Bắc; vùng đồng bằng sông Cửu Long; miền Đông Nam Bộ. Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ đã có sự gia tăng từ 24,2% vào năm 2007 lên 33,4% năm 2014. Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục cũng ngày càng tăng cao so với lây truyền qua đường máu. Năm 2014, tỷ lệ người lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 47,9%, đường máu chiếm 37,5%, lây truyền từ mẹ sang con chiếm 3%, 12% người nhiễm HIV không xác định được đường lây truyền. Tính theo độ tuổi được điều tra trong năm 2014, tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện trong nhóm tuổi 30-39 có xu hướng tăng lên, trong khi đó, nhóm tuổi 20-29 phát hiện nhiễm HIV lại có xu hướng giảm.

Giai đoạn 2011 - 2015, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận giúp 400.000 người tránh bị nhiễm HIV và 150.000 người được ngăn ngừa tử vong do AIDS,  giảm được số ca nhiễm mới và tăng độ bao phủ của chương trình chăm sóc, điều trị. Đồng thời, số trường hợp nhiễm HIV (+) và số mắc, tử vong do AIDS phát hiện hàng năm cũng liên tục giảm xuống. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng hiện ở mức 256/100.000 dân. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao có xu hướng giảm, tuy nhiên, một số tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm vẫn cao như Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Thái Nguyên...

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt hoạt động phân phát bơm kim tiêm miễn phí tại các địa bàn trọng điểm về ma túy và các địa bàn có tỷ lệ nhiễm HIV cao đã tác động lớn làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng. Trong quý I/2015, có 42 tỉnh/thành phố triển khai chương trình cấp phát bơm kim tiêm, phát miễn phí trên 4,1 triệu chiếc. Hoạt động phân phát bao cao su nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục được triển khai dưới nhiều hình thức: thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng; nhà thuốc; cơ sở y tế; cơ sở dịch vụ, giải trí, lao động xã hội, trường giáo dưỡng, trại tạm giam... Bên cạnh đó, chương trình điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 47 tỉnh, thành phố với 175 cơ sở điều trị cho 33.034 bệnh nhân. Chương trình điều trị ARV cho đối tượng nhiễm HIV đã và đang được mở rộng không ngừng. Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ và xét nghiệm HIV với 95 phòng được phép khẳng định HIV dương tính và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV. Các cơ sở này đã tư vấn, xét nghiệm cho 260.000 người, trong đó có 5.000 lượt người có kết quả HIV dương tính. Ngoài ra, công tác thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS được xem như là “vắc xin” trong dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được triển khai đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc truyền thông trực tiếp qua mít tinh, thi tuyên truyền về HIV...

Khó khăn, thách thức trong phòng chống HIV/AIDS

Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hương giảm trong vòng 08 năm trở lại đây, tuy nhiên, vẫn ở mức khá cao, do vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Ông cũng nhấn mạnh: “HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam”.

Mặc dù, số người nhiễm HIV và số tử vong do HIV/AIDS đã giảm nhưng mức độ giảm chưa nhiều, giảm chưa bền vững. Số người mới được phát hiện hiễm HIV vẫn ở mức cao. Số tích luỹ người nhiễm HIV dương tính hiện đang ở mức 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có 12.000 người nhiễm HIV mới và 2.000 đến 3.000 người tử vong do HIV/AIDS. Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Hiện nay, bao cao su và bơm kim tiêm mới đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu, có khả năng tiếp tục bị cắt giảm do thiếu kinh phí; Methadone mới đạt 40% chỉ tiêu 80.000 người được điều trị; công tác điều trị mới đáp ứng được 42% số người nhiễm HIV dương tính được phát hiện; dịch vụ đìều trị HIV/AIDS tại miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận. Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguồn kinh phí cho xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai đang gặp nhiều thách thức lớn... TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết: “nguồn kinh phí dựa vào viện trở đang bị giảm nghiêm trọng; nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp từ 245 tỷ đồng năm 2013 chỉ còn 85 tỷ đồng/năm 2014 và 120 tỷ đồng cho năm 2015; bảo hiểm y tế chưa chính thức chi trả cho điều trị HIV/AIDS; công tác xã hội hóa có nhiều khó khăn., mới có 12 tỉnh thí điểm thu phí điều trị ARV. Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh: việc thiếu nguồn kinh phí sẽ khiến công tác phòng chống HIV/AIDS tại nước ta gặp khó khăn và trở ngại trong việc điều trị ARV, Methadone, thanh toán bảo hiểm y tế. Hiện nay, vấn đề đầu tư bền vững vẫn là một thách thức lớn. Nếu kinh phí quốc gia không tăng lên để lấp bù những khoảng trống thì những thành tựu đạt được trước đây sẽ khó có thể duy trì.

Hướng đến mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% vào năm 2020

Giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ tập trung khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, đồng thời, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, phấn đấu 80% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 có hiểu biết đầy đủ về HIV; 80% người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với nguời nhiễm HIV; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện vào điều trị theo hướng dẫn điều trị quốc gia được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV với tải lượng vi rút dưới ngưỡng lây truyền...

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới là: tập trung phân phát bơm kim tiêm cho nhóm người nghiện chích ma túy, phát bao cao su cho nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV qua đường tình dục; thí điểm áp dụng và mở rộng điều trị nghiện bằng thuốc đối kháng, các thuốc mới và các thuốc y học cổ truyền trong điều trị cai nghiện; nghiên cứu áp dụng các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới. Ngành Y tế sẽ tiếp tục xây dựng hướng dẫn về điều trị dự phòng; cung cấp các trang thiết bị, sinh phẩm và vật phẩm triển khai chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường truyền thông thay đổi hành vi; mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm HIV với ít nhất 1 tỉnh có 1 phòng xét nghiệm và 30% số huyện có phòng xét nghiệm khẳng định HIV; triển khai và củng cố chất lượng giám sát HIV tại 40 tỉnh/thành phố trọng điểm.

Bài, ảnh: Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang