Chiều 5/8/2015, Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ nhận được điện thoại từ đường dây nóng báo có ngư dân bị tai nạn nguy kịch ngoài biển đang được tàu đưa vào đảo xin cấp cứu. Ngay lập tức, bệnh viện đã cử kíp cấp cứu và xe ra cảng chờ đón bệnh nhân.
Sau 40 phút kể từ khi nhận được tin báo, lúc 16h40 ngày 5/8, ngư dân Phạm Văn Thiết được nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sốc nặng do đau và mất máu kéo dài (ước tính mất khoảng 2,5 lút máu trong thời gian từ 14h – 16h30), mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Bệnh nhân bị đứt rời hoàn toàn ¾ cánh tay trái, gãy lộ xương cánh tay, các động mạch lớn phun nhiều máu, cùng với đa vết thương: 1 vết thường dài 5cm ở vùng đầu, sâu sát xương sọ, 1 vết thương vùng mắt trái, nhiều vết xây xước vùng ngực, cổ…
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các y bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân và hội chẩn nhanh với Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ. Bệnh nhân được gây mê hồi sức, khâu thắt mạch máu, cưa xương cánh tay, cắt lọc vết thương, tạo mỏm cụt. Do bị mất máu quá nhiều, nên sau mổ, bệnh nhân luôn trong tình trạng huyết áp tụt, vật vã kích thích, có nguy cơ tử vong cao.
BS. Nguyễn Đức Quân – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng do đa vết thương, lại mất máu quá nhiều. Bệnh viện đã báo cáo và xin ý kiến từ Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu Hải Phòng và lãnh đạo Huyện ủy – UBND huyện để huy động nguồn máu từ lực lượng hiến máu dự bị và thực hiện truyền máu kịp thời cho bệnh nhân.”
Sau khi huy động từ danh sách hiến máu dự bị, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương – Khoa Khám bệnh của bệnh viện đã kịp thời hiến máu để truyền cấp cứu cho bệnh nhân. Nhờ vậy mà 30 phút sau truyền máu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, huyết áp 100/60 mmHg, vết thương tại chỗ đã cầm máu. Đến 22h cùng ngày, sau khi xem xét đủ điều kiện vận chuyển bệnh nhân trên biển, bệnh viện đã cử 2 y bác sĩ chuyển bệnh nhân về đất liền để xử trí tiếp. Sau 10 tiếng lênh đênh trên biển, bệnh nhân đã về tới đầt liền và được bàn giao cho Tổ cấp cứu 115 lúc 8h30 ngày 6/8/2015.
Như vậy, chỉ trong 16 giờ đồng hồ, từ 16h30 ngày 5/8 đến 8h30 ngày 6/8, ngư dân bị tai nạn lao động đã được phẫu thuật, truyền máu cấp cứu và được chuyển về đất liền an toàn. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên bệnh viện huyện đảo thực hiện thành công việc truyền máu cho bệnh nhân.
Nhu cầu máu luôn cao nơi đảo xa
Bạch Long Vĩ là huyện đảo xa bờ nhất của thành phố Hải Phòng, là đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều kiện thời tiết quanh năm khắc nghiệt, điện và nước ngọt còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Dân số trên đảo biến động từ 1.000 – 3.000 người bao gồm cả ngư dân thường trú và tạm trú. Ngoài ra trên Vịnh Bắc Bộ thường xuyên có hàng nghìn tàu cá, tương ứng với 2.000 – 3.000 ngư dân của các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Định... đang tham gia khai thác thủy hải sản trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ nên nhu cầu chăm sóc y tế rất lớn.
Hàng năm, ngoài việc khám và điều trị nội trú cho 3.000 lượt bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ đã mổ tiểu phẫu hơn 150 ca, mổ trung phẫu hàng chục ca; cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng và khó như viêm ruột thừa cấp, thủng dạ dày, vết thương gan, chửa ngoài tử cung vỡ, xuất huyết tiêu hóa… Đối với các ca bệnh này, nhu cầu về máu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, liên quan trực tiếp đến sinh mạng người bệnh nơi đảo xa.
Câu chuyện về việc các bác sĩ nơi đây cùng đồng nghiệp đã cứu sống chị Nguyễn Thị Nhung (quê Yên Bái) năm 2013 cũng như nhiều bệnh nhân khác vào những thời điểm khó khăn luôn được người dân và nhân viên y tế nhắc đến. Chị Nhung bị đau bụng đột ngột, siêu âm ổ bụng phát hiện có nhiều dịch máu, được chẩn đoán chửa ngoài tử cung và tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, gió mùa tại đảo Bạch Long Vỹ mạnh cấp 6,7 giật cấp 8,9, sóng to nên không thể chuyển bệnh nhân về đất liền được. Sau khi hội chẩn, bệnh viện đã quyết định mổ cấp cứu cầm máu. Trong quá trình phẫu thuật ổ bụng người bệnh ngập máu, kíp mổ phải hút máu liên tục, tìm đường vỡ trong ổ bụng, sau đó cố định, khâu cầm máu đoạn vỡ, làm sạch ổ bụng. Ca mổ thành công, người bệnh an toàn tính mạng, dù được thực hiện trong tình trạng bệnh viện không có máu dự trữ, trang thiết bị thiếu thốn.
Hay câu chuyện về bệnh nhân Vũ Văn Dương (42 tuổi, quê Nam Định) nhập viện lúc 23h30 ngày 7/10/2014 trong tình trạng sốc do đa vết thương, cũng là trường hợp bệnh nhân có nhu cầu truyền máu. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu chống sốc, duy trì tốt mạch, nhịp thở, tiến hành gây mê hồi sức để phẫu thuật cắt lọc vùng hoại tử, khâu cầm máu, sắp xếp và cố định 2 xương gãy.
Còn hàng trăm câu chuyện bệnh nhân như vậy ở nơi “đầu sóng ngọn gió” và chắc chắn máu là thứ thuốc luôn có nhu cầu cao khi nguy hiểm của thiên tai, của tai nạn lao động luôn “rình rập” người dân.
Phát huy hiệu quả của lực lượng hiến máu dự bị
Đứng trước nhu cầu máu như vậy, ngày 1/7/2013, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ và Trung tâm Huyết học – Truyền máu Hải Phòng đã phối hợp tuyển chọn và xây dựng được lực lượng hiến máu dự bị tại huyện đảo Bạch Long Vĩ gồm 20 thành viên. Các thành viên là cán bộ UBND huyện, Ban Chỉ huy quân sự, Ban Quản lý cảng, Liên đội Thanh niên xung phong, cán bộ của bệnh viện. Tất cả đều có nhóm máu O.
Năm 2014, có 3 thành viên trong lực lượng hiến máu dự bị chuyển công tác về đất liền nên bệnh viện đã tuyển chọn bổ sung 3 thành viên khác, và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương là một trong những thành viên đó. Người dân tại huyện đảo đã luôn tự hào khi nhắc đến chị - người nữ hộ sinh luôn tận tình đến từng cụm, từng nhà dân để kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai và tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên đảo. Chồng chị Hương là bộ đội Trung đoàn 952 – Quân khu 3; gia đình chị Hương cũng như nhiều người khác đều nguyện gắn bó với đảo quê hương này.
Và giờ đây, khi nhắc đến chị Hương, người dân lại càng cảm thấy yêu mến, tự hào hơn bởi chị đã là người hiến máu cấp cứu cho ngư dân Phạm Văn Thiết tối 5/8/2015 vừa qua. Chị Hương tâm sự: “Là cán bộ y tế, làm được gì để cứu bệnh nhân thì mình đều cố gắng, nhất là ở nơi đảo xa như này, không thể có máu ngay được. Mình tin rất nhiều người khác cũng sẽ sẵn sàng hiến máu như mình thôi…”
Từng thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tại bệnh viện, nhưng lần này, bác sĩ Nguyễn Đức Quân – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ có lẽ hạnh phúc hơn nhiều với ca truyền máu đầu tiên tại đảo. “Ở nơi đảo xa này, một tháng chỉ có khoảng 02- 03 chuyến tàu ra đảo, thời gian tàu ra đảo trung bình 9-10 tiếng với điều kiện thời tiết thuận lợi; nguồn điện tại bệnh viện được duy trì bằng máy phát điện của huyện (từ 12 – 18 tiếng trong ngày). Đảo xa là thế, đi lại vô cùng khó khăn, nguồn điện không ổn định nên không thể đảm bảo điều kiện dự trữ máu tại đảo, cũng như khó nhận được sự hỗ trợ kịp thời về nguồn máu máu từ đất liền khi cần; do vậy mà việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại đảo là rất cần thiết. Việc huy động thành công người hiến máu dự bị cho bệnh nhân đã minh chứng hiệu quả của mô hình này”, bác sĩ Quân cho biết.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khẳng định thêm: “Trường hợp huy động người hiến máu dự bị tại đảo Bạch Long Vĩ càng khẳng định tính hiệu quả, thực chất của mô hình xây dựng lực lượng hiến máu dự bị đã được Viện triển khai trong nhiều năm qua tại một số huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là cách làm đúng hướng, tiết kiệm, an toàn, lại phát huy hiệu quả kịp thời trong những trường hợp cần máu cấp cứu, nhất là trong điều kiện thiên tai, thảm họa hoặc cần máu với số lượng lớn.”
Thành công trong việc huy động nguồn máu tại huyện đảo thêm một lần nữa giúp chúng ta hiểu hơn về những cán bộ y tế nơi đảo xa. Có đam mê, tâm huyết với nghề, họ mới thể bám biển, bám đảo, say mê cống hiến cho sức khỏe của người bệnh đến vậy.
Bài: Thanh Hằng , Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Tư liệu và ảnh do: BV đa khoa Bạch Long Vĩ cung cấp