Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nỗ lực điều trị lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc

  • |
T5g.org.vn - Lao kháng thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 12/22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu.
Bệnh nhân tại Khoa Lao kháng đa thuốc được khám và điều trị

Chăm sóc tận tình người bệnh

 Chúng tôi đến bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ vào những ngày đầu di dời về địa điểm mới. Bệnh viện được khánh thành không lâu, đội ngũ y bác sĩ vừa phải nhanh chóng làm quen cơ sở vật chất mới vừa đảm bảo công việc chăm sóc bệnh nhân không được chậm trễ. 

Đón chúng tôi tại Khoa Lao kháng đa thuốc là bác sĩ trưởng khoa Huỳnh Văn Thanh. Bác sĩ Thanh cho biết, Khoa hiện đang nhận điều trị và chăm sóc nội trú 12 bệnh nhân, có mấy bệnh nhân từ An Giang chuyển đến điều trị. Sau khi khám bệnh từng người, bác sẽ tư vấn kỹ hơn cho bệnh nhân và người nhà về căn bệnh lao đa kháng thuốc, cách ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp họ biết cách để tự bảo vệ mình và người thân khi được đưa về điều trị tại nhà. Bác sĩ cũng cho biết thêm, Khoa vừa cho một đợt bệnh nhân về điều trị và theo dõi tại Trạm Y tế gần nhà. Những bệnh nhân này đa phần thuốc có tác dụng tốt, không có nhiều ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc.

Nói đến chịu tác dụng phụ của thuốc, ông Ng.N.Th (64 tuổi, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) xúc động: “Tôi được phát hiện bị lao kháng thuốc và được điều trị không quá một tháng. Vì tác dụng phụ của thuốc, tôi hôn mê 2 ngày 1 đêm, tưởng đâu là chết. Cũng may nhờ bác sĩ Thanh tận tình cứu giúp, ngày mai tôi đã có thể xuất viện về điều trị tại nhà”. Ông Th. cũng tâm sự, bản thân ông không hút thuốc, sống trong môi trường sư phạm, thường xuyên tập thể dục và rất quan tâm đến sức khỏe vậy mà cuối đời bị bệnh lao kháng thuốc. Ban đầu, ông bị sốc về tâm lý khi phải tách biệt với mọi người, nhưng nhờ được bác sĩ tư vấn tận tình, ông hiểu rằng mình phải tuân thủ lời dặn của bác sĩ mới nhanh chóng khỏi bệnh.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ hiện đang quản lý điều trị lao kháng thuốc cho bệnh nhân của Cần Thơ và hỗ trợ điều trị nội trú giai đoạn đầu cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có bệnh viện lao. Trong năm 2015, 50 trường hợp lao kháng thuốc đã được chẩn đoán và điều trị trên địa bàn TP Cần Thơ và có 209 lượt bệnh nhân được các tỉnh chuyển đến. Tất cả bệnh nhân sau khi được các tỉnh chẩn đoán lao đa kháng thuốc và chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ quản lý, điều trị trong 2 tuần để theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng lao. Sau đó sẽ chuyển gởi bệnh nhân về tỉnh để được tiếp tục quản lý và điều trị tại địa phương.

Nỗ lực không ngừng trong điều trị

Lao kháng thuốc là bệnh chữa được nhưng phải điều trị đúng phác đồ, đúng thời gian, đủ liều lượng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần có quyết tâm, sự kiên trì trong thời gian dài (18-20 tháng) và được cung cấp những hiểu biết cơ bản về căn bệnh lao kháng thuốc để tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.

Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ, năm 2015, bệnh viện đã điều trị thành công 83/127 trường hợp lao kháng thuốc (chiếm tỷ lệ 65.35%); tử vong 9/127 trường hợp (chiếm tỷ lệ 7,08%). Trong số đó, 29 trường hợp (chiếm tỷ lệ 22.83%) điều trị lao kháng thuốc thất bại và đưa vào diện tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc.

Có rất nhiều nguyên nhân mắc lao kháng thuốc, như người mắc bệnh lao điều trị không đúng phác đồ, không đủ liều lượng, không tuân thủ thời gian; bị lây nhiễm bệnh từ người bị lao kháng thuốc; người bệnh tự mua thuốc kháng lao; sự chỉ định không đúng phác đồ của bác sĩ do người bệnh tự đến phòng mạch tư, không phải bác sĩ chuyên khoa v.v.. Lao kháng thuốc không chỉ gây nguy cơ tử vong cao với người bệnh mà còn mang lại khó khăn, vất vả cho bác sĩ và là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.

Từ tháng 11/2015, Bộ Y tế đã triển khai thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) trong điều trị người bệnh lao kháng thuốc. Chương trình sẽ được thí điểm điều trị cho 100 bệnh nhân tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ, sau đó sẽ nhân rộng trên cả nước nếu các phương pháp này đạt hiệu quả cao. Thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc được kỳ vọng sẽ đem lại cho người bệnh cơ hội được điều trị khỏi, giảm gánh nặng bệnh tật, vật chất và tinh thần cho không chỉ người bệnh, mà còn cả gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Khoa Lao kháng đa thuốc khuyên người dân đến tổ chống lao của Trung tâm Y tế dự phòng gần nhất khám nếu cơ thể có những một hoặc nhiều dấu hiệu như: Chán ăn, sụt cân, suy kiệt; Ho kéo dài, khạc ra đàm, đôi khi vướng máu; Đau tức ngực; Bị sốt trong thời gian dài; Đổ mồ hôi đêm; Có tiền sử điều trị lao hoặc có nguồn lây xung quanh... Các dấu hiệu này cũng hay gặp ở nhiều bệnh khác. Vì vậy, để chắc chắn rằng đây là lao, bạn cần được làm vài xét nghiệm chẩn đoán phân biệt. Phát hiện sớm bệnh, chúng ta có thể phòng ngừa lây nhiễm cho người thân và cộng đồng, điều trị dễ dàng hơn do cơ thể chưa suy yếu.

Điều vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị là người bệnh cần phải dùng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian bác sĩ chuyên khoa về Lao yêu cầu. Tiếp tục uống thuốc ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Vi khuẩn bị tiêu diệt rất chậm, một số loại vi khuẩn lao vẫn còn trong cơ thể ngay cả khi chúng ta tưởng như đã khỏi bệnh. Nếu ngưng thuốc quá sớm, vi khuẩn lao có cơ hội tăng sức đề kháng trở thành tiền siêu kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc. Đây là thể lao đặc biệt nguy hiểm, vì nó kháng các loại thuốc điều trị. Cũng vì thế mà quá trình điều trị thường tốn kém, phức tạp và thời gian điều trị cũng kéo dài, nguy cơ tử vong rất cao.

Bài, ảnh: Kim Nhiên, t4g Cần Thơ

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang