Tính đến ngày 9/12/2013, số người nhiễm cúm A(H7N9) đã tăng lên 143 người, làm tử vong 47 người. Nghiêm trọng hơn, dịch cúm đã lây lan rộng ra các nước, khu vực ngoài lãnh thổ Trung Quốc như Đài Loan, Hồng Kông. Dù hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện dấu hiệu lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9) trên người, động vật. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá: Việt Nam vẫn là nước có nguy cơ cao lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh, đòi hỏi các nhà quản lý về y tế, nông nghiệp, người dân cần tiếp tục cẩn trọng, không chủ quan trước khả năng lây lan của vi rút cúm A(H7N9).
Việt Nam tích cực triển khai công tác dự phòng chống cúm A(H7N9)
Tháng 3/2013, khi dịch cúm A(H7N9) đang có dấu hiệu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các công tác phòng chống dịch mà trọng điểm là thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A(H7N9) do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế là Trưởng Ban. Đồng thời, Bộ Y tế đã kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành y tế, nông nghiệp, công thương... giám sát chặt chẽ tình hình dịch, kiểm soát ổ dịch trên gia cầm; ngăn ngừa nhập lậu, buôn bán và tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.Bên canh đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A(H7N9) đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, với các công tác như: thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, đặc biệt là tăng cường chỉ đạo khi có ca mắc mới tại Quảng Đông, Chiết Giang, Hồng Kông (tháng 7, 10, 11/2013); Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống đại dịch cúm ở người với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 32 tỉnh/thành phố; Rà soát Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9), sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống theo từng tình huống; Thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh; ban hành văn bản hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch, lấy và bảo quản mẫu bệnh phẩm, chẩn đoán điều trị; tổ chức tập huấn cho các đơn vị liên quan; củng cố hệ thống phòng xét nghiệm quốc gia, đạt đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm A(H7N9); tăng cường giám sát tại cửa khẩu, trung bình có >130.000 lượt người nhập cảnh/ 1 tháng từ Trung Quốc, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh; tăng cường giám sát trọng điểm bệnh cúm, phát hiện sớm ca mắc đầu tiên tại cơ sở điều trị và cộng đồng. Xét nghiệm 4.797 mẫu bệnh phẩm ở người, không ghi nhận trường hợp (+) cúm A(H7N9); phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sự lưu hành vi rút cúm trên gia cầm. Lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc và gia cầm tại các chợ đầu mối; duy trì mạng lưới thu dung, điều trị; tăng cường hoạt động của các đơn vị huấn luyện, điều trị hỗ trợ; kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch. Phát biểu tại Hội thảo Tham vấn tăng cường giám sát và phòng chống dịch cúm A(H7N9) tổ chức ngày 9/12/2013 tại Hà Nội, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm cúm A(H7N9), thành công này có được là do ngành Y tế đã làm tốt công tác dự phòng, phối hợp thông tin chặt chẽ với ngành Thú y, các tổ chức quốc tế để kiểm soát nguồn bệnh.
Hiện tại, hệ thống phòng dịch, cũng như hệ thống đáp ứng về y tế khi dịch cúm A(H7N9) xâm nhập và bùng phát đã cơ bản được hoàn thiện sẽ giúp ngành Y tế có thể chủ động với các tình huống, diễn biến của dịch trong thời gian tới.
Xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch