Chị Đỗ Thị Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và anh chị, cùng với sự yêu thích nghề thầy thuốc, chị đã quyết định thi vào trường Trung cấp Y tế Quảng Bình. Uớc mơ đó trở thành hiện thực cùng với nung nấu trong chị một khát khao cháy bổng là phải cố gắng làm sao học thật giỏi để sau này đóng góp được nhiều cho xã hội và giúp ích được nhiều cho bà con quê hương. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình với chuyên ngành y tá điều dưỡng, chị được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho đến nay. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng với những kiến thức học tập và kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên trẻ sinh năm 1979 này đã sớm được khẳng định trong công việc.
Trong hơn nửa tháng qua hình ảnh của chị đi làm công tác thiện nguyện ở các xã vùng lũ đã được nhiều người biết đến, chị đã đến những vũng lũ nguy hiểm để cùng ăn, cùng làm, cùng khám, chữa bệnh giúp đỡ người dân chống lũ và khắc phục hậu quả. Với những viên thuốc, gói mì tôm, bao gạo, áo quần, giầy dép…để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn này. Chị đã làm công việc rất âm thầm lặng lẽ, thuê xe vận chuyễn và cứ thế lên đường mang đến niềm vui cho bà con nhân dân vùng lũ. Những giọt mồ hôi thấm đẫm nhưng với chị mang một chút công sức của mình để giúp đỡ bà con vuợt qua khó khăn trước mắt là việc cần làm. Chị Đỗ Thị Trang chia sẻ: Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi thấu hiểu nổi khổ của nhiều người dân, tâm nguyện và mơ ước từ nhỏ là giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Là một cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn và nhiều triển vọng này, một đoàn viên đầy nhiệt huyết, luôn tham gia tích cực các phong trào. Với chị luôn mang trong mình một sức trẻ, tinh thần xung kích, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Chị cùng với đội ngũ y, bác sỹ của ngành y tế đã tình nguyện khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và những vùng bị lũ. Từ những chuyến đi như thế chị đã nung nấu phải làm những gì để đóng góp hổ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn, những gia đình gặp hoạn nạn trong lũ lụt… Năm 2014 với những trăn trở đó chị đã thực hiện được điều đó, chị đã lập nhóm cháo thiện nguyện tổ chức nấu cháo cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bênh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh vào ngày Rằm và mồng 1 hàng tháng. Trong 2 cơn lũ vừa qua chị đã kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm ở các tỉnh khác đã về 5 xã Kim Hoá, Lâm Hoá (Tuyên Hoá); Hưng Trạch (Bố Trạch); Quang Phú (Đồng Hới); Cảnh Dương (Quảng Trạch) để chia sẻ, hỗ trợ 800 suất quà, gạo, tiền mặt, áo quần, giầy dép với bà con trong lúc khó khăn này.
Những công sức của chị đã được đền đáp bằng những cái bắt tay, nụ cười, sự cảm ơn và những tình cảm mà bà con dành cho chị. Trong những ngày mưa gió, lầy lội khó khăn đó, màu áo thanh niên của chị đồng hành chia sẽ và giúp đỡ những người dân. Chị thể hiện tinh thần xung kích trách nhiệm của thế hệ trẻ trong tương lai. Với tấm lòng và bàn tay nhỏ bé cùng chung sức giúp đỡ hổ trợ người dân trong những lúc khó khăn càng làm tăng thêm tình người, tình cộng đồng và làm tăng thêm tinh thần đoàn kết. Những giọt mồ hôi, nụ cười, những cái bắt tay và những món quà của chị mang đến tuy nhỏ, thật đáng quý và đáng trân trọng. Bằng tình cảm của mình chị đã giúp dỡ bà con vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Thành Trung (T4G Quảng Bình)