Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

SÁNG MÃI PHẨM CHẤT CAO ĐẸP VÀ SỨ MỆNH CAO CẢ CỦA NGÀNH Y

  • |
T5g.org.vn - Trong kỷ nguyên số hiện nay, các thông tin chưa được kiểm chứng, xấu độc… xuất hiện tràn lan. Đối với lĩnh vực y tế, các nội dung liên quan đến một số cán bộ vi phạm; tình trạng giả danh, lợi dụng hoạt động chuyên môn để lừa đảo… ngày một phổ biến. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ hình ảnh và uy tín của ngành, giữ vững phẩm chất cao đẹp của những chiến sĩ áo trắng…

Tràn lan thông tin sai sự thật, lừa đảo liên quan đến công tác y tế

Vào thời điểm Việt Nam cùng thế giới “căng mình” trong cuộc chiến với COVID-19, thì các thế lực thù địch, phản động, đối tượng bất mãn chính trị đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh... Mục đích của chúng nhằm gây hoang mang trong nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự xã hội. 
Ví dụ như các đối tượng xuyên tạc “bệnh nhân thứ 17 - Nguyễn Hồng Nhung là “con dê tế thần” để giúp Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra”... 
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang dư luận. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh; bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam... Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã chia sẻ, vô tình tiếp tay, lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, công kích Chính phủ “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh,…
Mặt khác, lợi dụng việc một số lãnh đạo, cán bộ y tế bị kỷ luật, bắt giam vì sai phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đối tượng này đã bịa đặt nhiều thông tin sai sự thật, làm “che mờ” sự nỗ lực, hi sinh của toàn ngành y tế - những người đã trực tiếp đương đầu và có vai trò quyết định cho thắng lợi trong cuộc chiến cam go ấy,... 

Nhãn

Cùng với xuyên tạc thông tin về công tác phòng, chống dịch, tình trạng giả danh nhân viên y tế, lợi dụng các hoạt động liên quan đến công tác khám, chữa bệnh; bán thuốc, thực phẩm chức năng…cũng xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều trên mạng xã hội.
Theo thông tin được đăng tải trên Báo Nhân dân tháng 12 năm 2023, một nữ bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội thông báo về khoản nợ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến 29 triệu đồng. Sau khi xác minh và điều tra, Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, nơi người này khám và sử dụng dịch vụ y tế trong năm qua khẳng định đây là một chiêu thức lừa đảo.  
Mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã thông tin về vụ án liên quan đến một ổ nhóm tội phạm chuyên giả danh nhân viên y tế lừa đảo khám bệnh định kỳ với nhiều người. Cụ thể, Cơ quan CSĐT phát hiện Nguyễn Văn Tâm (ngụ ở huyện Ý Yên, Nam Định) cầm đầu một nhóm gồm 10 đối tượng khác tiến hành mua thông tin bệnh nhân, sau đó, dùng điện thoại sim rác, giả danh bác sĩ, thanh tra sở y tế… mời mua thuốc và tham gia chương trình khám sức khỏe miễn phí.Qua điều tra, Cơ quan công an xác định 5 nạn nhân, bị nhóm Nguyễn Văn Tâm lừa đảo với số tiền chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng.
Còn theo các thông tin đăng trên báo Toquoc.vn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cuối năm 2023, một nhóm đối tượng ở đã bị khởi tố vì giả mạo bác sĩ để lừa đảo. Đó là Phạm Viết Trung (28 tuổi, trú Hoa Lư, Ninh Bình), cùng 25 người khác bị Công an huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho thấy, Trung giao nhân viên lập các trang Facebook giả mạo "Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết" hoặc "Bệnh viện Quân y 103", để lại thông tin, số điện thoại xin tư vấn, mua thuốc,… sau đó gọi điện, tự xưng là bác sĩ và đưa ra những thông tin sai sự thật về thuốc, thực phẩm chức năng để mời chào mua các liệu trình điều trị. Với thủ đoạn trên, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.
Song song với đó, các “chợ” thuốc online cũng hoạt động rất sôi động. Cụ thể, hiện nhiều loại thuốc phải kê đơn được bày bán công khai phổ biến trên mạng mà không cần đơn của bác sĩ, như: kháng sinh (nhất là kháng sinh đắt tiền như Klacid, Aumentin…), cảm cúm (Tamiflu…)… Điều này xuất phát từ thực tế là nhiều người dân ngại đi khám khi có vấn đề về sức khoẻ, nên tận dụng sự tiện lợi của công nghệ, để tự tìm hiểu, tự tìm kiếm trên mạng những loại thuốc mà mình đã được bác sĩ chỉ định từ lâu hoặc tự mua theo "mách bảo" của người khác... Từ đó, gây ra nhiều hệ lụy cả về sức khỏe và kinh tế đối với người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế...

Làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, lừa đảo

Trước thực tế trên, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị chức năng đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhằm phản bác lại các thông tin sai sự thật, xuyên tác về công tác phòng, chống dịch; cũng như hoạt động của ngành y tế, củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo vệ uy tín, hình ảnh, giữ vững phẩm chất cao đẹp của các chiến sĩ áo trắng nói riêng, ngành y tế nói chung….
Đối với các thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch; lực lượng Công an đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, đã xác minh, làm việc với hàng nghìn trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm,…
Trong công tác phòng, chống dịch, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, công tác triển khai chủ động, quyết liệt của Bộ Y tế và các ngành, đơn vị, địa phương, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,…), theo phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhờ đó, ngày 20/10/2023 bệnh COVID-19 chính thức được Bộ Y tế điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. 
Liên quan đến tình trạng lừa đảo về nợ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm rõ và thông tin khuyến cáo tới người dân: Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các địa phương không thực hiện việc thông báo qua cuộc gọi hay tin nhắn về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Người dân khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn về nội dung này cần từ chối thực hiện yêu cầu và thông báo cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Về tình trạng lợi dụng, giả danh nhân viên y tế, lừa đảo, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh; cũng như các nội dung giới thiệu về thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe; khi mua, cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn và https://nghidinh15.vfa.gov.vn trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. 
Theo Cục Quản lý dược, trước thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng và các sàn giao dịch điện tử, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng Internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.

Đẩy mạnh công tác truyền thông y tế

Tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25 tháng 10 năm 2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ toàn dân. 
Thời gian qua,công tác truyền thông y tế đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức để người dân chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch COVID-19 được kiểm soát,... 
Theo Quyết định số 128/QĐ-BYT ngày 17 tháng 01 năm 2024 của Bộ Y tế, công tác thông tin, truyền thông y tế năm nay sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
- Truyền thông chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Tăng cường truyền thông về các thành tựu, sự kiện y tế nổi bật, tiêu biểu; các thành tựu kỹ thuật y khoa chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; các ca bệnh lần đầu tiên được triển khai tại đơn vị, các ca bệnh hiếm gặp, kỳ tích y khoa nhằm phục vụ công tác chăm sóc toàn diện người bệnh và nâng cao sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh; kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại; dữ liệu thông tin y tế; thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia; cải cách hành chính;...
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về dịch bệnh, bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; thực hiện truyền thông nguy cơ giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và chủ động phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, tích cực tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, ủng hộ và tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe tại địa phương, đơn vị. 
- Nâng cao y đức, y nghiệp, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, nhân viên y tế; phát động Phong trào toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe,...
Đối với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế, trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức 03 Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực truyền thông giáo dục sức khỏe” tại TP Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) và Hạ Long (Quảng Ninh). Các Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ/Cục, Văn phòng Bộ, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở Y tế, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh, thành phố trong cả nước. 
Chỉ đạo tại các Hội thảo, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe trong thời gian qua, đặc biệt là trong phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, ghi nhận, tiếp thu những khó khăn và vướng mắc hiện nay của các đơn vị như chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề, trang thiết bị..., và chỉ ra 3 vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới, là: Cần xây dựng hướng dẫn và phải định hình được mô hình truyền thông cho từng lĩnh vực…; Xây dựng quy trình phối hợp, cách xử lý thông tin khi có vấn đề xẩy ra từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng kho dữ liệu truyền thông và tăng cường chia sẻ tài liệu truyền thông giữa các đơn vị, địa phương để đa dạng hóa các hoạt động, hình thức, nâng cao hiệu quả truyền thông y tế…

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ y tế

Để bảo về uy tín, hình ảnh, truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế, của những chiến sĩ áo trắng, thì nội dung rất quan trọng là tự mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải ý thức được sứ mệnh của mình và biết trân trọng, bảo vệ, gìn giữ các phẩm chất cao quý ấy. Để làm được nội dung này, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm củng cố niềm tin của các công chức, viên chức, người lao động ngành y tế.
Ngày 15 tháng 6 năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2948/QĐ-BYT về Kế hoạch thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2026. Qua đó, giúp công chức, viên chức ngành Y tế hiểu biết, giữ vững quan điểm, lập trường tư tưởng của Đảng, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; cung cấp, trang bị kiến thức, lý luận để công chức, viên chức ngành Y tế chủ động, tích cực tham gia chống mọi biểu hiện tư tưởng, quan điểm đa nguyên, đa đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.Trên cơ sở đó tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nói riêng là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân trong tình hình mới.
Nội dung giáo dục chính trị tư tưởng tập trung vào: Tăng cường giáo dục về Chủ nghĩa Mác Lê Nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối quan điểm của Đảng; các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng. Quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của công công chức, viên chức y tế, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp ngành Y tế.Nghiên cứu, học tập lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống cách mạng của Đảng, của đất nước; nghiên cứu, biên soạn tài liệu về lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Y tế; lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề của công chức, viên chức; Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Y tế, Điều răn dạy của Danh y Hải thượng Lãn Ông (8 tội người thầy thuốc cần tránh, 9 điều Y huấn cách ngôn), Lời thề Hyppocrates…; Về tấm gương sáng tạo, vượt qua khó khăn, sẵn sàng hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện nay...

Người dự thi: Nguyễn Phi Trường

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang