Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong, trong đó có 42,913 trường hợp nhập viện, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc tăng nhanh tại 35 tỉnh, thành phố các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương cần gấp rút có những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế số ca mắc mới, hạn chế số ca tử vong thì mới chặn đứng dịch bệnh sốt xuất huyết”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nhược điểm lớn nhất về phòng, chống dịch bệnh hiện nay là công tác truyền thông "chưa đúng, chưa trúng". Các thông điệp truyền thông đều tập trung vào việc như khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường... Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sôi, phát triển trong môi trường nước sạch, vì thế cần tuyên truyền để người dân thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước như bể nước, lu, bình hoa… ít nhất 1 tuần 1 lần; úp các vật dụng chứa nước không dùng đế; Đậy nắp lu khạp chứa nước, loại bỏ phế thải có đọng nước như các chai lọ, gáo dừa, lốp xe…
Cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh sốt xuất huyết là các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi trưởng thành tại gia đình và cộng đồng đang mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên và bền vững. Vì vậy các đơn vị cần phải xây dựng các thông điệp truyền thông phù hợp với địa phương, với từng nhóm đối tượng truyền thông.
Về công tác điều trị, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay công tác phân loại, lọc bệnh đối với bệnh nhân sốt xuất huyết chưa thực sự tốt khiến cho một số bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi 80% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại địa phương.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, để “không có lăng quăng/bọ gậy không có sốt xuất huyết” cần dẹp bỏ tất cả các dụng cụ chứa nước không cần thiết như lu, khạp, chai lọ, mảnh dừa… Khi có muỗi thì phải để cán bộ y tế vào phun diệt muỗi. Khi bị sốt xuất huyết thì phải đến cơ sở y tế và theo sự tư vấn của cán bộ Y tế. Bệnh nặng thì nhập viện, bệnh nhẹ thì theo dõi điều trị ngoại trú. Không nên vào các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện Trung ương làm quá tải, tăng tỷ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện và bị lây chéo các bệnh khác.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Hà Nội trong công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2017.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh; lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức tập huấn hướng dẫn điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em; chia sẻ các kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết tại các bệnh viện trong khu vực miền Nam, miền Trung và Tây nguyên.
Hoài Phương