Phóng viên: Thưa bà, tại sao Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) lại chọn chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai”?
Bà Ritsu Nacken: Ngày Dân số Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 11.7 hàng năm nhằm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới tới một số vấn đề dân số nổi bật của thời đại. Chủ đề mà Liên hiệp quốc lựa chọn năm nay là “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai”, đặc biệt tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên, thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Khi xảy ra xung đột và thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như bị lạm dụng, bóc lột tình dục, bạo lực và cưỡng hôn. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sống sót sau các tình huống khủng hoảng sẽ buộc phải trở thành trụ cột gia đình đồng thời gánh một trách nhiệm đặc biệt là chăm sóc con cái. Họ thường phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để có thể chăm sóc cho con cái, cho những người thương tật trong gia đình, cho những người cao tuổi, đồng thời họ cũng là người chịu những gánh nặng trong hoạt động cứu trợ và tái thiết cuộc sống sau khi xung đột hoặc thiên tai xảy ra. Phụ nữ và trẻ em gái cũng là đối tượng yếu thế trong xã hội. Đó là lý do tại sao chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay nêu bật những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trong thảm họa và thiên tai. Trong một báo cáo được công bố gần đây, Liên hiệp quốc đã cảnh báo rằng số người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú đã lên tới con số kỷ lục- gần 60 triệu người tính tới thời điểm cuối năm 2014.
* Phóng viên: Khi thiên tai xảy ra, Quỹ Dân số Thế giới thường hỗ trợ những gì cho phụ nữ và trẻ em gái?
Bà Ritsu Nacken: Khi thiên tai xảy ra, UNFPA thường hỗ trợ bộ dụng cụ vệ sinh, cung ứng các phương tiện phục vụ chăm sóc sản khoa, các phương tiện phòng tránh thai, huy động các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và cung cấp các hình thức hỗ trợ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số dễ bị tổn thương. UNFPA cũng thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo việc đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và thanh niên khi các trường hợp khẩn cấp vừa xảy ra trong giai đoạn tái thiết. Mục đích của chúng tôi là đảm bảo phẩm giá, sự an toàn và sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
Trong trận động đất kinh hoàng tại Nepal ngày 25.4.2015 vừa qua, đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người. Hàng ngàn người bị thương, phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và các di sản văn hóa hết sức giá trị của đất nước Nepal. Trong số những người bị ảnh hưởng, ước tính có 2 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản cần được hỗ trợ ngay lập tức. Có tới 126.000 phụ nữ mang thai có nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. UNFPA đã có mặt để đảm bảo phụ nữ có thai được sinh đẻ an toàn và cung cấp các hàng hóa thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chúng tôi hỗ trợ bộ dụng cụ hỗ trợ sinh đẻ và cung cấp băng vệ sinh và các hàng hóa thiết yếu khác nhằm giúp phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên đảm bảo các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai. Trong các hỗ trợ giúp tái thiết lại cuộc sống, chúng tôi tập trung vào các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
* Phóng viên: Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, bà có khuyến cáo gì để Việt Nam cần có để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đặc biệt là với những người dân sống trong khu vực đó?
Bà Ritsu Nacken: Việt Nam trở thành nước hình mẫu trong công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình như trong giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em sơ sinh. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng do thiên tai. Khoảng 70% dân số Việt Nam sống ở ven biển và ở những khu vực tương đối thấp so với mực nước biển. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, đồng thời đảm bảo các nhu cầu quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên không bị bỏ qua; khuyến khích sự tham gia của thanh niên, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Việt Nam cần tuyên truyền vận động hỗ trợ cho các hoạt động thu thập thông tin và thực hiện báo cáo với các cơ sở dữ liệu phân tích theo giới tính và tuổi trong các phòng khám và cơ sở y tế; xác định các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và xác định đơn vị có chức năng thực hiện công tác đầu mối; tạo lập mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho phụ nữ, thanh niên, thiếu niên với các dịch vụ khác như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục…
* Phóng viên: UNFPA có hỗ trợ như thế nào với Việt Nam đặc biệt là với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai?
Bà Ritsu Nacken: UNFPA hợp tác với Chính phủ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các đối tác phát triển giúp đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và các em gái vị thành niên. Khi thiên tai xảy ra, UNFPA có mặt kịp thời để đảm bảo quyền và nhu cầu của phụ nữ và các em gái vị thành niên được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của họ, góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng. UNFPA phối hợp với chính quyền Việt Nam để cung cấp các thiết bị thiết yếu đảm bảo cuộc sống và sức khỏe sinh sản cho người dân đặc biệt là người dân ở những vùng khó khăn và vùng sâu, vùng xa.
Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận thấy Việt Nam vẫn có nhu cầu cao về các thiết bị phục vụ phòng, tránh thai, kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi đang và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ở Việt Nam cung cấp những dụng cụ tránh thai đến các nhóm đối tượng dân cư đặc biệt với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, dân di cư. Chẳng hạn, chúng tôi có Đề án hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, tập trung cung cấp các dịch vụ dân số chất lượng Ngoài ra, chúng tôi cũng có các dự án hỗ trợ và phối hợp về công tác truyền thông nâng cao sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cho giới trẻ, chú trọng đến các em học sinh. Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam trong hoạch định chính sách, trong xây dựng ban hành Luật, và các văn bản dưới Luật về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình… Chúng tôi rất vui khi đóng góp vào thành công chung trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam trong thời gian qua.
* Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn bà đã cung cấp thông tin và trả lời phỏng vấn!
Bài, ảnh: Quang Nguyễn