Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Thông tin dầu cá ăn mòn hộp xốp: Thực hư thế nào?

  • |
(Sức khỏe & Đời sống) - Ngay sau khi nhận được thông tin, đêm 6/1, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau.

* Về  thông tin sản phẩm dầu cá Omega 3 tại Quảng Ngãi bị nghi độc hại vì khi tiếp xúc với bề mặt miếng xốp đã bào mòn, xuyên thủng vật liệu này chỉ trong 10 phút gây hoang mang dư luận, chiều ngày 7/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức họp báo làm rõ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đêm 6/1, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau. Từ kết quả thử nghiệm này, tại cuộc họp báo, cơ quan chức năng đã khẳng định, việc dầu cá ăn mòn hộp xốp là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp

Tại cuộc họp báo, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi về sản phẩm dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp, ngay trong đêm 6/1, Cục đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp. Kết quả phân tích trên máy trong sáng ngày 7/1 cũng chưa phát hiện điều gì bất thường về an toàn thực phẩm trong các mẫu dầu cá đã thử nghiệm. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cung cấp thêm thông tin: Chúng tôi đã liên hệ với các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia hàng đầu trong nước và được biết, dầu cá tự nhiên có các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để như vậy thì dầu cá dễ bị phân hủy, biến chất. Vì thế, để đảm bảo độ ổn định và bảo quản được lâu hơn, các loại dầu cá thường được nhà sản xuất ester hóa. Với bản chất này, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (vì trong xốp có thành phần là polystyrene), thời gian hòa tan nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau

“Khi vào cơ thể con người không có polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không bào mòn ruột, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi vào cơ thể con người, dầu cá qua quá trình hấp thu và phân hủy sẽ tạo ra các chất có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm không ăn mòn thì có thể không được ester hóa, như vậy thời gian bảo quản sẽ ít hơn”- TS. Phong khẳng định.

Công dụng của dầu cá tự nhiên và dầu cá ester khác nhau thế nào?

Trước câu hỏi, giữa dầu cá tự nhiên và dầu cá ester hóa có gì khác biệt về công dụng, về tác động với sức khỏe con người, TS. Phong giải thích: dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để vậy dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. Nhưng việc ester hóa không có nghĩa là dầu cá không còn tự nhiên, mà là để bảo quản, không làm chất béo trong dầu cá bị phân hủy và tác dụng của dầu cá là còn nguyên. Còn nếu không ester hóa, chất béo không ester có thể chưa mất tác dụng ngay từ ban đầu nhưng sẽ mất đi theo thời gian. Vì thế, các loại sản phẩm trên thị trường hầu như đều ester hóa bởi nó không gây hại cho sức khỏe con người, không làm bào mòn ruột mà giữ được chất béo dầu cá tốt hơn.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: người tiêu dùng có thể vào website chính thức của Cục An toàn thực phẩm đều có đầy đủ thông tin về công ty, sản phẩm, số công bố để người tiêu dùng có thể so sánh, đối chiếu, biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng trôi nổi.

Được biết, sắp tới Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với một số đơn vị làm công nghệ, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động soi vào mã số vỏ hộp sẽ hiện ra tên công ty, tên sản phẩm, ngày công bố bao nhiêu, số công bố như thế nào, hạn dùng ra sao.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang