Thay mặt Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan báo cáo, trong hơn 2 năm qua kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu đã có những diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.
Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của klhu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm) theo báo cảo của WHO năm 2021. Tầm vóc và tuổi thọ của người dân được cải thiện rõ rệt. Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…). Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italy, Pháp... Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2 - 1/3. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, trao đổi kinh nghiệm…
Bên cạnh đó, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại và hạn chế. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những thành quả và khó khăn trong thời gian qua của ngành Y tế; đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều tâm tư, tâm trạng khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế. Đảng, Nhà nước và Nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, được cả xã hội trân trọng. Ngành Y là ngành có sứ mệnh đặc biệt, chăm lo sức khỏe cho nhân dân; người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức, bởi "thầy thuốc như mẹ hiền". Ngành nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, nhưng đạo đức nghề nghiệp càng đặc biệt quan trọng với ngành Y tế.
Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc, nhất là thực hiện thành công chiến lược vaccine; tham mưu Chính phủ ban hành và trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực y tế, các nghị quyết phục vụ công tác phòng chống dịch; Đẩy mạnh triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tiếp tục được củng cố và phát triển; Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoàn thành đồng bộ dữ liệu hơn 92 triệu mũi tiêm phòng COVID-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước công dân phục vụ người dân khám chữa bệnh; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19% (chỉ tiêu là 20,4%); tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu là 9,4/1 vạn); số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu là 29,5/1 vạn).
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của ngành Y tế, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn còn diễn ra; thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; vẫn còn những vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Tài chính y tế còn nhiều bất cập trong việc thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, thanh toán bảo hiểm y tế.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra, có biểu hiện chủ quan, lơ là, thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh (sốt xuất huyết, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ…). Hiện nay, ngành Y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá bởi những bất cập, vướng mắc cản trở hệ thống y tế phát triển đã được bộc lộ rõ và được nhận thức đầy đủ hơn. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn chia sẻ và ủng hộ sự thay đổi để phát triển ngành Y tế. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm quan điểm: Phải thấm nhuần quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ; Phải tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân. Không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, xứng đáng; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư; Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng nhạy cảm càng phải đoàn kết. Các cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Y cần chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời Bác Hồ đã dạy:"Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc..."; Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn; Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành Y tế, cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19, triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị, thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác; Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý; Quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế; Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý; Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tăng cường chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, nhất là tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch; Tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược.
Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiếp tục đồng hành, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Nam Nguyên