Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Tiêm chủng - Giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho cộng đồng

  • |
T5g.org.vn - “Tiêm chủng là giải pháp phòng bệnh cho con em mình, gia đình cũng như cộng đồng” – là khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014 -2015 diễn ra ngày 7/8/2015, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến dịch

Phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella

Tại Việt Nam, trước khi triển khai tiêm 1 liều vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc với hàng chục nghìn trường hợp mắc, sau đó dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ dịch cách nhau khoảng 3 – 4 năm. Tương tự, bệnh rubella cũng thường xảy ra từng đợt theo chu kỳ 2-3 năm tại nhiều địa phương trên cả nước với hàng ngàn trường hợp mắc, tập trung chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em. Việc tiêm vắc xin sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 10 năm 1985. Các năm sau đó, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010, sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên toàn quốc cuối năm 2010 tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm trong các năm 2010 – 2012. Để chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, nâng cao miễn dịch cộng đồng, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh rubella tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi – rubella miễn phí cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 trên toàn quốc từ cuối năm 2014 đến tháng 5 năm 2015.

Khi chiến dịch bắt đầu, các bộ, ngành liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo để phối hợp triển khai, thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ độ tuổi từ các cấp mầm non đến 14 tuổi; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động gần 2.000 lượt cán bộ tham gia triển khai tại hơn 1.000 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 63 tỉnh, thành phố đã huy động 18.870 cán bộ tham gia giám sát chiến dịch ở các tuyến, có 84.247 lượt giám sát được thực hiện, số cơ sở được giám sát là 58.109 điểm.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là chiến dịch tiêm vắc xin có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nên công tác chuẩn bị cho chiến dịch là hết sức quan trọng, cần sự chuẩn bị kỹ càng về các nội dung chuyên môn, kế hoạch tổ chức, sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương để tạo được sự đồng thuận cao, huy động đủ các nguồn lực cũng như sự tham gia của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế. Chiến dịch đã huy động sự tham gia của hơn 320.000 lượt cán bộ y tế thuộc hệ y tế dự phòng, điều trị, lực lượng quân y và y tế khác. Hơn 66.000 điểm tiêm chủng được triển khai trong toàn quốc, trong đó có những điểm tiêm chủng lưu động thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn. Chiến dịch nhận được sự hướng ứng tham gia của hơn 470.000 cán bộ thuộc ngành Giáo dục, Quân y, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

Bộ trưởng biểu dương đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đã có những thông tin kịp thời, tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và vận động người dân đi tiêm chủng.

Thực hiện tiêm chủng an toàn

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong suốt quá trình triển khai không ghi nhận sự cố nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Có 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như: sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu … chiếm 0.08%. Có một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được Hội đồng chuyên môn thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân, tổ chức cấp cứu kịp thời, không có trường hợp nào tử vong. Tỷ lệ các phản ứng ghi nhận trong chiến dịch nằm trong ngưỡng nghiên cứu của nhà sản xuất. Trong quá trình triển khai tiêm chủng, một số địa phương ghi nhận hiện tượng phản ứng tâm lý dây truyền, Bộ Y tế đã thành lập ngay Hội đồng khoa học để giải quyết kịp thời, giải thích và tổ chức điều trị tâm lý cho trẻ. Bộ Y tế đã chủ động cung cấp thông tin khẳng định hiện tượng này không phải do vắc xin nên đã làm yên lòng các cán bộ cũng như người dân.

Tiến sĩ Lokky Wai, đại diện Tổ chức y tế thế giới chia sẻ, gần 20 triệu trẻ em đã được tiêm chủng an toàn trong chiến dịch, cho dù với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì đây là một thành tựu vô cùng to lớn. Chiến dịch tiêm chủng sởi – rubella một lần nữa chứng minh tiêm chủng là một sự đầu tư hiệu quả đối với sức khỏe của trẻ em trên khắp Việt Nam.Tiến sĩ Lokky Wai khẳng định, với năng lực sản xuất vắc xin trong nước ngày càng được nâng cao, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và cơ quan quản lý vắc xin được công nhận với đầy đủ các chức năng vận hành và được trang bị tốt sẽ hỗ trợ công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, sau khi chiến dịch kết thúc, trên toàn quốc có 19.735.753/20.095.947 trẻ từ 1 – 14 tuổi đã được tiêm vắc xin Sởi – Rubella, đạt tỷ lệ 98,2% trong đó: 100% số huyện đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi – Rubella trên 95%. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%. Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95% trong tháng 8/2015.  Kết quả chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015. 

Bài, ảnh: Trung Thành

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang