Ngày 6/11/2013, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hai trường hợp được xác nhận có kết quả dương tính với vi rút cúm A(H7N9).
Bệnh nhân thứ nhất là một cậu bé ba tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, người đã tiếp xúc với gia cầm sống.Cậu bị nhiễm vi rút cúm A (H7N9) vào ngày 29/10, được đưa vào một bệnh viện địa phương vào ngày 31/10 và sau đóđược chuyển đến một bệnh viện khác vào ngày 4/11. Hiện tại, cậu đang trong tình trạng ổn định.
Bệnh nhân thứ hai là một phụ nữ 64 tuổi đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một người nông dân đã tiếp xúc với gia cầm sống. Bà bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9) vào ngày 30/10, được đưa vào một bệnh viện địa phương vào ngày 31/10và sau đó được chuyển đến bệnh viện khác vào ngày 3/11. Hiện tại, bà đang trong tình trạng nguy kịch.
Đến ngày 6/11/2013, WHO được thông báo có tổng số 139 trường hợp bệnh nhân được xác nhận dương tính với vi rút cúm A(H7N9), trong đó có 45 ca đã tử vong. Sau đó, 6 bệnh nhân vẫn phải nhập viện và 88 trường hợp đã được xuất viện.
Ngày 2/12/2013, Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở người. Các nhà chức trách Hồng Kông cho biết, một phụ nữ Indonesia, 36 tuổi, làm nghề giúp việc nhà, trước đó từng đến Thâm Quyến (Trung Quốc) và tiếp xúc với gia cầm sống nhiễm bệnh và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ngày 27/11 sau khi có các triệu chứng ho và khó thở. Cô được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Queen Mary ngày 6/12.
Chưa đầy 5 ngày sau trường hợp đầu tiên, ngày 6/12/2013, Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã xác nhận thêm một trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) thứ hai. Bệnh nhân là một cụ ông 80 tuổi, người Hồng Kông hiện đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Tuen Mun trong tình trạng ổn định. Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra xem liệu bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm ở Trung Quốc đại lục hay không. Mặc dù đây là trường hợp thứ hai nhiễm cúm A(H7N9) trên người trong vòng chưa đến một tuần, song Chính quyền Hồng Kông tuyên bố chưa có mối lo ngại về dịch bệnh. “Chúng tôi đã dự kiến các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) rải rác sẽ xảy ra khi nhiệt độ hạ xuống vào thời điểm này trong năm”, Leung Ting-hung, người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông cho biết.
Các cơ quan chức năng đã bắt đầu theo dõi người thân của bệnh nhân cả ở Hồng Kông và Thâm Quyến, tất cả các bệnh nhân và nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân này tại bệnh viện đều được đặt trong tình trạng “giám sát y tế”.
Các chuyên gia y tế cảnh báo dịch cúm A(H7N9) có nguy cơ lan rộng khi trời trở lạnh và khuyến cáo Chính quyền Trung Quốc nên cho đóng cửa sớm các chợ gia cầm sống trước khi dịch cúm A(H7N9) lại tiếp tục bùng phát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay, không có bằng chứng cho thấy vi rút cúm A(H7N9) có thể lây truyền từ người sang người.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra biện pháp giám sát và kiểm soát vi rút cúm A(H7N9) dưới đây:
- Tăng cường giám sát và phân tích dịch bệnh.
- Triển khai điều trị y tế .
- Phổ biến thông tin và thông báo nguy cơ.
- Tăng cường hợp tác và trao đổi quốc tế.
- Tiếp tục nghiên cứu khoa học.
Công tác phòng dịch cúm A(H7N9) tại cửa khẩu
Trước những thông tin về diễn biến của dịch cúm A(H7N9) tại Hồng Kông (Trung Quốc) đang có nguy cơ lây lan rộng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường nhân lực trực tại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh, ga Đồng Đăng… để kiểm tra, kiểm soát tình trạng y tế cho tất cả mọi đối tượng xuất nhập cảnh. Hiện Trung tâm đã lắp đặt 3 máy đo thân nhiệt tự động tại các cửa khẩu này và tăng cường thêm một số máy test nhanh (đo nhiệt độ qua tai) ở một số cửa khẩu như Chi Ma, Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Co Sâu. Tại các cửa khẩu, Trung tâm cũng tăng cường vật tư y tế trong công tác phòng, chống dịch cúm như quần áo, mũ, găng tay, thuốc khử trùng, thuốc kháng sinh sẵn sàng đối phó với nguy cơ dịch cúm A(H7N9).
Tại Bệnh viện đa khoa thị trấn Ðồng Ðăng, nơi tiếp nhận đầu tiên các bệnh nhân trên tuyến biên giới cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và khu vực cách ly riêng biệt, chuẩn bị vật tư, hóa chất xét nghiệm để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A(H7N9). Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đã tổ chức phòng cách ly, giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm, máy thở, máy truyền dịch, máy tạo ôxy, thuốc men dự phòng sẵn sàng ứng phó với nguy cơ dịch cúm theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A(H7N9).