Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Tính nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng

  • |
T5g.org.vn - Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người. Một lời kêu gọi đến cộng đồng, xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là lời tri ân của ngành Y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đã trao thẻ Bảo hiểm Y tế, Kỷ niệm chương cho những cá nhân tiêu biểu tình nguyện hiến tạng cứu người

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký hiến tạng sau khi qua đời

Tại Chương trình truyền hình trực tiếp: “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Hà Nội tối ngày 26/10/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ, bản thân Bộ trưởng đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não, từ năm 2013, gia đình cũng rất ủng hộ. Theo Bộ trưởng, đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh, cho khoa học và cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự nỗ lực của nhiều thế hệ bác sỹ, các nhà khoa học cùng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đã có bước tiến dài ngang tầm với các nước trong khu vực, thế giới. Sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể của người không may qua đời đã giúp cho các bác sỹ cứu sống được hàng ngàn người bệnh, việc làm này biến mất mát đau thương của một gia đình thành niềm vui, hạnh phúc của nhiều gia đình khác. Biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống.

Nhiều người mong chờ nguồn tạng hiến

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận 1.116 ca, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, ghép thận, tụy 1 ca, ghép giác mạc riêng Bệnh viện Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca; trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Tại Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, thời gian qua, nhờ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội mà nhận thức, thái độ, hành vi và sự tham gia của người dân đối với việc hiến tặng mô, tạng cứu người đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phong trào hiến tặng mô, tạng chưa thành phong trào sâu rộng trong cả nước. Bộ trưởng kêu gọi toàn thể cán bộ ngành Y tế, mọi cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống. “Là thầy thuốc, chúng tôi hiểu rằng không có phép màu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, làm việc và cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng. Rất nhiều bệnh nhân đã phải chết trong lúc chờ đợi nguồn tạng để được ghép”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam đã trao thẻ Bảo hiểm Y tế, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho 10 cá nhân tiêu biểu tình nguyện hiến tạng cứu người và tổ chức “Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng” sau khi chết, chết não để ngày càng nhiều hơn nữa những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo về mô, tạng được cứu chữa quay về cuộc sống đời thường trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội, góp phần tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của nền y tế nước nhà. Đặc biệt tại buổi Lễ, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não.

Việt Nam hiện có 14 trung tâm ghép tạng

Tham gia giao lưu tại Chương trình“Khi sự sống được sẻ chia”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, để chuyên ngành ghép tạng Việt Nam phát triển, trong thời gian tới, ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cần xây dựng thêm một trung tâm điều phối ghép tạng tại miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, ghép tạng là một chuyên ngành chuyên sâu nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc học hỏi, giao lưu với các nước trên thế giới và khu vực; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền với sự vào cuộc của các tổ chức, chính trị, tôn giáo.

Theo GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: từ năm 1990, khi trình độ ghép tạng tại Việt Nam so với thế giới cách xa 50 năm, cách Đông Nam Á 20 năm, lúc đó Bệnh viện Trung ương Huế mặc dù với điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng đã định hình, trong tương lai sẽ phát triển lĩnh vực này. Vì vậy, Bệnh viện đã cử cán bộ đi đào đạo khắp nơi về chuyên ngành liên quan đến ghép tạng nên khi được Bộ Y tế chọn là 1 trong 4 đơn vị thí điểm triển khai ghép thận đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện đã có nguồn lực sẵn sàng để ghép. Đến nay Bệnh viện đã thực hiện được 250 ca ghép thận, tỷ lệ thành công chiếm 99,6%; đồng thời bắt đầu triển khai ghép tim, ghép tế bào gốc, ghép giác mạc góp phần rút ngắn khoảng cách so với thế giới và các nước trong khu vực về lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.

PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 103 cũng chia sẻ: Hiện nay các kỹ thuật, trang thiết bị máy móc cũng như trình độ tay nghề về ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam có thể đảm đương được những ca ghép khó, vì vậy người dân có thể tin tưởng. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến quá hiếm vì vậy rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ngành Y tế đã chuẩn bị tốt 3 khâu trong điều phối hoặc ghép tạng như: người cho, người nhận và nhân lực, kỹ thuật, theo dõi chăm sóc sau nghép. Tuy nhiên, khâu khó nhất hiện nay là vận động người hiến tạng.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và các khách mời tham gia giao lưu tại Chương trình

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang