Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

TP Cần Thơ: Tăng cường công tác vận động điều trị Methadone

  • |
T5g.org.vn - Thực hiện lộ trình đã đăng ký với Bộ Y tế, từ tháng 6/2010 đến nay, TP Cần Thơ triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone ở các quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt. Các cơ sở đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc và nhân sự, đảm bảo cho công tác phục vụ điều trị; quản lý tốt việc tiếp nhận, bảo quản, phân phát, báo cáo thuốc Methadone. Sau 5 năm triển khai, hiệu quả của chương trình điều trị Methadone đã giúp cải thiện chất lượng sống cho người nghiện ma túy tham gia điều trị, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm tội phạm trên địa bàn thành phố.
Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị Methadone quận Ninh Kiều

*Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân

Giữa trưa tháng 9/2015, chúng tôi có mặt tại cơ sở điều trị Methadone quận Ninh Kiều (ở địa chỉ 145 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc). Lúc này, mặc dù đã hết giờ hành chính nhưng vẫn còn tấp nập xe máy ra vào của nhiều bệnh nhân đến uống thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Trò chuyện với chúng tôi, chị D., 36 tuổi, ngụ ở phường An Khánh, vui vẻ cho biết: “Gần bốn năm nay, ngày nào tôi cũng đều đặn đến cơ sở để uống thuốc điều trị. Hiện tại, sức khỏe của tôi được cải thiện hơn trước rất nhiều, tôi không còn thèm ma túy nữa, ăn được, ngủ được và tăng cân đều”. Chị D. chia sẻ thêm: “Trước điều trị, tôi chỉ nặng hơn 30 kg, người lúc nào trông cũng ốm yếu, gầy gò thì bây giờ đã tăng được gần 18-20 kg”.

Nghe chị D tâm sự và tận mắt trông thấy chị D da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, tôi hiểu chắc là chị đang vui lắm khi lại được trở về với một cuộc sống sinh hoạt lao động bình thường, không còn lệ thuộc vào ma túy. 

Theo các cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone quận Ninh Kiều, để tạo điều kiện cho bệnh nhân vừa đi làm vừa đến uống thuốc điều trị, buổi sáng cơ sở mở cửa phục vụ từ 7 giờ đến 11 giờ 30, do thông thường bệnh nhân tập trung uống vào thời điểm này khá đông. Kể từ ngày 01/8/2015 các thủ tục hành chính được đơn giản hóa so với lúc mới đầu triển khai, người bệnh đăng ký tham gia điều trị trực tiếp tại cơ sở điều trị (hồ sơ chỉ cần đơn đăng ký tham gia điều trị, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hình 3x4), cơ sở nhận hồ sơ sẽ trả lời kết quả trong vòng 10 ngày. Trước đây, đối với một số bệnh nhân không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân gặp khó khăn trong quá trình đăng ký điều trị thì nay khi được địa phương xác nhận có thường trú/tạm trú trên địa bàn phường cũng đã được cơ sở tiếp nhận và quản lý điều trị. Trước và trong thời gian điều trị, bệnh nhân và người nhà đều được tư vấn về những vấn đề liên quan đến điều trị Methadone, tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị, cung cấp kiến thức thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng tái nghiện… Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được theo dõi, chăm sóc sức khỏe định kỳ, hỗ trợ ổn định tâm lý, tư vấn kết nối dịch vụ phát triển sinh kế, xây dựng mối quan hệ mới tái hòa nhập cộng đồng.  

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, lũy tích từ đầu triển khai chương trình đến cuối tháng 8/2015, đã có 1.028 bệnh nhân tham gia điều trị tại 4 cơ sở trên địa bàn thành phố. Hiện cơ sở điều trị ở các quận: Ninh Kiều, Cái Răng và Thốt Nốt cũng thực hiện lồng ghép điều trị Methadone/ARV/tư vấn xét nghiệm HIV rất hiệu quả. Dự kiến trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ mở rộng triển khai thêm cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và 3 điểm cấp phát thuốc ở Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh để bệnh nhân ở xa cơ sở vẫn có thể tiếp cận điều trị Methadone một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chương trình điều trị Methadone trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS, tổ chức FHI, Quỹ toàn cầu… trong công tác chỉ đạo cũng như chuyên môn kỹ thuật; tạo được sự cam kết mạnh mẽ, chỉ đạo sâu sát thường xuyên của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các ban ngành, đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư…

*Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động, chương trình điều trị Methadone cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Tỷ lệ bỏ trị không rõ nguyên nhân, bệnh nhân bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật… dẫn đến số bệnh nhân duy trì điều trị đạt thấp. Trong khi đó, các cơ sở điều trị chưa tìm hiểu được nguyên nhân chính của việc tự ý bỏ trị. Báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, trong 8 tháng đầu năm 2015, trong tổng số hơn 1.000 bệnh nhân tham gia điều trị, thì số bệnh nhân hiện đang duy trì điều trị ở 4 cơ sở là 549 bệnh nhân; mới đạt khoảng 48,6% so với chỉ tiêu UBND thành phố giao. Tại cơ sở quận Ninh Kiều có 184 trường hợp ngừng điều trị giữa chừng; Cái Răng: 171 trường hợp; Ô Môn: 99 và Thốt Nốt: 25. Trong số 479 bệnh nhân ngừng điều trị thì phần lớn do nguyên nhân bị bắt giữ có đến 132 trường hợp (28%) ; 234 trường hợp tự ý bỏ trị không rõ lý do (48%); số còn lại là do bỏ địa phương, đi làm ăn xa, bệnh lý khác (không đến điều trị), tự nguyện xin dừng điều trị, vi phạm nội quy cơ sở, tử vong hoặc chuyển đi ngoài tỉnh.

Theo Sở Y tế, công tác điều trị Methadone còn gặp khó khăn do kinh phí đầu tư cho chương trình từ các dự án ngày càng bị cắt giảm, công tác phổ biến tuyên truyền vận động người nghiện tại cộng đồng tham gia điều trị Methadone còn hạn chế, chưa xây dựng được cơ chế trách nhiệm của từng ban ngành trong việc phối hợp thực hiện chương trình Methadone. Ngoài ra, hiện tượng sử dụng các chất gây nghiện khác (hàng đá) trong bệnh nhân tham gia điều trị Methadone ngày càng phức tạp; khoảng cách nơi sinh sống của bệnh nhân đến nơi điều trị tại một số địa phương còn xa trong khi hàng ngày bệnh nhân phải đến cơ sở uống thuốc nên dễ đưa đến việc bỏ trị…

Sắp tới, ngành Y tế sẽ triển khai cơ sở điều trị Methadone mới tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và 3 điểm cấp phát thuốc; chỉ đạo các cơ sở điều trị đơn giản thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nghiện chích ma túy đủ tiêu chuẩn được vào điều trị, phối hợp điều trị cho bệnh nhân Methadone mắc các bệnh lý khác trong quá trình điều trị; phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền và điều trị Methadone.

Với mục tiêu tăng tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị Methadone, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người bỏ điều trị, vừa qua Ban Chỉ đạo 138 TP Cần Thơ cũng ban hành Kế hoạch tuyên truyền vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone. Trong đó, chỉ tiêu cụ thể là 100% quận, huyện cần thống kê số người nghiện ma túy địa phương đang quản lý để có lộ trình vận động thành công người nghiện tham gia điều trị Methadone; ít nhất 95% số người sử dụng ma túy địa phương đang quản lý nhưng chưa điều trị Methadone được cấp tờ tuyên truyền và mẫu đơn đăng ký điều trị Methadone; phấn đấu đến hết tháng 11/2015, ít nhất 70% người sử dụng ma túy chưa điều trị Methadone được điều trị.

Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo 138 TP Cần Thơ yêu cầu các trạm y tế xã/phường phối hợp với công an lập danh sách người nghiện ma túy tại từng xã/phường; cơ sở điều trị Methadone cung cấp danh sách người đang điều trị, danh sách người bỏ trị cho xã/phường, rà soát người bỏ trị tại địa phương để vận động quay lại điều trị, và người bỏ trị đi nơi khác để giới thiệu địa phương có cơ sở điều trị Methadone; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp thông qua cán bộ y tế, cán bộ phụ trách chương trình HIV/AIDS, người nghiện đã tham gia điều trị Methadone, lực lượng đồng đẳng viên, cộng tác viên xã/phường, mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe, các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp; khuyến khích các gia đình cán bộ công chức có con, em, cháu… nghiện chích ma túy tham gia điều trị Methadone. Các sở, ban ngành, cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thông tin, giáo dục, tuyên truyền. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho bệnh nhân điều trị Methadone và người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, nhằm hạn chế tối đa số bệnh nhân tái nghiện và hạn chế bỏ trị Methadone.

Bài, ảnh: Hương Giang, t4g Cần Thơ

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang