Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Việt Nam bảo đảm an toàn truyền máu với việc làm chủ kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (NAT)

  • |
T5g.org.vn - Trong 10 năm triển khai xét nghiệm NAT (1998-2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (chiếm khoảng 0,003%). Đây là kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến nhất hiện nay, giúp rút ngắn thời gian phát hiện vi rút gây bệnh có trong máu như viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và HIV, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang vận hành máy xét nghiệm NAT tại Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu tại Viện

Kỹ thuật xét nghiệm NAT - cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời

GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn, cho phép áp dụng NAT tại các trung tâm truyền máu, cơ sở sàng lọc máu của các bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể. Kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc vi rút viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các vi rút. Kỹ thuật này góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời.

Năm 1999, kỹ thuật NAT lần đầu được áp dụng trong xét nghiệm sàng lọc vi rút HCV. Năm 2002, Cơ quan FDA Hoa kỳ công nhận kỹ thuật NAT xét nghiệm vi rút HBV, HCV và HIV được sử dụng trong sàng lọc đơn vị máu. Kết quả xét nghiệm sàng lọc vi rút HBV, HCV và HIV trong 10 năm triển khai xét nghiệm NAT (1998-2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (chiếm khoảng 0,003%).

Việt Nam làm chủ được kỹ thuật xét nghiệm NAT

Chính thức từ 1/1/2015, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên của cả nước đã triển khai thành công kỹ thuật NAT trong xét nghiệm sàng lọc máu; đồng thời, cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu được sàng lọc bằng xét nghiệm NAT cho hơn 150 bệnh viện của 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tiếp đến, xét nghiệm này đã được triển khai ở các trung tâm truyền máu như: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương  Huế và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Mục tiêu là đến năm 2018, kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho toàn dân.

Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí, kỹ thuật xét nghiệm NAT phát hiện trực tiếp các ADN hoặc ARN của vi rút thông qua nhân bản đoạn gene đặc hiệu của vi rút (dù khá thấp trong máu ngay từ lúc mới nhiễm) tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác vi rút đã nhiễm, rút ngắn thời gian cửa sổ của phát hiện vi rút lây nhiễm và cho kết quả có độ nhạy cao so với kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc huyết thanh học. Kỹ thuật này cho phép rút ngắn thời gian cửa sổ từ 85 ngày xuống còn từ 25 ngày đối với viêm gan C, từ 60 ngày xuống còn 34 ngày đối với viêm gan B. Đặc biệt, NAT có thể phát hiện HIV chỉ  trong 10 ngày sau khi nhiễm bệnh, trong khi với kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc huyết thanh học cần tới 21 ngày.

Năm 2015, cả nước tiếp nhận được 1.160.726 đơn vị máu toàn phần và khối tiểu cầu gạn tách từ người hiến. Trong đó, ngoài việc xét nghiệm sàng lọc cho 100% đơn vị máu bằng kỹ thuật huyết thanh học phát hiện nhiễm vi rút HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét… Viện đã bước đầu thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật NAT cho 417.893 mẫu máu (đạt 36% tổng số máu tiếp nhận và sử dụng), phát hiện được 442 mẫu máu nhiễm bệnh. Ước tính xét nghiệm NAT có thể phát hiện được mẫu nhiễm HBV là 1/1.184 mẫu, HCV là 1/37.990 mẫu, với HIV là 1/83.579 mẫu đã có xét nghiệm huyết thanh học âm tính trước đó.

Với việc làm chủ kỹ thuật xét nghiệm NAT vào sàng lọc máu, đây là cơ sở tốt để 5 cơ sở về Huyết học - Truyền máu trong cả nước sản xuất ra được những đơn vị chế phẩm máu an toàn, đặc biệt là tiểu cầu không còn sợ bị nhiễm HIV; đồng thời, nhờ kỹ thuật xét nghiệm NAT hạn chế đến mức thấp nhất các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường truyền máu.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), truyền máu là một trong ba yếu tố đánh giá sự phát triển y tế của mỗi quốc gia. Cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu vào năm 2016 và đạt 1,8 triệu đơn vị máu năm 2020. Do vậy, việc đảm bảo an toàn truyền máu luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó xét nghiệm sàng lọc máu, bảo đảm an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần đạt được mục tiêu này.

Theo BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, để đảm bảo an toàn truyền máu, người ta phải tìm mọi cách để sàng lọc và phát hiện cho được các tác nhân gây bệnh qua đường truyền máu, cụ thể là viêm gan B, viêm gan C và HIV...  Để loại được 3 bệnh này, người ta dùng 2 nhóm kỹ thuật xét nghiệm. Nhóm thứ nhất, là các kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch sàng lọc huyết thanh học để phát hiện kháng thể đối với viêm gian C và HIV; kháng nguyên với viêm gan B. Nhóm thứ hai là kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) để phát hiện ra yếu tố di truyền ARN và ADN của vi rút. Tuy nhiên trong sàng lọc máu, việc đầu tiên 100% đơn vị máu đều phải xét nghiệm sàng lọc với kỹ thuật huyết thanh học, sau đó những đơn vị máu âm tính sẽ được tiếp tục sàng lọc bằng kỹ thuật NAT. Hiện nay để đảm bảo an toàn truyền máu, trên thế giới cũng như một số trung tâm huyết học truyền máu trong cả nước đều sử dụng đồng thời 2 kỹ thuật xét nghiệm máu trên để sàng lọc máu. Chi phí để thực hiện làm kỹ thuật xét nghiệm NAT, người bệnh chỉ phải trả tối đa 210.000 đồng/1 lần xét nghiệm.

Hiện nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trang bị và đưa vào sử dụng 3 máy xét nghiệm NAT với công nghệ tiên tiến trên thế giới; đồng thời, Viện cũng đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cung cấp nguồn máu an toàn cho nhiều cơ sở y tế.

 

Bài ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang