Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra máy đo, theo dõi thân nhiệt tại Sân bay
MERS-CoV là bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, vi-rút Corona là một chủng mới tương tự như virút gây dịch SARS năm 2003 tại Việt Nam. Bệnh xảy ra lần đầu tại Ả rập Xê-út năm 2012, đến nay đã lây lan ra 26 quốc gia. Tính đến ngày 3/6/2015, trên thế giới đã ghi nhận 1.174 người mắc, trong đó có 442 ca tử vong vì dịch bệnh . Thời gian gần đây, tại các nước trong khu vực đã ghi nhận thêm các ca nhiễm MERS-CoV mới. Riêng tại Hàn Quốc, số lượng ca mắc đang tăng lên từng ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV, theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, dịch bệnh này hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trước đó, nhất là dịch SARS, Việt Nam hoàn toàn tin tưởng có thể ngăn chặn được dịch MERS - CoV. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sau buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS - CoV tại Sân bay quốc tế Nội Bài, chiều 3/6/2015.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc MERS-CoV. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh MERS-CoV đang tăng nhanh tại Hàn Quốc, Việt Nam đã tăng cường tất cả các biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn, khống chế dịch và kiểm soát kịp thời dịch bệnh. Tại Việt Nam, hoạt động quan trọng hàng đầu hiện nay là tổ chức giám sát chặt chẽ đối với tất cả các khách đi du lịch đi từ Trung Ðông, Hàn Quốc, Bahrain khi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả hành khách trên, khi nhập cảnh vào Việt Nam, sẽ phải khai tờ khai y tế, kiểm soát thân nhiệt để cơ quan y tế giám sát trong vòng 14 ngày. Đối với trường hợp hành khách có sốt, cán bộ y tế cửa khẩu phải có trách nhiệm cách ly chuyển về cơ sở y tế đã được chỉ định để điều trị. Việc giám sát ngay từ các cửa khẩu, được coi là “lá chắn đầu tiên” để có thể phát hiện sớm ngay các trường hợp xâm nhập đầu tiên nhằm ngăn chặn dịch MERS-CoV có thể lây lan vào Việt Nam. “Sáng 3/6, tờ khai y tế đã được triển khai ngay tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ngoài ra, công tác chuẩn bị về nhân lực y tế, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác giám sát, phòng chống dịch MERS-CoV như máy đo thân nhiệt, phòng khám, phòng cách ly đã được phía Sân bay chuẩn bị sẵn sàng”.
Trong nước, từ năm 2012, khi dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện, ngành Y tế đã có kế hoạch đối phó. Đặc biệt, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1944/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS - CoV) tại Việt Nam, trong kế hoạch đó cũng nêu rõ 3 tình huống có thể xảy ra: Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tình huống một. Mỗi một tình huống, Bộ Y tế đều đưa kế hoạch, hoạt động và nhiệm vụ cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, so với các dịch bệnh khác, dịch bệnh MERS-CoV rất đáng quan ngại với nhiều lý do: tốc độc gia tăng rất nhanh tại một số nước trong khu vực Châu Á, nhất là Hàn Quốc. Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 3/6/2015, Hàn Quốc đã ghi nhận 30 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. Tại Trung Quốc, mới đây cũng đã ghi nhận 01 trường hợp mắc đầu tiên từ một du khách Hàn Quốc. Vì vậy, số trường hợp nhiễm bệnh có thể tiếp tục tăng do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với phơi nhiễm này. Đây cũng chính là lý do, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cần thắt chặt an ninh khu vực cửa khẩu và sân bay quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác ngăn chặn, khống chế dịch và kiểm soát dịch bệnh MERS-CoV là phát hiện ca đầu tiên vì các triệu chứng ban đầu MERS-CoV gần như giống triệu chứng ban đầu của viêm đường hô hấp, cúm. Trước đây, Việt Nam chỉ giám sát trường hợp nhiễm trùng hô hấp nặng, lần này, Việt Nam sẽ mở rộng hơn nếu hành khách chỉ cần viêm hô hấp và có tiền sử đến từ vùng có dịch đều đưa vào diện giám sát.
Cần chú trọng công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Sáng ngày 3/6/2015, tại Cục Y tế Dự Phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với Văn phòngđáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh Việt Nam (EOC) nhằmđánh giá tình hình, giám sát nguy cơ và đề xuất các biện pháp phòng chống lây lan dịch MERS - CoV tại Việt Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe Trung ương và các tổ chức quốc tế: WHO, USCDC, FAO,…
Các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định: có sự lây lan thế hệ thứ 3, tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện, do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng. Chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo cần chú trọng công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu có trường hợp ca bệnh được phát hiện. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần chủ động tập huấn về điều trị cho y bác sĩ trong bệnh viện để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh MERS-CoV. Đặc biệt, công tác truyền thông cần phải tăng cường các khuyến cáo cộng đồng, cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh; thiết lập đường dây nóng nhằm tư vấn cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra tờ khai y tế tại Sân bay