Chiều 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại hội trường thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát biểu tham luận về chủ đề “Vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển”.
Ba đột phá trong y tế
Tham luận nhìn nhận qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá gồm: Đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, kịp thời hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn. Thực hiện đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Năm 2012, sau 17 năm, Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư liên tịch điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cơ cấu thành giá. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, phiền hà. Bộ Y tế cũng là đơn vị đầu tiên có nhiều đơn vị sự nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp, trong đó xác định các đơn vị thực hiện cơ chế đó xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị.
Thực hiện Kết luận 63 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị định 16 của Chính phủ, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, trong đó tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này sẽ được thực hiện vào quý I/2016.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia BHYT là bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế, đồng thời để thực hiện định hướng XHCN nhà nước dành ngân sách để ưu tiên cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người nông lâm ngư nghiệp, người có mức sống trung bình, người nghèo, người cận nghèo, người dân sống ở biển đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc-xin
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2008 đến nay, ngành y tế đã được bố trí gần 55 ngàn tỷ để đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng trăm phòng khám đa khoa khu vực, bộ mặt cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa đã được thay đổi rõ rệt. Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ, Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắc-xin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để vắc-xin Việt Nam xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,... năm 2015 thực hiện thành công ghép đa tạng; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước (như nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa,...). Công tác nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu xuất khẩu đạt giá trị cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, kể cả bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư trái phiếu Chính phủ và các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Chính phủ cho phép xem xét thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo Nghị quyết là một ngành tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt
Theo Sức khỏe đời sống