Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

55 năm xây dựng và phát triển ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam

  • |
T5g.org.vn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lê Cảnh Nhạc cho biết: 55 năm qua là một chặng đường đầy cam go, thử thách, nỗ lực của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam. Ngành đã luôn đoàn kết, phấn đấu thi đua hoành thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đạt được những thành tựu to lớn.

1. Khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế

Khi bắt đầu Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (năm 1961), tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Việt Nam rất cao (3,6%). Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ này đã từng bước được giảm xuống và hiện còn 1%/năm. Mức sinh của Việt Nam khi đó cũng rất cao, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 có 6,4 con. Tuy nhiên, mức sinh này đã từng bước được giảm xuống và còn 2,09 con vào năm 2006 – đạt mức sinh thay thế. Tính trung bình trên toàn quốc, mức sinh thay thế này đã được duy trì ổn định trong một thập kỷ qua.

Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em

2. Quy mô dân số dưới 95 triệu người

Nhờ những thành công trong việc giảm sinh, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm xuống, số người gia tăng hàng năm cũng giảm xuống, quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người và dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Quy mô dân số ở mức 100 triệu người đã có thể xảy ra trước năm 2010, nếu không có sự thành công của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 trên thế giới về quy mô dân số. Với 93 triệu người, Việt Nam có 93 triệu người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, Việt Nam là một thị trường rất lớn, rất tiềm năng, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Việt Nam.

3. Cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực; Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng

Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (năm 2015). Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động – nền tảng cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm cũng mang đến các cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển.

4. Chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ trung bình ở mức cao

Mức sinh giảm, mức chết giảm, chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 55 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng 33,3 tuổi từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,3 tuổi (năm 2015) trong khi thế giới tăng 23 tuổi (từ 48 tuổi lên 71 tuổi). Đặc biệt là triển vọng sống của người Việt Nam khi ở tuổi 60 đã tương đương các nước châu Âu và bỏ xa một số nước trong khu vực (Châu Âu: 21,78 tuổi, Việt Nam 22,02 tuổi).

5. Góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân

Nếu như giai đoạn trước 1999, trung bình mỗi năm Việt Nam tăng thêm khoảng 1,2 triệu người thì sau năm 1999 chỉ dưới 1 triệu người. Thành công của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã giúp Việt Nam “tránh sinh” được hàng chục triệu người. Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân. Khi quy mô dân số quá lớn, tất yếu GDP tính bình quân đầu người sẽ giảm. Theo tính toán, kết quả chương trình dân số chỉ riêng giai đoạn 1991 – 2010 đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2%/năm. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.

6. Góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 và Việt Nam cũng đã được lựa chọn vào là một trong những nước tham gia xây dựng hoạch định Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 (SDGs). Góp phần vào sự thành công đó, không thể không nhắc tới ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Góp phần Nâng cao sức khỏe bà mẹ và Giảm tử vong ở trẻ em: Bình quân hàng năm hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1,4 – 1,5 triệu phụ nữ mang thai và sinh đẻ, so với 2,2 – 2,3 triệu phụ nữ mang thai và sinh đẻ hàng năm trong giai đoạn trước. Nhờ thành công của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hàng năm Việt Nam giảm khoảng 90 vạn phụ nữ không tham gia vào quá trình sinh đẻ, không có nguy cơ tử vong do thai sản. Các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi của Việt Nam đề giảm rõ rệt, đặc biệt tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm ngoạn mục từ 42,3‰ (năm 1989) xuống còn 14,73‰ (năm 2015).

Góp phần tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ: Đẻ muộn, đẻ thưa, đẻ ít làm cho mẹ khỏe, con khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật, tử vong do quá trình thai sản, đồng thời gia tăng các cơ hội vui chơi, học tập, lao động, tham gia các hoạt động kinh tế - thu nhập, xã hội, chính trị, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới.

Góp phần giảm tình trạng đói nghèo: Với việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là một thành công rất lớn và đóng góp rất lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hàng năm, khoảng 90 vạn phụ nữ không tham gia vào sinh đẻ, đã làm tăng thêm hàng triệu ngày công lao động của phụ nữ do không phải nghỉ thai sản, con ốm… gia tăng các cơ hội đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội, giúp giảm nghèo ở Việt Nam được bền vững.

Thùy Linh

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang