Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bắc Ninh: Cảnh giác tình trạng dị ứng gia tăng

  • |
T5g.org.vn - Hiện nay, do tình hình thời tiết thay đổi, côn trùng, thuốc, hóa chất, thực phẩm diễn biến phức tạp. Đây cũng là những nguyên nhân khiến số lượng dị ứng các thể nhập viện và điều trị nội trú tại khoa Da liễu – BVĐK tỉnh Bắc Ninh đang gia tăng.

Bệnh nhân Trần Văn Duyên bị dị ứng do rết cắn sau khi được điều trị, các vết ban đỏ đã lặn dần

 Hiện nay, do tình hình thời tiết thay đổi, côn trùng, thuốc, hóa chất, thực phẩm diễn biến phức tạp. Đây cũng là những nguyên nhân khiến số lượng dị ứng các thể nhập viện và điều trị nội trú tại khoa Da liễu – BVĐK tỉnh Bắc Ninh đang gia tăng.

Tính từ đầu năm đến nay, khoa Da liễu – BVĐK tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 600 bệnh nhân. Trong số đó, có đến 70% bệnh nhân bị các bệnh dị ứng các thể, trong đó có cả  thanh niên, người già, phụ nữ và trẻ em.

Bác sĩ CKI Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khoa da liễu – BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất vô hại trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng, các phản ứng này xảy ra nhanh chóng và có thể dự đoán được. Đường vào của dị ứng có thể do tác động của môi trường, đường ăn uống, đường tiêm hay tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất... Triệu chứng cơ bản của dị ứng là mẩn ngứa, thương tổn trên da, mẩn ngứa phù nề. Thể nhẹ thì chủ yếu là mày đay cấp, phù khuých, ban đỏ rải rác toàn thân kích thước không đều hoặc phù nề 1 vùng cơ thể nào đó. Còn nặng thì ngoài mẩn ngứa đỏ da có thể đưa đến trụy tim mạch, co thắt thanh quản, sốt cao, nôn mửa, nặng là sốc phản vệ và tử vong.

Bệnh nhân Trần Văn Duyên (xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) không hề biết mình bị dị ứng, sau khi đi làm về anh vẫn sinh hoạt bình thường. Đến khi đi làm ngày hôm sau, anh phát hiện thấy ngứa ở cổ và bắt đầu nổi mề đay ban đỏ ở thân người, sau đó lan xuống hai tay, đùi và xuống cẳng chân. Khi các nốt ngứa về sau nóng và rát, anh mới đến bệnh viện kiểm tra và biết mình bị như vậy là dị ứng do bị côn trùng (rết) cắn. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị ngay, hậu quả để lại sẽ vô cùng nguy hiểm.

            Theo các bác sĩ, dị ứng là bệnh thường gặp, không quá nghiêm trọng nếu kịp thời phát hiện và điều trị. Tuy nhiên, trẻ em và phụ nữ có thai là những đối tượng cần đặc biệt quan tâm nếu gặp phải dị ứng vì khả năng di chứng và mức độ ảnh hưởng cao. Chị Nguyễn Thị Ngân (phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh) chia sẻ: “tôi đang mang thai bé đầu tiên, đến nay được 6 tháng. Ở nhà tôi bị phát ban đỏ, lúc đầu nghĩ tại nắng nóng nên không để ý, nhưng dần dần các vết rất ngứa và nổi thành mảng sẩn mề đay rộng ở vùng bụng. Sau đó các vết lan rộng xuống đùi, mông, lưng khiến tôi rất lo lắng và đến viện để khám. Tôi được bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay để điều trị bởi nếu để kéo dài sẽ nguy hiểm đến thai nhi”.

            Trong thời gian mang thai hoạt động của các cơ quan và sự chuyển hóa các chất trong cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi và rõ rệt nhất là những biến đổi về nội tiết. Đó là nguyên nhân khiến các bà mẹ dễ bị dị ứng và tình trạng dị ứng thậm chí đến mức nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Phụ nữ mang thai khi bị dị ứng cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách sử dụng thuốc hợp lí, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé trong bụng.

            Bác sĩ Trường cũng cho biết thêm về tình trạng dị ứng ở trẻ em. Trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, hơn nữa tiền sử cá nhân của trẻ chưa rõ ràng nên gia đình không nắm được hết trẻ bị dị ứng những yếu tố nào. Tuy cấu tạo da ở trẻ em giống như người lớn nhưng da trẻ mềm, mỏng hơn nhiều. Do các tế bào ít và lớp sừng mỏng nên chức năng bảo vệ của lớp sừng còn hạn chế, khiến da trẻ dễ bị tổn thương. Điều đó có nghĩa là các chất tiếp xúc với da từ môi trường ngoài dễ xâm nhập vào da và làm da dễ hấp thụ hơn, bất kể tốt, xấu. Bên cạnh đó, tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn ít hoạt động làm cho màng acid bảo vệ ở da trẻ em tương đối yếu cộng với khả năng điều hòa nhiệt ở da kém nên trẻ dễ bị mất nước qua da, khiến da dễ bị khô và “yếu đuối” trước các tác nhân bên ngoài. Trẻ có thể bị dị ứng do thời tiết, do cơ địa, hay môi trường xung quanh và đặc biệt hay gặp là tình trạng dị ứng thuốc ở trẻ nhỏ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý nếu trẻ đã từng bị dị ứng thành phần thuốc nào, khi trẻ ốm và đến thăm khám bác sĩ, phụ huynh cần thông báo để bác sĩ tránh thành phần thuốc mà trẻ bị dị ứng để việc điều trị đạt hiệu quả cao.

Để chủ động phòng bệnh dị ứng, mọi người dân cần có chế độ tập luyện thể dục phù hợp để tăng cường sức đề kháng; đồng thời cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, sử dụng thực phẩm an toàn. Mỗi người dân nên biết mình bị dị ứng với tác nhân nào để chủ động tránh. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế quản lí thuốc để hạn chế tình trạng dị ứng thuốc do sử dụng thuốc tràn lan, không qua kiểm duyệt.

Bài, ảnh: Nguyễn Oanh, T4g Bắc Ninh

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang