Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bé gái đầu tiên tại Việt Nam chào đời bằng phương pháp mang thai hộ

  • |
T5g.org.vn - Vào lúc hơn 7h ngày 22/1/2016, tại Hà Nội, em bé đầu tiên tại Việt Nam chào đời bằng phương pháp mang thai hộ đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ thành công. Em bé được mổ ở tuần thai thứ 38 là giới tính nữ, nặng 3,6kg. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia là người đã trực tiếp thực hiện thành công ca mổ này.
Bố mẹ em bé xúc động nhận con từ các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Vỡ òa niềm vui đón bé!

Ngay sau khi đón em bé ra đời, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tổ chức cuộc họp báo thông báo kết quả của ca mổ lấy thai đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Bệnh viện. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết: ca mổ thuận lợi, không có những biến cố bất thường. Trong quá trình mổ, tình trạng sức khỏe của người mang thai hộ bình thường, em bé có giới tính nữ, trọng lượng 3,6 kg. Hiện, cháu bé đã được đưa lên khoa chăm sóc sau sinh và người mang thai hộ được đưa về phòng. Ca mang thai hộ này tuân thủ đầy đủ đúng như những quy định của pháp luật.

PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Luật mang thai hộ là một trong những điều Luật mới mang ý nghĩa nhân văn cao, đưa lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn. Hiện cả nước có 3 bệnh viện Trung tâm được phép thực hiện hình thức này, đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ. Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong thời gian tới vẫn luôn có chủ trương chú trọng và thực hiện những mong muốn sinh con này của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại cuộc họp báo

Chia sẻ với bố của cháu bé, anh Đ. D. H. (trú tại Ninh Bình), anh nghẹn ngào cho biết: sau bao năm chờ đợi, đến hôm nay anh chị mới được đón đứa con của mình. Suốt thời gian chờ đợi con, anh chị thấp thỏm không yên. Mỗi lần đi kiểm tra thai nhi định kỳ, vợ chồng anh đều đi theo. Bế con gái vừa chào đời trên tay, anh H rưng rưng kể: Vợ chồng anh chị lấy nhau đã được 18 năm. Sau 3 năm không có con, anh chị đi khám hiếm muộn thì phát hiện vợ bất thường ở tử cung nên không bao giờ có thể mang thai được. Năm 2003, vợ anh được mổ nội soi ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng bác sỹ cũng cho biết chỉ khi nào Việt Nam có luật cho phép mang thai hộ thì anh chị mới có cơ hội có con của mình. Trong thời gian đó, anh chị hi vọng vô cùng. Khi ti vi thông báo, luật cho phép mang thai hộ được triển khai, ngay ngày hôm sau anh chị đã lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trong quá trình làm thủ tục, anh chị đã được các bác sỹ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện giúp đỡ rất nhiều. Tại Bệnh viện, các Bác sỹ đã tiến hành lấy noãn của chị và tinh trùng của chồng chị, sau đó cấy phôi vào người mang thai hộ. “Ca thụ thai bắt đầu từ tháng 3/2015. Người mang thai hộ cho vợ chồng chị là người cô họ, 46 tuổi nhưng đến giờ phút này mọi thứ hoàn toàn tuyệt vời”, anh H xúc động nói.

Tại Việt Nam hiện có hơn 100 hồ sơ mang thai hộ đã được duyệt

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ thêm, sau hơn một năm Nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực (1/1/2015), số hồ sơ mang thai hộ đã được duyệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện tại là hơn 60 ca, tại cả 3 trung tâm trong cả nước là hơn 100 ca. Những nước như Úc, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 20 ca, tức Việt Nam gấp tới 4 lần. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đã thuyết phục rất nhiều các cặp vợ chồng, chỉ khi các bác sỹ không thể tìm được cách, mới tiến hành mang thai hộ, không tùy ý thực hiện.

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến cho biết, mang thai hộ là hình thức nhờ lấy trứng của mẹ và tinh trùng của bố để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi vào tử cung cho người phụ nữ tự nguyện mang thai. Phôi được chuyển vào hoàn toàn không mang yếu tố di truyền của người được mang thai hộ. Chỉ khi người này ốm yếu thì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chứ không ảnh hưởng gì đến di truyền của đứa trẻ.

Việc thực hiện kỹ thuật này hoàn toàn khác với tiến trình xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng. Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật mang thai hộ vì bản thân người phụ nữ không có tử cung (bệnh lý bẩm sinh) nhưng vẫn có buồng trứng hoặc có tử cung bất thường. Trường hợp như vậy kỹ thuật lấy noãn cũng khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có trường hợp phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng, nếu không có kinh nghiệm không thể lấy được.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến xúc động chia sẻ: “Chứng kiến em bé chào đời, chúng ta khẳng định được rằng Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi, trong đó điều khoản về mang thai hộ đã đi vào cuộc sống với kết quả rất tốt. Đây là quy định mang tính nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho các gia đình hiếm muộn có con. Các trường hợp mang thai hộ thực hiện phần lớn là phụ nữ không có tử cung, sảy thai thường xuyên không rõ nguyên nhân. Người mang thai hộ hay người nhờ mang thai hộ đều chỉ được phép thực hiện một lần”.

Chia sẻ thêm về trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam, Thứ trưởng Tiến cũng cho biết thêm: "Người vợ trong trường hợp này bị nhi hóa tử cung nên không thể mang thai mà bắt buộc phải thực hiện mang thai hộ. Thành công của việc mang thai hộ ở Việt Nam sẽ được đánh dấu trong bản đồ các nước có y học phát triển".

Kinh phí cho trường hợp này bằng chi phí như thụ tinh trong ống nghiệm thông thường nhưng do dùng lượng thuốc cao hơn nên chi phí cao hơn. Trung bình mỗi ca sẽ vào khoảng 60 triệu đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang