Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh viện Bạch Mai cứu sống 2 bệnh nhân nặng

  • |
T5g.org.vn - Chiều ngày 22/6/2018, tại Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức tiễn 2 bệnh nhân nặng được điều trị thành công ra viện. Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến tặng hoa, thăm hỏi 2 bệnh nhân và chúc mừng tập thể Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời cấp cứu và hồi sinh sự sống cho người bệnh.
Bà Nguyễn Thúy Anh và PGS.TS. Lương Ngọc Khuê tặng hoa chúc mừng 2 bệnh nhân đã được ra viện

Bệnh nhân đầu tiên T.V.B nam 62 tuổi, tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bị bệnh gút hơn 20 năm có biến chứng hẹp động mạch vành. Nhập viện trong tình trạng bị hôn mê do nhồi máu não cấp, đái tháo đường tăng áp lực thẩm thấu ,viêm tụy cấp biến chứng suy đa tạng.

Trước đó, ngày 6/05/2018, bệnh nhân vào bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn nửa người trái, được chẩn đoán nhồi máu não cấp tính và được dùng tiêu sợi huyết (để phá cục máu đông ). Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân có diễn biến thêm là đau bụng rất nhiều, bụng chướng, xét nghiệm men tụy tăng cao. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp nặng, đường máu tăng cao và bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp, sốc sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại buổi Lễ

Bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai đêm 22/05 trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, liệt hoàn toàn nữa người trái, suy hô hấp rất nặng, bụng chướng căng. Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội chẩn toàn viện. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não, viêm tụy cấp, tăng áp lực thẩm thấu biến chứng suy đa phủ tạng và quyết định các biện pháp hồi sức tích cực như: Bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, lọc máu liên tục, điều chỉnh đường huyết và sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực khác... dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, kháng sinh phổ rộng... Sau 3 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân thoát sốc, tình trạng suy đa tạng cải thiện, nhưng vẫn liệt hoàn toàn nửa người trái, không có khả năng ho khạc, liệt hoàn toàn dây thanh âm bên trái. Tiên lượng không thể rút được nội khí quản, bệnh nhân đã được mở khí quản và bỏ máy thở sau đó.

Sau khi bỏ được máy thở, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc đặc biệt, kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết… và đặc biệt là kết hợp phục hồi chức năng tại giường. Sau 1 tháng, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, liệt nửa người trái đang hồi phục tốt đã ăn uống được bình thường  tiếp tục được phục hồi chức năng ,bắt đầu tập đi. Cuối cùng sau 45 ngày bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, đường huyết, huyết áp được kiểm soát ổn định và ra viện.

Trường hợp thứ hai, chị Mai Thị L, 34 tuổi ở Tuyên Quang, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phản vệ nguy kịch, biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán loét dạ dày có chỉ định dùng hỗn hợp thuốc ( chống vi khuẩn HP, ức chế bơm proton ( PPI), và clarithromycine). Sau khi uống thuốc bệnh nhân có biểu hiện của dị ứng như đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu…

Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) khám với chẩn đoán phản vệ, xử trí với các thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng nặng lên. Bệnh nhân thấy mệt, chóng mặt tiếp đó là hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực), sau 20 phút bệnh nhân có tim đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được xử trí sốc phản vệ theo phác đồ mới của Bộ Y tế (thông tư 51/BYT/2017), đặt nội khí quản, thở máy, duy trì adrenalin...

Mặc dù được hồi sức tích cực theo đúng phác đồ nhưng sau đó bệnh nhân lại tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2, các nhân viên y tế lại tiến hành ép tim ngoài lồng ngực trong khoảng 15 phút nữa tim mới đập trở lại.

Nhận định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch với các diễn biến phức tạp, bệnh nhân sẽ tử vong, lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương đã gọi điện cho GS. Nguyễn Gia Bình, Bệnh viện Bạch Mai để xin ý kiến hỗ trợ…

14h30, bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Bạch Mai phối hợp vận chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch: nhịp tim rất nhanh, 170 lần/phút, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch liều rất cao, hôn mê sâu, suy hô hấp rất nặng, phù phổi cấp rất nhiều bọt hồng qua ống nội khí quản, xét nghiệm nhanh thấy có thiếu oxy và toan chuyển hóa nặng rối loạn. Chẩn đoán đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch với biến chứng ngừng tuần hoàn, chảy máu phổi, siêu âm tim thấy tim đập rời rạc rất yếu, vì vậy không thể tiếp tục dùng thuốc, cần phải thực hiện kỹ thuật ECMO ngay lập tức.

 Ngay sau khi có hỗ trợ của máy ECMO, nhịp tim của bệnh nhân giảm tử 170 xuống 120 và 80 lần/ phút và ngừng đập..., điện tâm đồ là đường thẳng và siêu âm tim thấy tim gần như không có hoạt động co bóp. Tình trạng này kéo dài liên tục 5 ngày trong sự lo lắng của thầy thuốc và gia đình bệnh nhân khi thấy bệnh nhân hôn mê, đồng tử hai bên giãn, chảy máu rất nhiều nơi. Nhưng  các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục cứu chữa cho người bệnh.

Đến ngày thứ 6, thì tim bệnh nhân bắt đầu hoạt động trở lại, trên máy theo dõi thấy các hoạt động điện của tim, nhịp tăng từ 50 lên đến 90 lần/phút, khi siêu âm thấy tim bắt đầu co bóp tốt hơn nhưng tình trạng suy đa tạng chưa cải thiện nhiều. Bệnh nhân tiếp tục được ECMO, lọc máu liên tục, thở máy, truyền các chế phẩm máu, kháng sinh, duy trì thuốc chống đông…

Đến ngày thứ 12, tim đã hồi phục tốt hơn, ý thức tỉnh hơn đã tiến hành ngừng máy ECMO, bệnh nhân tiếp tục hỗ trợ  thở máy, suy thận phục hồi chậm nên tiếp tục lọc máu. Đến ngày thứ 20, bệnh nhân tỉnh táo, hết suy đa tạng nên đã rút nội khí quản, thở oxy liều thấp, tập phục hồi chức nặng.

Ngày thứ 25 sau khi bị phản vệ, nhờ các biện pháp hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng kết hợp nên bệnh nhân đã tự đi lại được, không phải thở oxy.

TS.BS. Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sau hơn 1 tháng dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám Đốc với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các giáo sư, bác sĩ, các khoa trong toàn Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Hùng Vương và sự tin tưởng, phối hợp chặt chẽ của gia đình  bệnh nhân, bệnh nhân một lần nữa được hồi sinh và trở về với chồng và hai con nhỏ. Sự kỳ diệu hiếm có khi tim đã ngừng hoạt động trong thời gian dài với sự hỗ trợ ECMO mà vẫn có khả năng hồi phục.

Bà Nguyễn Thúy Anh, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, phòng để cứu sống 2 bệnh nhân nặng

Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang