Ghép thận đã trở thành hoạt động thường qui tại Bệnh viện
Gặp bệnh nhân Nguyễn Văn Thụ, 49 tuổi, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Hà Tĩnh, người được vợ mình là chị Lê Thị Loan, 44 tuổi cho thận để ghép vào năm 2015 tại Bệnh viện, nhân dịp 2 vợ chồng đi khám lại và tham dự Lễ sơ kết 107 trường hợp ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện, anh chị khỏe mạnh, vui vẻ cho biết. Tháng 9/2014, anh Thụ thấy sức khỏe sa sút, mệt mỏi, buồn nôn, da xanh và nôn nhiều, anh đi khám bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhưng không phát hiện ra bệnh. Sau đó, anh lên Bệnh viện Bạch Mai, qua thăm khám, xét nghiệm, anh bị suy thận mạn tính. Nghe tin đó, 2 vợ chồng anh rất “sốc” vì gia đình anh chị thuộc hộ nghèo; trong khi đó con trai lớn của anh chị cũng bị u mắt, phải điều trị 3 năm liên tục tại Bệnh viện Mắt Trung ương nên anh chị cũng định buông bỏ. Nhưng được sự động viên, tư vấn nhiệt tình của các cán bộ bác sỹ Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai về tình trạng sức khỏe cũng như hướng dẫn nhiệt tình làm các thủ tục cần thiết về chuyển tuyến bảo hiểm y tế, nên anh chị đã kiên trì điều trị và thực hiện các xét nghiệm để được ghép thận. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, chính vợ anh là người phù hợp hiến thận cho anh. “Ngày 18/8/2015, tôi đã được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai ghép thận, sau 15 ngày tôi đã được xuất viện về nhà. Vợ tôi là người hiến thận cho tôi cũng chỉ 7 ngày sau được xuất viện. Sau hơn 1 năm ghép, hiến thận, sức khỏe của vợ chồng tôi hoàn toàn ổn định và có thể làm việc như người bình thường. Với thái độ ân cần, niềm nở cùng với việc làm chủ các kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng các cán bộ thày thuốc nơi đây”.
Tại báo cáo sơ kết 107 trường hợp ghép thận đầu tiên và Sinh hoạt khoa học chuyên đề ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, năm 2005, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện ca ghép thận thành công đầu tiên với sự trợ giúp của các đồng nghiệp Bệnh viện 103, cùng với sự tham gia của nhiều phòng, ban Bệnh viện nên số ca ghép thận cũng hạn chế. Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động ghép thận của Bệnh viện đã trở thành thường qui, với qui mô gọn nhẹ, hiệu quả. Thời gian theo dõi sau phẫu thuật ngày càng được rút ngắn lại, giảm từ hơn một tháng xuống khoảng 7-10 ngày là người nhận thận có thể xuất viện. Từ chỗ nhờ đến các kỹ thuật cao, tay nghề giỏi của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Bạch Mai đã tự lực và làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép thận. Số bệnh nhân được ghép thận tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Trò chuyện với bệnh nhân Nguyễn Văn Đức, 28 tuổi, đến từ Thạch Thất, Hà Nội, bệnh nhân được chính mẹ ruột hiến thận và được ghép thận cách đây 2 tháng, anh có chung những cảm xúc, niềm vui khi được ghép thận thành công tại Bệnh viện. Đức chia sẻ: “Tôi là một cán bộ y tế làm việc tại một Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, phát hiện bị suy thận vào đầu tháng 6/2016, đến ngày 18/10/2016, tôi được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cho ghép thận với nguồn hiến thận chính là mẹ tôi. Sau ghép được 10 ngày, tôi được xuất viện. Sau hơn 2 tháng, sức khỏe của cả 2 mẹ con gần như đã được hồi phục hoàn toàn. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam; đặc biệt là đội ngũ cán bộ bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai”.
Tiến tới thực hiện ghép tạng truyền thống trong thời gian tới
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh khẳng định, với việc thực hiện thành công 107 ca ghép thận và làm chủ kỹ thuật, Bệnh viện Bạch Mai rút ra được những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh ghép thận. Thực hiện các bước tiền đề để chuẩn bị tiến tới ghép thận từ thận của người cho chết não, chết tim và tiến tới triển khai các loại hình ghép tạng truyền thống như ghép tim; tiếp tục hợp tác trao đổi kinh nghiệm ghép tạng trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh công tác ghép tạng tại Việt Nam.
Bệnh viện Bạch Mai bên cạnh làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện luôn quan tâm và chú trọng tới công tác đào tạo cán bộ y tế, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tề và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị y tế tuyến dưới phát triển. Nét nổi bật của bệnh viện trong những năm gần đây là triển khai nhiều loại hình kỹ thuật cao ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế như: ghép tế bào gốc, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, nội soi can thiệp, điều trị ung thư, các kỹ thuật xét nghiệm cao trong đó có ghép thận.
Những kết quả thành công của Bệnh viện đã đóng góp vào những thành tựu chung của ngành Y tế… đồng thời góp phần tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, các cơ sở y tế trong và ngoài nước, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Mục tiêu lâu dài của Bệnh viện Bạch Mai trở thành một trong những Trung tâm ghép thận lớn với chất lượng hàng đầu trong cả nước”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Lễ sơ kết 107 trường hợp ghép thận đầu tiên và Sinh hoạt khoa học chuyên đề ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai sáng nay (14/12), PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, Trưởng Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 vào tháng 9/1992. Đến nay, Bệnh viện Quân y 103 đã ghép thận thành công cho 217 ca. Tiếp đến là BV Chợ Rẫy, thực hiện ca đầu tiên vào tháng 12/1992, đến nay đạt 529 ca; BV Việt Đức (8/2000) với số lượng đến nay được 389 ca; Bệnh viện Trung ương Huế (7/2001) đạt 320 ca, Bệnh viện Bạch Mai 107 ca ... số lượng ca ghép thận, tính đến nay tại các đơn vị thực hiện trong cả nước là gần 1.300 ca. Một số Bệnh viện đang tiến hành chuẩn bị ghép thận như: BVĐK Xanh Pôn, BV ĐK Thái Nguyên, BVĐK Phú Thọ, BVĐK Nghệ An, BV Vimec… |
Hoàng Hiền