Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu: Thay đổi trang phục y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

  • |
T5g.org.vn - Thực hiện Thông tư số 45/2015/TT-BYT quy định về trang phục y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã triển khai nghiêm túc, kịp thời may trang phục theo đúng qui định nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trang phục mới của cán bộ điều dưỡng BVĐK tỉnh

Bà Trần thị Huệ, tổ 21, phường Tân Phong, Thành phố Lai Châu cho biết: “Tôi bị bệnh mãn tính nên hay phải vào bệnh viện, trước đây tôi gặp ai cũng chào là bác sỹ, nhưng bây giờ tôi được cô điều dưỡng phòng khám hướng dẫn và chỉ cho tôi biết ai mặc áo trắng có viền xanh, áo dài chưa đến đầu gối thì đó là điều dưỡng, còn những ai mà mặc áo trắng không có viền xanh, áo dài qua đầu gối thì là bác sỹ, còn lại nhân viên hành chính thì mặc quần áo bình thường. Tôi thấy bệnh viện thay đổi  trang phục như thế để thuận lợi cho bệnh nhân liên hệ khi đến khám chữa bệnh”.

Để thực hiện Thông tư của Bộ Y tế đúng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, BVĐK tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo và bám sát các tiêu chí trọng tâm do Bộ Y tế quy định, trang phục mới phải được kế thừa mẫu trang phục truyền thống nhưng có đổi mới, đảm bảo thuận tiện cho các thao tác nghề nghiệp và phù hợp với khí hậu từng mùa của Lai Châu. Đồng thời thu thập ý kiến đóng góp của các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của  Bệnh viện và phối hợp cùng với một số công ty may để xây dựng các mẫu thiết kế theo đúng quy định của Bộ Y tế và phù hợp với Bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Chút, Phó Giám đốc, chủ tịch Công đoàn BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết: “Trang phục mới phải đảm bảo các tiêu chí: an toàn cho người bệnh, người sử dụng; thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn; chất liệu bảo đảm ít nhăn, mềm mại, dễ giặt, dễ là ủi, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu; kiểu dáng và màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, trang nhã, kín đáo, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với công việc và nghề nghiệp”.

 Chị Nguyễn Thị Hồng – Điều dưỡng viên Khoa khám bệnh (BVĐK tỉnh Lai Châu) cho biết: “Trước đây nhiều bệnh nhân cứ gọi tôi là bác sỹ, nhiều lúc tôi thấy ngại. Nhưng từ nay có trang phục đúng với chức danh nghề nghiệp, bệnh nhân cũng đã đỡ nhầm lẫn, bản thân mình cũng thấy thoải mái mái hơn và cần phải cố gắng nỗ lực để thực hiện đúng với chức danh của mình”.

Điều dưỡng Trần Văn Huynh, Trưởng phòng Điều dưỡng (BVĐK tỉnh) cho biết: Thực hiện qui định của Thông tư 45 của Bộ Y tế, Phòng đã tham mưu với Ban Giám đốc BVĐK tỉnh triển khai thực hiện may trang phục theo đúng qui định. Tất cả trang phục của bác sỹ, điều dưỡng là màu trắng, chỉ khác là trang phục điều dưỡng mới có thêm đường viền xanh ở cổ, cánh tay, túi và ngắn hơn so với áo của bác sỹ để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dễ phân biệt đâu là bác sỹ, đâu là điều dưỡng. Với thiết kế hài hòa, chất liệu tốt, trang phục của Bệnh viện cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của cán bộ điều dưỡng, bác sỹ”. Theo đó, đợt này, BVĐK tỉnh tiến hành may 769 bộ trang phục, trong đó có 200 bộ cho bệnh nhân. Đối với cán bộ mới và đối tượng cần thay đổi trang phục như điều dưỡng, nữ hộ sinh thì được may 2 bộ/người. Đến 1/8/2016 toàn Bệnh viện đã có trang phục cấp cho các y bác sỹ, điêu dưỡng theo đúng chức danh nghề nghiệp.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Việc thay đổi trang phục của Bộ Y tế là một chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhằm nâng cao hơn nữa hình ảnh chuyên nghiệp của cán bộ y tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Việc qui định về trang phục y tế không những giúp đáp ứng tốt hơn trong công tác chuyên môn mà còn đảm bảo vệ sinh, thỏa mái, thuận tiện và tạo phong cách chuyên nghiệp cho nhân viên y tế, đồng thời, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hỏi đúng người, tránh xảy ra hiểu lầm giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Vì khi bệnh nhân vào viện mà bị điều dưỡng hoặc nhân viên hành chính cáu gắt họ không biết cũng bảo là bác sỹ”.

Việc thay đổi trang phục đã giúp bệnh nhân nhanh chóng tìm được sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Mặt khác, bản thân mỗi cán bộ y tế khi khoác lên mình bộ trang phục đúng với chức năng nghề nghiệp của mình, họ cũng sẽ có ý thức hơn trong công việc cũng như việc gìn giữ hình ảnh cho mình. Mỗi cán bộ y tế có trang phục phù hợp, lịch sự cùng với thái độ phục vụ tận tình, chuyên nghiệp sẽ góp phần làm giảm căng thẳng của người bệnh, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với người thầy thuốc, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị và góp phần đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bài, ảnh: Mai Hoa

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang