11 giờ đêm ngày 14/10/2017, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân Hòa Quang Khoa bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy kịch, đau thắt ngực trái, khó thở, vã mồ hôi. Qua chụp động mạch vành qua da, các bác sỹ phát hiện, bệnh nhân tổn thương nặng cả 3 thân động mạch vành. Trường hợp của bệnh nhân này là tương đối hiếm gặp. Có 3 mạch máu lớn nuôi tim thì bệnh nhân này tắc mất 2 mạch lớn. Tiên lượng nếu không can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong của bệnh nhân gần như là 100%. Với việc cấp cứu kịp thời, song song với việc hồi sức, êkíp phẫu thuật đã quyết định mở thông dòng mạch vành bằng phương pháp đặt stent. Sau 5 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã cai được máy và hoàn toàn tỉnh táo. Sau 6 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, ngày 20/10/2017, bệnh nhân Hòa Quang Khoa đã được xuất viện về nhà.
Bệnh nhân Hòa Quang Khoa vui vẻ cho biết, sức khỏe của tôi hiện đã bình phục. Tôi cũng như nhiều bệnh nhân ở đây rất hài lòng với trình độ chuyên môn cũng như thái độ ân cần, niềm nở của các cán bộ y tế ở đây. Với việc làm chủ kỹ thuật tim mạch cũng như các chuyên khoa khác, người dân trong tỉnh như chúng tôi không phải chuyển tuyến lên Hà Nội, đỡ vất vả và đỡ tốn chi phí đi lại.
Với sự chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” của các bệnh viện tuyến Trung ương, hiện nay Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã có thể làm chủ nhiều kỹ thuật khó về tim mạch như: Chụp can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent mạch vành; siêu âm tim qua thực quản; cấp cứu sốc điện; đặt nội khí quản; đặt ống thông (catheter) tĩnh mạch trung tâm; chọc hút dịch màng ngoài tim; sốc điện chuyển nhịp… các kỹ thuật này được làm thường xuyên trong các trường hợp cấp cứu tại Khoa.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Trung, kỹ thuật chụp động mạch vành qua da và đặt stent mạch vành là những kỹ thuật mới được triển khai ngay sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình thành lập Đơn vị can thiệp tim mạch vào ngày 15/8/2017. Trước kia, những trường hợp nặng như bệnh nhân Hòa Quang Khoa đều phải chuyển lên tuyến trên, dẫn tới vượt quá thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân là 6 tiếng sau cơn nhồi máu cơ tim, khả năng tử vong và tỷ lệ biến chứng cao. Nhưng nay, nhờ được thực hiện kịp thời ngay tại tuyến tỉnh, bệnh nhân sau 2 ngày đã hồi phục gần như hoàn toàn và có thể ra viện sau chưa tới 1 tuần.
Để có thể thực hiện kỹ thuật này, từ năm 2011, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại như: Máy chụp mạch; chụp cộng hưởng từ; máy gây mê; máy thở và nâng cấp cơ sở vật chất khu vực phòng mổ. Bên cạnh đó, hàng năm Bệnh viện đều chú trọng cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu về tim mạch tại Bệnh viện E; Bệnh viện Tim Hà Nội; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển kỹ thuật mũi nhọn tiến tới sớm thành lập Trung tâm Tim mạch ngay tại Bệnh viện.
Được biết, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình hiện có gần 76 cán bộ y tế, với số lượng bệnh nhân đang được điều trị các bệnh lý về tim mạch tại Khoa từ 120 đến 160 bệnh nhân; trong đó có gần 60 bệnh nhân đã được đặt stent. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình hiện là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E Trung ương, vì vậy cuối tháng 11/2017, với sự giúp đỡ của Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành phẫu thuật tim hở. Đến năm 2018, Bệnh viện có kế hoạch triển khai thêm kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; kỹ thuật điều trị lares cho bệnh nhân suy van tĩnh mạch và có thể can thiệp 1 số ca tim bẩm sinh cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Hoàng Hiền