Bệnh viện Mắt Trung ương - 60 năm một chặng đường phát triển
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Bệnh viện Mắt Trung ương đã đạt được trong thời gian qua. Bệnh viện đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, công tác khám chữa bệnh được nâng cao. Bệnh viện có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tự chủ về tại chính thành công; đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng tốt hơn. Thủ tướng mong muốn, tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động của Bệnh viện tiếp tục nỗ lực lao động, phấn đấu tất cả vì người bệnh, vì sức khẻo của nhân dân.
Tại buổi Lễ, TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Ngày 7/6/1917, Toàn quyền Đông Dương Allbert Sarraut quyết định thành lập Viện Mắt, với quy mô 50 giường bệnh. Đây là cơ sở khám chữa mắt đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở thực hành cho sinh viên của Đại học Y khoa Đông Dương. Trong giai đoạn này, tỷ lệ mù lòa trong nhân dân rất cao, bệnh mắt hột là căn bệnh phổ biển, gây mù lòa chủ yếu. Năm 1942, bác sỹ Nguyễn Xuân Nguyên là người Việt Nam đầu tiên làm Viện trưởng Viện Mắt.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên toàn quốc kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến, bác sỹ Nguyễn Xuân Nguyên cùng các đồng nghiệp di chuyển về khu vực Vân Đình (Hà Nội) xây dựng cơ sở mới là Bệnh viện chữa mắt liên khu 3. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, trong đó có Viện Mắt. Bác sỹ Nguyễn Xuân Nguyên trở lại Viện Mắt trên cương vị Viện trưởng, mở ra một hướng phát triển mới dưới chính quyền cách mạng, người dân thực sử làm chủ vận mệnh của mình.
Tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt. Người ân cần thăm hỏi, động viên các thầy thuốc và người bệnh đang điều trị tại Viện Mắt. Người căn dặn: “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa mắt cho nhân dân”. Ngày 1/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định thành lập Viện Mắt hột với nhiệm vụ chính: nghiên cứu bệnh mắt hột và tình hình bệnh mắt hột; nghiên cứu những phương pháp phòng và chữa bệnh mắt hột để giúp Bộ Y tế lãnh đạo toàn Ngành và nhân dân làm giảm dần tỷ lệ và tiến tới thanh toán bệnh mắt hột...
Đất nước hoàn toàn thống nhất, Viện Mắt hột được đổi tên thành Viện Mắt Trung ương với nhiệm vụ chức năng rộng hơn, nghiên cứu và điều trị các bệnh mắt tuyến cao nhất, là viện chuyên khoa đầu ngành cả nước tổ chức và triển khai các chương trình phòng chống mù lòa trên toàn quốc, đào tạo cán bộ cho ngành và chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Năm 2003, Viện Mắt Trung ương được sắp xếp lại và được đổi tên thành Bệnh viện Mắt Trung ương với các 7 nhiệm vụ chức năng chính cho đến ngày hôm nay.
Với 100 năm thành lập và phát triển (1917-2017) và đặc biệt 60 năm dưới chính quyền cách mạng (1957-2017), Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay với quy mô 450 giường bệnh, cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, cùng với đội ngũ cán bộ nhãn khoa vững tay nghề, trở thành trung tâm nhãn khoa lớn nhất cả nước, là trung tâm nghiên cứu khoa học và tuyến điều trị mắt cao nhất, là một trong những trung tâm nhãn khoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mỗi năm Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận trung bình trên 400.000 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh mắt, tiến hành phẫu thuật hàng chục nghìn ca mang lại ánh sáng, niềm vui cho người bệnh... Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, từ điều tra cơ bản đến những công trình nghiên cứu ứng dụng đã được thực hiên và có giá trị ứng dụng vào thực tế.
Bệnh viện Mắt Trung ương là “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cán bộ nhãn khoa cho cả nước. Hiện nay cả nước có trên khoảng trên 2.000 bác sỹ nhãn khoa, tăng gấp 4 lần so với năm 1985, chiếm tỷ lệ 21,5 người/1 triệu dân, và gần 2.500 y sỹ, điều dưỡng đang làm việc trong ngành Mắt cả nước, chiếm tỷ lệ 26,9 người/1triệu dân.
Nhờ sự nỗ lực của ngành Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương và của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ mù chung đã giảm từ 1,25% năm 1996 xuống còn 0,43% năm 2015. Chúng ta đã thanh toán được bênh khô mắt do thiếu Vitamin A, sắp công bố thanh toán bệnh Mắt hột trên phạm vi toàn quốc.
Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống mù lòa được thành lập, đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Phòng chống mù lòa, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để kiểm soát các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh và giảm dần tỷ lệ mù loà trong cộng đồng, thể hiện sự cố gắng nỗ lực của ngành mắt, của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đối với công tác chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa ở nước ta.
Những năm qua, tình hình mù lòa và mô hình bệnh tật tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi: sẹo giác mạc do mắt hột giảm đi, bệnh võng mạc do đái tháo đường tăng, bệnh do đục thể thủy tinh vẫn còn nhiều, tỷ lệ các bệnh do tật khúc xạ cũng đang tăng lên.Trong số những nguyên nhân gây mù hiện tại, có đến 80% số trường hợp mù là có thể phòng hoặc chữa được. Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân chính gây mù hiện nay, lên tới khoảng gần 1.000.000 người bao gồm cả 1 mắt, 2 mắt và số lượng phát sinh hàng năm.
Trước yêu cầu khám chữa bệnh mắt của nhân dân ngày càng cao từ chuyên môn đến chất lượng dịch vụ, trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền y tế trong cơ chế thị trường cũng như thực hiện cơ chế tự chủ mà Bộ Y tế giao cho, Bệnh viện Mắt Trung ương đã khắc phục khó khăn, quyết liệt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu rõ ràng: Nâng cao chất lượng Bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Xây dựng các cơ sở y tế xanh sạch đẹp; phát triển hệ thống chăm sóc mắt Việt Nam theo hướng “Công bằng, hiệu quả và chất lượng”; Từng bước đổi mới cơ chế quản lý, quản trị bệnh viện công theo hướng huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; Đổi mới cơ chế tài chính toàn diện, thực hiện tự chủ; tăng cường hạ tầng đầu tư, trang thiết bị và sắp xếp quy hoạch sử dụng nhân lực hiệu quả, hợp lý...
Đi đầu nhãn khoa, vươn ra quốc tế
“Với truyền thống 100 năm, được sự lãnh đạo và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ giữ vững là cánh chim đầu đàn “Đi đầu nhãn khoa, vươn ra quốc tế” trong sự nghiệp giải phóng mù lòa, mang lại ánh sáng cho nhân dân. Hội nghị nhãn khoa Việt Nam năm 2017 sẽ là Hội nghị của quyết tâm hành động phòng chống mù lòa tiến tới hoàn thành mục tiêu Thị giác 2020”, TS. Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự buổi Lễ và trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bệnh viện Mắt Trung ương.
Bộ trưởng xin tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trước mắt là triển khai Chương trình hành động Nghị quyết về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Bộ trưởng đề nghị, Bệnh viện Mắt Trung ương phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực để phát triển Bệnh viện thành trung tâm điều trị kỹ thuật cao dẫn đầu của cả nước; đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, chuyển giao những công nghệ cao cho các tuyến kể cả tuyến dưới và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu về mắt, mắt học đường, các trạm y tế và thực hiện “Chiến lược phòng chống mù lòa” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng chỉ đạo Đảng ủy, Ban giám đốc và tập thể Bệnh viện Măt Trung ương xây dựng Đề án cơ sở 2 với quy mô cơ sở vật chất hiện đại bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp tác khác để xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
Với những nỗ lực đó, trong những năm qua, tập thể và nhiều cá nhân Bệnh viện Mắt Trung ương đã được Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quí. Vinh dự và tự hào, tại Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương, tập thể Bệnh viện Mắt Trung ương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng III vì đã có những đóng góp to lớn cho công tác phòng, chống mù lòa trong cả nước.
Ngày 24/11/2017, tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương, Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng III do Đảng và Nhà Nước trao tặng; tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên của Ngành Mắt; Hội nghị Nhãn khoa quốc tế AECOM. Tới dự Lễ Kỷ niệm có Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các đối tác quốc tế trong và ngoài nước. Cũng trong 3 ngày, từ 24 đến 26/ 11/2017, Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam năm 2017 được tổ chức, nhằm đánh giá tổng kết các công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm đồng thời đề ra các phương hướng nhiệm vụ hoạt động cho năm tới. Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 1600 đại biểu Việt Nam và 80 chuyên gia, khách mời quốc tế đến từ nhiều nước và hơn 200 bài báo cáo về các chuyên ngành nhãn khoa. Đặc biệt Hội nghị lần này còn có các khóa đào tạo ngắn hạn với nhiều chủ đề. Học viên tham dự được cấp chứng chỉ tại Hội nghị. Hội nghị sẽ có 60 gian hàng và hơn 200 nhân viên phục vụ triển lãm của các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành nhãn khoa, trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất để các bác sỹ có thể cập nhật sử dụng mang lại hiệu quả mong muốn cho bệnh nhân. |
Hoàng Hiền