
Trước đó ở tuần thai thứ 34, mẹ của bé đã được Khoa Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bé bị thoát vị hoành bẩm sinh. Ngày 02/11/2016, bé được sinh tại Bệnh viện, do phản xạ sơ sinh yếu, phổi hai bên thông khí kém nên bé được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ Sinh. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT cho thấy toàn bộ dạ dày và lá lách nằm trên lồng ngực, không có cơ hoàng ngăn lại và đẩy lên cao hơn so với bình thường, chèn ép vào phổi khiến thể tích phổi của bé dưới 1/3 thông thường.
Các bác sỹ chẩn đoán bé bị thoát vị hoành bẩm sinh bên trái, một phần dạ dày và lách chui qua cơ hoành lên lồng ngực trái gây hoại tử ... Nếu không kịp thời được mổ để sắp xếp lại vị trí, bé chỉ được sống ít ngày, nguy cơ tử vong sớm là rất cao.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật mổ cấp cứu ngay cho bé. Trong quá trình mổ do lỗ thoát vị hoành rộng, một phần dạ dày và lá lách đã bị hoại tử, một phần đứt rời khỏi tổ chức xung quanh nên các bác sỹ đã phải cắt toàn bộ dày dày và lá lách, sau đó nối thẳng phần ruột non với thực quản. Tiên lượng đây là bệnh nhi thoát vị hoành có nhiều biến chứng nặng nhất từ trước đến nay, “Vì đây là một ca phẫu thuật phức tạp, thời gian mổ kéo dài hơn 3 tiếng, cháu bé còn quá nhỏ, phẫu thuật phải cắt bỏ hoàn toàn dạ dày và lá lách cho bé, nên bệnh nhân dễ bị mất máu, vì vậy trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền máu và tiêm thuốc trưởng thành phổi”, BSCKII. Nguyễn Quốc Hùng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật chia sẻ.
Sau mổ, bé được hồi sức tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, tình trạng huyết động, hô hấp ổn định hơn, nhưng áp lực động mạch phổi không cải thiện nhiều. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhi bị suy thận, phải lọc máu liên tục trong 3 ngày liên tiếp và nuôi dưỡng tĩnh mạch, thở máy… Đến nay, sau 1 tuần điều trị tích cực vết mổ khô, liền da tốt, hiện bệnh nhi đang hồi phục tích cực, bé đã hoàn toàn cai được máy thở, cai hoàn toàn oxy, dừng các thuốc vận mạch, tỉnh táo, phản xạ và bú tốt.
Tin: Hoàng Hiền