Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh viện Tim Hà Nội: Công tác xã hội phải luôn song hành cùng với các chuyên môn khác

  • |
T5g.org.vn - Năm 2004, Bệnh viện Tim Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với sự phát triển không ngừng về chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Tim Hà Nội luôn ý thức rằng công tác xã hội, từ thiện là một công tác rất quan trọng và phải luôn song hành cùng với các công tác chuyên môn khác của Bệnh viện. Với mong muốn, chăm sóc tốt hơn, toàn diện hơn đối với tất cả các đối tượng, đặc biệt là đối với trẻ em thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, trẻ em nghèo trong xã hội và trẻ em ở vùng đặc biệt khó khăn, ngày 6/8/2013, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thành lập Phòng Công tác xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của bộ phận chuyên môn này là đẩy mạnh mọi hoạt động xã hội, từ thiện để ngày càng có nhiều bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được điều trị, phẫu thuật và can thiệp tim miễn phí.
Đoàn bác sỹ BV Tim Hà Nội phối hợp với Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, Quỹ tài trợ " Nhịp Tim Việt Nam - Vinacapital” khám từ thiện cho bệnh nhi tại tỉnh Cao Bằng tháng 6/2015

Ở nhiều nước, công tác xã hội được xem như hoạt động chuyên nghiệp, là nhân tố cho sự phát triển xã hội. Tại Việt Nam, những năm gần đây, một số bệnh viện đã triển khai Phòng Công tác xã hội với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội, mặc dù mới được thành lập hơn 2 năm với 4 nhân lực chính, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của ban lãnh đạo Bệnh viện, Phòng Công tác xã hội đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Bệnh viện nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

ThS.BS. Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: hiện nay, tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: khai thác thông tin về đặc điểm nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, các chế độ BHYT, trấn an tinh thần người bệnh… do vậy có nhiều vấn đề phát sinh như: “cò bệnh viện”; sự thiếu hụt khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh; sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế; sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…

Từ khi thành lập cho đến nay, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện một số các hoạt động nhằm hỗ trợ các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện như: thông qua số máy thường trực (0439 425 880), hàng ngày nhân viên Phòng Công tác xã hội sẽ trực tiếp tư vấn, giải đáp các cuộc gọi đến của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hỏi về chế độ bảo hiểm y tế, về thủ tục hành chính, quy định khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. “Mỗi ngày, nhân viên Phòng Công tác xã hội sẽ trực tiếp trả lời, tư vấn hơn 20 cuộc gọi của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, qua đó, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có được những thông tin cần thiết, đầy đủ nhất về các dịch vụ khám, chữa bênh để họ có được những sự lựa chọn hợp lý, phù hợp với điều kiện khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện”, ThS.BS. Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Trong thời gian hoạt động từ tháng 8/2013 đến nay, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp với các tổ chức, các khoa phòng liên quan trong Bệnh viện thực hiện việc tiếp nhận đơn, thư, phản ánh của bệnh nhân; phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân đề xuất Ban giám đốc trả lời, giải quyết các thắc mắc cũng như kiến nghị của bệnh nhân; trợ giúp mạng lưới các bác sỹ, điều dưỡng giải thích cho gia đình người bệnh nhằm làm cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám, chữa bệnh. Đối với các bệnh nhân đang nằm viện, nhân viên Phòng Công tác xã hội thường xuyên đến thăm hỏi, tư vấn cho người nhà về các vấn đề trong quá trình điều trị tại Bệnh viện, luôn giữ liên lạc với các bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân đã ra viện.

Ngoài hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, Phòng Công tác xã hội còn là “cầu nối” kết nối với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để hỗ trợ, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên mọi miền tổ quốc. Với vai trò đầu mối, hàng năm, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ Trẻ em các tỉnh thành, phố thực hiện khám sàng lọc tim mạch miễn phí cho các cháu nhỏ. Kết quả, từ khi thành lập tới nay, Bệnh viện phối hợp với các tổ chức đã khám cho hơn 90.000 cháu, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 25.000 người. Qua các đợt khám sàng lọc đã phát hiện hàng trăm ca có bệnh lý tim bẩm sinh.

Bệnh viện chủ động phối hợp với các tổ chức từ thiện như: Quỹ Tấm lòng Việt - Trái tim cho em, Quỹ Nhịp tim Việt Nam - Vina Capital, Tổ chức Đông Tây hội ngộ, … tìm nguồn tài trợ kinh phí phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo với tổng số trên 1.500 cháu, tương ứng với số kinh phí 60 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2014, Quỹ “Vì một trái tim khỏe” do Bệnh viện Tim Hà Nội sáng lập chính thức đi vào hoạt động đã có hàng chục các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ như Công ty VINA CARE, Ngân hàng TMCP SHB, Ngân hàng TMCP Viettinbank, Công ty Công nghệ Dược Nanogen, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Tây Hồ… tổng số tiền huy động được đến nay (kể cả các khoản cam kết hỗ trợ trong tương lai) đạt gần 8 tỷ đồng.

Để đạt hiệu quả thiết thực cho các bệnh nhi thuộc diện chính sách, diện hộ nghèo, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đã chủ động lên chương trình khám, hội chẩn trực tiếp cho các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng… với mức tài trợ mỗi tỉnh là 300 triệu đồng cho chương trình mổ miễn phí trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, do là Bệnh viện đầu ngành về tim mạch nên hàng ngày bệnh nhân đến khám, chữa bệnh rất đông nên việc thành lập Phòng Công tác xã hội cùng với Phòng Chăm sóc khách hàng đã giúp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân yên tâm hơn khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện. Góp phần nâng cao uy tín của Bệnh viện Tim Hà Nội trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, đến nay, công việc của Phòng Công tác xã hội đã đi vào nề nếp, đạt hiệu quả. Việc thành lập Phòng Công tác xã hội đã làm người dân hài lòng hơn khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện; đồng thời với vai trò “cầu nối”, Phòng Công tác xã hội đã giúp cho nhiều bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật tim bẩm sinh miễn phí, “khởi động” lại những trái tim lỗi nhịp trong cuộc đời này.

Người làm nghề công tác xã hội trong bệnh viện phải là người có tấm lòng nhân hậu

Theo ThS.BS. Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội: Tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội là một thành phần trong ê kíp trị liệu. Nhân viên xã hội có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh nhân. Nhân viên xã hội còn thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh như: trấn an, giảm áp lực, tránh xấu hổ, tư vấn về điều trị… Nhân viên xã hội cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện. Những người làm công tác xã hội trong bệnh viện không chỉ có vai trò trong hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ các thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Để thực hiện những điều đó người làm nghề công tác xã hội trong bệnh viện phải là người có tấm lòng nhân hậu, chín chắn, nhạy cảm với cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh, không thiên vị và phân biệt đối xử với người bệnh. Họ phải có kỹ năng truyền thông tốt, biết lắng nghe, thương thảo, có khả năng giao tiếp với cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân, phải có kỹ năng tham vấn tâm lý, biết tôn trọng, chân thành và đồng cảm với người bệnh. Ngoài ra, kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm cũng vô cùng quan trọng. Người làm công tác xã hội trong bệnh viện cần phải có mối quan hệ rộng rãi ở cộng đồng, với giới truyền thông, báo chí, với các tổ chức, các trung tâm xã hội như một mạng lưới để có thể hỗ trợ các bệnh nhân tốt nhất khi cần. Cuối cùng, nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện phải là người trung gian, đại diện cho cả hai phía, bệnh viện và bệnh nhân, cần phải thiết lập được mối quan hệ bình đẳng và truyền thông có hiệu quả giữa hai phía, giúp giảm xung đột, thắc mắc để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Bài: Hoàng Hiền
Ảnh: Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang