Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bình Đình: chiến dịch tiêm Sởi - Rubella cho đối tượng 16 đến 17 tuổi đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ cao

  • |
T5g.org.vn - Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Đình, Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi đã hoàn thành và đạt tỷ lệ cao, toàn tỉnh đã có 35.414 đối tượng 16 - 17 tuổi được tiêm vắc-xin Sởi - Rubella, đạt tỉ lệ 98,03%, trong đó có 215 trường hợp hoãn tiêm/chống chỉ định. Không ghi nhận trường hợp tai biến sau tiêm chủng.

Trong tổng số 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Định, có nhiều địa phương đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng Sởi - Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi khá sớm so với kế hoạch đề ra và đạt tỷ lệ cao, như: huyện Tuy Phước (99,13%), huyện Tây Sơn (99,90%), Thị xã An Nhơn (99,71%), huyện Phù Cát (99,58%), huyện Hoài Nhơn (99,07%), huyện Hoài Ân (99,64%), huyện Vĩnh Thạnh (99,25%). BS. Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, tại tỉnh Bình Định, từ khi triển khai tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh, các vụ dịch Sởi đã được khống chế nhưng hàng năm vẫn còn các trường hợp bệnh rải rác ở những trẻ, thanh niên chưa được tiêm chủng, nguy cơ tái xuất hiện dịch vẫn còn tồn tại và bệnh Rubella cũng là bệnh thường xuất hiện. Năm 2014, toàn tỉnh đã ghi nhận 179 ca sốt phát ban, trong đó dương tính với sởi 31 ca. Sau chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella, năm 2015, tỉnh chỉ ghi nhận 32 ca sốt phát ban, trong đó dương tính với Sởi 01 ca. Lứa tuổi 16 - 17 tuổi là lứa tuổi nối tiếp của các lứa tuổi đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong năm 2014 - 2015 (từ 01 - 14 tuổi). Vì vậy việc triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho nhóm đối tượng 16 - 17 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, cắt đứt nguồn lây truyền bệnh sởi, rubella, từ đó giảm số mắc và chủ động khống chế bền vững bệnh Sởi và Rubella; góp phần làm giảm gánh nặng bệnh Sởi và Hội chứng Rubella bẩm sinh, chủ động phòng chống dịch bệnh Sởi, Rubella trong thời gian tới.

Để có được thành công của Chiến dịch, ngay từ trước khi triển khai, lãnh đạo UBND, Sở Y tế, các cấp chính quyền, đơn vị hưu quan của tỉnh Bình Định xác định rõ tầm quan trọng của Chiến dịch đối với công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai một cách đầy đủ, phù hợp với thực tế của địa phương; đồng thời, tổ chức Hội nghị triển khai cấp tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố để thảo luận kỹ những vấn đề có thể gặp phải trong quá trình triển khai, từ đó, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện của mỗi địa phương. BS. Lê Quang Hùng cho biết, một trong những yếu tố làm nên thành công là sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, ban, ngành, đơn vị. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc chốt đối tượng, tổ chức truyền thông, tổ chức điểm tiêm, theo dõi và bảo đảm trật tự trong suốt quá trình tổ chức chiến dịch. Các văn bản chỉ đạo kịp thời của Sở Giáo dục và Đào tạo đã đôn đốc các trường học bắt tay vào cuộc; để đảm bảo an toàn tiêm chủng, trước ngày tiêm 1 tuần, cán bộ y tế đều đến các trường trong buổi chào cờ, nói chuyện với học sinh về vai trò quan trọng của vắc-xin Sởi - Rubella và những điều cần lưu ý trước, trong và sau tiêm để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, ngành Y tế Bình Định đã: tổ chức tập huấn kỹ về chuyên môn cho tất cả cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã tham gia vào chiến dịch, bảo đảm không để xảy ra sai sót; tăng cường truyền thông; phối hợp các trường học tổ chức các điểm tiêm đúng theo quy định. Cán bộ y tế thống nhất với nhà trường cụ thể về thời gian triển khai, thời điểm tiêm cho từng lớp, phương án giữ trật tự, phương án xử trí phản ứng sau tiêm chủng nếu có kể cả các phản ứng tâm lý; tăng cường giám sát trong suốt quá trình triển khai chiến dịch. Trong quá trình triển khai, ngành Y tế đã thành lập các Tổ giám sát, thực hiện giám sát liên tục trước, trong và sau chiến dịch, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, vướng mắc và hỗ trợ cho các điểm tiêm. Các điểm tiêm thường xuyên rà soát và tổ chức tiêm vét ngay sau đợt tiêm chủng và trong ngày tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế; bảo đảm kinh phí, vắc xin, vật tư tiêm chủng: Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định bổ sung kinh phí địa phương để hỗ trợ triển khai Chiến dịch. Bên cạnh đó nhận thức được tầm quan trọng của Chiến dịch nên các địa phương, các trường học cũng đã hỗ trợ thêm kinh phí để chiến dịch được tổ chức đạt kết quả. Vắc xin, vật tư tiêm chủng đều có kế hoạch chuẩn bị sát với tiến độ triển khai ở các địa phương.

Đối với công tác an toàn tiêm chủng, BS. Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, bảo đảm an toàn tiêm chủng là một mục tiêu bắt buộc phải đạt được trong Chiến dịch. Tỉnh Bình Định đã áp dụng triệt để các biện pháp như: thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn; rà soát và chuẩn bị đầy đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, các dụng cụ tiêm chủng, các cơ số thuốc chống sốc và cấp cứu cho tất cả các điểm tiêm; thực hiện đúng quy định về tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin; thực hiện nghiêm túc quy trình khám sàng lọc và tổ chức buổi tiêm chủng; thực hiện đúng kỹ thuật tiêm chủng đúng (vị trí, liều lượng, đường tiêm), đảm bảo vô khuẩn trong tiêm chủng... tổ chức điểm tiêm chủng đúng quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng. Bên cạnh đó, các điểm tiêm đều phải xây dựng phương án xử trí các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, trong đó có xử trí phản ứng sau tiêm chủng; ngoài cán bộ phụ trách xử trí phản ứng sau tiêm chủng tại các điểm tiêm, Trung tâm Y tế huyện bố trí xe cấp cứu và các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm xử trí các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng; bố trí cán bộ hỗ trợ khám sàng lọc, cấp cứu tại các điểm tiêm chủng. Trung tâm YTDP và Trung tâm Y tế huyện còn thành lập các tổ giám sát hỗ trợ các điểm tiêm trong suốt quả trình tổ chức chiến dịch. Nhờ có phương án, kế hoạch cụ thể nên một số phản ứng nhẹ, phản ứng tâm lý xảy ra trong quá trình tiêm chủng đã được các điểm tiêm xử lý tốt. Theo ghi nhận từ các địa phương, công tác tiêm chủng đã được chuẩn bị chu đáo, triển khai đảm bảo an toàn, đến thời điểm kết thúc Chiến dịch không ghi nhận trường hợp tai biến sau tiêm chủng .

Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi tại Bình Định đã kết thúc và đạt được thành công với 98,03% đối tượng trong diện cần tiêm chủng được tiêm an toàn, không có trường hợp tai biến sau tiêm chủng như một minh chứng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo UBND, ngành Y tế tỉnh Bình Đình trong công tác phòng chống dịch bệnh giúp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bài: Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang