Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bình Phước không ghi nhận ca mắc mới bệnh bạch hầu

  • |
T5g.org.vn - Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 2/8/2016, tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có tổng số 11 ca mắc bạch hầu trong đó có 5 ca xét nghiệm dương tính,3 ca lâm sàng và 3 ca tử vong. Ngoài ra, có 3 ca đang được điều trị, 52 ca bệnh được giám sát, theo dõi và điều trị cách ly. Kết quả xét nghiệm cho biết, 52/52 ca cho kết quả âm tính với vi khuẩn bạch hầu. Ngoài ra, trong số những trường hợp giám sát, sau khi điều trị ổn định được xuất viện về nhà, 02 ca bệnh có những biểu hiện biến chứng bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Như vậy, từ ngày 20/7/2016 đến ngày 3/8/2016, Bình Phước không ghi nhận ca mắc mới bệnh bạch hầu. Công tác phòng, chống bệnh bước đầu được kiểm soát trong phạm vi toàn tỉnh.
Người dân 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tham gia tiêm chủng phòng chống bệnh bạch hầu
 

Quyết liệt vào cuộc kịp thời từ những ca đầu tiên

Bác sỹ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, đầu tháng 7/2016, ngay khi nhận được báo cáo về các trường hợp tử vong tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, xác minh. Qua kết quả điều tra, qua hồ sơ bệnh án và thông tin người nhà cung cấp, 2 ca tử vong đều có một số dấu hiệu, triệu chứng chính sau: viêm Amydal mủ, 01 trường hợp sau viêm Amydal mủ chuyển sang viêm mô tế  bào vùng cổ; đồng thời tử vong do các biến chứng về tim như: viêm cơ tim viêm cơ tim do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc sau bội nhiễm viêm mô tế  bào vùng cổ. Điều tra tại cộng đồng thấy, tại đây có nhiều trường hợp đang viêm họng, viêm Amydal, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bạch hầu.

Từ ngày 22/6 - 7/7/2016, tại Tổ 5, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cũng ghi nhận 08 ca mắc bạch hầu, các bệnh được chẩn đoán, điều trị tại Trạm Y tế Thuận Lợi, Bệnh viện cao su Đồng Phú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện tuyến trên; trong đó 04 ca đã được điều trị khỏi, 04 ca đang được điều trị (01 ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 02 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, 01 ca ở Bệnh viện cao su Đồng Phú).

Ngày 08/7/2016, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy mẫu người tiếp xúc với ca tử vong, mẫu các trường hợp đang mắc bệnh. Kết quả có 04 mẫu xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu trong số 36 mẫu xét nghiệm. Ngày 15/7/2016, UBND tỉnh Bình Phước đã có Quyết định công bố bệnh dịch bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo bác sỹ Quách Ái Đức, nguyên nhân xảy ra dịch bạch hầu tại tỉnh Bình Phước có thể do 3 nhóm nguyên nhân phối hợp như sau: Thứ nhất: Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1984 và tỷ lệ mắc bạch hầu giảm từ 4.1 ca/ 100.000 dân xuống 1.6 (năm 1989) đến 0.01 (năm 2009) và duy trì ở mức thấp này cho đến nay (năm 2015). Khi số ca bạch hầu giảm thì số người được miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng cũng sẽ giảm và việc phòng bệnh chỉ có thể dựa vào việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Thứ hai: Lịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu (vắc xin DTP) trước năm 2010 được triển khai 3 mũi lúc trẻ dưới 1 tuổi, với 3 mũi vắc xin trên miễn dịch có thể ké dài khoảng 5-6 năm. Từ tháng 6/2010 trở đi, Bộ Y tế đã bổ sung lịch tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng, nhằm kéo dài miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván lâu hơn. Do vậy một số đối tượng sinh trước năm 2010 có thể không được tiêm mũi 4. Tính đến nay, việc tiêm nhắc DTP mũi 4 đã được 6 năm. Thứ ba: Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 của toàn tỉnh Bình Phước trong 3 năm trở lại đây được duy trì ở mức 94%. Tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, những xã có người đồng bào S’Tiêng sinh sống, tập trung lại ít tham gia tiêm chủng. Giai đoạn trước đây 5 năm, có những ấp khi điều tra, chỉ có khoảng 20% số trẻ em dân tộc S’Tiêng tham gia tiêm chủng.

Với 3 nguyên nhân phối hợp trên, dịch bạch hầu xảy ra lần này tại các xã của huyện Đồng Phú chủ yếu gặp ở nhóm tuổi 6 đến 26 tuổi hoặc trên đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin có thành phần vắc xin bạch hầu. Việc mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi trẻ lớn và người lớn chứng tỏ miễn dịch với bệnh bạch hầu ở trẻ nhỏ được duy trì tốt và miễn dịch này có thể giảm theo thời gian, cần tiêm nhắc lại.

Tỉnh Bình Phước đã được Cục Y tế dự phòng cấp cho tỉnh 10.000 liều vắc xin bạch hầu để triển khai chống dịch. Hiện nay, tỉnh đã sử dụng hơn 7.000 liều tiêm cho nhóm đối tượng từ 6 tuổi đến 26 tuổi ở 02 xã Thuận Lợi, Thuận Phú. Số còn lại hơn 2.000 liều, đang bảo quản để sẵn sàng ứng phó với diễn biến tình hình mới của dịch. Còn lại các nhóm đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, sẽ sử dụng các loại vắc xin trong chương trình TCMR để tiêm cho từng nhóm tuổi cụ thể.

Thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh

Bác sỹ Quách Ái Đức chia sẻ, ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Do đó, ở tại những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém, những người chưa có miễn dịch hoặc có miễn dịch nhưng ở ngưỡng quá thấp, không đủ khả năng bảo vệ phòng bệnh thì vẫn có thể bị mắc bệnh bạch hầu.

Vừa qua, dịch bạch hầu xảy ra tại huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước, trong thời gian này, ngành Y tế tỉnh đã tập trung cao độ vào công tác dập dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài, hạn chế thấp nhất số người mắc và tử vong do bệnh với các biện pháp như: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình, phòng bệnh cho từng cá nhân cụ thể: thực hiện tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng trong TCMR; chỉ đạo các xã/phường trên địa bàn tỉnh điều tra, rà soát lại tất cả các đối tượng từ trên 2 tháng tuổi cho đến 48 tháng tuổi về tiền sử tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng và tiến hành tiêm bổ sung ngay vắc xin 5 trong 1 cho các đối tượng dưới 11 tháng tuổi nếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Tiêm bổ sung liều vắc xin DPT cho các đối tượng trên 18 tháng cho đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm nhắc vắc xin DPT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về tổ chức thực hiện tiêm chủng ở tuyến cơ sở. Mặt khác, Sở Y tế tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng mở rộng các điểm tiêm, bàn tiêm chủng ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đặt biệt là những vùng có nhiều đồng bào dân tộc Stiêng sinh sống để hạn chế đến mức thấp nhất các đối tượng này bị bỏ sót trong tiêm chủng; phối hợp cùng Viện Pasteur TP. HCM, giám sát ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước.

“Hiện nay, tình hình dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Từ ngày 20/7/2016 cho đến nay 03/8/2016, toàn tỉnh Bình Phước chưa ghi nhận thêm ca bạch hầu mới. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nếu không có tình huống mới, bất thường thì trong thời gian tới Sở Y tế tỉnh Bình Phước sẽ tham mưu cho UBND tỉnh công bố hết dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh”, Bác sỹ Quách Ái Đức nhấn mạnh.

Cán bộ Y tế thực hiện khám sàng lọc cho người dân 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú

Bài: Hoàng Hiền

Ảnh: CTV

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang