Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380 nghìn ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là sử dụng thuốc lá, thực phẩm nhiều chất béo có hại, lạm dụng rượu bia… và thiếu hoạt động thể chất. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có gần 8 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Trong khi đó, nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và hơn 40% các bệnh ung thư. Do vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội…
Chính vì lý do đó, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá từ rất sớm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc sử dụng các sản phẩm này có diễn biến phức tạp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt trong giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Trước tình trạng nêu trên, Quốc hội lần đầu tiên có phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Chia sẻ thông tin về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Có 25 căn bệnh liên quan sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70 nghìn người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện…
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 các loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất. Đáng lo ngại hơn nữa là sự xuất hiện các chất can thiệp cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, làm tăng tác dụng ma túy của cần sa tổng hợp.
“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác hoàn toàn có hại sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Hiện nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử (như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…). Điển hình, Trung Quốc là quốc gia phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới nhưng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử). "Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi…" – TS. Nguyên nhấn mạnh.
TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuộc chất gây nghiện là nicotine. Không có một sản phẩm thuốc lá nào là sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Với mẫu mã đa dạng, các loại thuốc lá mới rất hấp dẫn thanh thiếu niên, tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác. Việc sử dụng các loại thuốc là này còn có nguy cơ cao phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội… Chính vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Cụ thể: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.
ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng chống tác hại của thuốc lá trong những năm gần đây.
Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan, tình trạng này sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị: Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.
Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Hoàng Hiền