Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Chú trọng nâng cao chất lượng dân số

  • |
T5g.org.vn - Công tác dân số nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu chưa từng có. Từ năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế, tức trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ Việt Nam có 2,1 con, nhưng mức sinh hàng năm có sự biến động không ổn định, nhất là những năm gần đây. Tính trung bình trong cả nước đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng lại có sự khác biệt giữa các vùng và các tỉnh, thành phố. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có sự gia tăng với tốc độ nhanh.
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Tại một hội thảo do Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Xuân Mai,Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026. Quy mô dân số thành thị ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc quy mô dân số nông thôn giảm dần từ năm 2020 và thấp hơn quy mô dân số thành thị vào năm 2039. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học sẽ vẫn tăng đến năm 2025. Sau đó, dân số độ tuổi này sẽ giảm mạnh đến năm 2034. Mức độ tăng dân số trẻ trong độ tuổi trung học cơ sở sẽ tăng chậm hơn trẻ em độ tuổi tiểu học nhưng thời gian tăng kéo dài đến năm 2030. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ ổn định và bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2035. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ dư khoảng 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn và năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, để tận dụng cơ cấu dân số vàng, trong thời gian tới, nước ta cần thực hiện chuyển hướng từ việc tập trung nỗ lực cho việc giảm sinh, sang duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Vận động nhân dân thực hiện “dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” ở các khu vực, địa phương có mức sinh cao; đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Các hoạt động truyền thông, giáo dục cần được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp cho từng nhóm đối tượng; thiết lập, từng bước mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên trên cơ sở mạng lưới hiện có.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: Vấn đề cốt lõi hiện nay trong công tác dân số là phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển. Đây là cuộc cách mạng trong chính sách nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

GS.TS Nguyễn Đình Cử khuyến nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan chuyên trách dân số cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình... nhằm thực hiện các mục tiêu về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã đề ra. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu về dân số, kế hoạch hóa gia đình cần được tiếp tục triển khai và tăng kinh phí thực hiện, nhất là có những giải pháp và đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng dân số; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Đẩy mạnh việc kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến kỹ thuật, tập trung vào vùng khó khăn, bảo đảm cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh ở tất cả các tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc hoàn thiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và tập huấn cập nhật cho cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này….

Có thể nhận thấy, để thực hiện có hiệu quả sự chuyển hướng có tính bước ngoặt trong định hướng chính sách dân số trong bối cảnh, điều kiện và tình hình mới, nước ta cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan đến các khía cạnh như: chuyển đổi chính sách dân số từ việc điều chỉnh số lượng dân số sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung chủ yếu vào kế hoạch hóa gia đình hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số; hạn chế tối đa các khía cạnh không thuận lợi của các yếu tố dân số nảy sinh trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học ở nước ta.

Quang Nguyễn

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang