Đây là Cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp HPG dự kiến tổ chức năm 2018, tập chung vào chủ đề chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng là chủ đề của Ngày sức khỏe thế giới năm 2018.
Phát biểu tại Cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là ưu tiên của Việt Nam trong việc hướng đến bao phủ sức khỏe toàn dân. Điều này thể hiện rõ trong Nghị Quyết 20-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là bảo đảm để mọi người dân đều dễ dàng được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng và không phải chịu gánh nặng vệ tài chính. Chăm sóc sức khỏe toàn dân bao gồm toàn bộ các dịch vụ y tế cần thiết từ phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe
TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có hệ thống CSSKBĐ tương đối phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần gắn xây dựng hệ thống CSSKBĐ với xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả giúp giảm thiểu gành nặng tài chính cho người dân. Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 19% gia đình dành hơn 10% thu nhập cho các dịch vụ y tế, đây là một gánh nặng chưa hợp lý.
Giải quyết vấn đề tài chính cho mục tiêu tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam, các đại biểu tham dự cuộc họp HPG đã tập chung thảo luận, đánh giá về thực trạng hệ thống CSSKBĐ hiện nay; chia sẻ các kinh nghiệm của các nước trên thế giới; thảo luận “bước đi” tiếp theo trong việc giải quyết “bài toán” tài chính phụ hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Như Hiển