Hiện nay, tại tất cả các cơ quan quản lý BHYT cũng như các bệnh viện đều đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý BHYT. Theo thống kê của ngành Y tế , 100% bệnh viện tuyến trung ương ứng dụng phần mềm tin học trong bệnh viện, ở tuyến tỉnh và tuyến huyện tỷ lệ này lần lượt là 68% và 61%. Tuy nhiên, khả năng kết nối hệ thống thông tin của các phần mềm này với nhau và với BHYT không cao. Tại các bệnh viện khi tham gia BHYT luôn phải tổ chức một bộ phận cán bộ, nhân viên để quản lý nghiệp vụ BHYT, như: tiếp nhận, thu phí, khám, điều trị, cấp phát thuốc... Bên cạnh đó, công tác tài chính BHYT tại bệnh viện cũng được chia làm 2 giai đoạn: thu phí đồng chi trả và thống kê quyết toán cho cơ quan BHYT. Hình thức đồng chi trả trong BHYT được xử lý một cách “thủ công” gây ra những công thức tính toán khá phức tạp khiến cho việc thu, chi và thống kê quyết toán trở nên khó khăn và chậm trễ. Thực tế cho thấy, trong quá trình khám, chữa bệnh cũng phát sinh nhiều vấn đề như: bệnh nhân quên mang theo thẻ BHYT; bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng muốn được sử dụng các dịch vụ hay thuốc men ngoài danh mục BHYT; bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT xa nơi cư trú... đã làm nảy sinh thêm các thủ tục hành chính. Chính điều này cũng làm người bệnh không hài lòng do khó thể hiểu hết quy trình thủ tục để được thanh toán đúng định mức của BHYT, cũng như mức chi phí mình phải đồng chi trả. Do vậy, tính hấp dẫn của BHYT cũng bị giảm xuống. Ngoài ra, với mỗi đơn vị y tế, BHYT đều phải cho nhân viên BHYT túc trực để kiểm soát, phê duyệt chi phí khám chữa bệnh khi có những khoản chi lớn.
Cho đến nay, việc báo cáo thu, chi, quyết toán BHYT tại nhiều cơ sở y tế được thực hiện bằng cách in ra giấy, rồi gửi bản mềm dữ liệu cho cơ quan bảo hiểm đã bộc lộ nhiều bất cập, phức tạp, mất công sức, thời gian, khó trong việc kiểm tra độ chính xác, cũng như, thống kê số liệu. Các báo cáo gửi về cơ quan BHYT không đồng nhất về định dạng và thời gian khiến cho việc nhập số liệu trở nên khó khăn. Vấn đề này đòi hỏi ngành Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xây dựng được một hệ thông thông tin hiệu quả, kết nối liên thông giữa các đơn vị trong hệ thông, từ cơ sở y tế các cấp đến các đơn vị quản lý BHYT. Hệ thống này sẽ giúp đơn vị tài chính của bệnh viện giảm tải công việc quyết toán BHYT; thực hiện báo cáo thống kê, biểu mẫu chính xác, kịp thời; bệnh nhân BHYT không phải tốn nhiều công sức cho các thủ tục hành chính và quan trọng hơn nó sẽ ra tạo sự minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.
Công tác ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHYT sẽ càng trở nên cấp thiết hơn nữa, khi Việt Nam đang hướng đến mục tiêu 100% người dân - trên 90 triệu người tham gia BHYT.
Chính phủ yêu cầu tăng cường ứng dụng CNTT trong BHYT
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình thực hiện tin học hóa trong BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 27/3/2015 của Văn phòng Chính phủ. Thông báo khẳng định, BHYT là chính sách quan trọng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT được minh bạch, tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT cũng như hạn chế việc lợi dụng, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Chính phủ yêu cầu: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động hoàn thành việc xây dựng số định danh đối với tất cả đối tượng tham gia BHYT trên toàn quốc, bảo đảm cấp số định danh duy nhất cho một đối tượng tham gia BHYT và ban hành quy định sử dụng số định danh làm cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia BHYT và chậm nhất hoàn thành trong tháng 9/2015; Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam rà soát, bổ sung quy định các loại chỉ tiêu dữ liệu theo chuẩn dữ liệu đầu ra đã được quy định về phần mềm quản lý khám chữa bệnh BHYT để xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trong toàn quốc theo yêu cầu quản lý nhà nước BHYT và thanh toán BHYT; Bộ Y tế khẩn trương bổ sung thông tin còn thiếu trong dữ liệu thuốc, vật tư y tế và chuẩn hóa tên của dịch vụ kỹ thuật; cập nhật đầy đủ, thường xuyên vào bộ mã dùng chung các mặt hàng thuốc, vật tư y tế trúng thầu tại các địa phương và các dịch vụ kỹ thuật mới phê duyệt tại các cơ sở khám chữa bệnh; ban hành quy định các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo đầy đủ, kịp thời và cung cấp chính xác dữ liệu đầu ra theo bộ mã thuốc, vật tư y tế và dịch vụ chuyên môn kỹ thuật đã ban hành để cơ quan BHXH giám định, thanh toán BHYT. Bộ Y tế ban hành quy định phần mềm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT phải cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến BHYT về chuyển tuyến bệnh viện, chỉ định điều trị, kết quả cận lâm sàng ngay khi bệnh nhân ra viện để quản lý việc khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, xác nhận thông tin về thẻ BHYT và cung cấp lịch sử, chỉ định điều trị giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để quản lý việc chuyển tuyến, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh và làm cơ sở để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT do Sở Y tế và các cơ quan Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tại 3 địa phương là Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP. Hải Phòng và những địa phương đăng ký mở rộng thêm tích cực phối hợp triển khai Đề án thí điểm về tin học hóa BHYT.
Về tổ chức thực hiện, trước tháng 7/2015, phải tiến hành chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, trung ương và giám định thanh toán BHYT tự động với cơ quan quản lý y tế, BHXH trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc đối với 3 địa phương là Thái Nguyên, Bắc Ninh, thành phố Hải Phòng và những địa phương đăng ký mở rộng thêm. Trước tháng 10/2015, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, doanh nghiệp CNTT và các địa phương tiến hành đánh giá kết quả chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả 4 tuyến và giám định thanh toán BHYT tự động với cơ quan quản lý y tế, BHXH trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc đối với các địa phương chạy thử nghiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho triển khai trên phạm vi toàn quốc trước tháng 12/2015.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thực hiện các bước chuẩn bị ứng dụng CNTT trong BHYT như: xây dựng mã định danh tạm thời đối với tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thân nhân; cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT; thống nhất danh mục yêu cầu đầu ra dữ liệu của phần mềm quản lý cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng mã dùng chung đối với thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ chuyên môn kỹ thuật sử dụng trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT.
Như vậy, việc ứng dụng CNTT trong quản lý BHYT tại bệnh viện đã trở thành nhiệm vụ cấp bách và là công việc hết sức ý nghĩa, giúp cho cả cơ quan quản lý bảo hiểm, bệnh viện, thầy thuốc, bệnh nhân, nhân viên y tế với nhiều tiện ích dễ dàng, nhanh chóng, chính xác, minh bạch khi thực hiện các chính sách BHYT.
Bài: Nguyễn Hiển