Cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika
http://baochinhphu.vn/suc-khoe/ca-nuoc-da-ghi-nhan-23-truong-hop-nhiem-virus-zika/290442.vgp
Với 12 ca mắc mới, TPHCM đang là địa phương có số ca nhiễm virus Zika được phát hiện nhiều nhất cả nước với tổng số 17 ca.
Các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên, Long An, mỗi tỉnh ghi nhận một ca mắc, Đắk Lắk ghi nhận 2 ca mắc là 2 mẹ con.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TPHCM có mật độ dân số đông, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao, nên dễ xảy ra dịch. Địa phương này đã công bố dịch ở cấp phường, xã.
Đặc biệt, TPHCM đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết và muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng chính là phương thức truyền bệnh Zika. Chính vì thế, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã đề nghị TPHCM khẩn trương tìm các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này.
Bộ Y tế cũng đã nâng mức cảnh báo với loại virus này nhằm hạn chế thấp nhất số người mắc, đồng thời chỉ đạo hệ thống sản nhi có hướng dẫn đối với các bà mẹ mang thai trong vòng 3 tháng đầu, nếu có các biểu hiện như sốt, phát ban, có triệu chứng của viêm kết mạc… cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi.
Theo các chuyên gia, bệnh do virus Zika lành tính hơn cả sốt xuất huyết. Bệnh nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì có thể gây nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, với những phụ nữ mang thai có các biểu hiện như trên thì cần phải được theo dõi sát sao tại các cơ sở y tế.
Kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng
http://cand.com.vn/y-te/Khang-thuoc-o-Viet-Nam-ngay-cang-nghiem-trong-415089/
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Chính vì thế, ngành y tế hiện đang phải đối mặt với tốc độ lan truyền của các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh ở mức độ ngày càng nặng nề.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, việc kháng thuốc ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, nên đang trở thành thách thức rất lớn của ngành y tế. Càng để kháng thuốc kéo dài thì vấn đề càng nghiêm trọng. Đặc biệt, hậu quả của bệnh lao kháng thuốc rất nặng nề.
Nguyên nhân của việc kháng thuốc hiện nay, nhất là kháng thuốc kháng sinh, là do việc sử dụng tùy tiện và lạm dụng thuốc. Nhiều người khi bị các bệnh thông thường, vẫn tự mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc gần nhà để điều trị, do ngại đến cơ sở y tế phải chờ đợi lâu.
Không chỉ tự kê đơn và tự điều trị cho bản thân, nhiều người còn “chữa bệnh” cho cả gia đình dù không có kiến thức gì về y học. Nếu thấy bệnh thuyên giảm chậm, họ tiếp tục mua thuốc tăng liều về điều trị, không cần biết có đúng bệnh không. Chỉ khi bệnh đã nặng, mới chịu khi khám ở cơ sở y tế.
Tại một hội nghị khoa học truyền nhiễm toàn quốc mới đây, một kết quả nghiên cứu được đưa ra đã gây sự chú ý: Hầu hết các nhà thuốc tư ở Hà Nội đều bán các kháng sinh không có đơn, cho cả những bệnh không cần điều trị bằng kháng sinh, phản ánh tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý rất phổ biến trong cộng đồng.
Một khảo sát của Bộ Y tế ở gần 3.000 nhà thuốc cũng cho thấy, có tới 90% số người mua thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, cảm và ho, vitamin, thuốc y học cổ truyền…
Trong khi đó, nhiều loại thuốc kháng sinh nếu không được sử dụng đúng bệnh sẽ gây nên sốc thuốc, biến chứng và về lâu dài là kháng thuốc. Đặc biệt, tỉ lệ khách hàng ở thành thị yêu cầu mua thuốc kháng sinh không có đơn cao hơn cả ở nông thôn.
Theo các nhà chuyên môn, các nhà thuốc tư khuyến khích việc bán kháng sinh không cần đơn là bởi lợi nhuận từ thuốc kháng sinh rất lớn. Điều này cũng cho thấy, việc tuân thủ qui chế kê đơn của các nhà thuốc không dễ kiểm soát. Thực tế này đặt ra cho các nhà chuyên môn và quản lý phải có các biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không hợp lý.
Theo Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), giờ đây, việc lạm dụng thuốc không chỉ ở người mà còn ở cả động vật. Việc kiểm tra các sản phẩm chăn nuôi khi xuất khẩu cho thấy dư lượng thuốc kháng sinh đã cho thấy rõ. Do đó, việc phòng chống kháng thuốc đòi hỏi không chỉ ngành y tế, mà phải có sự phối hợp của nhiều ngành.
Chính vì thế, Bộ Y tế vừa thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2016 -2020, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cục, vụ liên quan. Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc với việc triển khai các nội dung trong Văn bản thỏa thuận đa ngành về cam kết phòng, chống kháng thuốc.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ điều tiết việc phân phối, đặc biệt đối với việc phân phối thuốc kháng lao, kháng sốt rét và kháng retro virus (ARVs) và kháng sinh là những thuốc được xem có nguy cơ cao gây ra kháng thuốc, bao gồm cả những thuốc mới lưu thông trên thị trường. Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế; xây dựng mạng lưới giám sát quốc gia nhằm theo dõi việc kháng thuốc ở người.
Bộ Y tế cũng đã ban hành qui định, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các bệnh viện, nhằm ước tính mức độ và gánh nặng của kháng thuốc quốc gia; phát hiện và theo dõi vi khuẩn kháng thuốc mới nổi và nguy cơ lan rộng...
Hàng trăm công nhân nôn ói, nhập viện hàng loạt
http://thanhnien.vn/thoi-su/hang-tram-cong-nhan-non-oi-nhap-vien-hang-loat-761023.html
Tối 1.11, hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN (TX.Thuận An, Bình Dương) nhập viện hàng loạt trong tình trạng bị nôn ói.
Nhiều CN cho biết khoảng 17 giờ cùng ngày, khoảng 2.000 CN ăn cơm tại bếp ăn tập thể của công ty với các món: cơm, chả cá, canh, bún bò… Sau khi ăn khoảng 1 giờ thì nhiều CN nhân có biểu hiện nôn ói, khan rát cổ họng.
Sau đó, công ty đã tổ chức đưa CN đến Bệnh viện đa khoa Thuận An và các phòng khám lân cận để cấp cứu. Tại Bệnh viện đa khoa Thuận An, có rất nhiều CN được đưa đến bằng taxi, chủ yếu là CN nữ.
Các bác sĩ đã triển khai các biện pháp sơ cấp cứu, ổn định tâm lý và chữa trị cho CN.
Đến 19 giờ 30 cùng ngày, nhiều CN vẫn tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Thuận An để cấp cứu.
Hà Nội: bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/853680/ha-noi-bat-muoi-xet-nghiem-tim-ca-the-muoi-nhiem-vi-rut-zika
Ngày 1-11, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cùng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ động phòng chống và tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh.
Các khu vực bắt muỗi là phường Láng Thượng quận Đống Đa, phường Hoàng Văn Thụ quận Hoàng Mai và xã Đại Thành huyện Quốc Oai để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika.
Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền vi rút Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Chúng sống ở hầu khắp các tỉnh thành của nước ta và sinh sản quanh năm. Đặc điểm nhận dạng loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn gây sốt xuất huyết và dịch Zika với cơ chế giống nhau.
Cụ thể, muỗi đốt người bị nhiễm vi rút mang mầm bệnh theo cơ chế hút máu. Khi muỗi đã nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người.
Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng như: ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp, hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây…
Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng (bọ gậy) đã được Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết.
Đà Lạt: Phát hiện người lang thang mắc bệnh phong tổn thương nặng
http://suckhoedoisong.vn/da-lat-phat-hien-nguoi-lang-thang-mac-benh-phong-ton-thuong-nang-n124392.html
BSCKII Nguyễn Quốc Minh – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Lâm Đồng đã xác định trường hợp này bị bệnh phong độ II, tay chân bị tàn phế nặng, loét ở 2 bàn chân, chân tay bị liệt, cụt rụt; bệnh nhân chưa được điều trị.
Chiều ngày 1/11, cán bộ của Phòng Lao động –Thương binh xã hội Tp.Đà Lạt phối hợp với Trung tâm Y tế Đà Lạt phát hiện một trường hợp người lang thang tại chợ Đà Lạt bị lở loét nặng có các dấu hiệu của bệnh phong nên đã gọi xe cấp cứu 115 chở bệnh nhân đến Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đông để khám xác định bệnh.
Qua khám lâm sàng, BSCKII Nguyễn Quốc Minh – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh đã xác định trường hợp này bị bệnh phong độ II, tay chân bị tàn phế nặng, loét ở 2 bàn chân, chân tay bị liệt, cụt rụt; bệnh nhân chưa được điều trị. Bệnh nhân tên là Lê Quang Chánh, sinh năm 1972, quê ở Bình Thuận đi lang thang lên Đà Lạt. Bệnh nhân xúc động khóc vì lần đầu tiên được mọi người quan tâm, được bác sĩ khám chữa bệnh cho mình.
Ngay trong buổi chiều, các cán bộ Phòng Lao động –Thương binh xã hội Đà Lạt và Bác sĩ của Trung tâm y tế Đà Lạt và Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh đã đưa bệnh nhân bằng xe cấp cứu 115 về Khu Điều trị phong Di Linh để thu dung, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho bé gái đầu nhỏ ở Đắk Lắk
http://plo.vn/thoi-su/lay-mau-xet-nghiem-lan-3-cho-be-gai-dau-nho-o-dak-lak-662450.html
Ngày 1-11, Đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng GS Futoshi Hasebe (Nhật Bản) đã đến lấy mẫu kiểm tra cho bé gái mắc tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk.
Tại đây, đoàn công tác đã lấy 12 mẫu máu của những người thân trong gia đình cháu bé để đưa đi xét nghiệm lần ba. Các mẫu xét nghiệm lần thứ ba sẽ đánh giá kết quả về virus Zika trong mẫu huyết thanh của mẹ và cháu bé.
Trước đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu huyết thanh của gia đình cháu bé đi xét nghiệm thì phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu của virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika.
Ông Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho biết ngày 31-10, Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm đối với gia đình cháu bé đầu nhỏ ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk là dương tính với virus Zika. Tuy nhiên, bệnh đầu nhỏ của cháu bé có liên quan đến virus Zika hay không thì cần phải kiểm tra thực địa và lấy mẫu xét nghiệm lại.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh đầu nhỏ có rất nhiều nguyên nhân gây ra, không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỉ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp (1%-10% sinh con mắc chứng đầu nhỏ). Do đó, đoàn công tác xuống lấy mẫu kiểm tra lại lần ba và đề xuất Bộ Y tế có hướng xử lý.
Giáo sư Nhật Bản kiểm tra tật đầu nhỏ của cháu bé ở Đắk Lắk
http://news.zing.vn/giao-su-nhat-ban-kiem-tra-tat-dau-nho-cua-chau-be-o-dak-lak-post694321.html
Để kết luận tật đầu nhỏ của cháu bé 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk có phải do virus Zika gây ra hay không, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu kiểm tra lần 3.
Sáng 1/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng Giáo sư Futoshi Hasebe (Đại học Nagasaki - Nhật Bản) đã đến gia đình có cháu bé 4 tháng tuổi bị tật đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, Đắk Lắk để lấy mẫu kiểm tra lần 3.
Tại đây, đoàn công tác đã lấy 12 mẫu máu của những người thân trong gia đình cháu bé để đưa đi xét nghiệm lần 3.
Trước đó, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu gia đình cháu bé đi xét nghiệm thì phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu của virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika.
Ông Phạm Thọ Dược - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm đối với gia đình cháu bé đầu nhỏ dương tính với virus Zika.
Tuy nhiên, tật đầu nhỏ của cháu bé có liên quan đến virus Zika hay không cần kiểm tra thực địa và lấy mẫu xét nghiệm lại.
"Tật đầu nhỏ có rất nhiều nguyên nhân gây ra, do đó đoàn công tác xuống mẫu kiểm tra lại và đề xuất Bộ Y tế có hướng xử lý", ông Dược nói.
Theo các cơ quan chức năng, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus này.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika.
Cảnh giác cao độ với virus Zika
http://kinhtedothi.vn/canh-giac-cao-do-voi-virus-zika-271720.html
Kinhtedothi - Bộ Y tế đã chính thức thông tin về một trường hợp bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng đã công bố dịch Zika cấp xã, phường.
Tại Hà Nội, tuy chưa ghi nhận bệnh nhân mắc nhưng khả năng dịch xâm nhập rất lớn. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ với virus Zika.
Nguy hiểm với thai nhi trong 3 tháng đầu
Tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp mắc Zika và một trường hợp bị chứng đầu nhỏ. Thông tin này khiến người dân hết sức lo ngại, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai bởi những dấu hiệu khi nhiễm virus Zika không điển hình. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, nguy cơ virus Zika bùng phát trong cộng đồng rất cao do loài muỗi truyền bệnh này đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, cùng với việc giám sát thân nhiệt hành khách tại các cửa khẩu, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ nhiễm virus Zika để phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng cũng như nguy cơ hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi do bà mẹ nhiễm Zika trong thai kỳ.
Cũng theo ông Phu, bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Các nghiên cứu cho thấy virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm đều mắc dị tật này. Về dấu hiệu nhận biết bệnh nhân nhiễm Zika, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, thì bệnh thường chỉ có sốt nhẹ, phát ban ở phần thân mình, không lộ ra trên mặt hay ở bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện mắt đỏ, giống như viêm kết mạc nhưng không có gỉ, đau mỏi khớp từ 2 - 7 ngày. Nhiều trường hợp bệnh nhẹ đến mức người bệnh không để ý. “Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là bệnh do virus Zika cũng có những biến chứng nặng, điển hình là biến chứng Guillain-Barre, hay còn gọi là viêm đa dây rễ thần kinh. Vì vậy, chúng tôi khuyên rằng, dù người bệnh có biểu hiện bệnh nhẹ vẫn cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khẳng định xem mình có bị bệnh virus Zika hay không, đề phòng các biến chứng bệnh nặng” - bác sĩ Thái cho biết.
Không để sót ca bệnh
Để phòng tránh dịch bệnh do virus, căn bản vẫn là phòng tránh muỗi đốt. “Nếu làm tốt điều này, chúng ta không những giải quyết được bệnh do virus Zika mà còn ngăn chặn cả dịch sốt xuất huyết” - ông Phu nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, hiện nay, hoạt động phun hóa chất của ngành y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, mỗi người, mỗi hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi không những tại gia đình mà còn ở nơi làm việc.
Tại Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện các đợt tổng VSMT, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, tuyên truyền người dân phòng chống dịch. Theo ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện TP chưa ghi nhận ca bệnh Zika nào, nhưng trong thời gian tới, có thể sẽ có bệnh nhân do muỗi truyền virus Zika có lưu hành tại Hà Nội. Trước tình hình Việt Nam đã có trường hợp trẻ 4 tháng tuổi bị chứng đầu nhỏ do Zika, TP đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các trung tâm chăm sóc sức khỏe trực thuộc Sở Y tế tăng cường quản lý thai sản, khám sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để tư vấn và xét nghiệm. “Lưu ý các trường hợp phụ nữ có thai bị phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ, hoặc siêu âm thai nghi ngờ bị chứng đầu nhỏ và các bà mẹ sinh con có đầu nhỏ. Khi phát hiện các ca nghi ngờ, các đơn vị sản khoa cần báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, tuyệt đối không bỏ sót ca bệnh” - ông Hạnh nhấn mạnh.
Để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc Zika, đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, nhân lực nhằm kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
Virus Zika: Nỗi lo từ các khu nhà trọ của công nhân
http://laodong.com.vn/phong-su/virus-zika-noi-lo-tu-cac-khu-nha-tro-cua-cong-nhan-606409.bld
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra, nhiều công nhân tại các địa phương lo ngại về khả năng dễ bị nhiễm bệnh. Bởi lẽ, hầu hết công nhân sống tại các khu nhà trọ ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, dễ phát sinh muỗi; trong khi đó, kiến thức phòng chống cũng như khả năng nhận biết về dịch bệnh này của công nhân vẫn còn hạn chế...
Cả nước ghi nhận 23 ca dương tính với virus Zika
Cho tới hôm nay, 1.11, cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với virus Zika, Bộ Y tế xác nhận trường hợp em bé ở Đắc Lắc mắc chứng đầu nhỏ có nguyên nhân phần lớn từ virus Zika. Chỉ riêng ngày 31.10, TPHCM đã ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc virus Zika, nâng tổng ca bị nhiễm virus Zika tại TPHCM lên 17 trường hợp. Các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh do Sở Y tế TPHCM triển khai.
Ngày 31.10. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc khẩn cấp với Sở Y tế TPHCM, Viện Pasteur TPHCM. Nội dung buổi họp nhằm tìm kiếm các giải pháp, hạn chế sự lây lan của virus Zika. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu TPHCM khẩn trương tìm các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này.
Trước đó, UBND TP cũng đã ký quyết định công bố dịch do virus Zika ở quy mô xã - phường. Cùng với quyết định công bố dịch, UBND thành phố yêu cầu các sở ngành và địa phương liên quan phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và các đơn vị phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn thành phố.
Tỉnh Bình Dương cũng vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus Zika và UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định công bố dịch quy mô xã, phường tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trước đó, tại Long An cũng ghi nhận 1 ca nhiễm, Phú Yên (1 ca), Khánh Hòa - Nha Trang (1 ca), Đắc Lắc (1 ca), Trà Vinh (1 ca).
Với diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika. Ngành y tế đã tiến hành chiến dịch truyền thông đến người dân ở những khu vực từng có dịch sốt xuất huyết (dịch do virus Zika có chung vật chủ truyền bệnh là muỗi...), đến những người đã đi đến vùng dịch và nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tại TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc giám sát dịch bệnh do virus Zika được thực hiện khá tốt tại các cơ sở khám chữa bệnh. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ cần được lấy máu và xét nghiệm để phát hiện bệnh - đây là một cách làm hiệu quả trong việc giám sát dịch trong thời gian qua. Thực tế, các ca dương tính với virus Zika tại TPHCM đều được phát hiện từ các cơ sở khám chữa bệnh.
Nhà trọ nhếch nhác, ẩm thấp, công nhân lo ngại virus Zika
Khi Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika thì nhiều người, nhất là công nhân cũng lo ngại với loại virus này. Ghi nhận ở một số khu vực tập trung đông CN tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), nhiều CN cho biết, họ khá lo lắng khi nhà trọ san sát, mái lợp tôn, nền nhà thấp, nhất là hiện giờ đang mùa mưa, nhiều khu vực thường xuyên ngập nước. Chị Nga, trọ trên đường Bình Đường 1 (Dĩ An, Bình Dương) không giấu lo lắng khi nói về virus Zika. Vợ chồng chị đang chuẩn bị sinh con nên chị càng lo lắng hơn.
“Tùy vào khả năng của mình, làm được việc gì thì làm” - chị trả lời khi được hỏi về cách phòng, chống virus Zika. “Giữ nhà cửa sạch sẽ, áo quần đồ đạc xếp gọn gàng. Các nơi chứa nước có thể làm chỗ cho muỗi sinh sản phải được bỏ đi. Tối ngủ phải mắc mùng. Tự mình phải bảo vệ cho mình trước” - chị Nga chia sẻ.
Tại TPHCM, một số khu nhà trọ CN ở các vùng ven, đặc biệt gần kênh rạch, bãi đất trống, cây cối, rác thải rất dễ phát sinh lăng quăng, muỗi nên công nhân lo ngại về khả năng bị nhiễm virus Zika.
“CN thường tất bật với công việc, đi làm về khá mệt mỏi nên vùi đầu vào ngủ, chứ không để ý dọn dẹp sạch sẽ khu vực mình ở” - mẹ con chị Nguyễn Thị Vân, trọ trên đường Trần Thanh Mãi (quận Bình Tân, TPHCM) nói. Mẹ con chị ở trọ trong căn phòng 12m2, vì có con nhỏ nên chị chịu khó dọn dẹp nhà cửa nhưng “một mình tôi thì không thể làm hết cho cả khu trọ được. Rác vẫn cứ vứt ra, chủ nhà trọ đến quát tháo thì họ mới uể oải dọn dẹp. Tôi nhắc thì họ bảo khi nào bệnh hẵng hay”.
Còn anh Hưng, trọ 2 năm tại khu nhà trọ phường Tân Tạo A (Bình Tân) thì phản ánh: “Nhà lợp tôn, vách tôn, nền nhà may mắn lắm có được ít ximăng trát… chăn màn chiếu gối phơi tứ tung. Mưa thì dột, nước ngập, ẩm thấp… Như vậy thì giữ vệ sinh làm sao. Trước thông tin virus Zika đang diễn biến phức tạp, chúng tôi mong chính quyền xuống phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng để công nhân và người dân ở đây được yên tâm” - anh Hưng nói.
Trong khi đó tại một số khu nhà trọ, chủ nhà và công nhân chủ động phòng, chống dịch theo cách của mình. Bà Nguyễn Thị Thành, chủ nhà trọ, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản Ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM, cho biết, với hơn 100 phòng trọ, gần 300 CN lưu trú, thì giữ gìn vệ sinh phải được chú ý hơn để không phát sinh bệnh dịch. Thông thường, chủ nhật hằng tuần, các CN cùng dọn dẹp khu vực sân chung của khu nhà trọ.
“Tôi có nghe báo đài nói về virus Zika, khá nguy hiểm. Việt Nam có xuất hiện rồi, ở khu vực Hóc Môn thì chưa nghe có thông tin về virus này nhưng tôi vẫn nhắc nhở các cháu đề phòng muỗi, không để ao tù, nước đọng, áo quần phơi phóng gọn gàng” - bà Thành chia sẻ.
Chị Võ Thị Mỹ, trọ tại khu phố 1, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết: “Tôi có nghe thông tin về virus Zika qua báo đài. Tôi đang có bầu nên rất sợ. Thường, mỗi khi có dịch sốt xuất huyết thì chính quyền với trung tâm y tế dự phòng quận sẽ xuống phun thuốc nhưng với dịch virus Zika rất nguy hiểm nên chúng tôi phải tự ý thức để giữ vệ sinh, dọn hết các nơi mà muỗi có thể trú ngụ ở xung quanh phòng trọ...”.
Nhiều công ty cũng lên kế hoạch tuyên truyền, giúp CN
Để hỗ trợ cho CN phòng, chống virus Zika, nhiều công ty cũng lên kế hoạch tuyên truyền, giúp CN hiểu về tác hại của dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, đa phần CN của công ty đều ở trọ, đặc điểm của các nhà trọ ở vùng ven là ẩm thấp nên CN càng phải chú ý giữ gìn vệ sinh nơi mình ở. “Là công ty chuyên về thực phẩm nên việc đảm bảo vệ sinh là yêu cầu tiên quyết, tuyệt đối không để các loài vật như ruồi, muỗi, gián, chuột... có nơi trú ngụ. Ở công ty, CN hoàn toàn an tâm nhưng về nhà trọ thì phải chú ý”- ông Giai nói.
Để có kiến thức tuyên truyền giúp CN hiểu hơn về Zika, ông và các cán bộ CĐ trong ban chấp hành CĐ Cty chủ động tìm hiểu về cơ chế gây bệnh, biểu hiện, tác hại, cách phòng tránh bệnh do virus Zika gây ra. “Muốn anh chị em chủ động phòng tránh bệnh thì phải cho anh chị em thấy tác hại của bệnh. Tuy nhiên, việc tuyên truyền không phải để anh chị em lo sợ mà để anh chị em biết cách phòng ngừa. Ban chấp hành CĐ đang lựa chọn phương án phù hợp để tuyên truyền sao cho hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến nữ CN trong độ tuổi sinh sản” - ông Giai cho hay.
Là công ty tổ chức cho CN ở trong khu lưu trú, thuộc khuôn viên của nhà xưởng công ty nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh, chủ động phòng dịch bệnh được ban giám đốc Cty TNHH SX Trà Hùng Phát (huyện Củ Chi, TPHCM) đặc biệt chú ý.
Chị Nguyễn Thị Trà Giang - Trợ lý giám đốc Cty, cho biết, không chỉ khi có thông tin có dịch Zika, công ty mới làm công tác giữ vệ sinh hoặc tuyên truyền anh chị em CN giữ vệ sinh mà “đây là nếp thường ngày phải làm”. Tổ CN tự quản ở khu lưu trú họp, nhắc nhở những phòng chưa chú ý vệ sinh, hằng tuần cả khu lưu trú sẽ cùng làm vệ sinh sạch sẽ, ban giám đốc công ty chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để phun thuốc định kỳ, hoặc phun thuốc khi ở khu lưu trú có biểu hiện của bệnh nào đó, hướng dẫn anh chị em cách phòng ngừa...
“Công ty cũng trang bị wifi, khuyến khích anh chị em CN cập nhật thông tin xã hội, giải trí, khi có dịch bệnh do virus Zika thì lưu ý anh chị em đọc thông tin liên quan, để mỗi người chủ động phòng ngừa. Và lưu ý anh chị em, khi có bất kỳ nghi ngờ về sức khỏe cần báo ngay cho công ty, CĐ để có hướng hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho anh chị em” - chị Giang nói.
Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Do đó, để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng, chống dịch bệnh một cách tích cực bằng cách diệt muỗi và lăng quăng.
- Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt). Nhiễm virus Zika chỉ tạo ra triệu chứng nhỏ, nhưng di chứng của nó rất khó lường. Ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai, gây ra dị tật đầu nhỏ, những nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa virus Zika với hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm virus, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.
Bình Phước công bố hết dịch bệnh bạch hầu
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/binh-phuoc-cong-bo-het-dich-benh-bach-hau-3492678.html
Ngày 1/11 UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định công bố hết dịch bạch hầu quy mô cấp huyện.
UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát dịch bệnh, hạn chế lan rộng ra cộng đồng nếu có ca bệnh.
Ngày 1/7, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú với ca khởi phát vào ngày 22/6. Sau đó bệnh lây lan sang thêm 2 xã Đồng Tiến và Tân Lợi. Có 11 ca được xác định mắc bệnh bạch hầu, 4 ca dương tính. Hơn 50 ca được giám sát, theo dõi và 3 người tử vong do bệnh bạch hầu.
Để đối phó dịch bệnh, ngày 15/7 UBND tỉnh Bình Phước công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện. Nguyên nhân bệnh được xác định do vi khuẩn bạch hầu gây ra, lây truyền qua đường hô hấp và là bệnh dịch nguy hiểm.
Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã phối hợp với một số cơ quan y tế tại TP HCM tiến hành xét nghiệm, khử khuẩn vùng dịch bệnh.
Nhiễm virus Zika: Cẩn thận không nhầm lẫn với cúm
http://phununews.vn/suc-khoe/nhiem-virus-zika-can-than-khong-nham-lan-voi-cum-88346/
Phụ nữ mang thai bị bệnh do virus Zika có biểu hiện rất nhẹ nên rất dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Làm sao để phân biệt?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định: “Bệnh do virus Zika có biểu hiện rất nhẹ (sốt, phát ban, mệt mỏi, đau khớp, đỏ mắt) do đó rất dễ nhầm lẫn sang cảm cúm”.
So với cúm thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% là không có biểu hiện bệnh. Mặc dù một số triệu chứng khi nhiễm virus Zika và cúm chồng chéo nhau như sốt, nhức đầu và đau cơ bắp, thì một số báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã giải thích rằng các triệu chứng biểu hiện khác nhau giữa các bệnh. Theo đó, bệnh cúm khởi phát thường sốt cao và đau cơ, trong khi triệu chứng do nhiễm virus Zika (nếu có) thường nhẹ, sốt thấp và đau cơ khớp nhẹ.
Phòng tránh virus Zika như thế nào?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vaccine phòng chống virus Zika. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh đốt để tự bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika:
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại cả nước đã phát hiện 23 trường hợp dương tính với virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. Phụ nữ mang thai là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nhiễm virus Zika.
- Sử dụng các thuốc chống muỗi xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo.
- Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể.
- Sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà.
- Ngủ màn, kể cả thời gian ban ngày.
- Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng không chứa nước không cần thiết và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai 3 - 4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.
Đề phòng nguy cơ xảy ra dịch quai bị
http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/de-phong-nguy-co-xay-ra-dich-quai-bi-1068387.tpo
TP - Ngày 31/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo phòng chống bệnh quai bị (bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai). Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, lưu hành ở khắp nơi trên thế giới, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông - Xuân.
Biểu hiện chính của bệnh ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn… Tiếp theo, người bệnh có thể bị viêm tinh hoàn (ở nam giới), viêm buồng trứng (ở nữ giới). Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên mới trưởng thành.
TP.HCM khuyến nghị không dùng nước giếng trong ăn, uống
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161101/tphcm-khuyen-nghi-khong-dung-nuoc-gieng-trong-an-uong/1211389.html
TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã khuyến nghị không nên sử dụng trực tiếp nước giếng, nhất là trong ăn uống để tránh bệnh tật.
Ngày 1-11, tại lễ công bố 100% hộ dân trên địa bàn quận 12, TP.HCM được sử dụng nước sạch, ông Khoa đề nghị UBND quận 12 cũng như đơn vị cấp nước phải đảm bảo chất lượng cũng như áp lực nước cung cấp, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện việc lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân thay cho giải pháp cấp nước qua bồn chứa, đồng hồ tổng.
Đặc biệt các đơn vị tiếp tục tuyên truyền cho các hộ dân biết về những tác hại trong việc sử dụng nước giếng không đảm bảo chất lượng trong ăn uống (vì hiện tại còn nhiều hộ dân sử dụng song song nước giếng và nước máy).
“Việc này phải được thực hiện đồng bộ tại các quận huyện còn lại trên địa bàn TP chứ không riêng ở quận 12”, ông Khoa lưu ý.
Theo thống kê của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên, hiện nay trên địa bàn TP còn hơn 88.200 đồng hồ nước có chỉ số bằng 0 (không sử dụng nước máy, chủ yếu sử dụng nước giếng).
Hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn bốn quận, huyện khác chưa công bố hoàn thành chỉ tiêu cung cấp nước sạch 100% cho người dân như: quận Bình Tân, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Ông Khoa đề nghị HĐND TP lập tổ giám sát cùng với tổ giám sát của UBND TP sẽ trực tiếp kiểm tra tiến độ cung cấp nước sạch tại các địa phương này.
Trao đổi thêm với báo chí, ông Khoa cho biết các quận huyện còn lại cũng sẽ công bố hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch 100% người dân trong tháng 11 này trước khi UBND TP tổ chức công bố hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch 100% cho toàn bộ người dân trên địa bàn TP theo nghị quyết 35 HĐND.
Bác sĩ Thái Lan tư vấn phẫu thuật tim cho bệnh nhân Việt
http://news.zing.vn/bac-si-thai-lan-tu-van-phau-thuat-tim-cho-benh-nhan-viet-post694259.html
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tre-viet-bi-di-tat-tim-bam-sinh-sang-thai-phau-thuat-337300.html
Mỗi năm, hơn 15.000 trẻ em Việt Nam phải đối mặt với những bất thường bẩm sinh, phổ biến nhất là dị tật tim với tỷ lệ 8/1.000. Nhu cầu chữa trị căn bệnh này vì thế luôn ở mức cao.
Trong khuôn khổ dự án “Phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho người nghèo ở Việt Nam” năm 2016, Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tại TP.HCM, hãng hàng không Thai AirAsia và Quỹ Bumrungrad phối hợp đưa 5 trẻ em từ Việt Nam sang Thái Lan để điều trị.
Bác sĩ tim mạch nhi khoa Preecha Laohakunakorn, Bệnh viện Bumrungrad là người trực tiếp chăm sóc 5 bệnh nhân này. Ông đã có những chia sẻ chi tiết về căn bệnh tim bẩm sinh.
- Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân đến từ nhiều nước, trong đó có nhiều người đến từ Việt Nam. Xin bác sĩ cho biết căn bệnh lớn nhất ảnh hưởng đến hầu hết bệnh nhân Việt Nam là gì?
- Theo kinh nghiệm của tôi, có rất nhiều khuyết tật tim phức tạp ảnh hưởng đến dân số này. Nói một cách đơn giản, rất nhiều người có buồng tim không phát triển đầy đủ và khuyết động mạch.
- Thưa bác sĩ, dị tật tim bẩm sinh là gì và những yếu tố nào có thể làm tăng các trường hợp của bệnh này?
- Dị tật tim bẩm sinh là một vấn đề xảy ra khi tim của trẻ và các mạch máu gần tim không phát triển bình thường trước khi sinh. Một số trong những yếu tố có thể gây ra căn bệnh này chưa được xác định. Nó có thể đến từ một số bệnh di truyền như hội chứng Down.
Một số yếu tố khác là những vấn đề về sức khỏe trong thời kỳ mang thai của người mẹ như tiểu đường, đổ bệnh trong thời gian mang thai - đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên - với các bệnh như tiểu đường, bệnh rubella hay cảm cúm. Uống đồ uống có cồn hoặc sử dụng thuốc trong khi mang thai; sử dụng các loại thuốc khác như thuốc chống co giật hoặc thuốc trị mụn có thể làm tăng nguy cơ. Thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trong thời gian mang thai.
- Đối tượng nào dễ mắc căn bệnh này nhất, thưa bác sĩ?
- Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này. Đặc biệt nhóm dân số này có tỷ lệ khoảng 1% trên tổng dân số, và cứ 1.000 bé thì có 8 bé mắc bệnh. Nếu bé đầu tiên có 1% nguy cơ mắc thì bé thứ hai có 3% nguy cơ, ở bé thứ ba nguy cơ thậm chí còn cao hơn ở mức 10%. Nếu cha mẹ có dị tật tim, có 3% nguy cơ con cái họ sẽ mắc phải các dị tật này.
Tất nhiên, tác động lớn nhất của căn bệnh này là lên tuổi thọ bệnh nhân, bởi khoảng 15% bé được sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ không sống quá 18 tuổi ngay cả sau khi đã được phẫu thuật, khi các trường hợp phức tạp nhất cũng có thể có những dị tật khác.
- Vậy làm thế nào để xác định được một đứa trẻ có dị tật tim?
- Trẻ có thể biểu hiện một số triệu chứng hoặc thậm chí không có triệu chứng gì, tùy thuộc vào sự phức tạp của bệnh. Các triệu chứng điển hình là: tím tái, ví dụ như da tím, môi tím và móng tím trong miệng; tim đập loạn nhịp; thở dốc hoặc khó thở; mệt mỏi; ăn không ngon; chậm phát triển, chậm tăng cân; mồ hôi ra quá nhiều, phù ở chân, bụng và khu vực quanh mắt.
Các bác sĩ có thể xác định liệu bệnh nhân có dị tật tim bẩm sinh hay không bằng cách sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó bao gồm việc nghe nhịp tim, kiểm tra chụp X-quang ngực, thực hiện siêu âm tim, chụp MRI tim và chụp CT scan.
- Có phải tất cả trường hợp liên quan đến bệnh tim bẩm sinh đều cần phải phẫu thuật?
- Không phải tất cả trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đều cần điều trị phẫu thuật, nhưng có khoảng 25% các trường hợp này cần phẫu thuật. Trong các trường hợp khác, tiến hành phẫu thuật hoặc thông tim có thể là cần thiết để làm giảm ảnh hưởng và/hoặc khắc phục dị tật. Nhờ công nghệ tiên tiến và kiến thức, một số trường hợp không nhất thiết phải phẫu thuật. Vì vậy, khuyến nghị của tôi cho các bậc cha mẹ là tốt nhất cần tìm hiểu thêm thông tin trước khi cho con đi phẫu thuật.
Bé trai 8 tuổi mắc bệnh lạ được cải tử hoàn sinh
http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/be-trai-8-tuoi-mac-benh-la-duoc-cai-tu-hoan-sinh-a168603.html
(ĐSPL) - Bé Võ Nhật T., 8 tuổi, ngụ Đồng Nai, mắc bệnh lạ phải điều trị nhiều tháng trời và có lúc tưởng không qua khỏi. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Nhờ sự tận tình cứu chữa của bác sĩ, bé đã hồi phục và xuất viện về nhà.
Ngày 28/10, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sĩ CK2 Phạm Thúy Ngà, Trưởng khoa Lâm sàng 1, bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bé Võ Nhật T. (8 tuổi, ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), vừa xuất viện về nhà sau 4 tháng điều trị bệnh Pemphiqus, một loại bệnh tự miễn hiếm gặp ở trẻ em.
Trước đó, ngày 6/7, bé T. nhập viện trong tình trạng nổi bóng nước ở trán, mắt, miệng. Gia đình cho biết, trước đó đã tự mua thuốc cho bé uống, sau đó đưa đi nhiều nơi chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Tình trạng bệnh của bé càng nặng hơn trước, bóng nước bộc phát toàn thân, bề mặt rỉ dịch mủ. Sau khi nhập viện tại bệnh viện Da liễu, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh Pemphiqus vuglaris bội nhiễm.
Sau đó T. được chuyển sang khoa Bỏng bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm vào máu, rối loạn chuyển hóa, suy đa cơ quan... Sau 40 ngày điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết của bé T. đã giảm. Nhưng bệnh Pemphiqus vẫn rất nặng, khó qua khỏi. Bệnh viện Nhi đồng 1 chuyển bệnh nhân qua bệnh viện Da liễu để tiếp tục điều trị bệnh.
Ngày 7/9, gia đình cho bé T. nhập viện tại bệnh viện Da liễu, trong tình trạng thoi thóp, cơ thể bất động, cơ hội sống mong manh. Ban giám đốc bệnh viện Da liễu tiến hành hội chẩn toàn viện, để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Suốt quá trình điều trị, tình trạng bệnh của bé T. giảm dần, những bóng nước, chấn thương và lở loét trên da bắt đầu mất dần.
Chia sẻ với PV, bác sĩ Phạm Thúy Ngà cho biết thêm: “Là bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân, tôi thấy đây là ca bệnh hiếm gặp. Thực tế, bệnh chỉ gặp ở người lớn trên 40 tuổi, còn trẻ em, chúng tôi chỉ mới gặp vài ca”. Qua quá trình điều trị, bác sĩ Ngà nhận thấy, bệnh nhân T. trước đó đã sử dụng tất cả những kháng sinh liều cao đặc trị về bệnh, nhưng vẫn không khỏi. Việc kháng thuốc khiến việc điều trị càng khó khăn. Từ đó, chuyện kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng phải nghiên cứu kỹ và những thuốc kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân, theo bác sĩ Ngà, cũng rất hiếm.
Sau một thời gian dài vật lộn với bệnh hiểm nghèo của con trai, anh Võ Thành Đ., ba bé T. bày tỏ, con được cứu sống, gia đình anh biết ơn vô cùng tới bác sĩ Ngà cũng như tập thể khoa Lâm sàng 1, bệnh viện Da liễu. Trước khi về, bé T. tự xin ba mẹ lên phòng ban giám đốc cảm ơn bệnh viện, cảm ơn bác sĩ. Anh Đ. khẳng định: “T. nhỏ tuổi, nhưng rất nghị lực. Thời điểm bệnh lở loét khắp người vẫn âm thầm chịu đựng, sau khi bớt bệnh, T. tập đứng dậy rồi tập đi lại”. Anh Đ. cho rằng, nếu không có sự vào cuộc tận tâm, tận tình của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện, có lẽ bé T. khó qua khỏi.
Còn mẹ bé T., chị M. cho biết thêm: “Chúng tôi biết trách nhiệm của bác sĩ là chữa bệnh. Nhưng nếu không có những bác sĩ tận tâm, tận tình thì có lẽ sự sống của bệnh nhân rất mong manh. Việc con tôi bị bệnh lạ ở da, bác sĩ đều trao đổi cho biết, có lúc chúng tôi như suy sụp khi chứng kiến con thở bằng máy. Bác sĩ liên tục thăm khám, theo dõi, thậm chí tới giờ về, nhưng các bác sĩ vẫn ở lại theo dõi cho con tôi. Nhất là những ngày liên tục tiêm thuốc, bác sĩ về sợ có chuyện không tốt xảy ra với bệnh nhân nên không thể về. Những việc gia đình, như đón con, chuyện nhà các bác sĩ đều bỏ qua, nhờ người thân giúp để tập trung cứu con tôi”.
Được biết, gia đình anh Đ. trước đó cũng có người nhà bị bệnh giống bé T.: “Năm 1987, mẹ tôi cũng phải ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo này. Nhớ lại quá khứ đau thương đó, tôi lo hơn khi con gặp bệnh này. Bác sĩ bảo bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn, còn trẻ em hiếm lắm. Cũng vì bệnh nên con tôi có lẽ năm học này sẽ tạm gác lại. Qua năm cho con tiếp tục đến trường. Mấy bữa nay, về nhà con đòi đi học, nhưng để bảo đảm sức khỏe cho con, chúng tôi quyết định cho con nghỉ một năm để điều trị bệnh cho khỏi hẳn”.
Chia sẻ thêm với PV, bác sĩ Ngà xác nhận: “Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện, kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhân được chuyển qua hội chẩn trực tuyến với bệnh viện ở Mỹ, mới phát hiện ra bệnh Pemphiqus, từ đó mới có hướng điều trị cho bệnh nhân và có kết quả thành công. Quá trình điều trị, bệnh nhân liên tục truyền thuốc. Và cho đến lúc này, chuyện bệnh nhân được cứu sống, tôi vẫn nghĩ nó như một điều kỳ diệu trong truyện cổ tích. Đồng thời, cả khoa chúng tôi rất hào hứng phấn khởi khi mình đã cứu sống bệnh nhân”.
Hơn 600 người dân vùng lũ được khám bệnh và phát thuốc miễn phí
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/hon-600-nguoi-dan-vung-lu-duoc-kham-benh-va-phat-thuoc-mien-phi-3491985.html
Những người dân tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình bị bệnh nước ăn chân tay, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt... do tiếp xúc nguồn nước bẩn và môi trường ô nhiễm đã được điều trị kịp thời.
Sáng ngày 27/10, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cùng Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà cho bà con tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Theo đó, đoàn cứu trợ đã có mặt tại thôn Công Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) - đây là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề vì nằm trên một cồn đất nổi giữa sông Giang. Cả thôn chỉ có hơn 300 hộ dân với khoảng 1.600 nhân khẩu, vì thế, khi lũ về giữa đêm, bà con không kịp trở tay.
Chị Hoàng Thị Thanh (49 tuổi) chia sẻ: “Cả nhà vừa tắt đèn đi ngủ, chưa được bao lâu thì lũ ập về. Lúc đó, tôi chỉ kịp nhìn đồng hồ điểm 1h sáng. Không kịp trở tay nên cả gia đình mấy mạng người vội leo lên mái nhà trốn lũ dưới trời mưa gió quất. Lương thực hay đồ đạc cũng không kịp thu vén. Đến khoảng 4h nước lũ mới bắt đầu rút, mọi người đều lả đi vì lạnh và đói. Đặc biệt, bố mẹ tôi và mấy đứa nhỏ sau đó đều đổ bệnh hết”.
Những ngày sau đó, để sớm ổn định cuộc sống, chị Thanh và người dân trong thôn lại dầm mình dưới nước bẩn để thu dọn, dựng lại nhà cửa đổ nát và ngược xuôi mưu sinh vì gia súc, gia cầm đều bị lũ cuốn trôi. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết bà con đều bị nhiễm bệnh do tiếp xúc nguồn nước bẩn và môi trường ô nhiễm như bệnh… Trong khi ấy, thôn lại không có quầy thuốc hay trạm y tế.
Tham gia đoàn cứu trợ, bác sĩ Trần Đình Trung - Phó bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã khảo sát sẽ khám cho 400 người nhưng thực tế, đoàn đã khám cho gần 600 người. Đa số họ bị bệnh về mắt (viêm kết mạc), da liễu (ngứa vùng kín sau khi đi tiểu, viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ, nước ăn chân tay), tiêu hóa (đau bụng tiêu chảy), xương khớp (nhức khớp chân tay, cột sống)…
“Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phát thuốc kháng sinh, hạ sốt, thuốc bôi ngoài da, thuốc nhỏ mắt, vitamin tổng hợp, siro ăn ngon cho trẻ, thuốc đau bụng, dung dịch vệ sinh phụ nữ, kem đánh răng… cho bà con neo đơn, nhằm tư vấn và khuyến khích họ có ý thức chăm sóc sức khỏe ban đầu và vệ sinh cá nhân tốt hơn”, bác sĩ Trung nói thêm.
Bà Nguyễn Thùy Dung - đại diện Công ty Dược phẩm Hoa Linh cho biết, dựa vào chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đơn vị này đã lường trước hậu quả của lũ đối với sức khỏe bà con. Vì thế, khi trường Đại học Kỹ thuật Y- Dược Đà Nẵng phát động chương trình, Dược phẩm Hoa Linh đã hưởng ứng và chọn địa phương gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp họ thăm khám bệnh kịp thời.
Chương trình khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà của hai đơn vị trên nhận được sự hưởng ứng của người dân thôn Công Hòa. "Hôm nay, không chỉ tôi mà cả bố mẹ và các con tôi cũng đi khám bệnh. Nhờ được bác sĩ phát thuốc kịp thời, dịch bệnh sau lũ ở thôn chúng tôi không bùng phát như những mùa trước", một người dân chia sẻ.
2. 300 triệu trẻ nhỏ đang hít phải khí độc mỗi ngày
http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/300-trieu-tre-nho-dang-hit-phai-khi-doc-moi-ngay
Theo nguồn tin từ Quỹ nhi đồng của LHQ, khoảng 300 triệu trẻ em trên thế giới đã và đang phải hít thở không khí chứa độc tính cao. Tệ nạn ô nhiễm môi trường đã tác động mạnh mẽ tới sức khỏe và quá trình phát triển trẻ nhỏ, tương lai của nhân loại.
Trong số những đứa trẻ trên có tới 220 triệu trẻ sống ở Nam Á, nơi ô nhiễm không khí cao gấp 6 lần mức cho phép của WHO. Hít quá nhiều khói bụi độc hại đã ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe của trẻ. Nicholas Rees, tác giả của báo cáo khẳng định: “Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi vì phổi của chúng vẫn đang trong quá trình phát triển. Tiếp xúc sớm với không khí độc hại sẽ khiến chúng phải gánh hậu họa suốt đời”.
Trong số các chất gây ô nhiễm không khí, nguy hiểm nhất là hạt không khí hay còn được gọi là PM2.5, phần tử có kích thước bằng chiều ngang sợi tóc con người. Chúng được hình thành từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và hoạt động sản xuất công nghiệp, hoặc từ tự nhiên như cát bụi…Loại hạt này siêu mịn, đi theo không khí qua phổi vào máu, làm suy giảm sức khỏe tim, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng như bệnh suyễn và viêm phổi.
Trước đó, UNICEF cũng từng tiến hành nghiên cứu phát hiện thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường và khả năng nhận thức của trẻ. Ngoài ra, tiếp xúc với khí độc hại có thể tăng nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ mang thai, sinh thiếu cân.
Ngoài ra, theo báo cáo của UNICEF cho thấy, năm 2015, có khoảng 7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có 600.000 trẻ dưới 5 tuổi. Như vậy, người lớn đã và đang đánh đổi sức khỏe, tương lai của con em mình để phát triển kinh tế bất chấp tình trạng ô nhiễm gia tăng.
Các quốc gia đông dân, tốc độ phát triển công nghiệp hóa nhanh chóng đã kéo theo sự gia tăng hàn lượng độc hại trong không khí. Nổi trội là Ấn Độ và Trung Quốc. Ramanan Laxminarayan, nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Princeton khẳng định: Ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ, nguyên nhân một phần từ việc đốt rơm rạ của nông dân miền Bắc nước này sau khi thu hoạch mùa màng. Như vậy, công nghiệp chưa phải là mối đe dọa lớn nhất cho bầu không khí ô nhiễm ở Ấn Độ. Trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc – đất nước chú trọng tăng trưởng thần tốc bất chấp nguy cơ đe dọa môi trường sống.
Trong năm 2013, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, có trụ sở tại Paris đã cảnh báo: ô nhiễm đô thị có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới vào năm 2050. Mỗi năm sẽ có khoảng 3,6 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không khí chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Môi trường sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng nhưng rất khó có thể cải thiện khi tồn đọng nhiều vấn nạn. Một cuộc điều tra tại trám máy giám sát tại huyện Trường An đã bắt giữ 5 nhân viên, trong đó có He Limin, giám đốc Cục bảo vệ môi trường Tây An vì cố tình làm sai báo cáo chất lượng không khí, hòng che đậy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, Bộ bảo vệ Môi trường đã phát hiện thêm 7 trường hợp làm sai lệch dữ liệu chất lượng không khí vào tháng 6/2015. Thậm chí, có người đã lẻn vào trạm giám sát máy để nhồi bông vào cảm biến khiến máy đọc sai dữ liệu. Hành động vụ lợi trước mắt chính là giết chết tương lai, sức khỏe của con em mình.
Trong khi đó, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, đứng trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí Việt Nam thấp hơn hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.
Trong khi đó, việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 100.000 dân thì có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi, 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp, 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Những con số khô khan không thể tác động mạnh mẽ tới ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người, song tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng, các bệnh về mũi khá phổ biến, và ngày càng nhiều người bị ung thư phổi... khiến ta phải rùng mình lạnh sống lưng.