Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 15/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Đưa vào sử dụng Đơn vị Tim mạch can thiệp tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng; Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015; Nguy cơ bùng phát dịch tay, chân, miệng...

Đưa vào sử dụng Đơn vị Tim mạch can thiệp tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng

Sáng ngày 14/9, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cắt băng khánh thành Đơn vị Tim mạch can thiệp của BVĐK tỉnh Lâm Đồng.Bệnh nhân đầu tiên cũng được các bác sỹ của Trung tâm tim mạch can thiệp đặt sten động mạch vành ngay trong buổi sáng ngày 14/9. Đây là thành công của Đề án BV Vệ tinh.

Sáng ngày 14/9, BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã khánh thành và đưa vào sử dụng Đơn vị tim mạch can thiệp. Bệnh nhân đầu tiên cũng đã được các bác sỹ của Trung tâm tim mạch can thiệp- BVĐK Lâm Đồng đặt sten động mạch vành ngay trong buổi sáng ngày 14/9.

Đây là thành công cuả Đề án Bệnh viện vệ tinh trong việc chuyển giao các kỹ thuật can thiệp tim mạch từ bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới giữa BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) với BVĐK tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông tin của BSCK II Nguyễn Bá Hy- Giám đốc BVĐK tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi được Bộ Y tế phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 về chuyên khoa tim mạch cho BVĐK tỉnh Lâm Đồng, BVĐK tỉnh đã xây dựng Đề án BV vệ tinh với BV Nhân dân Gia Định; đồng thời tiếp nhận Danh mục gói kỹ thuật Hồi sức kỹ thuật và can thiệp mạch vành do BV hạt nhân là BV Nhân dân Gia Định chuyển giao. Theo đó, Đơn vị Tim mạch can thiệp –BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã được thành lập và được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, song song đó, các ê kíp cán bộ cũng đã được cử đi học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về các kỹ thuật liên quan đến can thiệp tim mạchtại BV Nhân dân Gia Định, BV TW Huế và BV Tim TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng, BS Nguyễn Bá Hy thông tin: Năm 2013, có 27.300 bệnh nhân ngoại trú đến khám bệnh và 1.500 bệnh nhân điều trị nội trú về các bệnh lý liên quan đến tim mạch; Năm 2014, con số này đã tăng lên gần 30.000 bệnh nhân ngoại trú và gần 1.900 bệnh nhân nội trú. “Sự gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch tại địa phương cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh của người dân về bệnh lý này ngày càng tăng. Điều này đòi hòi cần có sự phối hợp giữa người dân và ngành y tê để kịp thời phát hiện và chữa trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch bởi bệnh lý tim mạch được ví như kẻ giết người thầm lặng”.

Được biết, từ năm 2013 BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã thúc đẩy hoạt động bệnh viện vệ tinh với BV Nhân dân Gia Định với 3 giai đoạn: đầu tư trang thiết bị - đào tạo con người - chuyển giao kỹ thuật. Cùng với đó, BV đã thiết lập hệ thống trực tuyến trong hội chẩn từ xa, tham vấn chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật cao ngay tại chỗ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, nhờ đó, người bệnh, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng có thể tin tưởng được tiếp cận kỹ thuật cao tại địa phương.

Phát biểu tại lễ khánh thành Đơn vị tim mạch can thiệp- BVĐK tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Lâm Đồng cho ngành y tế Lâm Đồng và sự nỗ lực trong việc quyết tâm thực hiện các kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân của ngành y tế Lâm Đồng. Đồng thời Bộ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK Lâm Đồng. “Với việc triển khai thành công kỹ thuật tim mạch can thiệp ngay tại Đơn vị can thiệp tim mạch- BVĐK tỉnh Lâm Đồng, không chỉ giúp người dân tỉnh Lâm Đồng mà còn giúp khách du lịch và người dân các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên có thể yên tâm về các kỹ thuật can thiệp liên quan đến tim mạch, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu trong thời gian tới, BVĐK tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng các chuyên khoa vệ tinh của chuyên ngành ưng bướu, sản nhi, chấn thương chỉnh hình…nhằm giúp người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật chuyên môn cao các chuyên ngành này ngay tại địa phương. “Kỹ thuật tim mạch can thiệp hiện nay BV đã làm được, các thầy thuốc của BV đã thực hiện ca can thiệp thành công, do đó BV cần cố gắng để sớm đưa các chuyên ngành trên thành chuyên ngành vệ tinh của các BV hạt nhân”- Bộ trưởng nói.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/dua-vao-su-dung-don-vi-tim-mach-can-thiep-tai-bvdk-tinh-lam-dong-20150914173243855.htm

Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

Sáng ngày 14/9, tại TP Đà Lạt- Lâm Đồng, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10 do Bộ Y tế Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị này và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 17/9.

Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, Đại diện Tổ chức y tế thế giới khu vực Đông Nam Á, đại diện UNFPA, UNAIDS, đại diện Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Lãnh đạo các Cục/Vụ/Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện các Cơ quan, Ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Lãnh đạo Sở Y tế các Tỉnh, thành trong cả nước…

Hợp tác y tế trong cộng đồng ASEAN ngày càng sâu rộng

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp, các nước thành viên ASEAN đã có những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, được xem là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN ngày nay đã chuẩn bị bước vào giai đoạn hình thành Cộng đồng ASEAN, với mức độ liên kết và hợp tác ngày càng cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Hợp tác y tế ngày càng chặt chẽ, sâu rộng trong khu vực đã đóng góp hiệu quả cho việc bảo đảm an ninh và phát triển ở khu vực, tạo thế cho quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trước đó vào năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội có chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”. Chủ đề này rất thiết thực trong thời điểm Cộng đồng đang ở năm cuối của tiến trình thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, một trong những bước ngoặt phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiệp hội.

Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Y tế đã thông qua Tuyên bố chung thể hiện cam kết tăng cường hệ thống y tế hướng tới bao phủ y tế toàn dân, thúc đẩy việc tiếp cận dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ liên quan đến các bệnh không lây nhiễm; đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời các loại thuốc thiết yếu và công nghệ y tế phù hợp ở tất cả các cơ sở y tế của mỗi Quốc gia Thành viên; xây dựng hệ thống tài chính y tế hiệu quả, với giá hợp lý để các người bệnh đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế mà không vướng phải các khó khăn tài chính; hài hòa hóa các quy định an toàn thực phẩm quốc gia với tiêu chuẩn được quốc tế; tăng cường hợp tác hơn nữa trong công tác phòng chống, kiểm soát các bệnh lây nhiễm và ứng phó với đại dịch; huy động và đa dạng hóa các nguồn lực ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để duy trì thành tựu kiểm soát tỷ lệ mắc và lây nhiễm HIV/AIDS.

Các Bộ trưởng Y tế ASEAN cũng đã thông qua Tầm nhìn và Nhiệm vụ của Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, hướng tới “Một Cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững”.

Hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm

Với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong một năm qua đã việc gấp rút hoàn thành Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN và Khung Chiến lược của ASEAN về Phát triển Y tế giai đoạn 2010-2015 và đặc biệt là đã thảo luận và đưa ra các ưu tiên y tế để cùng hợp tác, tăng cường sức khỏe cho người dân ASEAN giai đoạn 2015-2020.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế của ASEAN tại Hội nghị lần thứ 10 này là cùng thảo luận, thống nhất về cơ chế hoạt động của Hợp tác Y tế ASEAN, của các Nhóm Công tác chuyên môn trong giai đoạn 2015-2020 để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 13 thông qua.

“Hội nghị này sẽ thu hút được sự quan tâm và đóng góp của tất cả các quý vị đại biểu để có thể đưa ra được những đề xuất về cơ chế hợp tác mới hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân các quốc gia, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm với xã hội, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị SOMHD 10 đã tiến hành phiên họp toàn thể để cập nhật và rà soát những nội dung chính tại các Hội nghị lớn trong thời gian vừa qua, đồng thời thảo luận về các Chương trình Phát triển Y tế sau năm 2015 của ASEAN với 18 lĩnh vực y tế ưu tiên được chia làm 4 nhóm chính, cụ thể:

Nhóm 1: Tăng cường lối sống lành mạnh với Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN có được sức khỏe tốt nhất thông qua tăng cường lối sống lành mạnh và Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD); Giảm sự tiêu thụ thuốc lá và rượu bia; Phòng chống tai nạn thương tích; Phòng chống bệnh nghề nghiệp; Cải thiện sức khỏe tâm thần; Tăng cường sức khỏe và sự năng động cho người già và Tăng cường dinh dưỡng tốt, ăn kiêng lành mạnh.

Nhóm 2: Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường hệ thống y tế bền vững để ứng phó với cácbệnh truyền nhiễm và truyền nhiễm mới nổi, các bệnh bị lãng quên và các bệnh nhiệt đới; Ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe môi trường, thảm họa và đảm bảo chuẩn bị ứng phó hiệu quả về quản lý y tế trong thảm họa ở khu vực. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên; Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm; Giải quyết vấn đề kháng thuốc; Sức khỏe môi trường và đánh giá tác động sức khỏe; Quản lý Y tế trong thảm họa.

Nhóm 3: Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, an toàn với chất lượng thuốc tốt bao gồm thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm thay thế; Đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Các ưu tiên y tế gồm: Y học cổ truyền; Các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế (MDG 4,5,6); Chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), Sức khỏe dân di cư; Phát triển dược phẩm; Tài chính trong chăm sóc sức khỏe; Phát triển nguồn nhân lực.

Nhóm 4: Đảm bảo An toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường tiếp cận với thực phẩm an toàn, nước uống an toàn và vệ sinh. Các ưu tiên y tế gồm: An toàn thực phẩm; Nước và vệ sinh nguồn nước.

Thông tin tại lễ khai mạc hội nghị SOMHD 10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và được cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ). Với thế mạnh trong lĩnh vực y học cổ truyền, Việt Nam đã lồng ghép y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, ưu tiên công tác phòng bệnh. “Việt Nam cũng đang từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng Công bằng - Hiệu quả và phát triển, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách toàn diện, có chất lượng, bảo đảm hội nhập với quốc tế và các nước trong khu vực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân”- Bộ trưởng cho biết.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/cung-thao-luan-thong-nhat-ve-hop-tac-y-te-asean-sau-nam-2015-20150914142430485.htm

http://daidoanket.vn/khoa-giao/khai-mac-hoi-nghi-cac-quan-chuc-cao-cap-ve-phat-trien-y-te-lan-thu-10-cua-asean-somhd-10/65419

Nguy cơ bùng phát dịch tay, chân, miệng

Mới bắt đầu vào năm học mới, nhưng số trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lên rất nhanh. Ngày nào, các bệnh viện nhi của thành phố cũng có hàng chục trẻ mắc TCM phải nhập viện điều trị. Các bác sĩ đang lo ngại khi bệnh này bùng phát sẽ rất dễ lây lan trong các trường học.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng trẻ mắc TCM nhập viện tăng gấp đôi so với những tháng trước. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày có cả trăm trường hợp nhập viện do mắc bệnh TCM, trong đó có không ít trường hợp bệnh rất nặng phải thở ô-xy.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nếu so với thời điểm cuối tháng 8-2015, mỗi ngày chỉ có khoảng 30 trẻ mắc TCM nhập viện, thì hiện nay đã tăng lên hơn gấp đôi. Từ đầu năm đến cuối tháng 8-2015, số trẻ mắc TCM chỉ rải rác, không có ca nào nặng. Nhưng từ đầu tháng 9 tới nay, không những số ca mắc TCM tăng cao, mà ngày nào cũng có từ hai đến ba trẻ mắc bệnh rất nặng, có trường hợp phải thở máy.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ mắc TCM trong những ngày gần đây cũng không ngừng gia tăng. Thời điểm bước vào tháng 9, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận số ca TCM tăng đột biến, gần gấp đôi so với những tháng trước.

Tình trạng bệnh nhi mắc TCM tăng nhanh vào thời điểm đầu năm học mới, khiến các bác sĩ lo ngại nguy cơ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp của bệnh này. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh TCM xuất hiện chủ yếu ở trẻ em, tập trung nhiều nhất là học sinh mầm non và tiểu học. Thời điểm này trẻ đã bước vào năm học mới, việc tiếp xúc giữa các học sinh diễn ra thường xuyên nên nguy cơ lây lan là rất cao. Điều đáng lo nhất là nhiều bậc phụ huynh cũng như các bác sĩ còn chủ quan, không thường xuyên kiểm tra khiến trẻ mắc bệnh lây lan cho nhiều trẻ khác, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao. Bên cạnh đó, sự chủ quan của bác sĩ và phụ huynh cũng khiến cho bệnh nhi nặng thêm, dễ gây biến chứng và dẫn đến tử vong.

Bệnh TCM thường xuất hiện nhiều vào hai đợt trong năm. Đợt đầu tiên diễn ra vào sau Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm người dân từ các nơi đổ về thành phố sau kỳ nghỉ Tết, nhiều trẻ mệt mỏi, sức khỏe yếu nên khả năng đề kháng kém dễ lây nhiễm bệnh. Đợt thứ hai trong năm chính là mùa tựu trường. Nhiều trẻ sau thời gian nghỉ hè bị nhiễm bệnh nhưng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dẫn đến lây lan cho nhiều trẻ khác khi đi học. Hơn nữa, với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay cũng dễ khiến trẻ mắc bệnh, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho bệnh TCM phát sinh, phát triển. Đây chính là thời điểm dễ bùng phát dịch TCM nhất trong năm.

Những trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ kèm theo nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, biếng ăn, chảy nước miếng… là những triệu chứng của bệnh TCM. Khi phát hiện các triệu chứng này, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ khám để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.

Bệnh TCM chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc các vật dụng, các dụng cụ trò chơi trẻ em. Do đó, để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ, các phụ huynh và các trường mầm non, nhà trẻ cần bảo đảm vệ sinh cho trẻ. Những vật dụng, đồ chơi sau khi trẻ chơi xong phải được rửa sạch và khử khuẩn. Những trẻ có dấu hiệu mắc bệnh TCM, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ở nhà để đưa đến bác sĩ khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho những trẻ khác.

Cùng với đó, nếu phát hiện trẻ mắc TCM, các bậc phụ huynh phải báo cho nhà trường để cùng với ngành y tế khử khuẩn, nhằm ngăn chặn phát sinh ổ dịch TCM trong trường học.

http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/27433502-nguy-co-bung-phat-dich-tay-chan-mieng.html

http://nld.com.vn/suc-khoe/benh-tay-chan-mieng-tang-mua-khai-truong-20150912220022305.htm

Đầu năm học mới, “dịch chồng dịch” tấn công trẻ em

Dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu có thể tấn công hơn 20 triệu học sinh tại 40.000 trường học trong cả nước.

Mới bước vào đầu năm học mới nhưng hàng loạt dịch bệnh đã bùng phát, tấn công trẻ em trong cả nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, mùa tựu trường, thời tiết giao mùa rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, tính đến hết tuần đầu tháng 9 có trên 4.500 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trung bình khoảng 100 đến 150 ca nhập viện/tuần.

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc tay chân miệng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Còn tại miền Bắc, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cảnh báo, trong thời gian tới nếu không có các biện pháp phòng chống, dịch sẽ phát triển trên diện rộng.

Ông Phu thông tin, tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng thường ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Như vậy, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường họ.

“Nếu các các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ bị dịch tấn công”, ông Phu cho hay.

Ngoài dịch tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát trong cả nước. Dịch dễ tấn công người lớn và trẻ em trong khi đó trẻ là đối tượng trẻ em dễ bị biến chứng nhất.

Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 28.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó 18 người tử vong. Hầu hết các ca tử vong là trẻ em, không đến cơ sở y tế kịp thời và cũng có những trường hợp do bệnh nặng lên.

Bên cạnh đó, hàng nghìn trẻ em trong cả nước cũng đang phải đối mặt với bệnh thủy đậu. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, tại TP.HCM, từ đầu năm 2015 đến nay liên tục xuất hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại các trường học. Có đến 7 trường học xuất hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, tập trung chủ yếu 3 loại dịch bệnh: thủy đậu, tay chân miệng và quai bị. Điều đáng nói, sự xuất hiện các ổ dịch bệnh diễn ra liên tiếp, cứ hết ổ dịch này lại xuất hiện tiếp ổ dịch bệnh khác.

Ông Trần Đắc Phu cảnh báo, dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết đều là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh, virus sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi...

Để phòng tránh dịch bệnh trong trường học, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác; Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh.

http://danviet.vn/y-te/dau-nam-hoc-moi-dich-chong-dich-tan-cong-tre-em-626770.html

Xuất hiện ca sốt xuất huyết biến chứng viêm màng não hiếm gặp

Ngày 14/9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng viêm não – màng não hiếm gặp.

Theo đó, bệnh nhân là N.Đ.T (23 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây Dựng). Bệnh nhân T. nhập viện ngày 5/9 trong tình trạng nguy kịch, lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm não- màng não do sốt xuất huyết Dengue.

Trước đó, bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng sốt và được chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết, sau đó được bác sĩ cho về điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, sau đó một ngày, gia đình lại đưa T. vào nhập bệnh viện Đống Đa vì còn sốt và đau đầu. Sau 2 ngày truyền dịch, uống thuốc, T. có giảm nhiệt độ nhưng vẫn mệt, không chịu ăn uống. Quá lo lắng cho con, gia đình xin cho con ra viện và tự chuyển sang khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hồi 12h ngày 5/9.

TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết phải nhập viện gần đây có gia tăng ở Hà Nội, tuy nhiên biến chứng gây viêm não- màng não như bệnh nhân Nguyễn Đình T. là ca bệnh rất hiếm gặp.

Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân đã hồi tỉnh.

Theo TS. Đỗ Duy Cường, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên sống ở các khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém thuận lợi cho muỗi phát triển.

Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này.

http://khampha.vn/suc-khoe/xuat-hien-ca-sot-xuat-huyet-bien-chung-viem-mang-nao-hiem-gap-c11a356701.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-sinh-vien-co-giat-viem-mang-nao-vi-sot-xuat-huyet-20150914112101717.htm

Dịch sốt xuất huyết tăng cao nhưng không bất thường!

 Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, với số người mắc tăng cao. Mặc dù qua giám sát dịch tễ và các nghiên cứu cho thấy diễn biến dịch SXH chưa có dấu hiệu bất thường và chưa ghi nhận sự biến đổi của virus gây bệnh nhưng chúng ta không thể chủ quan, đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh phải chủ động và quyết liệt hơn tới tận hộ gia đình... Đây là nhận định của PGS-TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tình hình dịch bệnh SXH hiện nay.

* Phóng viên: Dịch SXH đã được ghi nhận tại 50/63 tỉnh, thành trong cả nước với gần 30.000 người mắc, trong khi cả năm 2014 cả nước chỉ có 31.000 người mắc. Phải chăng dịch bệnh SXH ở nước ta đang diễn biến bất thường, thưa ông?

* PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Tại Việt Nam, SXH là dịch bệnh lưu hành quanh năm tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trong hơn 8 tháng qua, cả nước đã ghi nhận khoảng 30.000 người mắc bệnh SXH tại 50/63 tỉnh, thành, trong đó có 18 ca tử vong chủ yếu tập trung tại khu vực ĐBSCL.

So với cùng kỳ năm ngoái, diễn biến của dịch bệnh SXH năm nay có số người mắc tăng cao hơn nhưng so với giai đoạn 2009-2013 thì số ca mắc SXH vẫn thấp hơn. Còn số người tử vong do SXH năm nay hiện cũng ngang bằng với năm ngoái. Đúng là số người mắc SXH đang tăng cao nhưng qua các nghiên cứu và giám sát dịch tễ của cơ quan chức năng cho thấy, diễn biến dịch SXH năm nay chưa có gì bất thường, cũng như không có sự biến đổi của virus gây bệnh.

* Thực tế số người mắc bệnh SXH vẫn tăng mạnh trong hơn một tháng qua, ông có thể lý giải vì sao dịch SXH có xu hướng gia tăng trong năm nay?

* Thực tế SXH ở Việt Nam là bệnh lưu hành, bệnh chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng ngừa dịch bệnh này không hề đơn giản. Hơn nữa, SXH là bệnh có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần, nghĩa là sau khi số lượng mắc của các năm giảm đi đã tạo ra một quần thể miễn dịch không có nên dẫn đến số lượng người mắc tăng lên. Trong khi đó, năm 2015 được dự báo là năm rơi đúng vào chu kỳ của dịch SXH bùng phát sau nhiều năm giảm.

Cùng với đó, người mắc SXH tiếp tục gia tăng là do sự biến đổi thời tiết, khí hậu, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi vấn đề vệ sinh môi trường chưa được thực hiện triệt để, cùng với những tập quán, thói quen có hại như: sử dụng các vật dụng, đồ phế thải chứa nước lưu cữu ở nhiều vùng nông thôn cũng khiến cho muỗi gây bệnh SXH bùng phát hay hình thành các ổ dịch.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế lây bệnh SXH và các biện pháp phòng ngừa?

* SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Có 4 loại tuýp virus gây bệnh SXH gồm: D1, D2, D3 và D4, trong đó tuýp D1 là phổ biến nhất ở nước ta. Tuy nhiên đối với bệnh SXH, một người khi mắc SXH chỉ có thể sinh ra miễn dịch đối với một tuýp virus nên vẫn có thể tiếp tục mắc SXH với tuýp virus khác và đặc biệt lần mắc sau, bệnh thường nặng và nguy hiểm hơn lần mắc trước.

Hơn nữa, chúng ta cần phải nên biết rằng loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường sinh sống ở trong nhà và đẻ trứng sinh ra bọ gậy/lăng quăng tại những khu vực có chứa nước trong nhà như: tại các vỏ chai lọ, lốp cao su, gáo dừa, chum vại... chứa nước mưa lâu ngày. Vì thế mà ngay cả những nhà chung cư cao tầng, chúng tôi cũng tìm thấy được muỗi truyền bệnh SXH khi phát hiện được bọ gậy/lăng quăng ở trong những dụng cụ chứa nước lâu ngày như: lọ cắm hoa, cây cảnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa SXH chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Để thực hiện phòng ngừa SXH, không phải chúng ta cứ ra quân rầm rộ vệ sinh khơi thông cống rãnh hay phát quang bụi rậm mà quan trọng nhất là bản thân mỗi gia đình cần chủ động kiểm tra thường xuyên loại bỏ hoặc vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, dụng cụ chứa nước lâu ngày để loại bỏ các ổ bọ gậy/lăng quăng sinh muỗi truyền SXH. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan y tế thực hiện việc phun hóa chất để diệt muỗi.

* Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít gia đình, nhất là ở thành thị rất ngại phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH. Phải chăng loại hóa chất này gây độc hại cho người?

 * Công tác phòng chống SXH đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều biện pháp, cũng như sự chủ động và quyết liệt từ chính quyền địa phương cho tới từng hộ dân để thay đổi hành vi. Tuy nhiên, thực tế việc phòng chống SXH đang gặp nhiều khó khăn, có thể có địa phương này làm tốt nhưng địa phương khác chưa làm tốt và có cả những nơi mà người dân cũng chưa hưởng ứng.

Ví dụ như Hà Nội, chúng tôi tổng kết chỉ có hơn 60% người dân hưởng ứng với việc phun hóa chất hoặc có những chỗ tuyên truyền rất nhiều lần cho người dân biết nhưng vẫn không thay đổi được hành vi có hại như: loại bỏ các dụng cụ, đồ vật chứa nước lâu ngày.

Đối với việc phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH phải khẳng định rằng, đây là một trong biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống dịch hiện nay và chưa ghi nhận hiện tượng muỗi kháng hóa chất. Hơn nữa, các loại hóa chất diệt muỗi gây bệnh trước khi được đưa vào sử dụng đều có sự kiểm tra, đánh giá tác động, cũng như những ảnh hưởng tới sức khỏe con người rất chặt chẽ của cơ quan y tế nên người dân không nên quá lo ngại.

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/9/396026/

Thiếu máu nhóm A, những đứa trẻ mong chờ phép màu hết bệnh

Cậu bé Lưu Bàn Quân 8 tuổi, điều trị bệnh máu ở Viện Huyết học Trung ương, biết rằng Trung thu năm nay không về nhà được bởi phải chờ có máu để truyền.

“Chắc con không về nhà đón Trung thu với bố mẹ được”, câu nói của cậu bé khiến nhiều người thắt lòng. Bé thuộc nhóm máu hiếm A, đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Thế nhưng "kho máu" lớn nhất cả nước đang cạn dần nhóm máu A, không thể truyền cho các cháu dù đã đến kỳ bổ sung.

Bé Quân quê Bắc Kạn, được phát hiện mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 4 tháng tuổi, từ đó sự sống của em gắn liền với bệnh viện, với những đơn vị máu truyền… Mỗi đợt điều trị, bé cần truyền ít nhất 3 túi máu. Đều đặn 5-6 tuần, bé Quân và bà ngoại lại có mặt ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu, thải sắt. Lần này bệnh tình nặng hơn, Quân nằm viện dài ngày hơn, cần nhiều đơn vị máu hơn. Tình hình càng khó khăn hơn với bé khi Viện đang thiếu máu A.

Tương tự bé Quân, bé Lưu Uyển Nhi 5 tuổi ở Vĩnh Phúc cũng nằm Viện Huyết học, đang phải chống chọi căn bệnh Lơ xê mi cấp (ung thư máu). Sau cơn sốt dài vừa qua, mấy hôm nay cơn đau lan sang khắp xương khớp, lách, gan của em sưng to…

Chị Hà, mẹ Nhi xót xa, bất lực xoa vuốt những vết bầm tím trên cơ thể cô con gái nhỏ. Chị cho biết: “Con truyền hóa chất không đáp ứng nên bây giờ chỉ điều trị duy trì, hàng ngày phải truyền máu và tiểu cầu”. Chị lo lắng hơn khi biết nhóm máu A, nhóm máu của bé Nhi, đang thiếu.

Trong khi phố phường rộn ràng rực rỡ sắc màu đón Trung thu, thiếu nhi háo hức xách lồng đèn tung tăng vui chơi, thì ở những phòng bệnh Viện Huyết học vẫn ồn ào tiếng trẻ nô đùa lẫn trong tiếng khóc của em bé không chịu được cơn đau bệnh tật. Có những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của bà, của mẹ các em đang bất lực nhìn con cháu đau đớn… Mẹ bé Nhi ước ao: “Giá như phép thần kỳ thay máu cho con tôi hết bệnh”. Chẳng có phép màu nào, nhưng sự thật có biết bao giọt máu mang lại sự hồi sinh, nối dài thêm sự sống cho những đứa trẻ mắc bệnh máu.

Hơn một tuần qua, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương báo động nguy cơ thiếu nhóm máu A tại các điểm hiến máu. Nhân viên lo tuyên truyền, giữ lịch hiến máu 3-5 cuộc mỗi ngày, nhưng lượng máu nhóm A nhận về không nhiều.

Hai ngày cuối tuần vừa qua Viện tiếp nhận được khoảng gần 1.000 đơn vị, song lượng máu nhóm A chỉ đáp ứng 15% nhu cầu. Trong khi đó, để đảm bảo đủ máu nhóm A điều trị cho các bệnh nhân tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, mỗi ngày Viện cần tiếp nhận được 500 đơn vị máu nhóm A.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh lịch hiến máu, kêu gọi hiến máu, điểm hiến máu cố định tại Viện cũng hoạt động từ 7h30 đến 22h vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi tất cả cá nhân, tổ chức tham gia hiến máu tình nguyện, đặc biệt là những người nhóm máu A, như một món quà đặc biệt dành cho bệnh nhi nhân dịp Trung thu. Nhờ đó nỗi đau của bé Hà sẽ vơi bớt, Quân và nhiều em nhỏ khác được đoàn tụ cùng gia đình trong Tết thiếu nhi năm nay.

 

Mọi thông tin hiến máu liên hệ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, điện thoại (04) 38686008, website: http://www.nihbt.org.vn.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/thieu-mau-nhom-a-nhung-dua-tre-mong-cho-phep-mau-het-benh-3279012.html

Quân y châu Á- Thái Bình Dương: “Hợp tác vì sức khỏe toàn cầu”

Sáng 14/9, tại Đà Nẵng, Hội nghị trao đổi Quân y Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Hợp tác y tế toàn cầu” do Quân y Việt Nam và Quân y Hoa Kỳ phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc.

Đây là lần thứ hai Quân y Việt Nam tổ chức Hội nghị quân y khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Hội nghị có sự tham dự của đại biểu quân y 24 nước, vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Quân y quốc tế, các chuyên gia về quân- dân y của Việt Nam và thế giới.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng thảo luận các nội dung như: giám sát và đáp ứng lại bệnh truyền nhiễm mới nổi như dịch Ebola, hội chứng viêm đường hô hấp cấp (MERS), các chủ đề y học nóng tại Việt Nam, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe, hỗ trợ y tế trong các hoạt động gìn giữ hòa bình; ứng dụng các kỹ thuật y tế hiện đại vào công tác quân y - chăm sóc sức khỏe cho sỹ quan và chiến sỹ trong quân đội, chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, thiên tai ở quy mô khu vực và thế giới…

Đến nay quân y Việt Nam đã hợp tác với lực lượng quân y 30 nước trên thế giới, nhờ sự giao lưu, học hỏi, quân y Việt Nam đã đáp ứng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, đồng thời sự hợp tác cũng giúp quân y Việt Nam có điều kiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở nhiều nơi, đóng góp vào hòa bình và phát triển của thế giới.

 Đây cũng là cơ hội quý để các nhà khoa học, chuyên môn của quân y Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học, chuyên môn quân y các nước trong khu vực. Tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực quân y và y tế, trong phòng chống thảm họa, dịch bệnh và hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến an ninh y tế toàn cầu.

Qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực. Đồng thời, cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Hội nghị kéo dài đến 18/9.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/quan-y-chau-a-thai-binh-duong-hop-tac-vi-suc-khoe-toan-cau-20150914183757613.htm

Ninh Bình: Tiêu hủy 1,3 tấn xương, mỡ lợn thối

Kiểm tra tại một cơ sở giết mổ gia súc ở thành phố Tam Điệp, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình phát hiện 1,3 tấn xương, mỡ lợn không có nguồn gốc xuất xứ, toàn bộ số hàng trên không có chứng nhận kiểm dịch đang bốc mùi hôi thối.

Ngày 14/9, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ và tiêu hủy 1,3 tấn thực phẩm bẩn là đầu, tai, xương, mỡ lợn bốc mùi hôi thối, không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch động vật.

Trước đó, Chi cục QLTT đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ gia súc của gia đình ông Nguyễn Văn Bốn (SN 1960), trú tại tổ 2 phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp và phát hiện số thực phẩm nói trên.

Ông Bốn khai nhận, số thực phẩm nói trên được gia đình thu mua từ người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sau đó đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ. Được biết, cơ sở giết mổ của gia đình ông Bốn hoạt động từ năm 2010 đến nay.

Sau khi phát hiện lô hàng vi phạm nói trên, lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm lò giết mổ của gia đình ông Bốn số tiền hơn 45 triệu đồng. Toàn bộ 1,3 tấn thực phẩm bẩn đã bị tịch thu và đem đi tiêu hủy.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ninh-binh-tieu-huy-1-3-tan-xuong-mo-lon-thoi-20150914152227353.htm

Cứu sống nữ bệnh nhân bị lao phổi nguy kịch

Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM vừa cứu sống bệnh nhân Thùy Trang (SN 1958) bằng cách can thiệp nội mạch, giúp tránh được nguy cơ phải cắt bỏ phổi .

Theo bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, bệnh nhân Thùy Trang, có tiền căn bệnh lao phổi năm 1995, đến năm 2009 bị tái phát. Trong quá trình điều trị, nhiều lần bà ho ra máu, được các y bác sĩ chuẩn đoán ho ra máu nặng do giãn phế quản, nấm phổi và lao phổi cũ. Bệnh nhân hầu như không nằm ngủ được vì máu trào ra miệng.

Qua nhiều lần điều trị tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM đều không thuyên giảm, trong đó có nhiều lần bà bị từ chối điều trị.

Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng khoa Can thiệp mạch máu cho biết, khi nhập viện tại bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn để điều trị. Bệnh nhân ho ra máu sẽ tiến triển đến giai đoạn “ho ra máu sét đánh”, tức số lượng máu trên 200 ml.

Thông thường đối với các bệnh nhân trong tình trạng như vậy sẽ bị tử vong. Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định can thiệp nội mạch phổi, nếu không thể điều trị triệt để thì ít nhất cũng tránh được cho bệnh nhân có hiện tượng “ho ra máu sét đánh”, tránh nguy cơ tử vong.

“Việc can thiệp nội mạch giúp bệnh nhân tránh nguy cơ cắt bỏ phần lớn thể tích phổi khi phẫu thuật cắt bỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp cũng như quá trình phẫu thuật lâu dài và đau đớn về sau. Trước tình hình can thiệp nội mạch nhiều lần, nên việc can thiệp lần này rất khó khăn và có khả năng phải cắt bỏ phổi trong trường hợp không thành là khá lớn”, bác sĩ tuấn cho biết thêm.

Sau 5 giờ, cùng với sự hỗ trợ của tiến sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần Kinh TP.HCM và một giáo sư người Mỹ cùng êkip chuyên can thiệp mạch về não của bệnh viện Trưng Vương, đã thực hiện kỹ thuật bom kéo thuyên tắc động mạch phế quản, động mạch liên sườn cho bệnh nhân. Về cơ bản các bác sĩ đã khống chế được ổ chảy máu, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không cần dẫn mê.

Qua 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã nằm ngủ được bình thường, không còn ho ra máu. Hiện bệnh nhân được theo dõi tại Khoa Nội Hô hấp để tiếp tục điều trị lao phổi, đã thoát khỏi tình trạng tử vong nhưng để triệt để thì phải trải qua nhiều lần can thiệp mạch tiếp theo, chi phí là khá lớn.

http://khampha.vn/suc-khoe/cuu-song-nu-benh-nhan-bi-lao-phoi-nguy-kich-c11a356482.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang