Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 26/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội căng thẳng với gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết; Viện E: Trung bình 80 người mắc sốt xuất huyết khám mỗi ngày; 60.000 ca SXH: Báo động tử vong và biến chứng nặng; Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết: Vẫn là xử lý từ cộng đồng; Hà Nội: Cháu bé 8 tuổi tử vong là do sốc nhiễm khuẩn; Ngã vào nồi nước chè đang sôi, bé 18 tháng tuổi bị bỏng nặng; ...

 

Hà Nội căng thẳng với gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-cang-thang-voi-gan-1000-o-dich-sot-xuat-huyet-2017072508241891.htm

http://video.vietnamnet.vn/sot-xuat-huyet-lan-rong-o-ha-noi-a-59090.html

Theo nhận định của của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện paster TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết (SXH) ngay từ đầu năm đã gia tăng và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2018 bởi sự bất thường của thời tiết, chủng lưu hành và chu kỳ dịch.

Sốt xuất huyết còn gia tăng đến 2018

Tại cuộc họp khẩn chiều 24/7 của Bộ Y tế, PGS Lân cho biết, dự báo dịch chu kỳ, năm nay có xu hướng dịch tăng cao vì mưa đến sớm, SXH D2 chiếm trội với biểu hiện bệnh nặng nhiều hơn (có 4 type virút gây SXH, Dengue 1 đến Dengue 4 viết tắt là D1, D2, D3, D4).

Theo PGS Lân, chu kỳ qua theo dõi nhiều năm qua không có sự ổn định, vì sự đô thị hoá, thời tiết. Tuy nhiên kết quả theo dõi cho thấy cứ 10 năm 1 lần có đỉnh cao của dịch SXH. Đó là các năm 1998, năm 2008 và dự báo trong 2 năm 2017 – 2018 sẽ có đỉnh cao.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dự báo trong những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 dự báo dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện đang bước vào mùa dịch, cùng đó mùa nóng kéo dài nhuận 2 tháng 6 âm lịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc, 17 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016. Riêng tại Hà Nội, tính đến thời điểm này có tới 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết , tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, lứa tuổi mắc SXH chủ yếu từ 15- 35 tuổi.

Dù số ca SXH của miền Bắc tăng nhanh, nhưng tỉ lệ mắc là 11.03/100.000 dân, Hà Nội là 52/100.000 dân trong khi miền Nam tỉ lệ mắc là 72,87/100.000 dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng dịch SXH tăng cao là do thời tiết thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền Bắc và mùa mưa đến sớm ở miền Nam. Trong khi đó nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến mầm bệnh phát triển mạnh.

Hà Nội: Gần 1.000 ổ dịch SXH

Ông Hoàng Đức Hạnh Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 17-7 đến 23-7), Hà Nội ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc SXH. Đã có thêm hai trường hợp tử vong trong tuần qua. 95% bệnh nhân SXH của Hà Nội là ở các tỉnh nội thành như Đống Đa (1.407 người), Hoàng Mai (1.344 người), Hai Bà Trưng (508 người), Thanh Trì (427 người), Thanh Xuân (420 người), Hà Đông (406 người).

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận 984 ổ dịch thì đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế.

Lý giải nguyên nhân dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, sốt xuất huyết là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Hà Nội là thành phố có dân số đông, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.

Trong số bệnh nhân SXH thì có đến 40% bệnh nhân là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh; Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.

Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh…

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy.

Phân loại bệnh nhân, không đổ xô lên tuyến Trung ương

Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cần có sự phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám, chỉ bệnh nhân SXH đủ tiêu chuẩn nặng mới được nhập viện tuyến Trung ương điều trị, còn phải chuyển ngược về BV thành phố, BV huyện vì với bệnh nhân nhẹ chỉ hạ sốt, theo dõi điều trị theo phác đồ.

Theo Bộ trưởng, việc đổ xô lên tuyến trung ương gây nên quá tải không cần thiết. Bệnh nhân đông không đủ bác sĩ, điều dưỡng sẽ dễ tai biến, tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân nặng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu mùa tới nay, trong 5.000 bệnh nhân đến viện khám vì SXH, số nhập viện 873 trường hợp. Nhập viện chưa đến 10% tổng số khám, bệnh viện đã lọc hết mức. Có nhiều bệnh nhân bức xúc đòi vào viện, bác sĩ không cho vào, đe dọa “tính sổ” với bệnh viện nếu có vấn đề

Theo đó, tiêu chuẩn để bệnh nhân được nhập vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là sốt ngày thứ 3, có dấu hiệu xuất huyết. Trong tổng số nhập viện thì 10% có sốc, 20% có dấu hiệu cảnh báo. Phải điều trị rất tích cực mới giảm tử vong, với thời gian điều trị trung bình là 3,5 ngày, bệnh nhân hết sốc, ổn định là chuyển tuyến dưới.

 

Viện E: Trung bình 80 người mắc sốt xuất huyết khám mỗi ngày

http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/vien-e-trung-binh-80-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-kham-moi-ngay-a197184.html

Trung bình mỗi ngày khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện E khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết.

2 tuần trở lại đây, các điều dưỡng, bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E phải căng mình để khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày khoa Bệnh Nhiệt đới khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị để giảm nguy cơ biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

7h sáng ngày 25/7, toàn bộ nguồn nhân lực của khoa Bệnh Nhiệt đới đều tập trung vào khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Theo BSCKII Nguyễn Văn Hạnh – trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây, cao điểm ngày 24/7. Người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 80 người.

Đối với những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới đã cho 40 bệnh nhân xuất ra viện. Nhưng ngay đêm hôm đó, rạng sáng ngày 25/7 lại có thêm 25 bệnh nhân mắc mới phải nhập viện điều trị. Theo BS Hạnh, tính đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có thể tăng gấp 2-3 lần nhưng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng và biến chứng lại không nhiều.

Qua điều trị thực tế, các bác sĩ ở khoa Bệnh nhiệt đới gặp các tình trạng biến chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể sốt xuất huyết nặng hay nhẹ)… Vì thế, trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, BS Hạnh khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…

BS Vũ Mạnh Cường – Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, những cảnh báo của ngành y tế về dịch sốt xuất huyết đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc đi khám và điều trị sớm khi mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ làm cho các bệnh viện quá tải.

Sau khi khám, chẩn đoán bệnh, các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới sẽ sàng lọc đối với những bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Nhưng đối với những bệnh nhân nặng, xuất hiện đau đầu, sốt cao, tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm, có nhiều nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng sẽ được chỉ định vào viện theo dõi.

Theo các bác sĩ ở khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân khám và điều trị ở khoa Bệnh Nhiệt đới tập trung chủ yếu ở phường Mai Dịch, Dịch Vọng, Cầu Diễn (quận Cầu Giấy), Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội)… Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 22/7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp.

Các bác sĩ cho bệnh nhân tiến hành công thức máu cho bệnh nhân thấy, lượng tiểu cầu giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150 – 500G/L), nghi ngờ bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm dengue dương tính. Bệnh nhân có sốt xuất bội nhiễm.

Khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong khi tại cơ quan đã có người mắc căn bệnh này. Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 24/7, trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau…

Các xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết dengue. Theo bệnh nhân N, ở nhà có một người em cũng bị mắc sốt xuất huyết. Trước đây, bệnh nhân cũng đã từng mắc bệnh nhưng không biết mắc sốt xuất huyết type nào. Mặc dù, ở nhà có người mắc bệnh nhưng mọi người trong gia đình chủ quan ngủ không mắc màn nên bị muỗi đốt đã bị nhiễm bệnh cùng nhau.

Theo BS Hạnh, hiện sốt xuất huyết chưa có vắc – xin phòng bệnh. Việc chữa bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế như dùng thuốc hạ sốt, bù điện giải, các bác sĩ đưa thêm thuốc ức chế virus tăng phục hồi men gan cho thấy hiệu quả tốt trong điều trị cho bệnh nhân.

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy.

- Thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

60.000 ca SXH: Báo động tử vong và biến chứng nặng

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/60000-ca-sxh-bao-dong-tu-vong-va-bien-chung-nang-717308.html

Toàn quốc hiện có hơn 60.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó 17 trường hợp tử vong. Riêng BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã có ba bệnh nhi tử do sốc nặng, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa.

Ngày 25-7, TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết (SXH), Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết tình trạng bệnh nhân mắc SXH tăng đột biến trong những ngày qua dù đây chỉ mới là giữa mùa mưa.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay đã có gần 2.000 ca SXH nhập viện tại BV Nhi đồng 1. Trong 110 ca đang điều trị tại BV, chỉ có chín ca sốc. Bệnh nhân nằm khá đông khiến BV rơi vào tình trạng quá tải, trong đó bệnh nhân ở các tỉnh chiếm 45%.

“Nếu những tháng trước chỉ 30-40 ca thì nay đã có 80-90 ca SXH nhập viện trong một tuần. So với cùng kỳ tháng 7 năm ngoái tăng gần gấp đôi, số ca sốc cũng tăng cao. Có trường hợp cả 3-4 người trong gia đình cùng mắc bệnh” - BS Tuấn chia sẻ.

Cũng theo BS Tuấn, tình trạng quá tải tăng cao nhưng tâm lý người dân vẫn còn rất chủ quan. Một số khác thường lo sợ quá mức nên đưa con thẳng đến tuyến trên gây khó khăn cho việc điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân quá đông cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao, một số bé nặng phải điều trị lâu dài đều bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu, nặng hơn là dẫn đến sốc SXH. “Triệu chứng sốc ở trẻ là lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt, tay chân lạnh, tụt huyết áp. Nếu chậm trễ điều trị sẽ không đo được huyết áp. Trẻ bị SXH dễ thấy nhất là xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, máu mũi, với bé gái có thể xuất huyết âm đạo. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não” - BS Tuấn nói.

Số liệu thống kê cho thấy toàn quốc hiện có 60.000 ca nhiễm SXH, trong đó tử vong 17 ca. Riêng ở BV Nhi đồng 1, từ đầu năm đã có ba trường hợp tử vong. Các ca này đều biến chứng suy đa cơ quan. Có trường hợp do cha mẹ chủ quan nên khi đến BV bệnh nhi đã sốc rất nặng, xuất huyết tiêu hóa. Cạnh đó, có những trường hợp đến rất sớm nhưng vẫn không cứu được bởi trẻ có những bệnh mạn tính hay có vấn đề về tiểu cầu. “Đến sớm chỉ có thể hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Cách tốt nhất là phòng bệnh sớm, chăm sóc chu đáo và theo dõi kỹ càng cho trẻ” - BS Tuấn khuyến cáo.

BS Tuấn cũng chỉ ra một số sai lầm trong điều trị SXH tại nhà mà nhiều người thường mắc phải. Có thể kể đến như tùy tiện sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu thuốc quá liều hay quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan. Một số bệnh nhân ăn uống kém nhưng người nhà đã vội truyền dịch khiến cơ thể phù nề, sau dẫn đến suy hô hấp. “Những sai lầm khác trong điều trị như thói quen cạo gió cắt lễ có thể gây xuất huyết nặng hơn và thậm chí tử vong. Một số phụ huynh lau mát cho bé khi sốt bằng nước lạnh, chà chanh hoặc thậm chí dùng rượu nhưng điều này có thể làm tổn thương những vết xuất huyết ở da bé. Có người khi thấy bé hạ sốt tưởng đã hết nên ngưng điều trị nhưng đó có thể là dấu hiệu nặng hơn nếu bé chỉ giảm sốt mà lừ đừ nhiều hơn, ói nhiều hơn. Thay vì vậy, người nhà nên cho bệnh nhân uống nước nhiều, ăn những thức ăn lỏng như cháo, súp, sữa để chóng lấy lại năng lượng. Chỉ những trường hợp bệnh nhân đau bụng nhiều, có dấu hiệu đông máu mới cho truyền dịch, song phải theo dõi sát sao tại BV để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra" - BS Tuấn hướng dẫn.

 

Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết: Vẫn là xử lý từ cộng đồng

http://laodongthudo.vn/van-la-xu-ly-tu-cong-dong-56876.html

Dịch sốt xuất huyết (SXH) taị Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc SHX trên địa bàn TP có thể tiếp tục gia tăng. Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu dịch bệnh này, các biện pháp phòng chống vẫn là xử lý tại cộng đồng như giệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn… 

Đó là thông tin được PGS- TS Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 25/7.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc SXH, 17 trường hợp tử vong. Số nhập viện tăng trên 12,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Hà Nội tính từ ngày 1/1//2017 đến nay ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc SXH (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh), 3 trường hợp tử vong, trong đó 1 trường hợp tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và 2 trường hợp tại phường Giáp Bát quận Hoàng Mai và phường Cống Vị, Ba Đình. Tính theo số mắc tuyệt đối: Hà Nội đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Bình Dương). Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.407), Hoàng Mai (134), Hai Bà Trưng (508), Thanh Trì (472), Thanh Xuân (420), Hà Đông (406).

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, trước tình hình dịch SXH có diễn biến phức tạp mặc dù dịch vẫn trong tầm kiểm soát song ngành Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch. Đặc biệt Sở y tế đã tham mưu chính quyền các cấp huy động lực lượng tham gia hoạt động diệt bọ gậy chống dịch SXH tại các quận, huyện trọng điểm. Đồng thời chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.

Đến ngày 21/7/2017 đã thực hiện trên 531 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động với kết quả 405.214 hộ gia đình được kiểm tra; 60.308 ổ bọ gậy được loại bỏ; 53.429 hộ gia đình đã được phun hoá chất xử lý đạt tỉ lệ 86%. Huy động 5.886 lượt cán bộ y tế, chính quyền các cấp, tổ dân phố, cộng tác viên tham gia chống dịch…

Cũng chính nhờ phát hiện và điều trị sớm nên hiện nay hầu hết số bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi và ra viện. Hiện chỉ còn khoảng 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP. “Bệnh nhân SXH xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 411 xã, phường, thị trấn (chiếm 70% số xã, phường), tuy nhiên hiện tại chỉ còn 236 (40,4%) xã, phường, thị trấn có bệnh nhân, mắc mới trong 1 tuần gần đây. Cũng nhờ khoanh vùng xử lý kịp thời nên từ đầu năm đến nay ghi nhận 984 ổ dịch thì đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế, ông Hạnh chia sẻ.

Tuy đã triển khai quyết liệt, động bộ các giải pháp nhưng ông Hạnh cũng khẳng định: Hiện tại, dịch bệnh vẫn gia tăng và ghi nhận các trường hợp tử vong. Nguyên nhân được ông Hạnh đưa ra do SXH là bệnh đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Do khí hậu- năm nay mùa hè đến sớm ở miền Bắc, nhiệt đô cao hơn các năm trước dẫn đến các véc tơ truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Đồng thời do điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước...tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.

Đặc biệt tác nhân gây bệnh SXH là vi rút Dengue có 4 tuýt là D1, D2, D3, D4. Tại Hà Nội các năm trươc chỉ ghi nhận hai tuýt gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện tuýt D4 vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Cũng theo ông Hạnh, hiện nay Việt Nam chưa có vắc xin vầ thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH, các biện pháp phòng chống vẫn là xử lý tại cộng đồng. Trong khi đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, mặc dù được tuyên truyền hướng dẫn nhưng một số còn chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Do đó trong thời gian tới, ông Hạnh cho biết, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như giám sát điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện sớm công tác điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Thực hiện sớm công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…Cùng với đó theo ông Hạnh, cần cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân đơn vị, tập thể không hợp tác trong phòng chống dịch...

 

Hà Nội: Cháu bé 8 tuổi tử vong là do sốc nhiễm khuẩn

http://vnmedia.vn/dan-sinh/201707/ha-noi-chau-be-8-tuoi-tu-vong-la-do-soc-nhiem-khuan-575208/

Liên quan đến trường hợp cháu bé 8 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) tử vong tại viện 103 hôm 23/7 vừa qua, trả lời VnMedia, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do sốc nhiễm khuẩn, không phải là do sốt xuất huyết.

Theo ông Hạnh, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó 99% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 3 trường hợp tử vong (1 ở phường Trung Liệt, Đống Đa; 1 ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và 1 ở phường Cống Vị, quận Ba Đình.)

Về trường hợp cháu bé 8 tuổi ở làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông tử vong tại bệnh viện 103 hôm Chủ nhật (23/7), trả lời VnMedia, ông Hạnh cho biết, cơ quan y tế đã thống nhất kết luận đây là trường hợp được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, không phải là sốt xuất huyết.

“Ghi nhận trong 10 năm trở lại đây dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 ca tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5-6.000 trường hợp.”  - ông Hạnh cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc sở Hoàng Đức Hạnh, tuy số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nôi cao đứng thứ ba cả nước, nhưng tính theo số bệnh nhân trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 19 trên cả nước, vì dân số Hà Nội rất đông.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hạnh, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Hơn nữa, đỉnh dịch thường là vào tháng 9, tức là còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa.

Một điều bất thường, theo ông Hạnh, năm nay, ngoài việc loăng quăng bọ gậy xuất hiện ở những vũng nước mưa, dụng cụ chứa nước ngoài trời, trong nhà (kể cả bình cắm hoa trên bàn thờ, bình cây cảnh...) thì còn xuất hiện cả ở bể chứa nước inox của các gia đình. Đây là điều mà trước đây không hề có.

Mặc dù số ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh như vậy nhưng hiện nay, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy. Chưa có biện  pháp đặc hiệu như vắc xin hay thuốc điều trị.

Ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, việc phòng bệnh sốt xuất huyết hiện nay cơ bản vẫn là diệt bọ gậy, loăng quăng, trong đó quan trọng nhất là cần loại bỏ những điều kiện, môi trường cho bọ gậy, loăng quăng có thể sinh sống, sinh sản do loại muỗi này chỉ thích những nơi nước sạch.

 

TP.HCM: 3 trẻ tử vong vì sốt xuất huyết, cha mẹ tuyệt đối không chủ quan với căn bệnh này

http://khampha.vn/suc-khoe/tphcm-3-tre-tu-vong-vi-sot-xuat-huyet-c11a552257.html

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đã có 3 trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết tăng đột biến, nhiều biến chứng nguy hiểm

Ngày 25/5, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng  khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thông tin, tình trạng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến trong những ngày qua. Tại bệnh viện đã ghi nhận 3 trẻ tử vong do sốt xuất huyết biến chứng dẫn đến sốc nặng, suy đa tạng.

Tính từ đầu năm đến nay, BV Nhi đồng 1 đã cấp cứu gần 2.000 ca sốt xuất huyết và tăng cao trong 2 tháng 6 và tháng 7. Hiện tại, BV đang điều trị cho 110 trường hợp, trong đó có 9 ca sốc.

BS Tuấn cho biết, những tháng trước BV chỉ tiếp nhận 30-40 ca bệnh thì nay đã lên đến 80-90 ca nhập viện trong một tuần. So với cùng kỳ tháng 7 năm ngoái, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viện tăng gần gấp đôi. Thậm chí, có trường hợp cả gia đình 3-4 người thay phiên nhau mắc bệnh.

Do bệnh nhân nằm khá đông đã khiến BV rơi vào tình trạng quá tải, trong đó bệnh dân ở các tỉnh chiếm khoảng 45%.

Các BS lý giải, tình trạng quá tải một phần do tâm lý người dân lo sợ nên đưa thẳng con lên tuyến trên. Hơn nữa, công tác lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế địa phương chưa hiệu quả. Việc điều trị quá đông có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Các bệnh nhi đã nhập viện điều trị sốt xuất huyết trong năm nay phần lớn đều có triệu chứng của xuất huyết, bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu hoặc nặng hơn là bị sốc.

“Triệu chứng sốc trẻ là lừ đừ, bứt rứt, mệt mỏi, tay chân lạnh và tụt huyết áp. Trong trường hợp chậm trễ điều trị sẽ không đo được huyết áp”, BS. Tuấn nói.

BS. Tuấn cho biết thêm, trẻ bị sốt xuất huyết thường xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, máu mũi. Các bé gái có thể xuất huyết âm đạo. Nếu bị nặng, trẻ có thể bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não.

Cần có sự chung tay của cả cộng đồng

Theo số liệu thống kê , toàn quốc hiện có 60.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó tử vong là 17 ca. Riêng  BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm đã có 3 trường hợp tử vong. Các ca này đều biến chứng suy đa cơ quan.

 Có trường hợp vì cha mẹ chủ quan, nên khi nhập viện đã sốc rất nặng, xuất huyết tiêu hoá. Tuy nhiên, có trường hợp đến rất sớm nhưng vẫn không cứu được, bởi trẻ có những bệnh mãn tính hay có vấn đề về tiểu cầu.

"Đến sớm chỉ có thể hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Cách tốt nhất là phòng bệnh sớm, chăm sóc chu đáo và theo dõi kỹ càng cho trẻ", BS Tuấn khuyến cáo.

Bác sĩ cũng chỉ ra một số sai lầm trong điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhàmà nhiều cha mẹ mắc phải như tùy tiện sử dụng thuốc hạ sốt. “Thuốc quá liều hay quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan. Có bệnh nhân ăn uống kém nhưng người nhà đã vội truyền dịch khiến cơ thể phù nề, sau dẫn đến suy hô hấp”, BS. Tuấn chỉ rõ.

Thay vì tự chữa trị, gia đình nên cho bệnh nhân uống nước nhiều, ăn những loại thức ăn như cháo, súp, sữa để nhanh lấy lại năng lượng. Những trường hợp bệnh nhân đau bụng nhiều, có dấu hiệu đông máu mới cho truyền dịch, đồng thời theo dõi bệnh để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Để phòng căn bệnh nguy hiểm sốt xuất huyết cần có sự chung tay của cả cộng đồng. "Mọi  gia đình, mọi người cần dành mỗi ngày 10-15 phút diệt lăng quăng. Muỗi vằn thường thích sống gần người, đẻ trứng trong lu vại, chỗ nước trong. Chúng ta có thể sử dụng những phương pháp dân gian như thả cá bảy màu, dùng hương xua muỗi, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa,…", BS Tuấn cho hay.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy có thật sự khan hiếm tiểu cầu?

http://infonet.vn/benh-vien-cho-ray-co-that-su-khan-hiem-tieu-cau-post232889.info

Gần đây trên trang mạng xã hội lan truyền thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết tiểu cầu, tình hình khá nghiêm trọng khiến không ít bệnh nhân hoang mang.

Chiều 25/7,  TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy cho biết, thông tin lan truyền trên mạng đó không chính xác.

Theo TS.BS Lê Hoàng Oanh, máu là dược phẩm tự nhiên rất quý, các bệnh viện luôn rất cần máu và các chế phẩm từ máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân, vận động người dân hiến máu tình nguyện, trong đó có hiến các thành phần máu (tiểu cầu, huyết tương).

Tiểu cầu là một trong những thành phần tế bào máu, có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu…

Tiểu cầu khi được lấy ra, được bảo quản nhiệt độ 20 – 24 độ C trong điều kiện lắc liên tục cũng chỉ sống được 5-7 ngày nên các Trung tâm truyền máu, bệnh viện cần đảm bảo nguồn hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiện nay, tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy luôn có khoảng 50 – 70 người hiến tiểu cầu mỗi ngày.

TS.BS Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian gần đây, có thể do nhu cầu điều trị và các dịch bệnh như sốt xuất huyết, các bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam rất cần tiểu cầu, gây ra tình trạng thiếu một cách tương đối tiểu cầu để phục vụ cho điều trị chứ chưa hề có tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng như các trang mạng nói trong thời gian qua. Tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu trong thời gian ngắn và đã được điều tiết được ngay.

Theo số liệu sáng 25/7, tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có khoảng 70 khối tiểu cầu gạn tách bằng máy tự động từ một người cho, tuy nhiên do tiểu cầu không trữ được lâu nên luôn cần có nguồn hiến thường xuyên.

Các bác sĩ cho biết, hiến tiểu cầu rất an toàn bởi máu được lấy ra từ cánh tay và đưa vào máy, chỉ có tiểu cầu được tách riêng ra, phần máu còn lại (bao gồm hồng cầu, bạch cầu, huyết tương) sẽ được truyền trả lại cho người hiến.

Số lượng tiểu cầu sẽ được hồi phục trong thời gian ngắn, mỗi ngày tủy xương sản xuất 150 tỷ tiểu cầu thay thế tiểu cầu già chết đi, bởi vậy việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến

 

Ngã vào nồi nước chè đang sôi, bé 18 tháng tuổi bị bỏng nặng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nga-vao-noi-nuoc-che-dang-soi-be-18-thang-tuoi-bi-bong-nang-20170725082939917.htm

Do mới chập chững bước đi, một phút lơ là của người thân, nên một bé trai 18 tháng tuổi, trú tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn đã ngã vào nồi nước chè đang sôi gây bỏng nặng toàn thân.

Chiều 24/7, một cán bộ xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xác nhận có sư việc đau lòng trên, nạn nhân là cháu Nguyễn Đức Thế, 18 tháng tuổi, con trai vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ trú tại xóm 6.

Nguồn tin xác nhận, ngày 16/7 vừa qua, cháu Thế được bố dẫn đi chơi một đám cưới gần nhà. Do mới chập chững tập đi, một phút lơ là của bố, cháu Thế đã không may bị ngã vào nồi nước chè đang sôi.

Ngay sau đó, người nhà đưa cháu Thế đến bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tiếp đó là Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu. Kết quả thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán cháu Thế bị bỏng 80% cơ thể.

Do bị bỏng nặng, sức khỏe yếu, cháu Thế đã được chuyển thẳng ra Viện Bỏng Quốc gia để cứu chữa.

Sau quá trình cấp cứu, điều trị, hiện cháu Thế đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Các y bác sỹ tại Viện bỏng Quốc gia đang rất nỗ lực thực hiện phẫu thuật tái tạo da cho bé.

Phái chính quyền xã Sơn Hồng cho hay, hoàn cảnh gia đình gia đình cháu khó khăn, trong khi chi phí chạy chữa cho bé rất tốn kém.

 

Cảnh báo nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao trong 5 năm đầu

http://dantri.com.vn/suc-khoe/canh-bao-nguy-co-tai-phat-dot-quy-rat-cao-trong-5-nam-dau-20170725085311701.htm

 Nghiên cứu của Canada đã phát hiện ra rằng nguy cơ đột quỵ lần 2 hay đột quỵ não nhẹ là rất đáng kể trong ít nhất 5 năm đầu sau lần đột quỵ đầu tiên.

 “Chúng tôi thấy rằng ngay cả những người sống sót, không có biến chứng nào sau đột quỵ thì họ vẫn có nguy cơ không thể trở lại bình thường được”, nhà nghiên cứu Jodi Edwards, nghiên cứu sinh của TT Khoa học sức khỏe (Toronto) nói.

Kết luận trên dựa trên nghiên cứu dữ liệu của hơn 26.300 trường hợp bị đột quỵ và đột quỵ thoáng qua đã sống sót và không có biến chứng (phù não, khó nuốt, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu...) trong 90 ngày sau khi xuất viện.

Các bệnh nhân đều điều trị đột quỵ tại các trung tâm đột quỵ ở Ontario giai đoạn 2003 - 2013. Các nhà nghiên cứu đã so sánh họ với gần 264.000 người khỏe mạnh có sự tương đồng về độ tuổi, giới tính và vùng miền.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tái phát đột quỵ hay nhồi máu cơ tim ở những người từng đột quỵ cao hơn rõ rệt trong một thời gian dài so với nhóm khỏe mạnh.

Cụ thể, 1 năm sau đột quỵ, khoảng 10% bệnh nhân tử vong và một số khác đột quỵ hay nhồi máu cơ tim phải cần đến sự chăm sóc kéo dài.

3 năm sau, số lượng tăng lên 1/4 và 5 năm sau, tỉ lệ này là gần 36%.

Theo Edwards, các bệnh nhân vẫn sẽ có nguy cơ đột quỵ lần 2 sau năm đầu tiên cao gấp 7 lần và nguy cơ này vẫn ở mức cao trong 5 năm tiếp theo.

“Những việc mà những người từng sống sót sau đột quỵ cần phải làm để giảm thấp nguy cơ một cơn đột quỵ khác là tiếp tục quản lý chặt các yếu tố nguy cơ, trong đó có huyết áp cao”, cô Edwards cho biết.

Ngoài ra cần xem xét các yếu tố như rung tâm nhĩ và quản lý các hành vi như ngừng hút thuốc lá và tăng hoạt động thể chất", Edwards nói.

Trong 3 tháng đầu sau đột quỵ hay đột quỵ nhẹ, còn gọi đột quỵ não thoáng qua (TIA) là thời điểm của nguy cơ tái phát 1 cơn đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim. Nhưng hút thuốc hay các lối sống thiếu lành mạnh khác có thể làm tăng nguy cơ này theo thời gian.

Mặc dù việc tiếp tục chăm sóc sau đột quỵ là cần thiết nhưng thực tế chúng ta lại ít chú ý điều này.

Một chuyên gia đột quỵ Mỹ, nhà thần kinh học TS Anand Patel, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như mạch máu để phòng ngừa tái phát đột quỵ”.

Báo cáo được đăng tải ngày 24/7 trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada.

 

Vì sao phải hạn chế cắt bao da quy đầu cho trẻ sơ sinh?

http://infonet.vn/vi-sao-phai-han-che-cat-bao-da-quy-dau-cho-tre-so-sinh-post232850.info

Trung bình một ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 40 – 50 ca đến khám về hẹp bao quy đầu. Các bác sĩ cho biết, phẫu nong bao quy đầu phải được thực hiện trong điều kiện hoàn toàn vô trùng.

TS.BS Lê Thanh Hùng, Phó khoa Ngoại tổng hợp cho biết, nếu như so với trước đây, số lượng bệnh nhi hẹp bao quy đầu được đưa đến bệnh viện ở mức độ bình thường thì thời gian gần đây, lượng bệnh nhi đến bệnh viện khám và cắt hẹp bao quy đầu tăng khá nhiều.

Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 – 50 ca đến khám và 8 – 10 ca phẫu thuật. BS Hùng cho biết, có đến 97% trẻ trai sơ sinh bị hẹp da quy đầu và có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, khi trẻ lớn, bao quy đầu sẽ tự nong ra dần và không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp bằng phẫu thuật và đặc biệt, vô cùng hạn chế cắt bao da quy đầu cho trẻ sơ sinh.

Trước tình trạng hàng loạt bé bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu vừa qua, BS Hùng lưu ý phụ huynh nên cho con đi cắt da quy đầu tại các bệnh viện có chuyên khoa và nên phẫu thuật khi bé đã trên 3 tuổi, không cho các trẻ cắt da quy đầu khi còn quá nhỏ, nếu xảy ra biến chứng thì sẽ khó khăn cho các phẫu thuật về sau.

Để phẫu thuật cắt da quy đầu an toàn, bệnh nhân cần được chăm sóc vô trùng tuyệt đối. Nếu không đảm bảo vô trùng theo quy định hoặc phẫu thuật không đúng chỉ định, kỹ thuật sẽ dễ lây nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm trùng, sưng viêm, chảy máu hoặc bị tình trạng vùi dương vật (dương vật thụt vào trong) ở trẻ.

“Việc cha mẹ đưa con đến các cơ sở y tế tư nhân để cắt da quy đầu sẽ khó đảm bảo an toàn cho các bé. Vì vậy khi có con mắc hoặc nghi mắc hẹp bao đầu quy, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở đa khoa có chuyên khoa Nhi, chuyên khoa tiết niệu để đảm bảo an toàn trẻ.

Sau phẫu thuật, phụ huynh cần tuân thủ quy trình điều trị nhân viên y tế hướng dẫn, tránh xảy ra những biến chứng, lây lan không kiểm soát”, BS Hùng khuyến cáo.

 

Phẫu thuật khối u nặng gần kg cho một phụ nữ 46 tuổi

http://khoe365.net.vn/phau-thuat-khoi-u-nang-gan-kg-cho-mot-phu-nu-46-tuoi-p41607.html

BV Đa khoa Yên Phong (Bắc Ninh) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân 46 tuổi lấy ra khối u quái buồng trứng nặng 3,7kg.

Bệnh nhân Đào Thị Phái (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được đưa đến BV trong tình trạng bụng to, tức bụng, khó vận động. Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân bụng mềm, có khối u lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có khối u dạng nang tỷ trọng dịch bờ đều rõ, kích thước 289x226mm nên chỉ định phẫu thuật.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc hồng, không sốt, tim đều rõ, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, cân nặng 46 kg; bụng mềm, có khối u căng nhẵn, kích thước 30 x 20 cm, chiếm toàn bộ ổ bụng từ tiểu khung lên đến thượng vị tương đương thai 6 tháng, mật độ chắc, di động ít ấn tức không đau, không có phản ứng thành bụng.

Bệnh nhân có chỉ định mổ và được phẫu thuật cắt u. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong lấy ra khối u nặng 3,7 kg, bên trong khối u là tổ chức lông -– tóc – móng - lẫn dịch nhầy kích thước 36 x 22 cm. Chẩn đoán sau mổ đây là u quái buồng trứng phải.

Bệnh nhân cho biết, nhiều năm trước đã thấy bụng to dần lên. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn nên chưa đi khám. Gần đây, bụng to như người mang bầu, kèm theo đau tức bụng nên bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra khối u lớn.

 

Nhiều trẻ bỗng dưng ‘mất của quý’ đến bác sĩ cầu cứu

http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/nhieu-tre-bong-dung-mat-cua-quy-den-bac-si-cau-cuu-67921.html

   Thời gian gần đây, nhiều trẻ bỗng dưng “mất của quý” phải nhập viện để điều trị ngày càng nhiều. Tình trạng trẻ “mất của quý” có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả bẩm sinh và những sai lầm của phụ huynh, bác sĩ trong việc chữa trị các chứng bệnh liên quan đến dương vật của trẻ.

“Mất của quý” do cắt hẹp bao quy đầu sớm

Trẻ bị vùi dương vật là tình trạng dương vật chôn vào lớp mỡ dưới xương mu khiến dương vật trụi lủi gây cho trẻ mặc cảm, trẻ không dám đi tiểu, thậm chí không dám đi học. Đặc biệt sau này lớn lên trẻ không thể sinh hoạt vợ chồng, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Điều đáng lo ngại hiện nay là số trẻ bị vùi dương vật đến khám, điều trị tại các bệnh viện nhi ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trung bình mỗi tháng nơi đây can thiệp từ 3 đến 5 trường hợp trẻ bị chứng vùi dương vật.

Tình trạng trẻ “mất của quý” này theo TS.BS Lê Thanh Hùng – Phó khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngoài việc bẩm sinh còn có không ít trường hợp do chữa trị các chứng bệnh liên quan đến dương vật của trẻ không đúng cách.

Mới đây Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai 1 tuổi rưỡi bị “mất của quý”. Dương vật của bé trai này thụt sâu vào trong, gần như không thấy, gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như nhiều vấn đề khác.

Qua tìm hiểu từ người nhà, các bác sĩ được biết, bé trai này đã bị hẹp bao quy đầu và được gia đình đưa đến một cơ sở y tế tư nhân để cắt hẹp bao quy đầu. Sau khi cắt hẹp bao quy đầu xong thì dương vật của bé từ từ thụt dần vào bên trong và gần như biến mất không thể nhìn thấy.

Theo bác sĩ Hùng việc bé trai trên bỗng dưng ''mất của quý” là do bé cắt hẹp bao quy đầu quá sớm. Thông thường muốn cắt bao quy đầu ở trẻ sớm nhất phải từ 3 tuổi, trong khi cháu bé này chỉ có mới 1 tuổi rưỡi.

“Khi cắt hẹp bao quy đầu cho trẻ quá sớm, trẻ được cung cấp dinh dưỡng hàng ngày sẽ gây ra biến chứng vùi dương vật. Nếu dinh dưỡng cung cấp cho bé tốt, bé bị béo phì thì tình trạng vùi dương vật xảy ra càng sớm”, bác sĩ Hùng nói.

“Nếu muốn cắt bao quy đầu cho trẻ phải thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối. Chăm sóc hậu phẫu cũng cần tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, nếu không dễ dẫn tới nhiễm trùng. Bên cạnh đó, muốn cắt hẹp bao quy đầu cho trẻ phải để trẻ qua 3 tuổi, không nên can thiệp trước 3 tuổi dễ dẫn đến những biến chứng, nhất là nguy cơ gây vùi dương vật thứ phát”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Hùng trẻ bị béo phì có nguy cơ bị “mất của quý” rất cao do mỡ xương mu phát triển quá mức lấp đầy dương vật. Thực tế hiện nay cho thấy có không ít trẻ bị “mất dương vật” đến cầu cứu bác sĩ là bị thừa cân béo phì.

Phải điều trị sớm để tránh gây mặc cảm

Theo bác sĩ Hùng vùi dương vật là một bệnh khá mới. Bệnh lý này được biết ở Việt Nam khoảng 15 năm trở lại đây nên kiến thức về vùi dương vật vẫn còn khá mới mẻ.

Thường trẻ bị vùi dương vật là do bị hẹp bao quy đầu nên phụ huynh hay nhầm lẫn với hẹp bao quy đầu. Tuy nhiên trẻ bị vùi dương vật khi sờ bao quy đầu không sờ được quy đầu, thân dương vật hoặc khi bóp quy đầu dương vật tụt vào bên trong. Những trường hợp trẻ bị vùi dương vật sẽ mất góc của bìu dương vật, da bìu dương vật chạy luôn lên thân dương vật.

“Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ không phân biệt được vùi dương vật với hẹp bao quy đầu”, bác sĩ Hùng nói.

Để chữa trị tình trạng trẻ bị “mất của quý” phương pháp duy nhất chính là phẫu thuật để kéo dương vật trở ra đúng như kích thước, hình dáng, độ dài bình thường của trẻ. Tuy nhiên theo bác sĩ Hùng việc phẫu thuật để điều trị vùi dương vật sẽ rất phức tạp hơn hơn rất nhiều so với cắt bao quy đầu.

“Chúng ta hình dung như cây trụ điện phải đào gốc bứng lên rồi trồng lại nên thời gian nằm viện đối với trẻ phẫu thuật điều trị vùi dương vật là rất dài, từ 5 đến 7 ngày, chứ không như cắt bao quy đầu sẽ về ngay trong ngày”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bác sĩ Hùng cho rằng việc điều trị vùi dương vật phải thực hiện sớm và kịp thời, nếu để trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ quá muộn. Điều này không chỉ tác động xấu đến tâm lý, cháu bé sẽ mặc cảm với những người xung quanh mà chính người nhà cũng cảm thấy mặc cảm.

“Không ít phụ huynh có con bị vùi dương vật phải chịu tai tiếng của những người xung quanh. Nhiều phụ huynh còn bị hàng xóm chế nhiễu ăn ở thất đức nên sinh con không có dương vật, khiến họ cảm thấy mặc cảm, không dám đi đâu, không dám tiếp xúc với ai”, bác sĩ Hùng chia sẻ thêm.

 

Hai ngư dân bị tàu nước ngoài bắn trọng thương đã qua cơn nguy kịch

http://vtc.vn/suc-khoe/benh-vien-cho-ray-dieu-tri-cho-2-benh-nhan-la-ngu-dan-tau-nuoc-ngoai-ban-trong-thuong.1-338246.htm

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 2 bệnh nhân là ngư dân tàu cá BD 31153 TS bị thương do hỏa khí khi đang câu mực trên biển, đang được điều trị tại bệnh viện, cả 2 đã qua cơn nguy kịch.

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đơn vị đang tiếp tục theo dõi, điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Cường (SN 1973) và bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng (SN 1990), là 2 ngư dân tàu cá BD 31153 TS bị thương do hỏa khí khi đang câu mực trên biển.

Theo đó, khoảng 13h ngày 24/7, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân Cường nhập viện trong tình trạng khó thở dữ dội, có dấu hiệu của sốc mất máu và viêm phúc mạc.

Quá trình thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, phát hiện bệnh nhân bị tràn khí tràn máu màng phổi 2 bên, thủng cơ hoành, vỡ lách, vỡ đuôi tụy. Xác định bệnh nhân bị vết thương do hỏa khí, ê-kíp điều trị đã tiến hành phẫu thuật, đặt ống dẫn lưu vào màng phổi bên trái, cắt lách và cắt đuôi tụy, cắt đại tràng và truyền máu hồi sức.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh lại; tuy nhiên, vẫn đang được tiếp tục theo dõi dự phòng nguy cơ nhiễm trùng và mất máu.

Về phía bệnh nhân Dũng, được đưa đến nhập viện trong tình trạng vết thương ở mông trái, gãy hở xương chêm trong bên phải. Bàn chân phải có 2 vết thương nhỏ đường kính khoảng 1cm ngay vùng xương chêm trong và cạnh dưới trong bàn chân.

Tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp điều trị đã tiến hành mổ cắt lọc và xử lý các vết thương. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, hiện vẫn đang được theo dõi các vết thương và thay băng.

Trước đó, khoảng 21h ngày 22/7, khi đang hành nghề câu tay mực ống trên vùng biển ngoài khơi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 130 hải lý thì tàu BĐ 31153 TS cùng 6 thuyền viên bất ngờ bị một tàu nước ngoài bắn. Hậu quả, 4 thuyền viên trên tàu bị thương.

Ngay sau đó, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Côn Đảo. Riêng ông Cường và ông Dũng được đưa bằng máy bay từ Côn Đảo về TP.HCM để tiếp tục chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

 

Bé trai 90 kg ăn cả giấy toilet vì không bao giờ thấy no

http://danviet.vn/chuyen-la/be-trai-90-kg-an-ca-giay-toilet-vi-khong-bao-gio-thay-no-790614.html

Caden Benjamin, 10 tuổi, ăn cả giấy vệ sinh và bụi bẩn dưới sàn nhà vì một căn bệnh lạ. Một bé trai 10 tuổi, nặng gần 90kg, ăn bất cứ thứ gì em tìm được vì không bao giờ thấy no.

Caden, sống tại Standerton, tỉnh Mpumalanga của Nam Phi, mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp gọi là hội chứng Prader-Willi.

Hội chứng này khiến em liên tục muốn ăn, dẫn đến tăng cân, hạn chế tăng trưởng và giảm cơ.

Mẹ của em, cô Zola Benjamin, chia sẻ: "Có lúc, Caden ăn cả giấy vệ sinh. Nó ăn nhiều cuộn giấy vệ sinh. Thực tế, nó sẽ ăn bất kỳ tờ giấy nào tìm thấy trong nhà.

"Nếu không có gì để ăn, Caden sẽ cạo sạch bụi bẩn trên sàn nhà và ăn chúng".

Zola thêm: "Thông thường, Caden bắt đầu một ngày bằng cách ăn bốn miếng bánh kẹp phô mai. Sau đó một tiếng, nó sẽ uống cô ca và ăn thức ăn thừa từ đêm trước.

"Vào bữa trưa, Caden ăn hai miếng thịt gà to. Nó ăn trong nhiều tiếng cho đến hết ngày.”

Cân nặng của Caden bắt đầu mất kiểm soát và bác sĩ lo lắng về sức khỏe của em, yêu cầu em ăn kiêng.

Mẹ Zola buộc phải khóa tủ bếp và tủ lạnh, giấu thực phẩm để Caden không ăn. Cô nói: "Mỗi ngày là một trận chiến. Tôi phải kiểm tra Caden suốt cả ngày lẫn đêm”.

Caden cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển và thở vì quá béo. Em cũng bị trầm cảm vì không thể sống và vui chơi như một cậu bé 10 tuổi bình thường.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang