Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 28/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Đầu tư cho y tế tuyến xã; Vụ sản phụ 30 tuổi tử vong: Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm nếu có sai phạm; Vụ sản phụ ở Bình Định tử vong: Nhận định bước đầu của Sở Y tế sau khi có kết quả pháp y; Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành Hà Nội; Viêm não, sốt xuất huyết cùng gia tăng trong nắng nóng; ...

 

Đầu tư cho y tế tuyến xã

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/33286402-dau-tu-cho-y-te-tuyen-xa-ky-1.html

Nhờ có mạng lưới hơn 11 nghìn trạm y tế tuyến xã mà hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp và đạt nhiều kết quả quan trọng, như đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ; người dân sống ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra cũng như nhiệm vụ được giao thì mạng lưới này cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bài 1: Xác định vị thế trạm y tế tuyến xã

Mạng lưới y tế cơ sở nói chung và y tế tuyến xã nói riêng được xác định là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế. Trạm y tế xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới trạm y tế tuyến xã đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân càng ngày càng đòi hỏi ở mức cao hơn, cùng với đó là những thay đổi cơ chế quản lý, cơ chế tài chính…

Người gác cổng của ngành y

Được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001, Trạm y tế (TYT) xã Phú Hồ (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một cơ sở khá khang trang. Cùng với việc được đầu tư trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế, trạm đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Bác sĩ (BS) Hoàng Trọng Chiến, Trưởng TYT cho biết: Đơn vị hiện có sáu cán bộ, trong đó có một bác sĩ, theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nhưng chỉ đủ theo quy định, mà thực tế thì lại đang thiếu vì ngoài khám, chữa bệnh, cán bộ của trạm còn thực hiện khá nhiều công việc khác, như: phòng chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng… Tuy số người đến khám và điều trị bệnh có giảm so với trước khi thực hiện liên thông các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng hiện trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 30 đến 35 người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp bị cao huyết áp, xương khớp, dạ dày…, đây là một cố gắng lớn.

Có hàng chục năm gắn bó với y tế tuyến cơ sở, BS Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thừa Thiên - Huế) cho biết, so với cả nước, hệ thống y tế tuyến xã của Thừa Thiên - Huế phát triển khá hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân lực. Đến nay, tất cả các TYT trên địa bàn đều đã được xây dựng khá khang trang, có bác sĩ tham gia hoạt động khám, chữa bệnh; có đủ trang thiết bị; đã có 150 trong số 152 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số TYT đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; các chỉ tiêu phấn đấu về sức khỏe hằng năm đều được đưa vào Nghị quyết và kế hoạch hoạt động của đảng ủy và UBND các cấp. Số lượng người bệnh khám tại TYT chiếm gần 50% tổng số người khám, chữa bệnh ngoại trú trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu y tế tiếp tục đạt và duy trì ở mức cao; các chương trình phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và trong nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra...

Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công lập, TYT là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan. Nhiệm vụ của TYT là thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh, các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm...), đồng thời phát hiện sớm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Thực tế cho thấy, TYT là những đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết (khoảng 80%) những chứng bệnh đơn giản cho nên được xác định là người gác cổng của ngành y tế.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về y tế như: tuổi thọ trung bình tăng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia được quốc tế đánh giá có tốc độ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh nhanh nhất.

Còn nhiều lực cản

TYT xã biên giới Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) mới được đưa vào sử dụng từ năm 2015 có một cơ ngơi khá khang trang so với các TYT tuyến xã khác ở vùng cao. Nằm liền kề tuyến đường trung tâm, có đủ 10 phòng chức năng và sáu cán bộ y tế, trong đó có một bác sĩ nhưng trung bình mỗi ngày trạm cũng chỉ có chưa đến mười người tới khám, chữa bệnh. Lý giải cho hiệu quả không cao đó, BS Hoàng Thị Viện, Trưởng trạm cho rằng, trạm phải cạnh tranh với lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng, Phòng khám đa khoa khu vực Đàm Thủy...

Thực tế của TYT xã Đàm Thủy cũng là thực tế của nhiều TYT ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khó khăn trong cả nước. Mặc dù đã được đánh giá cao về vai trò, nhưng hiện tại TYT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích; đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế.

Trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng mặc dù đã có 90 trong tổng số 199 TYT xã, phường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia nhưng mới có 11 trạm được đầu tư xây dựng theo mô hình mới. Còn lại hầu hết được xây dựng từ khá lâu, cho nên đã xuống cấp, diện tích sử dụng chật hẹp và trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại các tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, miền; ở vùng sâu, vùng xa phong tục tập quán còn lạc hậu, cho nên ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình; kinh tế khó khăn, các hoạt động của ngành y tế chủ yếu lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Chất lượng nguồn nhân lực nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân nhưng việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở gần như không có. Trong khi đó, khả năng tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở y tế nói chung và TYT nói riêng của người dân chủ yếu liên quan đến các yếu tố về địa lý, văn hóa, kinh tế (khả năng chi trả), xã hội. Quyết định của người bệnh làm gì, đến đâu khi bị ốm đau phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng dịch vụ y tế, giá thành, mức thu nhập, loại bệnh và mức độ bệnh cũng như khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế...

Một số nghiên cứu về thực trạng cung ứng dịch vụ của TYT xã ở một số vùng, miền và yếu tố ảnh hưởng đã chỉ ra nhiều vấn đề của y tế tuyến xã hiện nay. Cán bộ y tế ở các TYT xã không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, khi trung bình các bác sĩ trả lời chỉ đúng gần 50% số câu hỏi phỏng vấn nghiên cứu. Nếu theo cách tính điểm cho các câu hỏi trắc nghiệm thì số điểm trung bình của bác sĩ chỉ đạt 3/10 điểm. Kết quả này cho thấy trình độ chuyên môn khám, chữa bệnh của y bác sĩ tuyến xã còn thấp. Nhiều y bác sĩ không nắm được cách xử trí đúng các bệnh mang tính thông thường; kiến thức của các y bác sĩ thiếu nhất là các mục chẩn đoán và xử trí các bệnh tim mạch, các bệnh nội khoa, sản và các bệnh chuyên khoa lẻ.

Vấn đề tài chính cho các TYT cũng rất đáng quan tâm. Nguồn kinh phí các TYT nhận được chủ yếu dành để trả lương cho cán bộ y tế và một số hoạt động tối thiểu khác như tiền nước, bông, cồn… mà ít có kinh phí chi cho công tác đào tạo cán bộ và nhân viên y tế. Theo khảo sát tại nhiều TYT đã xuống cấp sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, thậm chí nhiều trạm được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn đang được sử dụng. Tương tự là trang thiết bị, nhiều trạm mới đạt 50% so với chuẩn quốc gia, cho nên khó bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Những khó khăn về nhân lực, tài chính, trang thiết bị của TYT tuyến xã đã tồn tại từ rất lâu, là lực cản không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề như tình trạng vượt tuyến điều trị khiến cho y tế tuyến trên bị quá tải. Các trang thiết bị y tế chưa đủ hiện đại để cấp cứu những ca khó hay không đủ về số lượng (máy điện tim, đo đường huyết…), nhất là các thuốc thiết yếu. Lý do người bệnh không đến khám, chữa bệnh tại TYT được chỉ rõ là các trạm không đủ trang thiết bị, không đủ thuốc, cơ chế BHYT không thuận lợi...

Gần 70% số TYT đã có các nhóm thuốc theo danh mục quy định của Bộ Y tế, nhưng số lượng thuốc trong từng nhóm không đủ; các TYT chưa có đủ tài liệu/ phác đồ chuyên môn về các lĩnh vực: sốt rét, lao, tiểu đường, tim mạch…; có tới 95% số TYT thực hiện dưới 70% so với phân tuyến kỹ thuật, còn lại các TYT khác thực hiện được hơn 80%, không có TYT thực hiện được 100% số kỹ thuật theo danh mục. Để người dân đến khám, chữa bệnh, các TYT cần được bổ sung thêm thuốc, bổ sung thêm trang thiết bị và nâng cao trình độ cán bộ.

 

Vụ sản phụ ở Bình Định tử vong: Nhận định bước đầu của Sở Y tế sau khi có kết quả pháp y

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-san-phu-o-binh-dinh-tu-vong-nhan-dinh-buoc-dau-cua-so-y-te-sau-khi-co-ket-qua-phap-y-20170627073714218.htm

 Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, qua báo cáo sơ bộ của Trung tâm Y tế Phù Mỹ và kết quả mổ pháp y, sản phụ đã bị xuất huyết nặng và việc xử lý tốt là khó với ngay cả tuyến tỉnh.

Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, qua báo cáo sơ bộ của Trung tâm Y tế Phù Mỹ, trong quá trình đẻ, sản phụ Linh có biểu hiện choáng nhẹ (mạch nhanh, môi tái...), được các bác sĩ tiêm đã tỉnh táo lại bình thường. Nhưng đến khi đẻ thì bắt đầu chảy máu ồ ạt.

Theo kết quả mổ pháp y thì sản phụ có hiện tượng rách ở cổ tử cung, chứng tỏ trong quá trình đẻ thì đã bắt đầu chảy máu trong và đến khi thai nhi ra ngoài mới chảy máu ồ ạt.

Ông Hùng nhận định: “Ở tuyến huyện nếu gặp một ca xuất huyết nặng như ca của sản phụ Linh là cả vấn đề, xử lý khó. Băng huyết trong và sau sinh là biến chứng rất nặng mà không phải tuyến nào cũng xử lý tốt, ngay cả tuyến tỉnh.

Còn thông tin về tinh thần, thái độ của kíp trực đó như thế nào thì phải đợi anh em báo cáo hồ sơ bệnh án, thu thập thông tin... Sau đó, Sở mới kết luận được” .

Liên quan đến vụ sản phụ tử vong bất thường sau khi sinh tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ (Bình Định). Hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Bình Định cùng các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc trên.

Theo đó, công văn yêu cầu Sở Y tế Bình Định kiểm tra ngay sự việc liên quan đến việc tử vong của sản phụ Phan Thị Linh (30 tuổi, trú xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, Bình Định) và xử lý các vi phạm (nếu có) của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ. Yêu cầu Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan gặp gỡ, động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác đến gia đình nạn nhân và cơ quan truyền thông.

Khẩn trương họp hội đồng chuyên môn cấp tỉnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử lý của Trung tâm Y tế Phù Mỹ đối với trường hợp sản phụ Linh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong thời gian chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn tỉnh, đề nghị Sở Y tế Bình Định gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, diễn biến của ca đẻ và quy trình chăm sóc, xử trí của Trung tâm Y tế Phù Mỹ về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em) trước 16h ngày 29/6 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại địa phương, bao gồm cả cơ sở y tế công lập, ngoài công lập và báo cáo về Bộ…

Như Dân trí đã thông tin, sau 7 tiếng đến Trung tâm Y tế Phù Mỹ để sinh nở, ngày 24/6, sản phụ Phan thị Yếu Linh (30 tuổi, trú xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã tử vong trên đường chuyển viện vào TP Quy Nhơn cấp cứu vì băng huyết nặng lúc 15h cùng ngày.

Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, trước khi chị Linh tử vong, đã sinh bé trai nặng 3,4 kg và hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ.

 

Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành Hà Nội

http://dantri.com.vn/suc-khoe/xuat-hien-mot-so-o-dich-sot-xuat-huyet-o-noi-thanh-ha-noi-20170627151833456.htm

Ngày 27/6, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua, từ ngày 19 - 25/6, bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh trên địa bàn thành phố với 574 ca mắc, trong đó có nhiều ổ dịch từ 2-3 người mắc trở lên.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 2.576 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5; hiện gần 90% số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã khỏi, chỉ còn 270 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện.

Giám sát công tác dập dịch tại ổ dịch phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn trong tuần qua, ngành y tế Hà Nội đang vào cuộc hết sức quyết liệt nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, với những ổ dịch dưới 50 ca mắc được xác định là những ổ dịch nhỏ, từ 50 – 100 ca là ổ dịch vừa và trên 100 ca là ổ dịch lớn.

Đề cập về số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thông thường hàng năm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn bắt đầu từ tháng 6 – tháng 7, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm ngay từ tháng 4. Quy luật 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 5.000 – 6.000 ca sốt xuất huyết. Đỉnh điểm năm 2009, Hà Nội có tới 15.000 ca mắc.

Do sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là người dân phải chủ động phòng chống bằng các biện pháp diệt muỗi bằng phun hóa chất, vệ sinh môi trường, diệt quăng quăng, bọ gậy, nằm màn, dùng hương xua muỗi..

Hiện nay, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội gặp một số khó khăn do người dân chưa hoàn toàn phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Một số nơi, công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt.

Đồng thời, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo thường xuất hiện đỉnh dịch vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở Y tế đã lưu ý Đảng ủy các phường, xã đưa công tác phòng dịch vào Nghị quyết chuyên đề để triển khai đến từng Chi bộ, đặc biệt giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, tổ dân phố trong việc đôn đốc người dân phòng dịch.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như họp dân, dùng loa di động đi vào từng ngõ ngách để tuyên truyền biện pháp phòng bệnh; xử lý vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi; tổ chức kiểm tra giám sát công tác phòng dịch và giám sát phòng bệnh khu vực có bệnh nhân mới….

 

Viêm não, sốt xuất huyết cùng gia tăng trong nắng nóng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/viem-nao-sot-xuat-huyet-cung-gia-tang-trong-nang-nong-20170627071941887.htm

Theo Bộ Y tế, hiện nay sốt xuất huyết và viêm não đều đang gia tăng nanh, trong đó đã ghi nhận các ca tử vong liên quan đến hai căn bệnh này. Bên cạnh đó, 2 ca tử vong trong tổng số 20 ca mắc liên cầu lợn cũng rất đáng báo động.

Thông kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ cuối tháng 5 đến nay, cả nước ghi nhận 80 ca viêm não vi rút, trong đó 4 bệnh nhi tử vong do bệnh này. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 300 trường hợp viêm não vi rút, trong đó 9 ca tử vong.

Riêng tại bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay, tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Còn trong tháng 6 đã có 21 trẻ nhập viện vì viêm não. Đáng nói, có những trường hợp chịu di chứng nặng nề của viêm não Nhật Bản do cha mẹ quên cho trẻ đi tiêm vắc xin đủ mũi.

Theo BS Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm, viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém , chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Hiện tại, khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Không may mắn, cả hai bệnh nhi này đều phải gánh chịu một trong những di chứng nặng nề của bệnh.

Dịch bệnh đang gia tăng mạnh nhất hiện nay là sốt xuất huyết. Chỉ riêng trong tháng 6, cả nước phát hiện gần 9.000 trường hợp mắc, đưa số mắc từ đầu năm đến nay lên khoảng 37.000 ca, trong đó, 9 trường tử vong, chủ yếu tại các tỉnh, thành miền Nam.

Tại Hà Nội bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue cũng gia tăng nhanh. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 574 trường hợp sốt xuất huyết. Dịch bệnh xảy ra tại nhiều quận huyện, như Hoàng Mai (129 ca), Đống Đa (127 ca), Hai Bà Trưng (46 ca), Hà Đông (35 ca), Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.

Như vậy từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.576 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5/2017.

Các dịch bệnh khác tại Hà Nội như Ho gà trong tuần vẫn ghi nhận 07 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 90 trường hợp, 01 trường hợp tử vong; Sốt phát ban dạng sởi trong tuần ghi nhận 05 trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 97 trường hợp, không có trường hợp tử vong.

Tay chân miệng trong tuần ghi nhận 03 trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 65 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Viêm não Nhật Bản trong tuần tiếp tục không ghi nhận trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017: 04 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.

Cũng trong tháng 6, cả nước ghi nhận 20 ca bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh, trong đó 2 trường hợp tử vong. Như vậy, từ đầu năm đến nay có 80 người mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 6 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch bệnh trong mùa hè còn phức tạp. Để phòng sốt xuất huyết, biện pháp hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, không để nước đọng trong các chai lọ (lọ cắm hoa), nước đọng trong vỏ chai nước ngọt, nước đọng trong vỏ lốp xe bỏ đi … để muỗi không có môi trường đẻ trứng. Ngăn chặn muỗi đốt bằng phun hóa chất diệt muỗi, mặc áo dài tay, ngủ màn…

Các bệnh khác như viêm não Nhật Bản, ho gà, phát ban dạng sởi… hoàn toàn được bảo vệ chủ động nhờ vắc xin, cần cho trẻ đi tiêm đúng độ tuổi, đủ số mũi để được bảo vệ tốt nhất.

Riêng với liên cầu lợn, để đảm bảo không mắc bệnh cần thực hiện ăn chín, uống chín, đặc biệt không ăn tiết canh, nem sống để phòng bệnh liên cầu lợn.

 

Cảnh báo: Sốt xuất huyết lan rộng bất thường

http://laodong.com.vn/suc-khoe/canh-bao-sot-xuat-huyet-lan-rong-bat-thuong-677197.bld

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, mặc dù người mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), nhưng Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tăng cao bất thường so với năm trước.

Sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp 4 lần

Thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng tháng 6 năm nay, số lượng trẻ nhập viện do bệnh sốt xuất huyết đã tăng nhiều so với các tháng trước đó. Thống kê của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, trong số 27 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, riêng tháng 6 đã chiếm 13 ca.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, tính đến ngày 22.6, Hà Nội đã có trên 2.000 người bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016. Các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm sốt xuất huyết.

Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm - từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người sốt xuất huyết tử vong. “Diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao” - ông Hạnh nói.

Tăng cao bất thường

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho hay, đến nay cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương 1 trường hợp, Đồng Tháp 2 trường hợp và Trà Vinh 3 trường hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết dù người mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tăng cao bất thường so với năm trước. Tại miền Bắc, 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội tăng 190%.

Tại phía Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh - cho biết ở khu vực phía Nam, sốt xuất huyết đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh thành có kinh tế phát triển nhanh và công nghiệp hóa cao như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuổi của người bệnh mắc sốt xuất huyết cũng thay đổi, trước 2007 bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã lên 43%.

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Phát động cuộc vận động "Phụ nữ cam kết thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm"

http://www.sggp.org.vn/phat-dong-cuoc-van-dong-phu-nu-cam-ket-thuc-hien-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-452401.html

Phụ nữ có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa. Hơn ai hết, chị em sẽ là những tuyên truyền viên, giám sát viên trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngày 27-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự lễ phát động cuộc vận động “Phụ nữ cam kết thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm” và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN)  tổ chức  ngày 27-6, tại Hà Nội.

Theo đại diện Hội LHPNVN, thời gian qua, tình trạng mất an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc lo lắng trong toàn xã hội. Các loại thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc kháng sinh... đang ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thông điệp phát đi từ lễ phát động kêu gọi phụ nữ hãy trở thành người tiên phong trong chuyển đổi hành vi thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm độc hại; thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; vận động mọi người uống có trách nhiệm vì sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng; ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phụ nữ là những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa. Hơn ai hết, chị em sẽ là những tuyên truyền viên, giám sát viên trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Chị em cũng sẽ là những người tiên phong trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, từ đó lan rộng ra cộng đồng.

Nhân dịp này, Hội LHPNVN cũng khai mạc Triển lãm về vai trò của phụ nữ với chủ đề: “An toàn vệ sinh thực phẩm, hãy hành động ngay”.

Triển lãm diễn ra từ 27-6 đến ngày 4-7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

Vì sao trẻ mắc viêm não Nhật Bản dễ bị tử vong trong 7 ngày đầu?

http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-tre-mac-viem-nao-nhat-ban-de-bi-tu-vong-trong-7-ngay-dau-a330492.html

Chuyên gia y tế cảnh báo, viêm não Nhật Bản đang gia tăng, bệnh nhân thường tử vong trong 7 ngày đầu sau khi hôn mê sâu, co giật và có những triệu chứng tổn thương hành não.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Văn Lâm (Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại di chứng nặng nề, hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động. Viêm não Nhật Bản diễn biến theo 3 giai đoạn ủ bệnh, toàn phát và lui bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 5 đến 14 ngày, trung bình là một tuần. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 – 40oC hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh - thời kỳ này tương ứng với giai đoạn virus xâm nhập vào tế bào não, tủy gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên dẫn đến bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản.

Thông thường, bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, hết nôn và đau đầu. Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: Loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hóa. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Trẻ cần được tiêm 2 lần cách nhau từ 7 - 14 ngày, sau đó một năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3 - 4 năm tiêm nhắc lại, giá mỗi mũi tiêm khoảng 130.000 đồng. “Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi”, TS. Lâm lưu ý.

TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, virus viêm não Nhật Bản được lây từ muỗi. Ở những vùng nông thôn trồng lúa, nuôi heo nhiều nên khả năng mắc nhiều hơn, do đó ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ người mắc bệnh này nhiều hơn ở Đông Nam Bộ.

TS. Phu khuyến cáo, viêm não Nhật Bản để lại di chứng nặng nề cho gia đình và xã hội, tốn kinh phí, thời gian chăm sóc. Bệnh nhân không ăn uống, không tự phục vụ sẽ để lại gáng nặng lâu dài. Để phát hiện viêm não cho trẻ sớm, phụ huynh cần cảnh giác, tái khám cho con em thường xuyên.

Điều đáng lưu ý, nhiều người dân chưa phân biệt được đâu là viêm não, đâu là viêm màng não cũng là một khó khăn mà nhân viên y tế cần hướng dẫn. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh, người dân cần tiêm vắc-xin đầy đủ và tạo thói quen diệt muỗi - mầm mống gây nên viêm não Nhật Bản.

“Hiện nay, xét nghiệm viêm não Nhật Bản khá dễ làm và cũng có chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, với nhiều trẻ đã lớn sẽ gặp khó khăn là quên hết lịch sử tiêm phòng. Phần lớn các phụ huynh thường tiêm 2 mũi đầu mà quên đi mũi thứ 3. Tiêm không đủ mũi sẽ khiến việc phòng ngừa chắc chắn không hiệu quả. Ngoài ra, tiêm phòng viêm não mặc dù có miễn dịch nhưng cũng không thể ngừa suốt đời được”, TS. Trần Đắc Phu nhận định.

 

Chênh lệch giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/chenh-lech-gioi-tinh-khi-sinh-tiep-tuc-gia-tang-370845

Cả nước hiện vẫn còn 45 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh (tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái) gia tăng và mức cao: Tỷ lệ sinh ra giữa trẻ trai và trẻ gái là 120,2/100, thậm chí có khi tới 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Đây là những con số được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra sau 1 năm triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Một khảo sát khác từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới đây cho thấy, cả nước có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Nghiên cứu của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cũng chỉ ra rằng, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo đó, tỷ số này gia tăng ở 4 vùng là trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, ĐBSCL. Đặc biệt, tại trung du và miền núi phía Bắc tăng từ 108,5 lên 116,1 trẻ trai/100 trẻ gái và ở ĐBSCL tăng từ 109,9 lên 114,1. Trong khi ở Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tỷ số giới tính khi sinh có mức giảm từ 109,7 xuống 105,5.

Vụ Thống kê dân số và lao động còn chỉ ra, trình độ học vấn của phụ nữ càng tăng thì tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng: Từ mức 106 đến 111 ở bậc tiểu học, đến mức 113 ở bậc THPT, và 115 ở bậc đại học trở lên. Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh đầu tiên và lần sinh thứ 2 khi chưa có con trai ở mức giống nhau, nhưng đặc biệt mất cân bằng xảy ra tại lần sinh thứ 3 khi chưa có con trai.

Lý giải việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, các chuyên gia vẫn cho rằng nguyên nhân phần lớn là do nhiều gia đình vẫn suy nghĩ phải có con trai để nối dõi tông đường. Điều này đã khiến tỷ số giới tính khi sinh tăng lên cao 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ lệ này là 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Nếu tỷ số này không được cải thiện trong thời gian tới, hệ lụy xã hội sẽ rất lớn khi thừa nam thiếu nữ, nhất là thiếu ở độ tuổi kết hôn, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không kết hôn. Từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao, kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới…

 

Khánh thành phòng chơi cho trẻ em tại BV Nhi Trung ương

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/khanh-thanh-phong-choi-cho-tre-em-tai-bv-nhi-trung-uong-370921

Ngày 27/6/2017, tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty TNHH MTV Mỹ Phục (Eva de Eva), bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Lễ khánh thành phòng chơi cho các bệnh nhi điều trị tại khoa ung biếu – Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Tham dự Lễ cắt băng khánh thành và bàn giao phòng chơi có ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ Việt Nam, bà Tô Thị Dung – Tổng Giám đốc Eva de Eva, ông Trịnh Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài ra còn có các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương…

Đây là điểm vui chơi dành cho những trẻ em đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương do Eva de Eva tài trợ trị giá 350 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế dành cho những trẻ em thiệt thòi đang điều trị tại bệnh viện, đồng thời tạo ra một môi trường bệnh viện thân thiện dành cho trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động các nhà tài trợ dành tặng cho bệnh nhi tại các bệnh viện những điểm vui chơi từ năm 2014.

Đến nay, ngoài điểm vui chơi tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam còn tặng các bệnh nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều (Hà Nội) mỗi bệnh viện một điểm vui chơi trẻ em.

Ngay sau khi cắt băng khánh thành, những bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện đã rất háo hức vui mừng được tham gia trong khu vui chơi dành cho các em.

Bố em Nguyễn Ngọc Hưng (7 tuổi, tại Mê Linh, Hà Nội) đang điều trị vì bệnh Hội chứng thận tại Bệnh viện Nhi Trung đã rất xúc động cho hay: “Vì phải điều trị lâu dài tại bệnh viện, nên nếu không có phòng vui chơi này, các cháu chỉ nằm một chỗ, rất buồn. Bây giờ có chỗ chơi, chắc con sẽ vui hơn, và sẽ nhanh quên đi nỗi đau sau mỗi lần điều trị bệnh của mình”

Mỗi niềm vui của các em nhỏ, nhất là những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đều là những niềm vui, là động lực để những người làm công tác hỗ trợ trẻ em có động lực hơn nữa trong việc làm cầu nối giữa cộng đồng, xã hội, các tổ chức trong nước và quốc tế với trẻ em.

 

Những u não dễ tái phát nhất sau mổ

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-u-nao-de-tai-phat-nhat-sau-mo-20170627103750497.htm

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, mỗi năm có hơn 6.000 ca mổ các loại u nằm trong sọ tại bệnh viện nhằm cứu sống người bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng, di chứng và tỷ lệ tái phát của khối u. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn, đỏi hỏi phải có nhiều trang thiết bị trợ giúp.

Chia sẻ tại Hội Thảo Cập nhật ứng dụng cộng hưởng từ trong phòng mổ cho phẫu thuật thần kinh ngày 26/6, PGS. Đồng Văn Hệ cho biết: Hiện nước ta chưa có số liệu thống kê về các trường hợp u não nhưng nếu tính theo tỉ lệ u não của Mỹ, ước tính Việt Nam có khoảng 12 000-15.000 ca u não mỗi năm.

Riêng tại Việt Đức, mỗi năm bệnh viện nhận khám, điều trị và phẫu thuật gần 4.000 ca u não, trong đó khoảng 2.000 ca u tế bào thần kinh đệm.

Tuy nhiên, tỉ lệ khối u tái phát khá cao, nhất là khối u u tế bào thần kinh đệm, u tuyến yên.

PGS. TS Đồng Văn Hệ chỉ ra, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là: một số loại u não rất giống với tổ chức não lành (như u tế bào thần kinh đệm) nên khó xác định ranh giới khối u. Hay sau khi cắt một phần khối u, sự di lệch các cấu trúc não sẽ làm thay đổi vị trí phần u còn lại. Điều này khiến việc cắt bỏ hoàn toàn khối u không đơn giản.

Riêng đối với khối u tuyến yên, phân biệt giữa khối u và tuyến yên lành rất khó khăn, nhất là với khối u tuyến yên lớn. Nếu bỏ sót 0,5mm khối u tuyến yên, người bệnh không khỏi bệnh, mọi triệu chứng có thể như cũ (nhất là với khối u tuyến yên tăng tiết) và khối u có thể tái phát rất nhanh.

Chụp cộng hưởng từ sọ não ngay trong khi mổ sẽ giúp bác sỹ xác định rõ khối u não và ranh giới khối u, giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u và giúp giảm tỷ lệ biến chứng, di chứng sau phẫu thuật.

Lặp đặt máy cộng hưởng từ trong mổ với phòng mổ tích hợp, phòng mổ hiện đại là một bước tiến quan trọng trong phẫu thuật thần kinh. Do đó, Bệnh viện Việt Đức đang nghiên cứu triển khai kỹ thuật này trong thời gian tới nhằm giúp điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân u não nói riêng và bệnh lý thần kinh nói chung.

 

Phẫu thuật lấy kim khâu nằm trong tim bệnh nhi

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/phau-thuat-lay-kim-khau-nam-trong-tim-benh-nhi-370853

Ngày 26/6, PGS. TS Vũ Minh Phúc - Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, BV đã phẫu thuật lấy chiếc kim khâu trong tim bé trai N.M.H. (13 tuổi, ngụ Bình Phước) thành công.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhi, H. bị chiếc kim trên gối đâm vào ngực nhưng không báo cho bố mẹ biết mà tự rút cây kim ra khỏi lồng ngực, nhưng chỉ rút được nửa chiếc, nửa chiếc kim còn lại bị gãy vẫn nằm trong lồng  ngực. Qua gần 2 tháng, bệnh nhi liên tục bị đau ngực dữ dội, ngất xỉu và mới báo cho phụ huynh. Người nhà đã đưa H. đến BV Nhi Đồng 1.

Tại đây, các bác sĩ thấy bệnh nhân lên những cơn nhiệt nhanh, đau ngực và mỗi lần lên cơn đau ngực là bị ngất. Khi siêu âm thì thấy tràn dịch màng ngoài. Vì vậy các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở đường bên ngực, nhưng khi mở lồng ngực thì không thấy chiếc kim.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ hở để lấy dị vật ra khỏi tim bệnh nhi… Ca phẫu thuật thứ 2 kéo dài 10 phút và dị vật được lấy ra là một đầu kim dài 2cm. Do tồn tại tương đối lâu trong cơ thể nên cây kim bị gỉ sét khá nhiều.

Hiện sức khỏe bệnh nhi đang trên đà hồi phục tốt, nhịp tim bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

 

Thày lang chữa bỏng ngang nhiên hành nghề không phép, phớt lờ lệnh cấm

http://laodong.com.vn/suc-khoe/thay-lang-chua-bong-ngang-nhien-hanh-nghe-khong-phep-phot-lo-lenh-cam-677403.bld

Mặc dù đã nhiều lần đoàn kiểm tra của xã Kim Lan, của huyện Gia Lâm, Hà Nội yêu cầu cơ sở chữa bỏng của thầy lang Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hùng Sơn không được phép hoạt động, nhưng ngày 26.6 PV Lao Động khi đến cơ sở này vẫn thấy 10 bệnh nhân bỏng đang được chữa trị. 

Như LĐO đã phản ánh, gia đình chị Lý Thị Hoài Thơ ở Hướng Hóa, Quảng Trị và gia đình chị Mặc Thị Xinh ở Quỳ Hợp, Nghệ An cùng lên tiếng tố một thầy lang chữa bỏng tên Nguyễn Hùng Sơn ở Gia Lâm, Hà Nội chữa bỏng cho con của 2 chị nhưng không những không khỏi mà còn khiến bệnh tình nặng thêm, phóng viên Lao Động đã tìm về xã Kim Lan để tìm hiểu thông tin.

Bà Phạm Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, trên địa bàn xã có gia đình của ông Nguyễn Văn Chung – là bố của Nguyễn Hùng Sơn nhiều năm nay chữa bỏng cho người dân với bài thuốc gia truyền. Ông Hùng Sơn hiện tại đang làm tiếp công việc của ông Chung.

Theo bà Hoài, UBND xã đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra đến cơ sở chữa bỏng này và xác nhận đây là cơ sở hoạt động chưa được cấp phép. Tại những lần kiểm tra cơ sở chữa bỏng này đều không xuất trình được giấy tờ liên quan nào. Ông Nguyễn Hùng Sơn cũng chỉ có tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội và có một thời gian ngắn làm việc ở các cơ sở y tế khác, sau đó nghỉ việc về nhà cùng bố là ông Chung hành nghề chữa bỏng mà chưa có chứng chỉ hành nghề.

Đến thời điểm này, xã Kim Lan đã có 2 lần kiểm tra chính thức và 1 lần phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm xuống cơ sở chữa bỏng này. Cụ thể, lần đầu tiên vào ngày 5/12/2016, UBND xã có thành lập đoàn kiểm tra xuống cơ sở chữa bỏng này, tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở  không hành nghề và không có bệnh nhân. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra thấy gia đình này vẫn treo biển quảng cáo cho việc chữa trị bỏng, UNBD xã đã lập biên bản và yêu cầu gia đình này ngừng việc khám chữa bỏng.

Lần thứ hai là ngày 15/6/2017 khi UBND xã nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ dư luận, xã tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra đến cơ sở này và thấy tại đây đang có một bệnh nhân khám chữa bệnh, xã đã ngay lập tức yêu cầu cơ sở ngừng ngay việc chữa bệnh và yêu cầu gia đình bệnh nhân ký cam kết sẽ chuyển đến bệnh viện để chữa trị.

Gần đây nhất vào ngày 20/6/2017, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Gia Lâm đã tiến hành kiểm tra cơ sở chữa bỏng này, tuy nhiên cơ sở vẫn không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, tại thời điểm này cũng có 2 bệnh nhân đang khám chữa tại đây. Đoàn đã yêu cầu cơ sở dừng hoạt động từ 10h45 phút ngày 20/6/2017 cho tới khi hoàn tất thủ tục hành chính.

Mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Gia Lâm đã kết luận yêu cầu cơ sở chữa bỏng này dừng hoạt động từ ngày 20/6 nhưng chiều ngày 26/6, khi phóng viên đến cơ sở chữa bỏng này tìm hiểu vẫn thấy có khoảng 10 bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Khi được hỏi về lý do tại sao có yêu cầu của các đoàn kiểm tra mà cơ sở này vẫn hoạt động, ông Nguyễn Văn Chung – chủ cơ sở này cho biết: “Gia đình tôi chữa bỏng gia truyền đến nay là đời thứ 6, gia đình tôi không dùng việc này để kiếm tiền mà chỉ chữa trị từ thiện cho người dân.

Sau khi có yêu cầu của các cơ quan đoàn thể, gia đình tôi cũng chấp hành là không khám chữa bệnh nữa nhưng do nhiều bệnh nhân vẫn tha thiết xin ở lại để khám chữa nên gia đình rất khó giải quyết, không biết phải để người ta đi đâu”. Anh Nguyễn Hùng Sơn cho biết, hiện tại gia đình cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục cho việc khám chữa bệnh này.

Sáng 27.6, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm và xã Kim Lan tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra đến cơ sở chữa bỏng này. Thông tin đến Lao Động, bà Phạm Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, đến thời điểm này cơ sở không còn bệnh nhân khám chữa bệnh. Xã sẽ tiếp tục theo dõi và nhắc nhở hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở này. Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang