Có cần thiết loại bỏ các món từ trứng và gia cầm để phòng bệnh cúm A(H5N1) không?
Trước những thông tin lo ngại về dịch cúm A (H5N1), nhiều người lập tức dừng ăn trứng và thịt gia cầm, điều này có cần thiết không và đã đủ để phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người chưa?
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Bệnh cúm A( H5N1) trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A (H5N1) gây ra và có thể lây sang người. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.
1. Ca tử vong tại Campuchia nghi ngờ do nhiễm virus từ chim hoặc động vật chết
Chính phủ Campuchia cho biết một bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng, phía đông thủ đô Phnom Penh đã tử vong sau khi bị nhiễm cúm gia cầm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia, đây là trường hợp nhiễm chủng H5N1 đầu tiên ở người được biết đến ở nước này kể từ năm 2014.
Thông tin trên Telegraph (báo Anh) cho hay, cơ quan chức năng đang nghi ngờ khả năng bé gái đã nhiễm virus từ những con chim hoặc động vật chết gần nhà vì số lượng động vật chết bất thường được tìm thấy gần đó, bao gồm 22 con gà và 3 con vịt. Hiện nay các mẫu đã được đưa đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm.
2. Cúm A (H5N1) có thể lây lan sang người từ trứng và thịt gia cầm không?
Lo lắng trước những nguy cơ dịch cúm gia cầm khiến nhiều người sợ hãi không ăn bất cứ món gì liên quan đến gia cầm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ăn thịt gia cầm và trứng là an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ. CDC khẳng định việc xử lý và nấu chín gia cầm và trứng đúng cách ở nhiệt độ bên trong là 165 độ F (khoảng 74 độ C) sẽ giết chết vi khuẩn và virus, bao gồm cả virus HPAI A(H5) . Người dân chỉ không nên ăn thịt, trứng gia cầm bị bệnh. Do đó, loại bỏ món ăn từ trứng và gia cầm khỏe mạnh được nấu chín là việc làm không cần thiết mà quan trọng hơn cả là cách phòng bệnh.
Tiến sĩ Tim Uyeki, Giám đốc Y tế của Ban Cúm tại CDC Hoa Kỳ khuyên để phòng bệnh, mọi người nên tránh tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với các loài chim, gia cầm và động vật hoang dã bị bệnh hoặc đã chết. Không nên tiêu thụ gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm chưa nấu chín hoặc nấu chưa chín, kể cả trứng sống. Việc tiêu thụ thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm và trứng được nấu chín đúng cách là an toàn.
3. Cách xử lý, chế biến thịt gia cầm và trứng
Để giữ an toàn khỏi các bệnh từ thực phẩm, hãy làm theo những lời khuyên này từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ để xử lý và nấu đúng cách thịt gia cầm và trứng:
Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thực phẩm.
Làm sạch thớt, bát đĩa, dụng cụ và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.
Tách thịt gia cầm sống và trứng ra khỏi các thực phẩm khác.Sử dụng một thớt cho sản phẩm tươi sống và một thớt khác cho gia cầm sống.
Không bao giờ đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng thịt sống, kể cả thịt gia cầm hoặc trứng trừ khi đĩa đã được rửa bằng nước xà phòng nóng.
Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng trứng cứng lại.
Chỉ sử dụng các công thức yêu cầu trứng được nấu chín hoặc đun nóng kỹ.
Sử dụng nhiệt kế thực phẩm là cách tốt nhất để đảm bảo rằng các món ăn có trứng và thịt gia cầm được nấu chín đúng cách. Những thực phẩm này phải được nấu ở nhiệt độ bên trong tối thiểu an toàn là 165 độ F đối với gia cầm và 160 độ F đối với các món ăn có trứng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14)
Chuyển đổi số trong ngành y tế để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nhấn mạnh: Hiệu quả của chuyển đổi số trong ngành y tế được thể hiện rất rõ đối với người bệnh, bệnh viện và chính cả ngành y tế.
Nếu như những lần trước phải đi từ khoảng 4 giờ sáng đến xếp hàng, lấy số thứ tự để khám bệnh thì lần này đến hơn 8 giờ, ông Nguyễn Văn Thái (59 tuổi, ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) mới có mặt tại BVĐK TP Vinh để khám bệnh. Ông Thái chia sẻ, ông không phải đi thật sớm như trước là do bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người bệnh đăng ký, lấy số thứ tự khám bệnh qua ứng dụng "BVTP VINH" trên điện thoại thông minh.
Người bệnh chỉ cần có mặt đúng giờ đã đăng ký để gặp bác sĩ. Kết quả cũng được bác sĩ thông báo trên ứng dụng, giúp người bệnh tiện theo dõi sức khỏe.
Một ca cấp cứu được đưa vào Bệnh viện Việt Đức, sau đó toàn bộ phim chụp cùng kết quả các xét nghiệm lập tức được chuyển qua đường truyền đến PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - đang trong chuyến công tác ở Lào Cai, để ra quyết định cuối cùng cho ca phẫu thuật. Sự nhanh chóng đầy hiệu quả này là kết quả của việc Bệnh viện Việt Đức đã sớm ứng dụng 100% công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào hoạt động khám, chữa bệnh.
Đây chỉ là những cơ sở y tế trên cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động của bệnh viện. Có thể thấy, chuyển đổi số trong y tế, đặc biệt là số hóa thông tin từ hồ sơ bệnh án, kết quả cận lâm sàng, triển khai Telehealth đã giúp cho bác sĩ hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp, chuyên gia đầu ngành từ nhiều điểm cầu trong và ngoài viện để kịp thời đưa ra phương án chữa bệnh hiệu quả nhất cho người bệnh cũng như hỗ trợ, cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ, nhân viên y tế...
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế xung quanh việc thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế thời gian qua.
Hiệu quả của chuyển đổi số thuộc về cả bệnh viện và người bệnh
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế?
Ông Nguyễn Trường Nam: Hiệu quả của chuyển đổi số trong ngành y tế được thể hiện rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế.
Đối với bệnh viện, việc số hóa đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý bệnh viện; nâng cao chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh; tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa hoạt động của bệnh viện; tăng tính cạnh tranh, tính hấp dẫn và sự hài lòng của người bệnh.
Đối với người bệnh, thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao; được quan tâm và chăm sóc sức khỏe chủ động và tích cực. Người dân dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh và được hướng dẫn.
Đối với ngành y tế, việc chuyển đổi số đặc biệt là số hóa bệnh viện sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, các kho dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử… Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho người dân.
Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế để từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu Analysis… để phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, dự báo...
Để thực hiện thành công mục tiêu số hóa, ngành y tế đã xác định và chia ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn một (trong năm 2022), tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám, chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế. Ngành y tế đã ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Giai đoạn hai (từ năm 2023 đến 2025), thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai khám, chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn ba (từ năm 2025 đến 2030), hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa,... Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành: triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể đăng ký khám, đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% tổng giá trị thanh toán viện phí.
44 cơ sở khám, chữa bệnh đã sử dụng bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy
PV: Ông vừa nói đến việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, vậy hiện trên cả nước đã có bao nhiêu bệnh viện triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử?
Ông Nguyễn Trường Nam: Hồ sơ bệnh án điện tử được quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư số 46/2018/TT-BYT), trong đó Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã quy định về giá trị pháp lý của bệnh án điện tử, các nguyên tắc thực hiện bệnh án điện tử, việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi triển khai bệnh án điện tử một cách rõ ràng, cụ thể, đặc biệt Bộ Y tế đã đặt ra lộ trình thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I thì chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành triền khai bệnh án điện tử và các bệnh viện còn lại trên toàn quốc đến 2028 phải hoàn thành.
Về kết quả triển khai bệnh án điện tử, đến thời điểm hiện tại có 44 cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy được đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Cục CNTT, Bộ Y tế.
Ở tuyến huyện có TTYT ở Phú Thọ đã triển khai bệnh án điện tử, hơn 70% đơn vị không dùng bệnh án giấy. Tuy nhiên, việc triển khai của các bệnh viện tuyến huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Ở đây phải nhấn mạnh việc "không sử dụng bệnh án giấy", vì có nhiều bệnh viện đã bước đầu triển khai bệnh án điện tử nhưng chưa đạt đến mức không dùng bệnh án giấy.
Con số này khá khiêm tốn so với mục tiêu và lộ trình đặt ra tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT, nhưng tôi cũng nhắc lại là các chuyên gia nhận định công tác ứng dụng CNTT trong bệnh viện là rất phức tạp, rất khó khăn, khó từ vấn đề nghiệp vụ, đến các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy trình khám chữa bệnh.
Quy trình trong bệnh viện là công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc cho người dân, ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nên phải hết sức thận trọng và phải làm chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hệ thống trong đó phải đảm bảo các yếu tố về nghiệp vụ cũng như về an toàn thông tin và các vấn đề pháp lý, dẫn đến các đơn vị cũng triển khai chậm để đạt được mức bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Ngoài ra, còn khó khăn là để triển bệnh án điện tử thì phải đầu tư hạ tầng cơ sở để đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
PV: Vậy mục tiêu đến 2025 cả nước không còn bệnh án giấy liệu có đạt được không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Để giải quyết việc này chúng tôi cũng đang rà soát, đánh giá và hướng dẫn, thậm chí sẽ sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 46 về hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để tháo gỡ một số vấn đề, giúp bệnh viện dễ dàng thực hiện hơn. Bởi vì hiện nay có một số công nghệ mới số mới, giúp thực hiện nhanh chóng thay vì tự đầu tư như thuê dịch vụ hạ tầng để thông qua đó nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử. Trước đây, bệnh viện phải tự đầu tư mà đầu tư thì một quy trình mất hàng năm trời, chưa kể xin kinh phí rồi các thứ khác …
Hiện có một số các giải pháp giúp đảm bảo an toàn cho việc hỗ trợ thuê dịch vụ cho bệnh viện và họ có thể giúp thúc đẩy nhanh chóng thì trong năm tới chúng tôi sẽ rà soát lại Thông tư 46 để hướng dẫn, thậm chí sửa đổi Thông tư để giúp các bệnh viện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn triển khai bệnh án điện tử.
Về mục tiêu 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản các bệnh viện đã có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, nó còn liên quan đến câu chuyện về nguồn lực đầu tư. Hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương, khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử thì nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện cũng như bố trí nguồn lực kinh phí để cho các bệnh viện có thể triển khai, thì tôi tin rằng 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Đã kết nối gần 2.000 điểm cầu Telehealth của các bệnh viện, từ trung ương đến địa phương
PV: Vậy còn việc ứng dụng Telehealth của ngành y tế hiện nay thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trong thời gian dịch COVID-19, Telehealth đã khẳng định được vai trò và sự cần thiết, cũng như sự đón nhận của các cơ sở y tế và người dân. Một trong những kết quả nổi bật của ứng dụng Telehealth giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, là cứu sống bệnh nhân 91 người Anh. Bệnh nhân đặc biệt nặng, nếu không có hệ thống Telehealth, có sự hỗ trợ hội chẩn của các chuyên gia giáo sư đầu ngành từ Hà Nội giúp cho Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, không chắc bệnh nhân đó đã sống được.
Trong đại dịch, Telehealth cũng giúp người dân tiếp cận các cơ sở y tế, các bác sĩ. Khi cách ly, người dân không thể đi khám, chữa bệnh được, nhưng thông qua Telehealth, người bệnh, đặc biệt là các ca cấp cứu, đã được kết nối tới cơ sở y tế và bác sĩ.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có chính sách thúc đẩy triển khai Telehealth trong toàn quốc, cho tới tận tuyến xã. Bộ đã ban hành quyết định số 2628 ngày 22/06/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025.
Đến nay, đã có hơn 100 bệnh viện tham gia vào mạng lưới của đề án này và đang có rất nhiều đơn vị tiếp tục đăng ký tham gia. Đề án là sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới. Thông qua hỗ trợ những ca khó, cán bộ y tế y tế của tuyến dưới tham khảo, học hỏi và được đào tạo về chuyên môn.
Hiện ngành y tế đã kết nối được gần 2.000 điểm cầu Telehealth của các bệnh viện, từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phối hợp với UNDP thí điểm triển khai phần mềm ứng dụng bác sĩ xã, tập trung hỗ trợ cho cán bộ trạm y tế, người dân có thể tiếp cận được các bác sĩ tuyến trên, các bác sĩ giỏi.
Từ kết quả của thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình để các trạm y tế được triển khai y tế từ xa thông qua ứng dụng kết nối, hỗ trợ hội chẩn trực tuyến, cũng như tư vấn khám bệnh từ xa cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
PV: Ông có thể cho biết trong năm 2023, ngành y tế tiếp tục chuyển đổi số như thế nào để giữ vững thành quả đã có và còn tiếp tục phát triển, ứng dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân?
Ông Nguyễn Trường Nam: Tiếp tục những kết quả đạt được của những năm qua, năm 2023 nói riêng và cả giai đoạn 2023 - 2025 nói chung, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy triển khai: Hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; Hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; Đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy.
Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông! (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
'Blouse trắng - Trái tim hồng' 2023 – ngày hội sẻ chia của các thầy thuốc
Sáng 27/2, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã diễn ra Lễ phát động Chương trình Hiến máu tinh nguyện "Blouse trắng - Trái tim hồng" năm 2023.
Tham dự Lễ phát động có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Công đoàn y tế Việt Nam (CĐYTVN) cùng đông đảo các y bác sĩ các bệnh viện.
Chương trình "Blouse trắng, trái tim hồng" là Chương trình được Bộ Y tế phát động từ năm 1994 đến nay đã trải qua gần 30 năm, từ những ngày đầu khó khăn, đến nay đã trở thành một Chương trình được triển khai sâu rộng trong ngành y tế, được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành y tế trên cả nước nhiệt thành hưởng ứng.
Triển khai Chương trình Hiến máu tình nguyện "Blouse trắng, trái tim hồng" đã trở thành hoạt động thường niên của Công đoàn Y tế Việt Nam và luôn đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Các công đoàn cơ sở đã triển khai ngay từ đầu năm thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia đăng ký hiến máu. Hiến máu tình nguyện trở thành ngày hội của những cán bộ y tế.
Phát biểu tại Lễ phát động chương trình "Blouse trắng, trái tim hồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao chương trình "Blouse trắng – trái tim hồng". Hiện nay, nhu cầu truyền máu ngày càng cao do nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao, ngành y tế triển khai áp dụng các kỹ thuật y học hiện đại như ghép tạng, ghép tủy, chạy thận nhân tạo, tiến hành các ca phẫu thuật lớn, điều trị nhiều loại bệnh máu, bệnh ác tính... Do vậy, bảo đảm đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị luôn là áp lực rất lớn cho ngành y tế, lượng máu tiếp nhận được tại nước ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu điều trị. Sự kiện hiến máu như "Blouse trắng, trái tim hồng" này đã góp phần rất lớn cho ngành y tế, cho người bệnh.
Chương trình "Blouse trắng, trái tim hồng" được phát động ngay từ đầu năm và đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của đông đảo cán bộ y tế. Mỗi người bệnh nhận máu từ những người Thầy thuốc là sự động viên tinh thần rất lớn cho họ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị CĐYTVN nghiên cứu khen thưởng, động viên, biểu dương những đoàn viên, người lao động làm tốt công tác hiến máu tình nguyện, góp phần cổ vũ, động viên những người tình nguyện và đưa phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN cho biết, chương trình hiến máu do chính các thầy thuốc thực hiện sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Trong các công việc hàng ngày, chính những cán bộ y tế - những người trực tiếp công tác trong ngành y, nhiều lần chứng kiến bệnh nhân nếu không được tiếp máu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nghĩa cử hiến máu vì người bệnh của những y bác sĩ thể hiện rõ nhất việc thực hiện lời dạy của Bác " lương y như từ mẫu". (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
Chùm ca sốt ở học sinh 2 trường tại Bình Thạnh: Khả năng cao do siêu vi
Các chuyên gia Nhi khoa nhận định, nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là nhiễm siêu vi hô hấp thường gặp ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ, tự khỏi và không cần nhập viện.
Ngày 28-2, Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua có ghi nhận một số học sinh nghỉ bệnh tăng cao bất thường tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đến làm việc với nhà trường, tiến hành điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh.
Qua điều tra, tổ công tác ghi nhận số học sinh nghỉ học vì bệnh cũng như số học sinh xuống phòng y tế của 2 trường này để khám vì có triệu chứng sốt, mệt tăng nhanh đột biến trong các ngày 22, 23 và 24-2 (số học sinh có triệu chứng bệnh trong 3 ngày tại Trường THCS Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại Trường THCS Lam Sơn lần lượt là 5, 84, 17 học sinh); tổng số trẻ mắc bệnh trong giai đoạn này chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường.
Triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10-15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, Trạm Y tế Phường 2 và Phường 26 (quận Bình Thạnh) đã lập tức lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên cho 18 trường hợp để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả tất cả đều âm tính với Covid-19.
Bên cạnh đó, do cả 2 trường đều có cùng nguồn cung cấp thức ăn và nước uống nên cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh đến từ thực phẩm, nước uống; Trung tâm Y tế đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (ATTP) kiểm tra tại 2 đơn vị cung cấp thực phẩm và nước uống ghi nhận các đơn vị đều thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở Y tế đã chỉ đạo các bác sĩ Nhi khoa có nhiều kinh nghiệm (thuộc các Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Nhi đồng Thành phố) do bác sĩ Trương Hữu Khanh làm trưởng nhóm đến các trường này để khám và chẩn đoán lâm sàng cho các học sinh còn triệu chứng.
Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nhanh cúm A/B âm tính (thực hiện cho 26 trẻ có triệu chứng), các chuyên gia Nhi khoa nhận định, nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là nhiễm siêu vi hô hấp thường gặp ở trẻ em, đây là căn bệnh do các tác nhân virus hay gây bệnh ở trẻ em như rhinovirus, adenovirus, coronavirus,… gây ra, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện.
Thực tế, các học sinh ở cả 2 trường đã tự khỏi và không ghi nhận trường hợp cần nhập viện điều trị do tình trạng nặng.
Ngoài ra, tổ công tác cũng ghi nhận có hiện tượng một số học sinh nghỉ học do cá nhân các em hoặc phụ huynh quá lo lắng, đây là “hiệu ứng đám đông”. Sở Y tế đã yêu cầu Trạm y tế phường hướng dẫn nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác đến phụ huynh, học sinh và truyền thông khuyến cáo học sinh rửa tay thường xuyên, ăn sạch uống sạch, đeo khẩu trang khi bị bệnh để không lây lan các bệnh truyền nhiễm trong trường học; yêu cầu Trung tâm Y tế Quận Bình Thạnh cùng Trạm y tế tiếp tục theo dõi tình hình bệnh tại 2 trường trong những ngày tiếp theo để kịp thời có hướng xử lý phù hợp. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Thanh niên, trang 5).