Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: 13,4% hộ gia đình không phun thuốc diệt muỗi; Vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực: Bác sĩ phẫu thuật làm đúng!; Thuốc ung thư giả rất khó "lọt" vào bệnh viện; Vụ VN Pharma: Đồng phạm kháng cáo, nộp lại 1,2 tỷ đồng tiền bất chính; Hà Nội vẫn còn nguy cơ bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết; ...

 

Hà Nội: 13,4% hộ gia đình không phun thuốc diệt muỗi

Theo báo cáo của các sở ngành, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đã bước đầu được kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 18.862 ca sốt xuất huyết, trong đó 07 bệnh nhân tử vong; số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện 2.519 (chiếm 14,4%). Toàn Thành phố có 2.112 ổ dịch nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 1.468 ổ dịch được khống chế, chiếm 69,5%. Hầu hết các ổ dịch có quy mô nhỏ, cụ thể: 1.689 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, chiếm 80%; 316 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân, chiếm 15%; chỉ có 107 ổ dịch có từ 6 bệnh nhân trở lên, chiếm 5%.

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức; 100% xã, phường đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết (tổng số có 26.038 đội xung kích, 63.119 người tham gia; 4.638 tổ giám sát, 10.095 người tham gia). Tổ chức xử lý 2.112 ổ dịch; 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và hơn 1.000 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Từ ngày 12-8 đến hết ngày 20-8 các đội xung kích đã kiểm tra được 1.346.189 hộ trên tổng số 1.838.906 hộ (đạt tỷ lệ 73%), kiểm tra tổng số 2.754.108 dụng cụ chứa nước, đã xử lý 400.876 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 44.575 con cá.

Các lực lượng chức năng đã phun thuốc diệt muỗi được 86,7% số hộ gia đình (24.110 hộ trên tổng số 27.815 hộ được khoanh vùng), còn 13,4% hộ gia đình không phun (trong đó số hộ vắng nhà là chiếm tỷ lệ 9,6 %; số hộ không đồng ý phun chiếm tỷ lệ 3,7%).

Trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Do vậy, cần triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, không để phát sinh ca mắc mới, không để vùng dịch lan rộng; đồng thời tích cực điều trị cho số bệnh nhân đang bị nhiễm.

Trước chiều hướng gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, UBND Thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên toàn địa bàn Thành phố để quán triệt, chỉ đạo các đồng chí giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố và Bộ Y tế đến từng đơn vị, tổ dân phố, từng người dân trên địa bàn (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Thuốc ung thư giả rất khó "lọt" vào bệnh viện

Những ngày qua, vấn đề thuốc điều trị ung thư đang được dư luận rất quan tâm sau vụ VN Pharma nhập lậu hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital. Đến thời điểm này, đại diện Bệnh viện K Trung ương cũng như Bệnh viện Ung bướu Hà Nội (bệnh viện đầu ngành về ung thư của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) đều khẳng định chưa từng sử dụng thuốc này.

 Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan cấp phép

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, vấn đề kiểm soát thuốc chữa bệnh, từ chất lượng thuốc, giá cả đến kê đơn thuốc luôn được bệnh viện rất chú trọng. Tuy vậy, với các cơ sở khám chữa bệnh, để đảm bảo được chất lượng thuốc đến tay người bệnh, biện pháp quan trọng nhất là phải thực hiện tốt việc đấu thầu thuốc hoặc tổ chức lựa chọn, nhập về các loại thuốc đã trúng thầu qua đấu thầu tập trung ở Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.

Trong đó, việc đấu thầu thuốc phải đảm bảo được thực hiện nghiêm túc, chỉ các loại thuốc đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp visa (thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) mới được tham gia dự thầu, có nghĩa là trước khi được tham gia đấu thầu để cung ứng vào các bệnh viện thì tất cả loại thuốc đều đã được thẩm định về chất lượng bởi các cơ quan cấp phép, kiểm nghiệm. Nói cách khác, trách nhiệm đầu tiên nếu không may để “lọt” lô thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không đạt điều kiện cung ứng vào các bệnh viện phải thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, thẩm định, tổ chức đấu thầu. 

“Ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức một đội dược lâm sàng gồm 6 dược sĩ, hàng ngày theo dõi, ghi nhận hiệu quả điều trị của các loại thuốc, những phản ứng, tác dụng phụ của thuốc. Từ đó, nếu phát hiện có vấn đề gì sẽ báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền và phản ánh đến công ty dược cung ứng loại thuốc đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh” - ông Trần Đăng Khoa cho biết.

Từ thực tiễn điều trị, PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, ở bệnh viện nào bộ phận dược lâm sàng làm tốt vai trò của mình thì chất lượng thuốc đến với người bệnh sẽ được đảm bảo tốt. Qua theo dõi hàng năm của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tỷ lệ thuốc vào bệnh viện có vấn đề rất ít gặp. “Dù vậy, bệnh viện chỉ là nơi sử dụng thuốc chứ không đủ khả năng để đánh giá được chất lượng thuốc hay lô thuốc nào là thuốc kém chất lượng. Để xác định chính xác được loại thuốc giả hay kém chất lượng ngoài căn cứ trên hồ sơ giấy tờ thì bắt buộc phải qua kiểm nghiệm” - PGS. TS Trần Đăng Khoa chia sẻ. 

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng khẳng định, đến thời điểm này, chưa có một loại thuốc nào của Công ty CP VN Pharma trúng thầu vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và bệnh viện này cũng chưa từng sử dụng loại thuốc điều trị ung thư H-Capital của VN Pharma.

Thuốc vào bệnh viện phải qua nhiều "hàng rào"

Cũng liên quan đến vụ VN Pharma nhập lậu hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital, lãnh đạo Bệnh viện K Trung ương cho biết, thuốc H-Capita chưa từng trúng thầu và chưa bao giờ được sử dụng tại Bệnh viện K. Đại diện Bệnh viện K nhấn mạnh, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm “thuốc giả” và “thuốc nhập lậu” (hay còn gọi là thuốc không đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, lưu hành). Cụ thể, thuốc nhập lậu không nhất thiết là thuốc giả và ngược lại thuốc giả không nhất thiết là do nhập lậu. Để khẳng định thuốc là giả, cần có kết luận kiểm nghiệm thành phần thuốc của cơ quan có thẩm quyền.

Về vấn đề này, theo PGS Phạm Duy Hiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện K Trung ương, nạn thuốc giả nói chung, kể cả thuốc điều trị ung thư giả không phải bây giờ mới gặp mà vẫn luôn tồn tại. Song để các loại thuốc giả này được đưa ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt được cung cấp vào các bệnh viện là rất khó bởi muốn được cung cấp vào bệnh viện thì phải qua một hội đồng khoa học của bệnh viện và qua hàng rào của các bác sĩ chuyên gia chấm thầu.

Theo quy định về đấu thầu thuốc, các loại thuốc tham gia đấu thầu sẽ được phân chia thành 5 nhóm. Cũng theo quy định, trong cùng một nhóm đấu thầu, nếu cùng một loại thuốc, cùng một hoạt chất thì thuốc của doanh nghiệp cung ứng nào có giá rẻ nhất sẽ trúng thầu.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đăng Khoa cho biết, hiện tại, bệnh viện đang sử dụng hàng nghìn loại thuốc khác nhau, có cả những loại biệt dược, thuốc được sản xuất ở các nước tiên tiến cũng như thuốc sản xuất trong nước. “Quan điểm của tôi là phải điều trị cho người bệnh bằng loại thuốc tốt nhất và đương nhiên thuốc tốt nhất thì thường là thuốc đắt tiền” - PGS. TS Trần Đăng Khoa nói (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Vụ VN Pharma: Đồng phạm kháng cáo, nộp lại 1,2 tỷ đồng tiền bất chính

Ngày 31/8, bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TPHCM xác nhận, sau phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Cty VN Pharma, có 3 trong 9 bị cáo đã làm đơn kháng cáo.

Trong đơn kháng cáo, ông Võ Mạnh Cường cho rằng, mình chỉ đóng vai trò là người môi giới, không biết VN Pharma ký hợp đồng mua bán thuốc thông qua Cty Austin Hồng Kông trong khi công ty này đã ngưng hoạt động. “Tôi cũng không biết VN Pharma sử dụng con dấu giả, giấy tờ giả”- ông Cường viết trong đơn và khẳng định: “Không hề biết số thuốc H- Capita 500mg là thuốc thật hay giả”. Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ VN Phrama, Võ Mạnh Cường bị quy kết là đồng chủ mưu vụ án và bị tuyên phạt 12 năm tù, tội “Buôn lậu”.

Cơ quan điều tra xác định qua phi vụ trên, ông Võ Mạnh Cường hưởng lợi bất chính gần 2,1 tỷ đồng. Trong lúc Cơ quan An ninh Điều tra đang điều tra vụ án VN Pharma, ông Cường có đơn tự nguyện và đã nộp lại 1,2 tỷ đồng. Số tiền này đang ở tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TPHCM- người bảo vệ cho ông Cường đã yêu cầu VKSND Tối cao, Bộ Công an, TAND Tối cao, đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhằm làm rõ một số nội dung liên quan tới thân chủ của mình. Theo luật sư Phan Trung Hoài, ông Võ Mạnh Cường không biết lô hàng 9.300 hộp H-Capita không phải xuất xứ từ Canada và không biết các giấy chứng nhận FSC, GMP là giả mạo. Vì vậy, ông Hoài yêu cầu cần điều tra, làm rõ người thực hiện hành vi giả mạo các giấy tờ nêu trên cùng chứng thực hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.

Đặt vấn đề có sai phạm tố tụng, ông Hoài cho rằng thành phần Hội đồng giám định chất lượng thuốc có các thành viên thuộc Cục Quản lý Dược trong khi chính Cục Quản lý dược này lại là nơi thẩm định và cấp phép nhập khẩu. Cũng theo luật sư Hoài tại thời điểm VN Pharma nhập 9.300 hộp H-Capita sau khi Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu, đồng thời nếu theo kết luận của Hội đồng giám định thì chất lượng thuốc H-Capita chưa đạt tiêu chuẩn theo thẩm định và phê duyệt của cục này, nên cần xem xét lại việc truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về hành vi buôn lậu.

Ai phát hiện ra H-Capita là giả?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong hồ sơ vụ án có hai giấy kiểm định về thuốc H-Capita do Cty VN Pharma phân phối. “Khi thuốc này tham gia đấu thầu thì bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã chủ động yêu cầu Cục Quản lí dược kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả lần kiểm nghiệm này cho kết quả hoạt chất thuốc ung thư là 98.1%”- bà Ung Thị Xuân Hương- Chánh án TAND TPHCM nói. Tuy nhiên, đến khi phát hiện vụ buôn lậu, công an vào cuộc và lấy mẫu đi kiểm nghiệm thì giấy kiểm nghiệm thứ 2 ghi là “hoạt chất chống ung thư là 97%”.

Theo Cơ quan An ninh Điều tra, việc không xử lý các công chức Cục Quản lý Dược, những người nằm trong tổ thẩm định cấp phép thuốc H- Capita là cục này  nghi ngờ nguồn gốc thuốc và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Về tình tiết Cục Quản lý Dược “có công” khi nghi ngờ nguồn gốc thuốc, tại phiên tòa sơ thẩm vụ VN Phrma, chính ông Nguyễn Minh Hùng trả lời hội đồng xét xử rằng: “Chính bị cáo đã chủ động gửi mẫu thuốc ra Cục Quản lý Dược đề nghị kiểm nghiệm”. “Bị cáo là người chủ động làm sáng tỏ lô thuốc H-Capita giả hay thật, vì bị cáo đã chủ động gửi mẫu cho Cục Quản lý Dược” - ông Hùng công khai tại phiên tòa.

Như vậy, việc phát hiện ra lô thuốc H- Capita giả là một trong những tình tiết mà các công chức Cục Quản lý Dược thoát truy cứu hình sự. Trong khi đó, công khai tại tòa thì “công” làm rõ lại là của ông Hùng. Vậy thật sự ai là người có công phát hiện ra lô thuốc H-Capita giả? (Tiền phong, trang 4).

 

Hà Nội vẫn còn nguy cơ bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết

Chiều 31.8 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh SXH đã có cuộc họp đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết tuần qua thành phố ghi nhận 2.912 ca bệnh SXH, giảm 18% so với tuần trước đó; riêng đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết số bệnh nhân SXH đến khám hiện đã giảm khoảng 50% so với 2 - 3 tuần trước. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số ca mắc SXH tại Hà Nội có xu hướng giảm nhưng vẫn có 11 quận, huyện có số ca SXH chiếm 90% số bệnh nhân toàn thành phố. Các giám sát cũng cho thấy khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả và vẫn còn 20% số gia đình có ổ bọ gậy.

TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, khuyến cáo Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh dịch SXH do thời tiết hiện rất thuận lợi cho muỗi sinh sản và bọ gậy phát triển. Mật độ muỗi có xu hướng tăng trở lại sau 1 tuần thực hiện chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy (Thanh niên, trang 2).

 

Số người mắc sốt xuất huyết chỉ giảm nhẹ

Ngày 31-8, Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước đã ghi nhận trên 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 26 ca tử vong, số ca mắc nhập viện tăng 43,5%, tử vong tăng 9 ca so với cùng kỳ 2016. Đáng chú ý, trong tuần cuối cùng của tháng 8, số ca mắc SXH trên toàn quốc đã giảm 11,4% (giảm 7.102 ca) so với tuần trước đó. Còn tại điểm nóng Hà Nội trong tuần qua, số ca mắc SXH cũng bắt đầu có chiều hướng giảm nhẹ với 612 trường hợp so với tuần trước.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 22.290 bệnh nhân mắc SXH và 7 ca tử vong. Đáng chú ý, số mắc SXH ở Hà Nội không chỉ chững lại mà đã có xu hướng giảm ở các quận nội thành như: Hoàng Mai giảm 104 ca, Thanh Xuân giảm 78 ca, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa đều giảm ít nhất 20 ca.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện bình quân mỗi ngày có khoảng 800 bệnh nhân vào khám SXH nhưng trung bình chỉ có khoảng 50 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Nội đã bước đầu được kiểm soát. Toàn thành phố có 2.112 ổ dịch nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 1.468 ổ dịch được khống chế. Hà Nội cũng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch. Các lực lượng chức năng đã phun thuốc diệt muỗi được gần 90% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phun thuốc hóa chất tại một số khu vực chưa được thực hiện nghiêm túc. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở ở một số xã, phường, thị trấn chưa quyết liệt, ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch. Tỷ lệ phun hóa chất tại các trường học, công trường xây dựng, chợ, khu vực công cộng mới đạt 65%. Đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả, nhiều thành viên của đội chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn, phân công phụ trách hộ gia đình chưa rõ hoặc một đội phụ trách quá nhiều hộ gia đình (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực: Bác sĩ phẫu thuật làm đúng!

Sở Y tế TPHCM  đã có thông tin kết luận về vụ thai phụ S.B.T (22 tuổi, ở Cà Mau, tạm trú tại huyện Hóc Môn) tử vong sau khi phẫu thuật đặt túi nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Trước đó, bệnh nhân S.B.T thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Khoảng 10 ngày sau khi làm đẹp, bầu ngực cô gái trẻ bị chảy dịch, có biểu hiện sốc nhiễm trùng nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng nguy kịch.

Tại buổi họp báo sáng 31-8, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, vào ngày 29-8, Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn để xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S.B.T.

Sau khi phân tích hồ sơ bệnh án, nghe các bệnh viện có liên quan báo cáo quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Hội đồng chuyên môn đã kết luận nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.

Hội đồng chuyên môn cũng nhận định, Bệnh viện Hóc Môn tiếp nhận ban đầu bệnh nhân đến khám vì mệt, khó thở sau uống 1 viên kháng sinh Zinnat đã xác định tình trạng bệnh nhân nặng, xử trí và chuyển viện kịp thời. Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận, chẩn đoán đúng, xử trí tích cực nhưng bệnh diễn tiến nặng, không đáp ứng điều trị.

Về BS Lê Tấn Hùng - người trực tiếp thực hiện phẫu thuật, bà Mai cho biết, phẫu thuật viên không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực, tuy nhiên đã không phát hiện bệnh nhân có thai mặc dù trong quá trình khai thác bệnh sử, khám thấy ngực hơi căng, bác sĩ có hỏi nhưng cả người bệnh và người nhà đều khẳng định bệnh nhân chưa có chồng, kinh nguyệt đều và sắp đến ngày có kinh nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai của người bệnh.

Cũng theo bà Mai, BS Lê Tấn Hùng được Sở Y tế TPHCM cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 617 ngày 8-11-2013 với Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại địa chỉ 547A đường 3/2 (phường 8, quận 10) với phạm vi hoạt động chuyên môn: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai.

“Ông Hùng có hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh từ năm 2014 đến năm 2017. Như vậy, ông Hùng chỉ không được phép phẫu thuật thẩm mỹ tại phòng khám, nhưng thực hiện phẫu thuật này tại bệnh viện là không sai” – Bà Mai thông tin.

Sau vụ việc này,  Sở Y tế TPHCM yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình liên quan đến phẫu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật. Hội Phẫu thuật thẩm mỹ định kỳ phổ biến rút kinh nghiệm cho các hội viên về những sai sót chuyên môn để tránh lặp lại và phổ biến các quy định của pháp luật. Các bệnh viện tăng cường triển khai và giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh theo các khuyến cáo của Sở Y tế đã ban hành (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang