Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Giá thuốc vẫn “loạn”; Thành phố Hồ Chí Minh: Người không có bảo hiểm y tế “méo mặt” vì tăng viện phí; Thịt lợn “trầm cảm”; Tiêu hủy toàn bộ, dừng hoạt động cơ sở giết mổ; ..

 

Giá thuốc vẫn “loạn”

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, trong đó có yêu cầu về việc các cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Tuy nhiên, sau 3 tháng có hiệu lực (bắt đầu từ 1-7), thị trường dược phẩm ở TPHCM vẫn còn tình trạng “mỗi nơi một giá”.

Trông mặt bắt… giá

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1-7, lợi nhuận bán lẻ thuốc không quá 2% - 15%. Giá thuốc bán lẻ tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải bán theo cách tính cụ thể. Tuy nhiên, dù 3 tháng đã trôi qua kể từ khi Nghị định 54 có hiệu lực, giá thuốc trên thị trường vẫn “loạn”, nhiều bệnh nhân vẫn đang khổ sở vì phải mua thuốc điều trị với mức giá cao. Điều đáng nói là trong cùng một chủng loại, một nhà sản xuất và trên cùng một địa bàn, giá thuốc ở mỗi đơn vị lại tính giá khác nhau.

Tại cửa hàng thuốc tư nhân Đăng Nguyên (quận 12, TPHCM), thuốc Kaciflox do Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa sản xuất có giá bán lẻ 26.800 đồng/viên; còn tại nhà thuốc trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), loại thuốc này có giá 26.000 đồng/viên. Trong khi đó, theo kê khai giá thuốc nhập khẩu tại Cục Quản lý dược ngày 14-7, thuốc này chỉ có giá 25.000 đồng/viên. Một loại thuốc khác là Vasartim Plus 160:25 có giá bán lẻ 10.500 đồng/viên, trong khi giá kê khai là 7.500 đồng/viên. Thuốc nước Ho bổ phế 125ml của Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Nghệ An có giá 30.000 đồng/l, trong khi giá kê khai của Cục Quản lý dược là 17.500 đồng/lọ.

Tại một nhà thuốc khác trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), thuốc Doroxim 500mg bán với giá 7.500 đồng/viên, chênh lệch 1.020 đồng/viên so với giá của Bộ Y tế (6.580 đồng/viên). Thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm là Dofoscar (chứa hoạt chất calcitriol 0,25mcg) có giá bán lẻ là 38.000 đồng/vỉ, trong khi giá của Bộ Y tế là 35.000 đồng/vỉ.

Không chỉ tại các nhà thuốc ở khu dân cư mới có sự khác thường về giá như vậy, giá thuốc còn “nhảy múa” chóng mặt tại các nhà thuốc gần bệnh viện.

Cụ thể, khi phóng viên hỏi mua thuốc Ravonol ở một hiệu thuốc nằm trên đường Nơ Trang Long gần Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhân viên nhà thuốc báo giá 6.000 đồng/viên - cao gấp 3 lần so với cửa hàng khác trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) bán giá 2.000 đồng/viên. Trong khi đó, giá kê khai tại Bộ Y tế thì chưa đến 1.000 đồng/viên. Nhân viên bán hàng khẳng định thuốc có giá cao hơn vì đó là thuốc nhập ngoại, trong khi thuốc này được sản xuất tại Công ty cổ phẩn Dược phẩm Trường Thọ (Hà Nội). 

Người bệnh thiệt đủ đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mức chi tiêu cho chữa bệnh của người Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới (khoảng 43%) và chi phí cho tiền thuốc chiếm đến 60% trong số tổng chi phí khám chữa bệnh. Vấn đề loạn giá thuốc đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, khiến người bệnh luôn là người phải chịu nhiều thiệt thòi.

Mặc dù quy định về việc bắt buộc niêm yết giá tại cửa hàng thuốc đã có từ lâu, nhưng theo Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TPHCM, từ trước đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện theo Thông tư 15 của Bộ Y tế. Tức là mua thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2% - 15%. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường, dẫn đến tình trạng mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau. 

Để hạn chế việc “kê khai” tùy ý, mỗi nơi một giá, theo dược sĩ  Đỗ Văn Dũng, sắp tới ngành y tế TPHCM sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược thực hiện đầy đủ quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh…

“Chính phủ và ngành y tế quyết liệt “làm sạch” thị trường dược phẩm bằng các biện pháp quản lý. Người dân cần góp sức với việc lên án, tẩy chay những hành vi móc túi người bệnh bằng cách đẩy giá thuốc, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế của mình, vừa giúp Nghị định 54 được thi hành triệt để”, ông Dũng nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Thành phố Hồ Chí Minh: Người không có bảo hiểm y tế “méo mặt” vì tăng viện phí

Ngày 2.10, nhiều người dân không có bảo hiểm y tế (BHYT) đến khám bệnh tại các bệnh viện công lập ở TPHCM đã bất ngờ vì giá viện phí mới cao hơn hẳn so với trước đây, nhất là giá giường bệnh. Theo lộ trình tăng viện phí, bắt đầu từ ngày 1.10, những bệnh viện công lập chưa tự chủ tài chính của TPHCM sẽ áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế đối với người không có BHYT.

Đến bệnh viện mới “ngã ngửa” vì tăng giá

Đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Lan (ở huyện Củ Chi, TPHCM) bất ngờ vì giá khám và siêu âm cao hơn lần khám trước: “Tôi không biết thông tin tăng giá viện phí cho đến khi đi đóng tiền và đọc thông báo của bệnh viện. Thấy chi phí tăng lên kha khá. Do lần trước đi siêu âm đóng 200.000 đồng mà giờ lên 260.000 đồng”.

Đối với các bệnh nhân điều trị ung thư, một số phương pháp điều trị đặc biệt có chi phí rất cao, ví dụ như xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng, xạ phẫu bằng Gamma Knife hơn 28 triệu đồng, xạ trị bằng X Knife hơn 28 triệu đồng… Nếu không có BHYT thanh toán, số tiền này đối với người dân là một chi phí quá lớn. Thậm chí, nhiều người kinh tế không vững sẽ khó mà trả nổi.

Tại các bệnh viện tuyến quận - huyện, nhiều bệnh nhân cũng không hề biết giá viện phí sẽ tăng từ ngày 1.10 đối với người không có BHYT. Hầu hết, các bệnh viện đã dán thông báo và niêm yết giá các danh mục khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, giá xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại các khoa khám bệnh. Nhưng theo bệnh nhân thì họ chỉ… mới dán.

Đang ngồi đợi khám tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, anh Ngô Đào Hoài Tấn (ở quận 8, TPHCM) cho biết, giá khám bệnh của anh là 31.000 đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, mua thuốc: “Tôi cũng không để ý lắm về giá khám bệnh, chỉ biết bệnh viện tăng viện phí vì thấy có dán thông báo. Chắc sẽ tăng đáng kể, đó là thiệt thòi của người không có BHYT. Mình đành chịu”.

Anh Tấn cho biết, trước đó, anh có tham gia BHYT khi còn là sinh viên. Tuy nhiên, thời gian anh ra trường và đợi có việc làm, anh không tham gia BHYT nữa và nghĩ là sẽ tiếp tục tham gia khi làm việc cho một Cty nào đó. Đúng lúc đợi, thì anh thấy sức khỏe hơi bất thường và cần đi khám bệnh.

Tại Bệnh viện quận 9, chị Đặng Thanh Đào (ở quận 9, TPHCM) tỏ ra lo lắng: “Mẹ tôi bị ngất xỉu vì suy nhược cơ thể, phải đưa gấp vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình chưa kịp mua BHYT cho bà thì bà đột ngột đổ bệnh. Tôi hơi lo lắng, vì nếu bệnh sơ sơ nằm vài ba ngày thì đỡ chứ bệnh nặng, phải điều trị lâu dài thì sẽ rất tốn kém”.

Sau khi đọc bảng thông báo tăng viện phí, anh Nguyễn Văn Liêm (ở quận 9, TPHCM) đang đi khám bệnh tỏ ra bức xúc: “Không thấy bênh viện dán thông báo trước. Lẽ ra phải báo trước ngày nào tăng viện phí để người dân biết. Hoặc là nhà nước phải thông báo cho người dân trên điện thoại chứ đến nơi mới biết tăng giá thì không lẽ… đi về”. Anh Liêm cho rằng mình “quá xui” vì BHYT Cty vừa hết hạn, đang chờ cấp mới. Trong khi đó, anh cần đi khám sớm để xin giấy chuyển viện lên tuyến trên mổ khối u. Nếu biết thông tin giá viện phí tăng đối với người không có thẻ bảo hiểm anh sẽ chờ cấp BHYT mới rồi mới đi khám.

Có “dọa” được người không có BHYT?

Tính đến ngày 1.10, tại tất cả các bệnh viện công lập tuyến quận, huyện, bệnh viện trực thuộc TPHCM, người đi khám, chữa bệnh không có BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh. Cụ thể, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của TPHCM đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Đáng chú ý, ngoài giá viện phí, chi phí giường bệnh cũng tăng cao từ 50.000 đồng lên đến hơn 150.000 đồng/giường/ngày. Một số phẫu thuật thường quy cũng tăng cao như phẫu thuật lấy thai lần đầu chỉ đóng 2 triệu đồng thì nay tăng lên hơn 2,6 triệu đồng; phẫu thuật tim các loại tăng số tiền đóng từ 7 triệu đồng lên hơn 16,5 triệu đồng tại bệnh viện hạng 1. Có thể thấy một điều rõ ràng, chi phí này tác động lớn đối với người dân không có BHYT mà đột ngột đổ bệnh.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM - cho biết, tính tới thời điểm này, TPHCM vẫn còn 20% dân số chưa tham gia BHYT. Đây sẽ là nhóm chịu tác động mạnh nhất của đợt tăng giá viện phí lần này. Theo bà, việc tăng viện phí sẽ “kích thích” được người dân tham gia BHYT. Với giá viện phí mới, không kể gì người nghèo, người có thu nhập cao mà không có BHYT cũng sẽ phải “rát mặt” vì bỏ ra một số tiền lớn khi gặp rủi ro. Mục tiêu của BHXH TPHCM, cuối năm 2017, thành phố phải đạt trên 87% dân số tham gia BHYT và năm 2020, tỉ lệ này phải trên 90%.

Theo bà Huyền, đối với 20% dân số TPHCM chưa tham gia BHYT, có nhiều chính sách để người dân tham gia. Với các nhóm học sinh, sinh viên, người nghèo, người lớn tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp BHYT hoặc hỗ trợ giá. Với người lao động thì bắt buộc Cty phải đóng tiền mua BHYT cho họ. Riêng những người lao động tự do, không có mối quan hệ lao động vẫn có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình. Và nếu người lao động tự do là người nhập cư có thể tham gia BHYT chỉ với giấy đăng ký tạm trú (Lao động, trang 4).

 

Thịt lợn “trầm cảm”

Đó là loại thịt lợn bị tiêm thuốc an thần đang gây sốc cho toàn xã hội. Theo các bác sĩ, với loại thịt này ăn ít thì rối loạn tiêu hóa hoặc lơ mơ buồn ngủ, ăn nhiều và lâu dài sẽ bị trầm cảm thậm chí bị mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu…Nguy hiểm, âm thầm “giết người không dao” như vậy, ấy thế mà lò mổ Xuyên Á lớn nhất TPHCM, nơi cung cấp 50% lượng thịt lợn cho thành phố 10 triệu dân, lại bơm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ. Mỗi đêm, trung bình lò mổ này giết mổ 5.000 con, vào đêm 28/9 vừa qua lực lượng cảnh sát môi trường của Bộ Công an sau cả tháng trời mật phục đã bắt quả tang gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc đang ngủ li bì chờ “hóa kiếp”. Một câu hỏi giật mình đặt ra, lò mổ này đã tiêm thuốc an thần vào lợn từ bao giờ? Có bao nhiêu người dân TPHCM đã xơi phải loại thịt lợn độc hại này, trong bao lâu? Thiệt hại về sức khỏe ai đền bù, ai chịu trách nhiệm?

Mức độ vi phạm nghiêm trọng như vậy, tiêm hóa chất độc hại vào một nửa số lượng thịt lợn tiêu thụ của cả thành phố 10 triệu dân, đầu độc người tiêu dùng dã man là thế, nhưng mức phạt chỉ nhẹ như lông hồng: 30-35 triệu đồng mỗi trường hợp, lại còn “ưu ái” cho nuôi nhốt gần 4.000 con lợn đang ngủ li bì để chờ thải thuốc. Nhẹ tới mức, Trưởng Ban quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan ví như “gãi ngứa”, “không bõ công cảnh sát mật phục cả tháng trời”! Trước kiến nghị quyết liệt của bà tân trưởng Ban, hôm qua UBND TPHCM đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ số lợn nói trên.

Đáng chú ý, TPHCM là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước hợp nhất chức năng của 3 sở, theo luật ATTP, vào một Ban quản lý ATTP  duy nhất từ mấy tháng nay để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như thực tế bấy lâu nay. Thế nhưng, qua sự việc nêu trên, vẫn thấy một “lỗ hổng” to tướng chưa được lấp, đó là việc quản lý giết mổ vẫn thuộc Sở NN&PTNT (Chi cục Thú y), 17 cán bộ thú y liên quan đang phải giải trình về vụ việc. Chẳng lẽ, có tới 4.000 con lợn bị tiêm thuốc mà lực lượng thú y không hề hay biết, họ bị “bịt mắt” bằng cách nào vậy?

Chỉ tính riêng miếng thịt lợn, đã hứng chịu đủ loại hóa chất do những kẻ kinh doanh bất lương đưa vào. Từ thuốc tăng trọng tới chất tạo nạc, kháng sinh…, nay lại tới thuốc an thần. Nỗi bất an, nguy cơ bị đầu độc từ chính mâm cơm mỗi gia đình thật ám ảnh. Nếu không trừng trị nghiêm tới mức những kẻ bất lương không dám hoặc không còn cơ hội tái phạm về ATTP, nếu không truy trách nhiệm đến cùng các cán bộ thú y liên quan vụ việc chấn động này, vấn nạn ATTP tại thành phố 10 triệu dân nói riêng và cả nước nói chung vẫn nhức nhối khôn nguôi.

Thịt lợn gây… trầm cảm, chuyện tưởng như đùa mà có thật. Có bao nhiêu cán bộ làm công tác ATTP đang làm ngơ, đang “trầm cảm” trước vấn nạn nhức nhối này? (Tiền phong, trang 1).

 

Tiêu hủy toàn bộ, dừng hoạt động cơ sở giết mổ

Sáng 2.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký công văn khẩn gửi Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở NN-PTNT, Ban An toàn thực phẩm (ATTP), Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TP.HCM, chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (H.Củ Chi) vào đêm 28.9. Căn cứ quy định Nhà nước và yêu cầu đảm bảo sức khỏe người dân thành phố, UBND TP.HCM yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ heo xác định bị tiêm thuốc an thần, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ, vì không đảm bảo ATTP, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.

Yêu cầu Sở NN-PTNT và Ban ATTP TP.HCM công khai danh sách 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của TP.HCM.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Sở Công thương có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động (Thanh niên, trang 3).

 

Cách chức một phó Trưởng khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định

Chiều 2/10, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã thống nhất đưa ra hình thức xử lý vi phạm đối với bác sĩ Nguyễn Minh Toàn, Phó Trưởng Khoa Nội - Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Trước đó, năm 2010, ông Nguyễn Minh Toàn, khi đó đã là Phó Trưởng Khoa Nội - Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đã bị Sở Y tế Bình Định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do “vi phạm tư cách, phẩm chất của cán bộ, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của ngành”.

Hình thức kỷ luật này được đưa ra sau khi ông Toàn bị cha của một nữ điều dưỡng Khoa Nội - Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Bình Định tố cáo ông Toàn nhắn hơn 30 tin nhắn với nội dung “gạ tình” con ông. Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã thanh tra vụ việc và ông Toàn thừa nhận hành vi sai phạm (Thanh niên, trang 5).

 

Hà Nội: Sốt xuất huyết giảm tuần thứ 7 liên tiếp, bệnh tay chân miệng đang tăng

Ngày 2-10, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ 25-9 đến 1-10), toàn thành phố ghi nhận 1.228 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 376 ca so với tuần trước đó và là tuần thứ 7 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới SXH giảm. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, so với tuần cao điểm (từ 6-8 đến 13-8) thì số ca mắc SXH ghi nhận tại Hà Nội trong tuần qua giảm mạnh tới 2.341 trường hợp. Hầu hết các quận/huyện đều có số ca mắc mới SXH giảm. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 31.572 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Hiện có 30.472 bệnh nhân đã khỏi (chiếm 96,5%), chỉ còn 1.100 bệnh nhân SXH vẫn đang điều trị tại các bệnh viện. 93% số ổ dịch trên địa bàn thành phố đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới), chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 31.572 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Hiện có 30.472 bệnh nhân đã khỏi (chiếm 96,5%), chỉ còn 1.100 bệnh nhân SXH vẫn đang điều trị tại các bệnh viện. 93% số ổ dịch trên địa bàn thành phố đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới), chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động.

Trong khi dịch SXH tiếp tục giảm thì trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 89 trường hợp mắc tay chân miệng. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh tay chân miệng tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trong 2 tuần gần đây, đặc biệt trong các nhà trẻ mẫu giáo.

Cũng trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh), 3 trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Khắc phục lạm dụng Quỹ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế: Vẫn thiếu giải pháp hữu hiệu

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2017, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ bội chi khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới bội chi quỹ vẫn diễn ra, đòi hỏi Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các cơ quan liên quan phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi cho khám, chữa bệnh hơn 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017. Tới tháng 9-2017, có địa phương đã sử dụng tới 90% Quỹ khám, chữa bệnh BHYT của cả năm. Cả nước chỉ có 4 tỉnh, thành phố có khả năng cân đối được quỹ là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Đây là những địa phương có số người tham gia BHYT cao, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tốt. Theo bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới tình trạng bội chi, trước hết là do liên quan tới chính sách như: Việc thông tuyến khám, chữa bệnh; tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC và việc chưa phân hạng bệnh viện tư nhân, khiến các bệnh viện đồng loạt xuống hạng để được khám, chữa bệnh thông tuyến… Từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông dữ liệu với các cơ sở khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã ghi nhận và công bố nhiều biểu hiện lạm dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm, hệ thống đã từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ, chiếm tỷ lệ 17,3% tổng số hồ sơ đề nghị. Ngoài lý do mang tính kỹ thuật (một lượng lớn hồ sơ bị từ chối là vì nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc chuẩn hóa thông tin danh mục thuốc, dịch vụ và vật tư y tế), nhiều biểu hiện lạm dụng quỹ đã được phát hiện. 

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, hệ thống đã phát hiện những vấn đề bất thường: Một người sử dụng thẻ BHYT đi khám nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong nhiều tháng; các cơ sở khám, chữa bệnh đưa ra những chỉ định quá mức cần thiết, kéo dài ngày nằm viện, chia nhỏ các dịch vụ trong quy trình phẫu thuật để nhận thanh toán thêm; thanh toán thuốc, vật tư y tế đã kết cấu trong giá phẫu thuật… Hệ thống cũng cho thấy, một số cơ sở y tế trong một quý sử dụng hàng tỷ đồng tiền thuốc bổ trợ và đa số bệnh nhân được chỉ định những thuốc này khi tới khám. Đặc biệt, không hiếm nơi có bác sĩ khám cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, thời gian mỗi ca khám chỉ vài ba phút, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT.

Sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn

Những thông tin về tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT liên tục diễn ra, khiến dư luận băn khoăn: Liệu có phải các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng trên vẫn chưa đủ mạnh? Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT khẳng định, sau khi BHXH Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp, nhất là nhờ công tác kiểm tra và ứng dụng phần mềm giám sát, việc kiểm soát Quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã có những chuyển biến tích cực, chi phí đã giảm phần nào. “Qua thống kê, chi phí khám, chữa bệnh BHYT những tháng vừa qua không tăng nhiều, chỉ từ 3 đến 5%. Trong khi như mọi năm, tỷ lệ này là rất lớn, vì liên quan tới thời gian nghỉ hè. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đã có ý thức tốt hơn” - ông Lê Văn Phúc cho biết thêm.

Mặc dù đã có dấu hiệu đáng mừng, song tình trạng trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT vẫn diễn ra hết sức phức tạp, khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Theo ông Dương Tuấn Đức, điều này xuất phát từ một số bất cập trong cơ chế, chính sách hiện nay. Đó là mặt trái của chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, khiến các cơ sở tìm mọi cách lôi kéo bệnh nhân; rồi việc duy trì chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo phí dịch vụ, các cơ sở y tế dễ lạm dụng theo hướng càng tăng thêm chỉ định y tế, càng được chi trả nhiều. Ngoài ra, lỗ hổng cũng đến từ mặt trái của chủ trương xã hội hóa, dẫn đến tình trạng: Cơ sở khám, chữa bệnh bỏ không máy móc do ngân sách đầu tư, chỉ thực hiện bằng máy xã hội hóa để thu được nhiều hơn. Ông Dương Tuấn Đức đề xuất, cần thay thế phương thức thanh toán theo phí dịch vụ bằng các phương thức chi trả theo chẩn đoán, định suất hoặc khoán tổng ngân sách để tăng tính chủ động và tiết kiệm trong sử dụng kinh phí.

Đề cập tới giải pháp mang lại hiệu quả trong kiểm soát tình trạng lạm dụng quỹ, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh tới công tác kiểm tra và sử dụng phần mềm giám sát. Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phát hiện bất thường ở các cơ sở khám, chữa bệnh đã báo ngay cho BHXH các địa phương biết để giám sát. Những bất thường này có thể là điều trị nội trú đối với mã bệnh điều trị ngoại trú, hay kéo dài ngày điều trị. 

Tuy nhiên, có một thực tế, khi xử lý các trường hợp nghi ngờ việc chỉ định lạm dụng quỹ, nhiều bác sĩ không “tâm phục, khẩu phục”, lý giải rằng: “Bác sĩ là người biết rõ nhất phải điều trị thế nào cho phù hợp với bệnh nhân”. Về vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức thừa nhận, các giám định viên của BHXH không thể so sánh được với các y, bác sĩ trong việc chỉ định dịch vụ y tế, kê đơn thuốc. Bởi vậy, Bộ Y tế cần sớm ban hành một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí để làm cơ sở cho việc so sánh, đối chiếu các tiêu chuẩn, định mức trong khám, chữa bệnh BHYT. Thiếu vắng hệ thống này, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT khó có thể được khắc phục (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang