Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy hại từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; Sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa; TP.HCM đã có 13 ca bệnh đậu mùa khỉ…

 

Tôn vinh sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch

Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” phát động cuối năm 2021 là sự tiếp nối thành công của chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” được phát động trong Tháng Công nhân năm 2021, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 14/8/2021.

Chiều 8/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh điển hình sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự lễ tôn vinh còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…

Cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình 1 triệu sáng kiến hết sức có ý nghĩa, kịp thời, đúng hướng, hòa nhập với phong trào thi đua cả cả nước, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động; quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ghi nhận, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công đoàn Việt Nam, của đoàn viên, người lao động cả nước. Sự phát triển và lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn, sức sáng tạo và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân trong tình hình mới, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của giai cấp công nhân trong tiến trình phát triển của đất nước. Công đoàn các cấp cụ thể hóa, quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động công đoàn với mục tiêu vì đoàn viên, vì người lao động. Cán bộ công đoàn chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua vượt khó, phát triển do Thủ tướng Chính phủ phát động trên tinh thần “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.

Đồng thời, phát huy hiệu quả các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, coi đây là động lực khơi nguồn cho sức mạnh trí tuệ, sáng tạo và hiệu quả của người lao động Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững đất nước thông qua việc vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động công đoàn, nhất là hoạt động phát huy sáng kiến, sáng tạo trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí đề nghị các tập thể, cá nhân được tuyên dương tiếp tục cố gắng, trăn trở, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn, xứng đáng là hạt nhân, tấm gương sáng, lan tỏa để mọi người noi theo, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền".

Làm lợi hơn 33 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ: Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” phát động cuối năm 2021 là sự tiếp nối thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” được phát động trong Tháng Công nhân năm 2021, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 14/8/2021.

Chương trình được triển khai vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước chung sức đồng lòng với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời duy trì ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chương trình được xác định là nội dung trọng tâm thi đua chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023). Đây cũng là lần đầu tiên, Tổng Liên đoàn phát động đợt thi đua kéo dài trong 2 năm (2022-2023).

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, đạt mục tiêu 1 triệu sáng kiến, vượt tiến độ trước 332 ngày. Kết thúc chương trình, có hơn 2,4 sáng kiến tham gia, đạt 240% mục tiêu đề ra, với tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Nội dung các sáng kiến tham gia chương trình đa dạng trên các lĩnh vực nhưng đều có điểm chung là đã được công nhận, đánh giá hiệu quả, áp dụng trong thực tiễn. Nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao thể hiện sự cố gắng tìm tòi, không ngừng trăn trở của các tác giả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận: Những kết quả đạt được của chương trình chính là những bông hoa tươi thắm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kết quả đó là sự hội tụ, tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là tinh thần vượt khó, sáng tạo, sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các tác giả sáng kiến.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhiệt liệt biểu dương hơn 2 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động đã gửi sáng kiến tham gia Chương trình; chúc mừng 354 tập thể, cá nhân xuất sắc được Tổng Liên đoàn khen thưởng; đặc biệt là 33 tập thể, 46 tác giả, nhóm tác giả xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị. (Nhân dân, trang 1).

 

Sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa

Việc công nhận và phát huy vai trò của y dược học cổ truyền và nguồn cây thuốc để góp phần chăm sóc sức khỏe người dân là một xu hướng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích ở tất cả các nước. Khoảng 80% số dân toàn cầu đang sử dụng thảo dược và y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ngày nay, cây thuốc không chỉ được dùng trong y học cổ truyền mà còn là nguyên liệu cho công nghiệp dược hiện đại, dùng để chiết xuất các hoạt chất tinh khiết làm nguyên liệu thuốc hoặc phát minh các phân tử mới để sản xuất dược phẩm… Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD và có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Việt Nam là nước có nền y dược học cổ truyền phát triển hàng nghìn năm. Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Kết quả một số cuộc điều tra cho thấy Việt Nam có khoảng 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật.

Đến nay, các đơn vị đã lưu giữ và bảo tồn được 1.531 nguồn gien thuộc 884 loài cây thuốc; đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”, bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo. Hằng năm, lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ước tính khoảng 100 nghìn tấn, với tổng giá trị là hơn 400 triệu USD/năm.

Việt Nam luôn bảo tồn, phát triển nền y dược học cổ truyền, tiến tới xây dựng thành một lĩnh vực kinh tế hiệu quả. Bởi đã từ lâu, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Để dược liệu trở thành một ngành kinh tế, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần triển khai hiệu quả Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển dược liệu Việt Nam đến 2020 và định hướng đến năm 2030. Dược liệu được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Theo Quyết định 1976, cả nước sẽ phát triển tám vùng trồng nguyên liệu để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Ngày 17/3/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xác định là văn bản chỉ đạo cho sự phát triển dược liệu trong nước trong hai thập kỷ tới.

Cũng trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; đã mở ra hướng phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không chỉ bảo tồn cây dược liệu mà còn giúp phát triển kinh tế-xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con.

Trong bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững, rất cần vai trò các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Tại các vùng trồng dược liệu đang nỗ lực mở rộng diện tích, ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, mang thương hiệu quốc gia. (Nhân dân, trang 1).

 

TP.HCM đã có 13 ca bệnh đậu mùa khỉ

Chỉ riêng trong ngày 6.10, TP.HCM phát hiện 4 ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tại các ca bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly, điều trị ổn định.

Ngày 8.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo nhanh tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn cho UBND TP.HCM, trong đó đáng quan tâm là bệnh đậu mùa khỉ.

Theo báo cáo mới nhất này, trong ngày 6.10, TP.HCM phát hiện thêm 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ. Tổng số ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM đến nay là 13 ca (trong đó có 1 ca phát hiện tại Đài Loan vào tháng 7.2023, 2 ca xâm nhập). Hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị ổn định.

Công tác giám sát phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang được ngành y tế TP.HCM tăng cường. (Thanh niên, trang 4).

 

Kiểm soát sử dụng khí cười trong cơ sở y tế

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế, các bệnh viện yêu cầu khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc không sử dụng khí dinitơ monoxide (nitrous oxide - N2O) trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt; tăng cường quản lý việc sử dụng khí N2O tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích.

Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình trạng lạm dụng khí N2O để vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các đơn vị có liên quan, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại VN.

Trước đó, cuối tháng 8, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của một số địa phương về tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười có chứa khí N2O tại các quán bar, vũ trường, karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Khí N2O khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Lạm dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác, làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O. (Thanh niên, trang 14).

Tiền phong, trang 10: “Không sử dụng khí trong bóng cười trên người bệnh”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế không sử dụng loại khí “bóng cười” để chữa bệnh”.

 

Chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đạt nhiều kết quả ấn tượng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao trong thời gian gần đây dẫn đến một số nguy cơ tiềm ẩn, rõ nhất là dấu hiệu mất cân đối nguồn quỹ, đòi hỏi các bên liên quan cần chủ động kiểm soát mức chi.

Nguy cơ mất cân đối thu, chi

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 9-2023, cả nước có gần 91,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 92,4% tổng dân số. Với độ bao phủ trên diện rộng, lại có nhiều quyền lợi, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng trở thành điểm tựa vững chắc của mọi người, gia đình; còn Quỹ Bảo hiểm y tế là một trong những quỹ an sinh lớn và quan trọng bậc nhất. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 170 triệu lượt người với số tiền chi khoảng 110.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những dấu ấn đậm nét và kết quả đáng mừng, Quỹ Bảo hiểm y tế đang đối mặt với thách thức mất cân đối giữa nguồn thu và mức chi.

Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc, Quỹ Bảo hiểm y tế có dấu hiệu mất cân đối từ năm 2016 với mức chi tăng 46% so với 5 năm trước đó (năm 2009). Đến nay, việc làm thế nào để cân đối Quỹ bảo hiểm y tế vẫn là bài toán không dễ tìm lời giải.

Liên quan đến nội dung này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, Quỹ Bảo hiểm y tế từ số thực đóng năm 2023 là khoảng 118.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo căn cứ đề xuất chi của các tỉnh, thành phố, thì số chi bảo hiểm y tế trong năm nay có thể vượt 11.750 tỷ đồng, tiềm ẩn nguy cơ bội chi. Càng ở các tỉnh, thành phố lớn, nguy cơ bội chi càng cao.

Tại Hà Nội, theo tính toán của Bảo hiểm xã hội thành phố, dự kiến số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của thành phố trong năm 2023 là gần 22.637 tỷ đồng, vượt dự toán khoảng gần 2.536 tỷ đồng. Lý do chủ yếu là vì số lượng người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng, dẫn đến mức chi tăng. Tương tự, nhiều tỉnh, thành phố khác đang phải tìm lời giải cho bài toán cân đối nguồn thu, chi bảo hiểm y tế.

Cần hoàn thiện các quy định pháp luật

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm sự ổn định, an toàn cho nguồn quỹ an sinh lớn, các cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở đã, đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tránh lãng phí, chi sai.

Dưới góc độ thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở cơ sở, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế theo dõi sát tình hình sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại từng cơ sở khám, chữa bệnh. Với những trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định, ngành kiên quyết từ chối thanh toán.

Cùng với các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương của thành phố Hà Nội cũng có nhiều cách làm để đưa nội dung thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vào cuộc sống. Chẳng hạn, tại hội nghị giao ban về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền yêu cầu các xã, thị trấn, cơ sở y tế trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, không để xảy ra tình trạng trục lợi nguồn quỹ.

Ở cấp vĩ mô, các cơ quan chức năng phối hợp vận hành tốt hệ thống giám định bảo hiểm y tế liên thông, qua đó phát hiện kịp thời những trường hợp chi không đúng quy định và thu hồi số tiền chi sai. Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết, bằng cách này, những năm gần đây, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu về Quỹ Bảo hiểm y tế với số tiền hơn 10.000 tỷ đồng; đưa nhiều vụ việc cố tình trục lợi quỹ ra “ánh sáng”...

Từ thực tế làm công tác giám định, ông Dương Tuấn Đức kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, “gói” quyền lợi về bảo hiểm y tế cần được tính toán kỹ lưỡng giữa mức chi phí và tính hiệu quả.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã ký kết các chương trình phối hợp về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nói chung, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế nói riêng. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về nội dung này cũng được hai ngành tập trung nghiên cứu. Hy vọng, với sự chủ động vào cuộc của nhiều ngành, nhiều phía, nguồn quỹ bảo hiểm y tế luôn phát triển ổn định, tạo điểm tựa an sinh vững chắc, giúp người dân được thụ hưởng nhiều quyền lợi hơn. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nguy hại từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng

Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên thu giữ, xử phạt các hành vi buôn bán, sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng mỹ phẩm tự chế, tự pha trộn, tự chiết... vẫn tràn lan trên thị trường. Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, các loại mỹ phẩm này được quảng cáo rất hấp dẫn, giá rẻ khiến nhiều chị em “xiêu lòng”. Nhưng những hậu quả khôn lường về sức khỏe, sắc đẹp và tinh thần thì người tiêu dùng phải gánh chịu.

Gánh hậu quả nhãn tiền và lâu dài

Mua một bộ mỹ phẩm có tác dụng làm trắng da, dưỡng ẩm trên mạng về sử dụng, bệnh nhân N.T.D (52 tuổi) không thể ngờ mình phải nhập viện điều trị vì bị dị ứng, mẩn ngứa, nổi mụn.

“Sau 1 tuần sử dụng, tôi sốc khi nhìn vào gương, mặt của tôi nổi mụn sần sùi khắp mặt, ngứa ngáy. Bộ mỹ phẩm gần 2 triệu đồng, tôi mua của một tài khoản Facebook có chạy quảng cáo, họ giao hàng tận nơi, tôi cũng không biết cửa hàng đó ở đâu” - bà D kể lại.

Cùng cảnh ngộ bà D, sau khi dùng mỹ phẩm mua trên mạng, có người thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng.

Theo các chuyên gia da liễu, việc sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến ở nước ta. Mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thường là mỹ phẩm giá rẻ và không được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Tác hại ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng tỉ lệ thuận với thời gian và mức độ sử dụng mỹ phẩm của mỗi người.

Bác sĩ Đỗ Thiện Trung - Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo: Để có lợi nhuận, tác dụng nhanh, dễ đánh lừa người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

"Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.

Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết... thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh" - bác sĩ Oanh nói.

Liên tục bắt giữ, xử phạt nhưng chỉ như "muối bỏ bể"

Tháng 2.2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất các hộ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Cà Mau, qua đó tạm giữ gần 5.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tháng 4.2023, Đội QLTT số 20 phối hợp với Công an huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã phát hiện một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với số lượng lớn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 sản phẩm mỹ phẩm là son phấn, kem dưỡng da, các sản phẩm làm đẹp.

Tháng 9.2023, Đội QLTT số 6 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an huyện Tân Yên kiểm tra đột xuất, phát hiện tại 2 cơ sở đang bày bán một số hàng hoá là mỹ phẩm và nguyên liệu để sản xuất (đóng gói) mỹ phẩm. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ MTPD đã bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì các hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, đóng gói mỹ phẩm mang nhãn hiệu giả mạo.

Mặc dù liên tục thu giữ, xử phạt nhưng các nạn nhân của mỹ phẩm rởm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc vẫn liên tục xuất hiện.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai..., gần như tháng nào cũng có trường hợp bệnh nhân nhập viện do biến chứng của việc sử dụng mỹ phẩm rởm làm đẹp.

ThS. BS Nguyễn Ngọc Oanh khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào bạn nên tìm hiểu thông tin cũng như nguồn gốc của sản phẩm đó. Khi chọn mua mỹ phẩm, chị em cần phải chọn mua sản phẩm tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng.

Đồng thời phải lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp với loại da của mình. Để chắc chắn khi sử dụng không bị kích ứng hoặc gặp tác dụng phụ thì nên đến chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được thăm khám và tư vấn từ những người có chuyên môn. (Lao động, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang