Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/01/2018

  • |
T5g.org.vn - Siết dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; Tiếp tục đưa bác sĩ trẻ về vùng khó; Thêm 4 trường hợp nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân; Giá thuốc giảm mạnh giúp tiết kiệm 251 tỷ đồng, liệu có tiền nào của nấy?

 

Siết dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

Bộ Y tế đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo mới nhất về thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm siết chặt các điều kiện và viện phí của dịch vụ này, tránh mỗi nơi một giá. Theo đó, giá khám bệnh theo yêu cầu không được quá 300.000 đồng. Theo dự thảo Bộ Y tế đề xuất giá trần khám bệnh theo yêu cầu tại Hà Nội và TP.HCM là 300.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 250.000 đồng. Các tỉnh thành còn lại tối đa 200.000 đồng một lần khám theo yêu cầu. Ở các cơ sở chất lượng cao, mức thu tối đa không quá 2 lần mức nêu trên. Giá giường bệnh từ 300.000 đồng đến tối đa 3 triệu đồng theo ba nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng. So với dự thảo cũ, mức giá lần này có điều chỉnh tăng. Trước đó giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 200.000 đồng. 

Dự thảo quy định tiêu chuẩn khu vực khám chữa bệnh, khu điều trị nội trú, buồng bệnh… phải đảm bảo diện tích, các thiết bị y tế. Cụ thể, một bệnh viện đa khoa 500 giường bệnh, khu vực phòng khám chỉ bố trí dưới 59 chỗ khám thì không được giảm diện tích phòng khám để tổ chức phòng khám theo yêu cầu. Các phòng bệnh phải có một bác sĩ trên tỷ lệ 4 giường bệnh và một điều dưỡng trên một giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.

Giá giường bệnh (tính theo đầu giường mỗi ngày) của phòng điều trị theo yêu cầu được quy định ở mức 3 triệu đồng đối với phòng đặc biệt, từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với phòng 1 giường đến loại III và 600.000 đồng đối với phòng 4 giường. Mức giá tương ứng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ lần lượt là: 1,8 triệu đồng, từ 600.000 - 900.000 đồng, 450.000 đồng; các tỉnh còn lại lần lượt là: 1,2 triệu đồng, từ 400.000-600.000 đồng, 300.000 đồng.

Đối với phòng dịch vụ, dự thảo cũng quy định diện tích phòng phải rộng từ 12 m2 (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28 m2 (loại III với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như: giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), ôxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế. Phòng điều trị theo yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như: tivi, tủ lạnh, máy lạnh, bình đun nước uống và ấm chén, bàn ghế ngồi cho người nhà, điện thoại - internet, chăn drap nệm, quạt cây (quạt trần). 
Trong dự thảo, Bộ Y tế nhấn mạnh dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phải được tổ chức thành khu riêng. Trường hợp không tổ chức thành khu vực riêng, các cơ sở y tế chỉ được tổ chức dịch vụ khi đáp ứng điều kiện như mỗi bàn khám không quá 45 bệnh nhân một ngày (khám có bảo hiểm y tế, khám thông thường); không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng theo yêu cầu. Bệnh viện đã kê thêm giường nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế và luôn có trên 10% số giường phải nằm ghép hai, thì không được tổ chức các buồng dịch vụ (Tiền phong, trang 6). 

 

Tiếp tục đưa bác sĩ trẻ về vùng khó

Ngày 9.1, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức bàn giao 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 2 trong tổng số 154 bác sĩ đang được đào tạo về các vùng khó khăn công tác. Đây là hoạt động dự án “thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”.

Theo ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: "7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 2 đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y – Dược khác tình nguyện tham gia dự án, tiếp tục được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội và đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I. Họ cũng đã được nhận chứng chỉ hành nghề, sẽ về những địa bàn khó khăn nhất". 

Dự án thí điểm bác sĩ tình nguyện được coi là là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. 

"Trong vòng 5 tháng, 7 bác sĩ trẻ tình nguyện khóa 1 về những vùng khó khăn của 4 tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng chú ý. Trong đó, về chẩn đoán hình ảnh làm được 62 kỹ thuật, cao nhất là siêu âm Doppler chẩn đoán bệnh lý mạch máu. Chuyên khoa ngoại làm được 56 kỹ thuật, cao nhất là cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi. Nhi làm được 31 kỹ thuật, kỹ thuật cao nhất là chọc dịch não tủy và nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh"- ông Tác nói. 

Dự án trên được triển khai thực hiện vào tháng 2.2013 với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Sau khi được đào tạo, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại BV/TTYT huyện nghèo. 

Tiếp tục triển khai đề án này, khóa đào tạo chuyên khoa I cho 28 người ở 9 chuyên ngành khác nhau cũng được khai giảng tại trường Đại học Y Hà Nội (Lao động, trang 3).

 

Thêm 4 trường hợp nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức xác nhận, một bệnh nhân nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân đã tử vong vào ngày 1-1-2018. Hiện nay, ngành Y tế Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp phòng bệnh, khống chế số ca mắc mới và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. 

Bệnh nhân tử vong là em Phạm Văn Quy (SN 2004, học sinh lớp 8, trường THCS Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Em Quy tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vì suy đa phủ tạng do men gan tăng cao quá mức bình thường, nhiễm trùng huyết nhưng trên bàn tay bàn chân lại không phát hiện các dấu hiệu của hội chứng viêm da dày sừng.  

Trước diễn tiến phức tạp của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng bệnh, khống chế số ca mắc mới và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân gây ra. 

Cụ thể, từ ngày 8 đến 9-1, ngành Y tế đã khám sàng lọc cho gần 700 học sinh của cả 2 trường Tiểu học và THCS Ba Ngạc. Qua khám sàng lọc, ngành đã phát hiện thêm 4 trường hợp nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng. 4 trường hợp này có men gan tăng cao hơn mức bình thường, các triệu chứng lâm sàng trên bàn tay, bàn chân đã xuất hiện. 4 học sinh này đã được đưa về Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ để theo dõi và điều trị (An ninh thủ đô, trang 2). 

 

Giá thuốc giảm mạnh giúp tiết kiệm 251 tỷ đồng, liệu có tiền nào của nấy?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa thông tin cho biết, nhờ đấu thầu tập trung đã giúp giảm đến hơn 251 tỷ đồng tổng giá trị của 20 thuốc kháng sinh thuộc 5 hoạt chất so với năm 2017, trung bình mỗi mặt hàng thuốc giảm giá 10 - 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó. Đặc biệt, có mặt hàng thuốc giảm tới 54%.Điều dư luận băn khoăn là giá thuốc rẻ, liệu chất lượng có đảm bảo? Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên kế hoạch đấu thầu phải đảm bảo tiêu chí quan trọng là chất lượng, số lượng và giá hợp lý.

“5 hoạt chất này được chia thành các nhóm thuốc: Nhóm sản xuất ở nước ngoài, nhóm sản xuất trong nước... Do đó, nhóm thuốc thể hiện chất lượng thuốc chứ không phải giá thuốc, và không có chuyện "tiền nào của nấy”” – ông Sơn khẳng định.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư - BHXH Việt Nam dẫn cho biết, trước đây có hiện tượng cùng một loại thuốc, một loại vật tư, nhưng tại các tỉnh giá lại khác nhau, do đó, đấu thầu tập trung khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá.

Ví dụ, cùng một loại thuốc nhưng năm trước đấu thầu với giá 2.000 đồng thì năm nay đấu thầu tập trung chỉ còn 1.500 đồng, tức là giá đã rẻ hơn 500 đồng. Nghĩa là giá rẻ hơn nhưng vẫn là cùng một loại thuốc đó chứ không phải thuốc kém chất lượng hơn.

Hơn nữa, với cách tổ chức tự đấu thầu như trước kia, mỗi địa phương, mỗi bệnh viện là một hội đồng thầu khiến nhà thầu tốn kém tiền bạc vì di chuyển để làm hồ sơ thầu ở nhiều nơi, khiến giá thuốc phần nào bị đẩy cao hơn. Hình thức đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia giải quyết được bất cập nêu trên. Hơn nữa, nếu đơn vị tổ chức đấu thầu khi xây dựng giá kế hoạch tốt, sẽ có chất lượng tốt, nếu giá phê duyệt cao thì mua giá cao.

Ngoài ra, việc đấu thầu tập trung thuốc quốc gia cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đấu thầu so với trước đây. Nếu như trước đây, việc đấu thầu riêng lẻ tại các tỉnh/ thành, các cơ sở khám chữa bệnh thì các hội đồng thầu phải rất nhiều lần tổ chức đấu thầu, mỗi cuộc kéo dài khoảng 4 tháng, nhà thầu mất nhiều thời gian thì nay BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung 1 lần đã giải quyết được nhu cầu sử dụng thuốc cho khoảng 483 cơ sở khám, chữa bệnh…

Đại diện BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, các nhà thầu, bệnh viện, cơ quan báo chí nếu phát hiện bất kỳ điều gì không minh bạch, không công khai liên quan tới giá, chất lượng thuốc thì cơ quan này sẽ vào cuộc làm rõ, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Phía BHXH Việt Nam thông tin thêm, theo kế hoạch 2018, đơn vị này đã đề xuất với Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung 9 hoạt chất với 21 danh mục thuốc và sẽ áp dụng vào năm 2019 - 2020. Đây là 9 hoạt chất được sử dụng với số lượng lớn và ở nhiều nhóm, mức giá khác nhau, trong 21 thuốc thì nhóm kháng sinh chiếm 16 thuốc…

Dù vậy, cả BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đều cùng khẳng định, để đảm bảo hiệu quả việc đấu thầu thuốc tập trung, đảm bảo số lượng và chất lượng thuốc thì sau đấu thầu, vấn đề quan trọng là phải giám sát chất lượng thuốc và điều phối nhu cầu sử dụng thuốc giữa các cơ sở y tế.

Theo lãnh đạo một số bệnh viện, mục tiêu hướng tới không phải nền y tế giá rẻ mà phải mà là nâng cao chất lượng thuốc để người bệnh dùng thuốc giá hợp lý, bảo đảm chất lượng, sớm khỏi bệnh. Mà để nâng cao chất lượng thuốc, phải dựa vào các đơn vị dùng thuốc vì họ có nhiều kinh nghiệm nhất (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Người dân vùng xa được tiếp cận y tế chuyên môn cao ngay tại địa phương

Sau 4 năm triển khai sâu rộng trên toàn quốc Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2014-2017 với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, chương trình đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 552 tỷ đồng và tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng.

Với những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện này vì đã giúp người dân các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được phần nào tiếp cận với cán bộ y tế có trình độ, có chuyên môn cao. Đồng thời, chương trình cũng thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế, là hình thức gián tiếp giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ.

Nhân dịp này, báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế về chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được sau 4 năm triển khai Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2014-2017?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về cơ bản, Chương trình “Phối hợp hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014 -2017” (Số 111 CTPH/TƯHCTĐ-BYT-TCCT-TƯHTTTVN ngày 8 tháng 7 năm 2014) do TW Hội Chữ thập đỏ, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và TW Hội Thầy thuốc trẻ ký kết đã đạt được mục tiêu mà chương trình đã đề ra. Đây cũng là hoạt động thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ từ các bên, sau 4 năm triển khai chương trình (từ 1/9/2014 đến 30/11/2017) đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 552 tỷ đồng và tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng.

PV: Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam với mục tiêu hàng năm tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất 1 triệu lượt người trên toàn quốc, nhất là người nghèo, gia đình chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số, ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng xa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đảng và Nhà nước cũng như ngành y tế, các tổ chức, ban ngành luôn luôn quan tâm, chăm lo sức khỏe người dân. Tuyến y tế cơ sở y tế thôn, bản, xã, phường... trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với vùng sâu, vùng xa, 96,9% thôn bản vùng khó khăn có nhân viên y tế thôn bản, 65% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Y tế cơ sở luôn đóng vai trò là nền tảng và là niềm tự hào của y tế Việt Nam nhiều năm qua; đặc biệt là vai trò then chốt trong việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giám sát và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Với sự quan tâm của Chính phủ, của Bộ Y tế, nhiều trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài. Các cơ sở y tế huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... là cơ sở nằm trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, điều trị dự phòng, chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế và luôn nhận được sự quan tâm, cố gắng của ngành y tế trong việc đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... mà ngành y tế có thể làm được. Tuy nhiên, còn nhiều trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị (0,6% số xã chưa có cơ sở nhà trạm; trong khi đó chỉ 78,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 98,2% trạm y tế xã chỉ có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi).

Chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện này giúp người dân huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được phần nào tiếp cận với cán bộ y tế có trình độ, có chuyên môn cao. Các bệnh viện tham gia đều chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, địa điểm khám bệnh, mời khám đúng đối tượng, đảm bảo các điều kiện phục vụ chu đáo. Người bệnh được khám bệnh và cấp thuốc chữa bệnh tại chỗ; phát hiện kịp thời bệnh mạn tính; khám sàng lọc, hướng dẫn người dân đến cơ sở chuyên khoa tiếp tục điều trị. Nhiều nội dung hoạt động phong phú, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu được người dân phấn khởi, hồ hởi đón nhận như: tổ chức tập huấn sơ, cấp cứu cho giáo viên, học sinh; tổ chức tập huấn rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh; tuyên truyền sử dụng thuốc Nam, thuốc do Việt Nam sản xuất; tuyên truyền vận động hiến mô, hiến tạng, giác mạc... lồng ghép trong việc khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp tặng quà, chăn, quần áo ấm, thực phẩm, TV... cho người dân; “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế cơ sở; chuyển giao kỹ thuật, tặng trang thiết bị y tế, tư vấn thiết kế cho y tế cơ sở, qua đó đánh giá cao hiệu quả của trạm y tế trong việc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân mặc dù còn hết sức thiếu thốn về nhân sự cũng như cơ sở vật chất; tặng quà cho trường học; thăm hỏi, động viên, tặng quà giá trị cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam...

PV: Hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã nhận được sự tham gia của đông đảo lực lượng bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn. Có ý kiến cho rằng, đây là hình thức gián tiếp giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, hệ thống y tế công lập tại các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực. Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 với mục tiêu: tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở. Đến ngày 9/1/2018 đã có 14 bác sĩ trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để góp phần chăm lo sức khỏe người dân ở những vùng đất khó khăn, thiếu thốn; đang tiếp tục đào tạo 140 bác sĩ, sẽ bàn giao sau khi tốt nghiệp và cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Kế hoạch tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300-500 bác sĩ tham gia dự án.

Sự tham gia năng nổ, nhiệt huyết của đông đảo bác sĩ trẻ tình nguyện là lực lượng nòng cốt tham gia Chương trình Khám, chữa bệnh từ thiện tới vùng khó khăn thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội đối với cán bộ y tế. Qua đó người cán bộ y tế nói chung và bác sĩ trẻ nói riêng thấy được khó khăn, gian nan của đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào của mình; ý thức, thấm nhuần được trách nhiệm của bản thân, của người cán bộ y tế; có môi trường, có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng khó khăn để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão, năng lực của mình, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

PV: Trong thời gian tới, các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo sẽ tiếp tục được triển khai ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phát huy các kết quả đạt được của chương trình trong những năm qua, với tinh thần thiện nguyện, Bộ Y tế ủng hộ về chủ trương, khuyến khích sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học y dược tiếp tục chủ động trong việc đăng ký trực tiếp công tác khám, chữa bệnh từ thiện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng với Trung ương Hội Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo kết quả với các đơn vị đã đăng ký và Bộ Y tế. Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổng hợp kết quả và tổ chức khen thưởng các đơn vị có thành tích; qua đó tiếp tục vinh danh, khích lệ các tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Dịch sốt xuất huyết bùng phát có phần nguyên nhân do dự báo chưa tốt

Ngày 9-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Hoàng Đức Hạnh trình bày, năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp với 37.651 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số ca mắc SXH đã giảm dần và đến tháng 11-2017 thì cơ bản được khống chế. Hiện tại, Hà Nội chỉ ghi nhận 7 ca mắc SXH/tuần.

Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác trên địa bàn thành phố cơ bản kiểm soát tốt như: bệnh sởi ghi nhận 83 ca, 2 ca tử vong; ho gà ghi nhận 125 ca, 1 ca tử vong; liên cầu lợn ở người ghi nhận 23 ca, 4 ca tử vong; uốn ván người lớn ghi nhận 21 ca; chân tay miệng ghi nhận 763 ca; não mô cầu ghi nhận 2 ca; viêm não Nhật Bản ghi nhận 9 ca; dại ghi nhận 2 ca...

Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi bùng phát trên địa bàn thành phố trong năm 2017 vừa qua, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch để có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng người dân Thủ đô trong công tác phòng chống dịch SXH vừa qua.

Dù vậy, thực tế triển khai công tác phòng chống dịch cũng cho thấy còn một số tồn tại như công tác dự báo dịch còn chưa thực sự tốt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt; một bộ phận người dân còn chủ quan…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, với đặc điểm Thủ đô Hà Nội là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch xâm nhập, cũng như nguy cơ tiếp tục bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Do vậy, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trong năm 2018, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động phòng chống dịch bệnh, trước mắt tập trung vào phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân.

Cùng đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; tiếp tục duy trì hoạt động của đội xung kích tại các xã, phường, quận, huyện; đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao (An ninh thủ đô, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang