Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Đã có 5 trẻ tử vong do bệnh ho gà; 30.000 tỷ đồng tín dụng để xây dựng hạ tầng và mua sắm trang thiết bị 4 bệnh viện; Bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 3 bệnh viện Ninh Bình; Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động 'chui'; 174 kỹ thuật mới của 700 y, bác sĩ trẻ tham dự Hội thao sáng tạo; Yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thanh, kiểm tra toàn bộ các phòng khám tư nhân sau vụ một thai phụ chết não…

 

Đã có 5 trẻ tử vong do bệnh ho gà

Trao đổi với báo giới vào chiều 8-3, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong hai tháng gần đây, do thời tiết lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà có sự gia tăng. 
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương..., trong đó có 5 trường hợp tử vong (ở Hà Nội, Nghệ An và Nam Định). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới ba tháng tuổi (khoảng 80%) - đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh nên chưa có kháng thể miễn dịch.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để phòng bệnh ho gà thì ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắc xin trước khi mang thai. Phụ nữ đang mang thai cũng nên cân nhắc việc tiêm phòng vắc xin ho gà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

30.000 tỷ đồng tín dụng để xây dựng hạ tầng và mua sắm trang thiết bị 4 bệnh viện

Đây là số kinh phí mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ dành để phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng.

Tối ngày 8/03/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Vietcombank đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng tại các cơ sở khám chữa bệnh góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ của các bệnh viện, đồng thời nhằm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự và chứng kiến lễ ký kết

Theo thỏa thuận được kí kết, Vietcombank dành gói tín dụng ưu đãi “Vietcombank vì sức khỏe cộng đồng” để hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Với tổng giá trị cho vay 30.000 tỷ VNĐ đến hết năm 2019, chương trình tín dụng phát triển ngành Y tế của Vietcombank được thực hiện để cung ứng vốn trung dài hạn.

Với thời hạn vay lên tới 20 năm, chương trình áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong đó ưu tiên các dự án: đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu các máy móc/thiết bị y tế tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa/cao cấp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và đầu tư mới, cải tạo mở rộng cũng như hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh với mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao tại tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến dưới.

Phát biểu tại lễ ký kết ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẽ chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống Vietcombank chủ động tiếp cận các dự án đầu tư của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới với thủ tục cho vay đơn giản nhất, các dịch vụ cung cấp tối ưu nhất và với lãi suất hợp lý nhất.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, Ngân hàng Vietcombank đã xây dựng Chương trình tín dụng đầu tư dành cho ngành y tế nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ, tăng cường xã hội hoá, đẩy mạnh hợp tác công tư của Chính phủ.

Theo đó, Vietcombank sẽ hỗ trợ các cơ sở y tế, nhà đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng các bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn, mua trang thiết bị, giúp các cơ sở y tế  nâng cao năng lực  khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, đưa dịch vụ về gần dân để người dân được thụ hưởng, góp phần giảm tải bệnh viện. Theo lộ trình, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao để các bệnh viện vay vốn có nguồn trả nợ; các bệnh viện có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nêu rõ, trên cơ sở thỏa thuận, các bệnh viện tham gia ký kết vay vốn sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể để triển khai trên toàn hệ thống và có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Tại lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Y tế và Vietcombank, đại diện các chi nhánh của Vietcombank  ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác vay vốn hỗ trợ tín dụng với lãnh đạo 4 bệnh viện là bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Hữu nghị và bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Được biết, ngoài gói tín dụng ưu đãi trên, Vietcombank cũng cam kết cung ứng và phục vụ các cơ sở khám chữa bệnh thông qua các giải pháp thanh toán, thu hộ không dùng tiền mặt tiên tiến như thẻ thanh toán kết hợp thẻ bệnh nhân, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương qua tài khoản thẻ, lắp đặt máy ATM trong khuôn viên của các cơ sở khám chữa bệnh, lắp đặt máy thanh toán thẻ tại các quầy thu ngân, và các dịch vụ thanh toán khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 3 bệnh viện Ninh Bình

Trong khi đang ăn cơm ở tầng 3, khoa Nội nhi I, Bệnh viện Sản - nhi tỉnh Ninh Bình, cháu Nguyễn Ánh H. (3 tuổi) đã rơi từ cửa sổ xuống đất nguy kịch đến tính mạng.

Sáng 9.3, ông Phạm Cầm Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh viện đang sắp xếp chuyển bệnh nhi Nguyễn Ánh H. đến Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu do cháu bé đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 8.3, chị Phạm Thị Hường (mẹ cháu bé) đang cho con ăn cơm ở tầng 3 khoa Nội nhi I, thì cháu leo trèo lên cửa sổ gần đó. Do cửa sổ không có chấn song, cửa bị bung chốt, nên cháu rơi xuống đất ở độ cao gần 10 m.

Cháu H. ngay lập tức được cấp cứu tại bệnh viện, chẩn đoán đa chấn thương, nặng nhất là chấn thương sọ não, phải thở bình oxy. Đến ngày 9.3, do tình trạng ngày càng nguy kịch, nên các bác sĩ tại Bệnh viện Sản - nhi Ninh Bình sẽ trực tiếp chuyển cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Cháu H. nhập viện hôm mùng 6.3 để điều trị bệnh viêm phế quản, đang thuyên giảm thì gặp nạn. Tòa nhà Khoa Nội nhi I nơi xảy ra vụ việc cao 4 tầng, là khu vực điều trị cho các bệnh nhi, nhưng cửa sổ lại không có chấn song, rất nguy hiểm. Vụ việc đã được báo cáo Sở Y tế Ninh Bình. Đồng thời, Công an thành phố Ninh Bình cũng vào cuộc điều tra. (Thanh niên, trang 2).

 

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động 'chui'

Ngày 9.3, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã có tờ trình UBND TP về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH đầu tư y tế quốc tế Đông Á (phòng khám đa khoa Baylor ở 202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) 120 triệu đồng vì hoạt động khám, chữa bệnh không phép.

Trước đó ngày 24.1, ông Nguyễn Văn Khải (ngụ Q.6) gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu kiểm tra chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ và giấy phép hoạt động của phòng khám đa khoa Baylor (gọi tắt là PK Baylor). Theo đơn ông Khải, ông đi đại tiện ra máu, đến PK Baylor khám thì được bác sĩ nói tiếng Trung Quốc chẩn đoán bị trĩ (qua phiên dịch). PK báo chi phí điều trị khoảng 27 triệu đồng, giảm giá còn hơn 19,3 triệu đồng. Ông Khải đóng trước 9 triệu đồng; nhân viên PK hướng dẫn ông ký giấy nợ PK hơn 10,3 triệu đồng và để lại CMND. Oái oăm thay, khi nằm trên bàn phẫu thuật, ông được thông báo là hậu môn nhỏ không mổ được, phải đóng thêm 6 triệu đồng, nếu không sẽ dừng mổ (?!). Trong tình thế này, ông phải đồng ý. Sau nhiều lần điều trị, tái khám đóng tiền thì ông Khải chịu hết thấu vì tốn hơn 37 triệu đồng nên ông xin hồ sơ để chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, đến ngày hẹn ông trở lại thì PK bảo người giữ hồ sơ có trách nhiệm đã về... Trung Quốc! Sau đó, do vết mổ vẫn còn ra máu nên ông Khải khiếu nại lên Sở Y tế TP để đòi quyền lợi.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Khải cho biết sau khi mổ tại PK trên, đến nay ông phải đứng để đại tiện chứ không thể ngồi được; ông có qua một bệnh viện công để kiểm tra thì biết mình bị rách ống hậu môn.

Ngày 9.2 Thanh tra Sở Y tế kiểm tra PK này. Thời điểm kiểm tra PK chưa xuất trình được chứng chỉ, bằng cấp của các bác sĩ tham gia khám chữa bệnh. Đoàn kiểm tra yêu cầu PK ngưng ngay hoạt động khám, chữa bệnh. Thanh tra đã giữ nhiều sổ sách liên quan ghi nhận có rất nhiều bệnh nhân đến đây khám, chữa bệnh nam khoa, phụ khoa và có nhiều ca phá thai. (Thanh niên, trang 8); Tuổi trẻ, trang 14).

 

174 kỹ thuật mới của 700 y, bác sĩ trẻ tham dự Hội thao sáng tạo

Sẽ có 700 y, bác sĩ trẻ của 42 cơ sở y tế sẽ tham gia Hội thao Kỹ thuật Sáng tạo tuổi ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ 27 diễn ra từ 17 đến 19-3 tại Thủ đô. 174 đề tài, kỹ thuật cải tiến trong lĩnh vực y tế nhằm góp phần khám, chữa bệnh tốt hơn sẽ được thao diễn. Thông tin này được GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Hội thao cho biết tại cuộc họp báo ngày 9-3.

Hội thao do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với BV Việt Đức; Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế); Ban Thanh niên Quân đội; Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Đoàn Thanh niên; Cục Y tế (Bộ Công an); Sở Y tế Hà Nội; Sở Nội vụ; Sở Khoa học Công nghệ; Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội tổ chức.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Hội thao được tổ chức thi riêng theo phân loại, xếp hạng BV của Bộ Y tế để công bằng cho các cơ sở y tế. Theo đó, sẽ có ba nhóm gồm: Nhóm 1 là các đề tài, kỹ thuật của BV hạng đặc biệt, hạng I và các BV ngoài công lập tương đương hạng I; Nhóm 2 dành cho các cơ sở y tế hạng II, hạng II, các trung tâm chuyên khoa và các BV ngoài công lập; Nhóm 3 là các Trung tâm y tế và các cơ sở y tế chưa được xếp hạng.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc phân chia này tạo cơ hội đạt giải nhiều hơn cho các đơn vị, đồng thời mở rộng số lượng đề tài, kỹ thuật tham gia, khuyến khích đổi mới công nghệ ở tất cả các BV. Đặc biệt, qua hội thao, đề tài, kỹ thuật nào được Ban giám khảo đề xuất là đề tài có tính khả thi, ứng dụng cao sẽ được TP Hà Nội đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và bảo hộ quyền sở hữu. Chủ nhiệm đề tài xuất sắc tại Hội thao sẽ được xem xét đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn trong lĩnh vực  y tế. Đề tài có tính trong thực tiễn cuộc sống được tạo điều kiện để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Sẽ có 160 Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Giáo sư đầu ngành trong nhiều lĩnh vực y tế tham gia Ban giám khảo như GS.TS. Trần Bình Giang, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, GS.TS. Mai Trọng Khoa, GS.TS. Phạm Minh Thông, GS.TS. Ngô Quý Châu, GS.TS. Đồng Văn Hệ vv…

Trong Hội thao này, các bác sĩ cũng sẽ KCB tình nguyện cho hơn 1.000 đối tượng gia đình chính sách, cựu TNXP, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và tặng 10 suất quà cho gia đình ung thư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. 

Hội thao còn có hội thảo "Tuổi trẻ ngành y giỏi chuyên môn, rèn y đức hướng tới sự hài lòng của người bệnh" để đóng góp ý tưởng sáng tạo về đào tạo, ứng dụng và cải tiến kỹ thuật mới trong chuẩn đoán, điều trị và điều hành bệnh viện. 23 cơ sở y tế cùng  tham gia triển lãm "Sáng tạo trẻ ngành y tế Thủ đô" giới thiệu các mô hình, công trình, đề tài ý tưởng sáng tạo, thành tích tiêu biểu của các đơn vị. (Công an Nhân dân, trang 1; Tiền phong, trang 7).

 

Yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thanh, kiểm tra toàn bộ các phòng khám tư nhân sau vụ một thai phụ chết não

“Yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, rà soát và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tư nhân, đặc biệt với các cơ sở KCB có yếu tố người nước ngoài. Nếu phát hiện có sai phạm, vi phạm Luật KCB thì phải có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để.”

Đây là nội dung trong công văn khẩn Bộ Y tế gửi Sở Y tế Hà Nội ngày 9-3, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí phản ánh trường hợp chị Trần Thị Thu T. (SN 1988, ở Quảng Ninh) bị chết não khi đến Phòng khám 168 Hà Nội điều trị, nhất là sau đó, bác sĩ điều trị cho chị T. (là Trịnh Túc Vinh. người Trung Quốc đã có dấu hiệu bỏ trốn).

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan xác minh và báo cáo về diễn biến trường hợp tai biến của chị T. trước ngày 13-3-2017; yêu cầu Phòng khám 168 Hà Nội có trách nhiệm chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình chị T trong quá trình chăm sóc điều trị, đồng thời cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông về trường hợp tai biến nêu trên.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, rà soát và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt với các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài. Nếu phát hiện có sai phạm, vi phạm Luật khám, chữa bệnh thì phải có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Hà Nội, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế hành nghề y tế tư nhân, nghiêm túc thực hiện theo Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ trong khám bệnh, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Điều đáng nói là có những mập mờ khó hiểu sau khi vụ việc tai biến của chị T: Theo yêu cầu từ phía gia đình nạn nhân, Phòng khám 168 đã đưa ra một cuốn sổ khám bệnh của bệnh nhân T., trong đó chỉ có mấy dòng về tình trạng bệnh và không hề có chữ ký của bác sĩ điều trị. 

Thế nhưng theo gia đình chị T thì sau khi chuyển bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Bạch Mai ngày 5-3, Phòng khám lại đưa ra một cuốn sổ khám bệnh khác có chữ kí của bác sĩ Nguyễn Thị Nga. Khi được chất vấn về hành động bất bình thường này,  bác sỹ Phương Xuân Soạn giải thích rằng sổ khám bệnh gốc bị ướt, nhàu nát nên đã thay bằng cuốn sổ mới. Gia đình bệnh nhận yêu cầu trình cuốn sổ gốc, thì y tá tên Mai, người trực tiếp viết cuốn sổ gốc nói đã làm mất!

Phòng khám 168 Hà Nội thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Duy Thịnh do bác sỹ Phương Xuân Soạn phụ trách chuyên môn kỹ thuật được thành lập 2012 nhưng đã liên tiếp có nhiều sai phạm: Tháng 4-2013, tức là chỉ một năm sau khi thành lập, Phòng khám đã bị tố cáo sử dụng bác sĩ Trung Quốc mạo danh bác sĩ trong nước . 

Tiếp đó, tháng 7-2014, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ lô hàng gồm các thiết bị y tế và 7.000 ống thuốc các loại không nguồn gốc tại cơ sở này. Đến tháng 10-2015, Sở Y tế TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động KCB và tước chứng chỉ hành nghề trong 9 tháng với hai bác sĩ người Trung Quốc, đồng thời xử phạt Phòng khám 67,4 triệu đồng. 

Năm 2016, 3 lần Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Công an TP. Hà Nội kiểm tra cơ sở này thì cả 3 lần đều vi phạm: Tháng 1-2016 Phòng khám không đảm bảo về nhân lực hoạt động; sổ theo dõi bệnh nhân, sổ y bạ không đầy đủ; quảng cáo không đúng phạm vi được phép và đã bị cơ quan chức năng phạt 37,6 triệu đồng.

Sau khi thanh tra vụ việc thai phụ bị hôn mê sâu, tiên lượng xấu vì điều trị tại Phòng khám 168 Hà Nội, Sở Y tế TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của phòng khám này. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã làm việc với lực lượng xuất nhập cảnh để ngăn chặn hành vi bỏ trốn của bác sĩ người Trung Quốc đã điều trị cho chị T. (Công an Nhân dân, trang 2); Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13), Tiền phong, trang 6); An ninh Thủ đô; trang 9; Hà Nội mới, trang 7; Nhân dân, trang 5).

 

Những mảnh đời vỡ vụn vì phơi nhiễm HIV

Với những người đã trải qua và thấu hiểu nỗi đau phơi nhiễm HIV, đó thật sự là những ngày dài mệt mỏi và sợ hãi. Chỉ một chút yếu đuối cũng có thể khiến họ buông xuôi.

“Tôi thấy mình là con vật điên loạn”

Câu chuyện của nữ sinh LGH (19 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị rạch đùi mới đây khiến người nghe vẫn còn bàng hoàng. H. kể buổi tối hôm đó đang về trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) thì bất ngờ một xe máy chở ba thanh niên chạy áp sát giở trò sàm sỡ. Một thanh niên trong nhóm dùng vật sắc rạch vào đùi và tay H. Vì sợ hung khí của kẻ biến thái dính HIV nên sáng hôm sau em cùng cha đến Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm máu và mua thuốc phơi nhiễm HIV.

“Những ngày uống thuốc phơi nhiễm, tôi thấy đầu nặng, thường xuyên chóng mặt và bị ảo giác. Có hôm tôi hôn mê, gần như muốn bất tỉnh. Lúc nào tôi cũng tự an ủi mình phải chiến đấu, chỉ mong qua khỏi, khỏe lại để còn đi học” - H. chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với H. là câu chuyện của một cô gái khác cũng còn đang tuổi ăn học. BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chiều 2-3, cô gái 20 tuổi ĐHHK không thể chịu nổi tự phơi nhiễm ở nhà, phải vào BV nhờ các bác sĩ trợ giúp.

“Tôi quan hệ tình dục, không may bao cao su bị rách, lúc đó người kia mới thú nhận bị HIV. Tôi hoảng loạn, đến BV hỏi bác sĩ ngay sáng hôm sau. Giờ phải phơi nhiễm và đây là ngày thứ sáu tôi dùng thuốc. Tôi thấy mình không phải con người mà là một con vật điên loạn gì đó. Ngày đầu tiên, tôi mất kiểm soát, mẹ phải cột tôi vào cạnh tủ cho đến lúc thiếp đi vì mệt mỏi. Tôi sợ mình không thể tiếp tục cho đủ 28 ngày điều trị nên muốn vào BV để bác sĩ giúp đỡ chứ không sẽ bỏ cuộc mất” - K. đau khổ nói.

Trai tráng còn không chịu nổi điều trị

Nói về những ngày phơi nhiễm HIV, NTT, nam thanh niên 29 tuổi, đã phải thừa nhận: “Phơi nhiễm khủng khiếp lắm!”.

Anh TT là PV của một tờ báo tại TP.HCM. Trưa tháng 12-2016, với vẻ mặt hớt hải, mồ hôi lấm tấm, anh chạy về cơ quan trình bày với lãnh đạo xin tờ giấy xác nhận sang BV Bệnh nhiệt đới để phơi nhiễm HIV. T. kể trong quá trình tác nghiệp loạt bài điều tra về ma túy, anh không may bị mảnh chai nghi của dân chơi xước vào tay chảy máu.

“Chiều đó tôi đến BV làm thủ tục, trình bày với bác sĩ thì được cho ARV về điều trị phơi nhiễm. Đêm đầu tiên uống ARV, tôi sảng hồn như thằng ngáo đá. Tiếp theo mấy ngày đó tôi mệt lừ, luôn rơi vào cảm giác chóng mặt, nhức đầu, chỉ có thể nằm nhà li bì. Mình là thanh niên trai tráng, phơi nhiễm đã thấy đuối như thế này thì con gái, con nít chắc chịu không nổi đâu” - T. cảm thán.

Gần một tháng dài chống chọi với phơi nhiễm cũng qua, T. trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng mỗi lần nhắc lại anh vẫn còn rùng mình.

Những cái chết đau đớn

ThS-BS Hồ Ngọc Thới, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV này tiếp nhận khá nhiều trường hợp phơi nhiễm HIV thuộc đủ mọi lứa tuổi. Có người bất cẩn trong quan hệ tình dục, người bất cẩn trong nghề nghiệp, nghiệp vụ... Nhưng đau xót nhất là nhìn thấy những nạn nhân phải phơi nhiễm từ những kẻ nhẫn tâm.

“Không phải ai phơi nhiễm cũng thành công. Có nhiều người đã chết trong đau đớn, mà nói đúng hơn là chết tức tưởi khi đang bước vào tuổi thanh xuân” - BS Thới nói.

Lật lại bệnh án cuối năm 2016, BS Thới chia sẻ ông chứng kiến khá nhiều sự ra đi vì không thể chống chọi với phơi nhiễm HIV. Lý do không phải vì thuốc quá nặng mà do một phần thể trạng bệnh nhân yếu, thêm vào đó là bệnh nền bị ảnh hưởng nặng từ thuốc phơi nhiễm.

BS Thới ngậm ngùi kể: “Tôi vẫn nhớ ánh mắt khát khao sống của KL, cô gái mới 24 tuổi. Đáng ra tuổi đời của em sẽ còn dài nếu không may bị những kẻ lạ dùng kim tiêm chích vào ngực trong khi đi làm về. L. có nền bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Ở BV Bệnh nhiệt đới phơi nhiễm vài hôm, L. phải chuyển sang BV quận Thủ Đức điều trị biến chứng và nhiều bệnh liên quan. Sau khi điều trị viêm màng bồ đào (một bệnh lý về mắt) và viêm dạ dày đã đỡ thì bệnh nhân đột ngột bị xuất huyết não, tràn khí màng phổi, không loại trừ lao phổi. Chống chọi với bệnh được gần một tháng thì cô gái trụ cột của gia đình đã chết tức tưởi”.

Cách duy nhất để chống lại tử thần HIV

Nói đến phơi nhiễm tuy đáng sợ nhưng đó là cách duy nhất an toàn để không đối diện với HIV. Một người vì lý do nào đó có tiếp xúc với máu, dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HIV… thì có thể được coi là bị phơi nhiễm HIV.

Khi bị kim đâm vào tay, hay máu văng vào mắt, điều đầu tiên cần phải làm ngay là nặn bỏ máu ở nơi bị kim đâm hoặc rửa thật sạch máu bắn vào. Tiếp theo cần mua ngay thuốc điều trị dự phòng để uống (luôn có cơ số thuốc điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm ở các trung tâm y tế dự phòng…). Sau đó người bệnh cần đến BV Bệnh nhiệt đới làm một số xét nghiệm cần thiết. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).  

 

Người thứ 2 của cặp song sinh Việt - Đức được mổ thận

“Tôi vừa được các bác sĩ mổ thận vào sáng hôm qua (7-3). Hiện sức khỏe đã ổn định nhiều”.

Nằm trên giường bệnh tại BV Bình Dân TP.HCM, anh Nguyễn Đức (trong cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức) cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên vào chiều 8-3.

Theo anh Nguyễn Đức, cách đây hai ngày (6-3), do bị đau thắt lưng và đầy hơi nên anh vào BV Bình Dân khám. “Bác sĩ cho biết tôi bị máu trong nước tiểu và nhiễm trùng bàng quang độ 3 nên phải mổ” - anh Nguyễn Đức nói.

Một bác sĩ cho biết anh Nguyễn Đức nhập viện trong tình trạng đau lưng bên trái và sốt một ngày trước đó. Sau khi thử máu, chức năng thận, CT tổng phân tích nước tiểu…, các bác sĩ kết luận thận trái anh Nguyễn Đức bị ứ nước nhiễm trùng do bị dị dạng đường tiết niệu (ảnh hưởng sau cuộc phẫu thuật tách đôi hai anh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt).

“Sau khi hội chẩn với nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa, BV Bình Dân quyết định phẫu thuật thận cho anh Nguyễn Đức. Các bác sĩ sử dụng hệ thống dò siêu âm và tiến hành mở thận trái ra da cho anh Nguyễn Đức. Hiện anh Nguyễn Đức được tiếp tục điều trị bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, do bạch cầu máu anh Nguyễn Đức còn cao nên bệnh viện phải điều trị cho thật ổn định” - vị này cho biết.

Hai anh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức sinh ngày 25-2-1981 tại Kon Tum và có chung phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn. Hai anh có hai chân và một chân cụt.

Hai anh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức được mổ tách vào ngày 4-10-1988. Tuy nhiên, đến ngày 6-10-2007 anh Nguyễn Việt qua đời.

Anh Nguyễn Đức hiện đang công tác tại BV Từ Dũ (TP.HCM). Anh đã cưới vợ và có hai con. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).

 

Cứu sống thai phụ bị vỡ tử cung nhờ báo động đỏ liên viện

 Thông tin từ bệnh viện Trưng Vương cho biết, đêm ngày 7-3, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ nội viện và liên viện đến các bệnh viện Hùng Vương, Truyền máu – Huyết học và Chợ Rẫy nên đã kịp thời cứu sống thai phụ chuyển dạ trong tình trạng nguy kịch do biến chứng vỡ tử cung.

Thai phụ tên  Đ.T. Q. N. (36 tuổi), nhập viện tại bệnh viện Trưng Vương lúc 8 giờ 55 phút ngày 7-3 với chẩn đoán ban đầu là chuyển dạ sinh con lần 3, thai 38 tuần tuổi. Đến 19 giờ 10 phút cùng ngày bác sĩ phát hiện tim thai suy và có triệu chứng vỡ tử cung. Trước tình hình nguy cấp, êkíp trực quyết định mổ bắt con là một bé trai nặng 3,1kg. Tuy nhiên, trong quá trình bắt mổ con các bác sĩ quan sát thấy góc trái tử cung bầm đỏ chảy máu nhiều là dấu hiệu của vỡ tử cung, nên quyết định kích hoạt báo động đỏ nội viện lúc 19 giờ 40 phút. Nhận được tín hiệu báo động đỏ, trực lãnh đạo cùng các bác sĩ trực của 4 khoa gồm: Phụ sản, Hồi sức, Xét nghiệm và Phẫu thuật – Gây mê nhanh chóng có mặt trong phòng mổ. Ngoài ra còn có 3 bác sĩ không trong tua trực cũng được điều động từ nhà vào để hội chẩn khẩn cấp và phối hợp hướng xử lý.

Sau khi hội chẩn khẩn ngay tại phòng mổ, các bác sĩ quyết định phải cắt tử cung của sản phụ để cầm máu. Ê kíp gây mê, hồi sức tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân, đồng thời truyền dịch và xin khẩn 3 túi khối hồng cầu lắng đông lạnh nhóm máu O D+ để thực hiện phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, động mạch chậu trong của bệnh nhân bị vỡ, không thể cầm máu, đe dọa đến tính mạng của sản phụ. Ban giám đốc bệnh viện Trưng Vương quyết định báo động đỏ liên viện, nhờ sự hỗ trợ từ các bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Truyền máu – Huyết học và bệnh viện Chợ Rẫy. Nhận được tín hiệu báo động đỏ liên viện của bệnh viện Trưng Vương, 5 bác sĩ trực của 3 bệnh viện đã có mặt kịp thời, cùng với ê kíp của bệnh viện Trưng Vương nhanh chóng hội ý và can thiệp cầm máu thành công.

Hiện tình trạng của sản phụ đã qua cơn nguy kịch, sinh tồn ổn định và đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức bệnh viện Trưng vương, bé trai sức khoẻ tốt. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Thanh niên, trang 5; Tuổi trẻ, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 5).

 

Tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân theo phương pháp Ozaki

Ngày 7/3/2017, GS Shigeyaki Ozaki (Nhật Bản), GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc bệnh viện (BV) E cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV E đã tiến hành khám lại bệnh nhân Bùi Văn Nhiền (35 tuổi – Hòa Bình). Đây là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng chính màng tim của bệnh nhân theo phương pháp Ozaki vào năm 2013.

Lấy màng tim của chính người bệnh tái tạo van động mạch chủ

Chia sẻ về chuỗi thời gian trước đây bị bệnh, bệnh nhân Bùi Văn Nhiền (35 tuổi – Hòa Bình) cho biết: anh phát hiện bệnh hở van động mạch chủ (tức là van động mạch chủ không đóng kín) trước khi tiến hành mổ 8 năm. Anh rất hay bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó thở mỗi khi chiều tối. Anh đã đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ đều chỉ định, anh phải tiến hành mổ thay van tim bằng van tim cơ học.

“ Khoảng thời gian đó, tôi đi khám ở viện nào cũng gặp tình trạng quá tải bệnh viện và phải chờ đợi lâu. Khi tôi tới BV E, tôi đã không phải chờ đợi lâu. Sau phẫu thuật, tôi rất khỏe, tôi vẫn chơi thể thao, đánh cầu lông hằng ngày.” – anh Nhiền cho biết.

GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc BV E chia sẻ: đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam do các bác sĩ Trung tâm tim mạch BV E tiến hành dưới sự hỗ trợ của giáo sư Ozaki. GS. Ozaki là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim ở BV Đại học Toho (Tokyo – Nhật Bản).

Nói về trường hợp bệnh nhân Nhiền, GS. Thành cho hay: bệnh nhân Nhiền bị hở van động mạch chủ dẫn tới tình trạng máu bị dồn ngược trở lại từ động mạch chủ về tim, tăng gánh nặng cho tâm thất trái. Nếu để lâu dài sẽ dẫn tới suy tim.

Sau khi hội chẩn, được gia đình đồng ý, năm 2013 dưới sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ GS. Ozaki, GS. Thành cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV E đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng màng tim của chính bệnh nhân theo phương pháp Ozaki (phương pháp mang tên của vị GS này) cho bệnh nhân Nhiền.

Ozaki - phương pháp ưu việt cho bệnh lý van động mạch chủ

Theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, bệnh hở van động mạch chủ mạn tính thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì bởi trong giai đoạn này, tim vẫn còn cơ thế tự bù trừ để chống lại các rối loạn. Chỉ tới khi chức năng thất trái suy giảm, tâm thất trái giãn nhiều, phân suất tống máu giảm thì người bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng và khi đó, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh.

Ban đầu, bệnh nhân thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở khi nằm, cơn khó thở kịch phát về đêm, cảm giác đau thắt ngực và cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ. Đáng ngại nhất là trong trường hợp hở van động mạch chủ nặng và đã có triệu chứng, người bệnh sẽ dễ bị đột tử do các rối loạn nhịp tim liên quan tới phì đại và rối loạn chức năng thất trái.

GS. Thành cũng cho biết: bệnh nhân hở van động mạch chủ vừa – nặng được điều trị nội khoa thường có tỷ lệ sống sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 50%. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc, hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật hoặc cải tiến kỹ thuật mổ. Mặc dù thuốc có thể giúp cải thiện phần nào tiên lượng sống nhưng đó chỉ là giải pháp để trì hoãn thời gian mổ.

Trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới. Bằng những nghiên cứu GS. Ozaki (Nhật Bản) đã chế tạo ra được dụng cụ đo được van động mạch chủ theo hướng cải tạo lại. Ông dùng chính màng tim của bệnh  nhân để tạo thành van tim. Phương pháp này được cả thế giới biết gọi là phương pháp Ozaki mang tên ông.

Phân tích lợi điểm của phương pháp này, GS. Thành cho biết thêm: đây là kỹ thuật hiện đại rất phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp khẩn nguy. Trong 7 năm qua, GS. Ozaki đã tiến hành mổ thành công trên 1.000 trường hợp, chủ yếu từ 60 - 80 tuổi, bằng kỹ thuật tiến tiến này nhưng cho đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào phải mổ lại.

Một ưu điểm nữa của phương pháp này là vấn đề huyết động học trong bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch được giải quyết triệt để. Luồng máu qua van động mạch chủ không bị cản trở, chênh áp qua van thấp (dưới 10), không hở van tim sau mổ. Bệnh nhân không dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng và nguy cơ rủi ro khi dùng thuốc chống đông, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Thêm nữa, do các bác sĩ dùng chính màng tim tự thân của bệnh nhân thay van động mạch chủ sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

Cũng trong ngày 7/3, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thêm 4 trường hợp khác để có thể tiếp tục phẫu thuật bằng kỹ thuật này vào thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang