Về nguồn để giáo dục truyền thống cho cán bộ trẻ ngành Y
Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế dự Lễ Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2017) tại Khu di tích Ban Dân y Trung ương cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) do CLB Truyền thống Ban dân y miền Nam phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế tổ chức.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng cũng phát động chương trình vận động, kêu gọi các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống các di tích của ngành y tế tại tỉnh Tây Ninh và tỉnh Tuyên Quang.
Ngay tại Hội trường tổ chức buổi lễ kỷ niệm, PGS. TS. Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban dân y miền Nam xúc động cho biết, chính nơi đây là bệnh viện Liên cơ C6 đóng quân. Trận càn mùa khô năm 1967 có một học viên đang học lớp y tá tại bệnh viện đã bắn rơi một chiếc trực thăng, rồi những trận pháo bầy dội xuống, cán bộ y tế phải dìu thương binh để vượt qua bom đạn, bảo vệ tính mạng cho thương binh là trên hết. Để làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, có biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, biết bao thế hệ các thầy thuốc đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ không trở về.
Vượt qua nỗi đau và sự mất mát của chiến tranh, 42 năm từ dấu son chói lọi ngày 30.4.1975, đất nước vừa khắc phục hậu quả chiến tranh để lại vừa xây dựng phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới.
Trước đây, ngành y tế gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, nguồn nhân lực thiếu chưa được đào tạo, nhưng những năm gần đây, Đảng và nhà nước đã đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì vậy Bộ Y tế đã làm tốt công tác y tế phổ cập, y tế dự phòng, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, những kỹ thuật y khoa tiên tiến đã được áp dụng như: ghép gan, ghép thận, ghép tim, ghép phổi, thay giác mạc,…
“Những ngày tháng 4 lịch sử, Đoàn Bộ Y tế lại có chuyến về nguồn - khu di tích truyền thống Dân y miền Nam. Khi đặt chân đến khu di tích truyền thống Dân y miền Nam là mỗi người lại vô cùng xúc động. Đặc biệt là các lãnh đạo, cán bộ, y bác sĩ ngành y. Đây thực sự là một địa chỉ đỏ để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng đấu tranh oanh liệt, những đóng góp quan trọng của Ngành y tế đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là nơi để các thế hệ cán bộ, y bác sĩ ngành y tế hiểu rõ hơn truyền thống yêu nước, sự hi sinh quên mình vì Tổ Quốc của thế hệ ông, cha”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xúc động phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, chúng ta tri ân sâu sắc những cống hiến, hi sinh của các thế hệ đi trước. Vậy nên chúng ta phải luôn tự vấn rằng: phải làm gì cho Tổ quốc hôm nay! Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, ngành y tế đã, đang và sẽ phấn đấu để đạt được mục tiêu tối quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Thời gian qua, toàn ngành đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, người dân.
Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân. Triển khai các chương trình, đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, đẩy mạnh lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; đổi mới toàn diện đào tạo cán bộ. Ngành Y tế tăng cường xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân…
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng CLB truyền thống Ban dân y miền Nam đã trao 2 căn nhà tình nghĩa cùng nhiều phần quà cho các gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn huyện Tân Biên (Tây Ninh).
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phát động chương trình vận động, kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài ngành để hoàn thiện hệ thống các di tích của ngành y tế qua các thời kỳ tại tỉnh Tây Ninh và tỉnh Tuyên Quang - một nơi là Trung ương Cục miền Nam và một nơi được xem là Thủ đô kháng chiến. Ngay tại buổi lễ, các đơn vị đã ủng hộ được hơn 550 triệu đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại của khu di tích Ban Dân y Trung ương cục miền Nam, dự kiến sẽ khánh thành vào dịp 30.4. 2018. Trước mắt, đặt 6 tượng đài của các thầy thuốc tiêu biểu ngành Y tế: Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác, Bác sĩ Alexander Yersin, cố Bộ trưởng Bộ Y tế BS. Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế BS Nguyễn Văn Hưởng, nguyên trưởng Ban dân miền Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Văn Thủ. (Sức khỏe đời sống trang 3).
Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn Lào
Đoàn cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế do PGS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế làm trưởng đoàn cùng phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chuyến công tác tại 5 tỉnh Nam Trung Lào gồm Savannakhet, Champasak, Attapeu, Sekong và Salavan.
Bệnh viện Trung ương Huế đã lần đầu tiên ký biên bản ghi nhớ với đại diện Sở Y tế của 5 tỉnh về việc hợp tác trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực y tế, chuyển tuyến và xã hội hóa y tế. Cụ thể các biên bản ghi nhớ trên sẽ gồm những điều như sau: bệnh nhân Lào có giấy giới thiệu từ bệnh viện 5 tỉnh trên khi về Bệnh viện Trung ương Huế khám chữa bệnh sẽ được hưởng giá dịch vụ y tế như người Việt Nam; Bệnh viện Trung ương Huế sẽ đào tạo miễn phí 1 đến 3 tháng cho khoảng dự kiến 15-20 cán bộ y tế, bác sĩ từ Lào trong năm nay; Chuyển giao miễn phí một số kỹ thuật về can thiệp tim mạch và phẫu thuật nội soi. Dự kiến thời gian tới sẽ chuyển giao kỹ thuật về sản khoa cho nước bạn với mục đích hạn chế những tai biến sản khoa… (Sức khỏe đời sống trang 2).
Hà Nội: Thêm 2 bệnh nhân hôn mê do ngộ độc methanol
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc methanol rất nặng.
Trước đó, đêm 6/4 bệnh nhân nam B.H.P. (52 tuổi, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) nhập viện sau 24h uống rượu ở quán gần nhà và một quán ở đường Đê La Thành. Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi có biểu hiện ngộ độc rượu, bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải.
Do tình trạng ngộ độc quá nặng, Bệnh viện Giao thông Vận tải đã chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa. Kết quả xét nghệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên đến 45,9 mg/dl. Bệnh nhân được điều trị bằng tất cả các liệu pháp tích cực như lọc máu, hồi sức, thải độc…
Hơn 1 ngày sau, trong máu bệnh nhân đã âm tính với methanol nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao. Bác sĩ, Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, từ tháng 1 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 34 Trung tâm phải cấp cứu do ngộ độc methanol. Cũng trong đêm 6/4, thêm một bệnh nhân nữa nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong tình trạng nhiễm trùng nặng do ngộ độc methanol.
Trong số 34 bệnh nhân ngộ độc methanol có 9 trường hợp tử vong ngay tại viện hoặc nặng gia đình xin về, nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực. (Tiền phong trang 6, An ninh thủ đô trang 7, Sức khỏe đời sống trang 2).
Đà Nẵng: Y tế công lập “đỏ mắt” tìm bác sỹ
Tại Đà Nẵng, dù cơ sở vật chất nhiều bệnh viện, trạm y tế được đầu tư khá hiện đại, ngành y tế có chính sách ưu đãi tuyển dụng, song các cơ sở vẫn trong tình trạng thiếu hụt bác sĩ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc khám chữa bệnh.
Trong số các bệnh viện tuyến quận, huyện của Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang được đầu tư khá khang trang, hoàn chỉnh. Từ năm 2013, bệnh viện này được đầu tư nâng cấp, xây mới với quy mô 150 giường, 8 phòng, khoa chức năng và khám chữa bệnh. Đến tháng 5-2016, dãy nhà 5 tầng (thuộc giai đoạn 2) được khánh thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, kèm theo đầy đủ trang thiết bị cùng 4 phòng mổ hiện đại. Tuy nhiên, trong số hơn 237 cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang hiện mới có chưa tới 40 bác sĩ. Năm 2016, 11 bác sĩ đã được tuyển dụng nhưng với nhu cầu phát triển như hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang vẫn cần thêm 15 bác sĩ trong năm 2017. Hiện bệnh viện được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy siêu âm màu J16 (trang bị cho khoa Siêu âm-Chẩn đoán hình ảnh với tính năng, mức độ hiện đại chỉ đứng sau Bệnh viện Đà Nẵng), thiết bị điện cơ, nội tiêu hóa, thiết bị cắt lớp vi tính... Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho khoảng 600 bệnh nhân mỗi ngày, cũng như phát huy hết công năng, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang phải hợp đồng với các bác sĩ về hưu, bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang cho biết: Ngoài chính sách của thành phố, bệnh viện đều hỗ trợ cho mỗi bác sĩ khi về làm việc tại đây từ 8-15 triệu đồng. Đối với những bác sĩ ở xa được hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng. Chưa kể, các bác sĩ khi về làm việc tại đây đều được khuyến khích đi học các lớp đào tạo chuyên khoa định hướng ngắn hạn 6-12 tháng, bệnh viện luôn có cơ chế riêng để thu hút, tuyển chọn bác sĩ khi về làm việc tại đây. Tuy nhiên, vẫn không tuyển được do bệnh viện ở xa trung tâm, đi lại khó khăn. Trạm y tế xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) hiện chỉ vẻn vẹn 7 cán bộ, nhân viên đảm nhiệm việc khám chữa bệnh cho hơn 15.000 người dân trên địa bàn xã. Việc tuyển bác sĩ về trạm được thực hiện trong suốt 3 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong 5 năm qua, cơ sở này được trang bị tới 2 máy điện tim nhưng theo y sĩ Nguyễn Ngọc Ba, trưởng trạm y tế xã, do trạm thiếu bác sĩ nên không sử dụng được các thiết bị này.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng, suốt 11 năm qua, liên tục thông báo tuyển dụng nhưng đến nay vẫn còn thiếu đến 10 bác sĩ. Năm 2015, Đề án 922 có bổ sung cho bệnh viện 1 bác sĩ nhưng người này đã xin nghỉ từ cuối 2016. Vừa qua, Đề án này cũng bổ sung thêm 2 bác sĩ nhưng kết quả là họ không chịu về dù bệnh viện đã hết sức năn nỉ. Quy mô bệnh viện 100 giường nhưng chỉ có 7 bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân, vì thế, các bác sĩ phải làm việc gấp 2 - 3 lần, hoàn toàn không có thời gian đi học bồi dưỡng, nâng cao tay nghề.
Tuyến y tế xã phường cũng lâm vào hoàn cảnh “bi đát”. Trạm y tế xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) hiện chỉ vẻn vẹn 7 cán bộ, nhân viên đảm nhiệm việc khám chữa bệnh cho hơn 15.000 người dân trên địa bàn xã. Việc tuyển bác sĩ về trạm được thực hiện trong suốt 3 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả. Y sĩ Nguyễn Ngọc Ba, Trưởng trạm y tế xã cho biết: Trong 5 năm qua, cơ sở này được trang bị 2 máy điện tim do trạm thiếu bác sĩ nên không sử dụng được các thiết bị này.
Theo Sở Y tế thành phố, tính đến cuối năm 2016, hàng loạt cơ sở y tế như các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện chuyên ngành như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Pháp y... đều phản ánh tình trạng thiếu bác sĩ. Thậm chí, bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế như Bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ. Hiện bệnh viện này thiếu khoảng 30 bác sĩ. Vừa qua, bệnh viện thông báo tuyển dụng 10 bác sĩ nhưng chỉ nhận được 2 người.
Sức hút của các bệnh viện tư
Một giám đốc bệnh viện công tại Đà Nẵng cho rằng: Là Trung tâm của khu vực, các bệnh viện công lập tại Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng quá tải. Ví như thực kê bệnh viện 100 giường nhưng thực tế điều trị 200 bệnh nhân, trong khi bệnh viện chỉ được phép tuyển dụng bác sĩ tương ứng 100 giường, không được phép tuyển theo thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng bác sĩ phải làm việc gấp nhiều lần, khiến nhiều người cân nhắc khi chọn về bệnh viện công lập. Ngoài ra, hiện tại chính sách thu hút bác sĩ ở Đà Nẵng hiện nay không thông thoáng, ưu đãi nhiều như các địa phương lân cận. Vị này đơn cử như tại Quảng Ngãi sinh viên y ra trường theo diện thu hút được hỗ trợ 200 – 250 triệu/người. Ngay tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mức hỗ trợ đã 100 – 150 triệu/người. Do đó, sinh viên ra trường chọn các địa phương này là điều dễ hiểu.
“Hai yêu cầu tối thiểu của một bác sĩ mới ra trường là thu nhập và điều kiện nâng cao tay nghề. Nhưng thực tế hiện nay, bệnh viện công thu nhập không cao, lại trong tình trạng quá tải. Điều kiện nâng cao tay nghề hạn chế. Do đó chọn lựa vào các bệnh viện công ở Đà Nẵng không phải là chọn lựa tốt nhất”, vị này cho biết. (Tiền phong trang 6).