Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/5/2023

  • |
T5g.org.vn - 3 người nhập viện nghi ngộ độc cồn công, 1 người tử vong; Hy hữu: Mảnh sành nhọn nằm trong khớp gối bé 9 tuổi suốt 2 năm; Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề; Nguy cơ tàn phế do bệnh lupus ban đỏ hệ thống

 

3 người nhập viện nghi ngộ độc cồn công nghiệp, 1 người tử vong

Ngày 9.5, tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân đều ngụ Q.12, TP.HCM nhập viện nghi ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp). Trong đó 1 người ngộ độc quá nặng không qua khỏi. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, tối 1.5, bệnh nhân Nguyễn Văn A. (43 tuổi) và Nguyễn Văn Q. (33 tuổi) và 1 người tên T. đều ngụ Q.12, TP.HCM, tổ chức ăn uống tại gia đình nhân dịp nghỉ lễ.

Sau 1 ngày, cả 3 người này phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng. Dù đã được điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân T. không thể qua khỏi.

Thiếu tá, bác sĩ CK.1 Dương Xuân Minh, Khoa Lọc máu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân A. và bệnh nhân Q. vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy các bệnh nhân này bị rối loạn chức năng đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng, trong khi đó nồng độ Ethanol (cồn thực phẩm) trong máu không cao. Kết hợp với yếu tố dịch tễ cả 3 người cùng uống rượu đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau nên nghĩ đến nguyên nhân là do ngộ độc Methanol.

Ngay lập tức, bệnh viện đã hội chẩn cấp cứu với các chuyên gia trong và ngoài bệnh viện, xác định chẩn đoán và tiến hành các biện pháp can thiệp hồi sức tích cực như: lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, cho dùng vitamin B1 liều cao, bổ sung Ethanol qua đường tiêu hóa…

Hiện 2 bệnh nhân nghi ngộ độc Methanol tỉnh táo, sinh hoạt được, tình trạng toan chuyển hóa đã về bình thường. Dự kiến, ngày mai 10.5, có thể 2 bệnh nhân sẽ được xuất viện.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết ban này đã nắm vụ nghi ngộ độc Methanol nói trên, đang làm rõ (Thanh niên, trang 3). 

 

Hy hữu: Mảnh sành nhọn nằm trong khớp gối bé 9 tuổi suốt 2 năm

Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết tiếp nhận phẫu thuật khớp gối thành công cho bệnh nhi 9 tuổi. Đây là ca bệnh hy hữu, khi khớp gối của bé có dị vật sắc nhọn suốt 2 năm qua nhưng chưa gây ảnh hưởng sức khỏe trẻ.

Theo lời kể của gia đình, cách đây 2 năm, trẻ không may bị ngã chống đầu gối trái vào đúng mảnh vỡ của chiếc bát gây vết thương chảy máu. Sau khi xử lý phần mềm vết thương, trẻ quay lại sinh hoạt bình thường. Theo thời gian, vết thương của cháu đã lành lặn và có thể đi lại được.

Tuy nhiên, gần đây trong lúc chạy nhảy, C. tiếp tục bị ngã đập gối trái xuống đất. Ngay sau cú ngã, cháu xuất hiện tình trạng đau nhiều khớp gối, đau tăng khi vận động. Gia đình đưa C. đến thăm khám, qua hình ảnh chụp phim các bác sĩ phát hiện dị vật cản quang trong khớp gối.

Trẻ được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ dị vật, kết quả ca phẫu thuật là dị vật mảnh sành sắc nhọn. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp rất hy hữu và may mắn với trẻ, vì dị vật sắc nhọn như vậy bị bỏ quên trong khớp gối đã 2 năm mà không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo dị vật trong khớp có thể gây tổn thương đến các dây chằng, hoặc gây nhiễm trùng khớp ảnh hưởng đến vận động khớp nếu không được lấy ra sớm. Vì vậy, đối với các vết thương vùng khớp cần thăm khám ở các cơ sở y tế có trang thiết bị đầy đủ và để tránh bỏ sót các tổn thương như bỏ quên dị vật, vết thương thấu khớp (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề

Theo các bác sĩ chuyên khoa nội và thần kinh, việc thức khuya sẽ gây ra những hệ lụy rất nguy hiểm cho sức khỏe và tương lai của người trẻ.

Nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%

Trao đổi về những kết quả khảo sát của Thanh Niên về tình trạng học sinh, sinh viên thức khuya, thạc sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa, Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, cho biết đó là thực trạng rất nguy hiểm, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe của người trẻ.

"Sau một ngày làm việc mệt mỏi, ban đêm là thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe và cân bằng các yếu tố trong cơ thể, nhưng vì một nguyên nhân hoặc thói quen nào đó mà chúng ta thường xuyên thức đêm, ngủ không đủ giấc. Việc thức khuya thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe", bác sĩ Hòa nói.

Bác sĩ Hòa cho biết tỷ lệ người có thói quen thức khuya sẽ bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bởi vì thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Nhưng khi chúng ta thức khuya, đã làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ, trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Nếu thường xuyên thức khuya sẽ gây ra những dấu hiệu về rối loạn tâm thần như mất ngủ, hay quên, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng, đau đầu...

Việc thức khuya còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm cho sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... cao hơn so với người ngủ đủ giấc.

"Bên cạnh đó, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, dẫn đến viêm loét dạ dày, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó", bác sĩ Hòa nói.

Đặc biệt, bác sĩ Hòa cho biết nếu người trẻ ngủ dưới 5 giờ/ngày thì nguy cơ teo não tăng 25%; nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%; nguy cơ tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc; chưa nói liên quan đến các bệnh ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư vú tăng lên…

Rối loạn sức khỏe tâm thần

Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết người trẻ từ độ tuổi 11 - 17 tuổi cần ngủ từ 9 - 11 giờ mỗi ngày. Nếu điều này không được diễn ra đều đặn, đúng giờ sẽ gây nên không ít nguy hại cho sức khỏe.

"Nếu chỉ ngủ từ 5 - 7 giờ, thậm chí 2 - 4 giờ, có thể gây ra rất nhiều tác hại. Thiếu ngủ gây ra căng thẳng và các rối loạn sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, rối loạn lo âu, đặc biệt là bị rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Thiếu ngủ cũng làm giảm khả năng tương tác xã hội và giảm sự nhạy bén với cảm xúc của người khác. Thiếu ngủ còn làm suy giảm trí nhớ…", bác sĩ Thắng cảnh báo.

Theo bác sĩ Thắng, mất ngủ, khó ngủ là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chứng mất ngủ ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi, khiến công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, học tập ngày một lớn khiến người trẻ thường xuyên đối mặt với stress… điều này làm hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ", bác sĩ Thắng lý giải.

Đặc biệt là nguyên nhân "nghiện" thiết bị công nghệ. "Người trẻ có thói quen sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để giải trí vào ban đêm. Tuy nhiên, sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh, mắt và gây mất ngủ ở người trẻ", bác sĩ Thắng chia sẻ và cho biết lối sống thiếu khoa học làm cho hormone melatonin (hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra bệnh mất ngủ ở người trẻ.

Lý giải con số 67,6% giới trẻ cảm thấy bình thường sau khi thức khuya, bác sĩ Thắng cho rằng: "Đồng hồ sinh học của cơ thể phải thay đổi theo lối sống của các bạn trẻ. Khi đồng hồ sinh học của cơ thể bị ảnh hưởng, sẽ dẫn đến ảnh hưởng các chức năng hoạt động, mà đôi khi họ không nhìn thấy được. Theo thời gian dài, dần dần cơ thể sẽ bị suy giảm các chức năng đó và bắt đầu ảnh hưởng đến cơ thể. Nên việc thức khuya ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến giới trẻ hiện nay", bác sĩ Thắng khẳng định (Thanh niên, trang 3). 

 

Nguy cơ tàn phế do bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Mới đây, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đồng thời 2 bên thành công cho nữ bệnh nhân 40 tuổi (quê Hải Phòng) bị tàn phế do bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có biểu hiện ở nhiều cơ quan bao gồm đau khớp, viêm khớp, phát ban, viêm màng phổi hoặc viêm màng ngoài tim, tổn thương thận hoặc tổn thương hệ thống thần kinh trung ương... Trong đó, tình trạng viêm khớp rất thường gặp ở những người bị bệnh lupus với triệu chứng đau, sưng nóng, hạn chế vận động các khớp.

Bệnh nhân (BN) nói trên được phát hiện bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ năm 2019, điều trị tại một bệnh viện (BV) tuyến T.Ư. Tuy nhiên khoảng 4 tháng nay, BN đau khớp háng 2 bên gây hạn chế vận động cả 2 chân. Mức độ đau tăng dần, khớp háng 2 bên viêm dính khiến BN đau không thể đi, không thể ngồi được bằng xe lăn, phải nằm di chuyển bằng giường cáng.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, qua khám lâm sàng và kết quả chụp chiếu kỹ lưỡng, các bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm dính, thoái hóa khớp háng 2 bên.

BN đã được PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc BV, trực tiếp phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đồng thời 2 bên với kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ rất ngắn (vết mổ 4 - 5 cm). Cuộc mổ áp dụng gây tê tủy sống và giảm đau ngoài màng cứng, giúp giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn. Ca mổ thành công sau 1 giờ phẫu thuật. 1 ngày sau mổ BN đã có thể ngồi dậy được, sau 2 ngày phẫu thuật BN có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ, và được xuất viện sau 1 tuần để tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng tích cực.

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, trường hợp trên là ca bệnh khó do BN đến viện trong tình trạng gần như tàn phế, không thể tự đi lại, chỉ nằm trên cáng. Với BN này, bệnh lupus ban đỏ diễn biến đã lâu, bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan khác như: thiếu máu mạn tính, có dịch màng ngoài tim, chất lượng xương kém do loãng xương, hệ thống cơ chi dưới teo, cơ lực kém… Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đồng thời 2 bên giúp người bệnh giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi, gan, thận, giúp vận động sớm, rút ngắn thời gian phục hồi và nằm viện.

Các chuyên gia cũng lưu ý nhờ kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, nhiều bệnh nhân được phục hồi chức năng khớp háng, có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất sau phẫu thuật này, ngoài kỹ thuật mổ tốt, việc luyện tập, phục hồi chức năng sau mổ rất quan trọng. BN có thể tự tập sau mổ với sự hướng dẫn của nhân viên y tế (Thanh niên, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang