Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Đề xuất đưa bảo hiểm y tế bổ sung để giảm chi tiền túi cho người bệnh; Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi điều trị ung thư; Liên tục ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ: Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì?...

 

Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, không để bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/10, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, riêng trong ngày 6/10 ghi nhận bốn trường hợp mắc bệnh. Người dân lo ngại về khả năng mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đậu mùa khỉ không dễ lây lan và khó bùng phát thành dịch.

Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/9. Một người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân này cũng đã được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Điều tra bệnh sử, bệnh khởi phát trước đó khoảng một tuần với các triệu chứng nổi hạch hai bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi hai, ba mụn nước nhỏ. Sau đó, nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt.

Sau khi nhận thông tin trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách tám người tiếp xúc gần với bệnh nhân (bốn người tại Thành phố Hồ Chí Minh, một người ở Bình Dương, ba người ở Đồng Nai). Sau đó, lần lượt xuất hiện thêm các ca bệnh vào các ngày 28/9, 4/10 và 6/10.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận trên địa bàn có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca xâm nhập, những ca còn lại phát hiện trong nước. Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện HCDC cho biết, theo thông tin điều tra được, thì chưa thấy có sự liên quan giữa các ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước.

Tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên các bệnh nhân đến thăm khám, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ hai đến bốn tuần. Các trường hợp nặng có thể xảy ra, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong theo ca bệnh dao động trong khoảng 3 đến 6% (theo Tổ chức Y tế thế giới). Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình. “Các ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh có những ca có dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm tưởng với các bệnh nam khoa. Tuy nhiên, đã được các bác sĩ phát hiện bệnh sớm, xử lý đúng theo quy trình cho nên quá trình điều trị rất thuận lợi; đồng thời, bệnh viện cũng đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ, nhân viên y tế đã được tập huấn đầy đủ” - bác sĩ Thảo khẳng định.

Để tiếp tục trau dồi thêm kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ, từ ngày 9 đến 11/10, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều lớp tái tập huấn cho các nhân viên y tế chẩn đoán, quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chị Lữ Thị Uyên (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi đã từng nghe thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, vẫn nghĩ đậu mùa khỉ chỉ có ở châu Phi. Hiện giờ, ngay cả người Việt Nam không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người nước ngoài mà vẫn mắc bệnh thì tôi thấy rất đáng lo ngại.Giải đáp cho những lo lắng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Người dân không nên quá lo lắng, bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng.

Về khả năng mầm bệnh có thể đang tiềm ẩn trong cộng đồng, bác sĩ Khanh cho rằng, nếu có mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại. “Đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi có tiếp xúc cọ xát gần, da với da, miệng với miệng điển hình là quan hệ tình dục cho nên việc lây lan và phòng bệnh cũng tương tự như với HIV/AIDS chứ không phải lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc cho nên người dân không cần quá lo lắng, hoang mang”, bác sĩ Khanh nhận định.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi, nên tập trung vào những người bị ảnh hưởng và những người tiếp xúc gần gũi của họ. Không kỳ thị những nhóm người bị bệnh này vì có thể là một rào cản ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự chăm sóc, dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện.

Trước tình hình số ca đậu mùa khỉ tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu HCDC và các bệnh viện, phòng khám... tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chặt chẽ và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh trong cộng đồng. Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, cũng không nên phản ứng thái quá mà triển khai đầu tư không cần thiết, nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu… Cần truyền thông để người dân không hoang mang và nắm được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần đi khám và thực hiện xét nghiệm để loại trừ; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; nhất là với những người có yếu tố dịch tễ như: đi từ vùng dịch ở nước ngoài về, có tiếp xúc với những người mắc bệnh, hoặc người có triệu chứng nghi ngờ…

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn tiến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; tốt nhất, che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (Nhân dân, trang 8).

 

Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi điều trị ung thư

Ngoài các can thiệp y tế chuyên sâu, chế độ dinh dưỡng chiếm một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều hiểu lầm của người bệnh về chế độ dinh dưỡng khiến quá trình điều trị căn bệnh này gặp khó khăn hơn.

Không nên nhịn ăn hay loại bỏ đường

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm tại nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.

Tại buổi chia sẻ thông tin dinh dưỡng đến người bệnh ung thư, Tiến sĩ Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao - Trung tâm Ung thư Parkway Singapore cho biết, ung thư là căn bệnh thực sự cần có tư vấn và định hướng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không ít bệnh nhân thực hiện chế độ dinh dưỡng chưa khoa học. Thậm chí, họ còn có những quan điểm sai lầm khi cho rằng, nên nhịn ăn để tiêu diệt tế bào ung thư hay tuyệt đối không sử dụng đường và thực phẩm hữu cơ tốt hơn, an toàn hơn so với thực phẩm thông thường.

Về quan điểm nhịn ăn vài ngày sẽ giúp thải độc cơ thể từ đó cũng giúp tiêu diệt tế bào ung thư, một phương pháp được nhiều người “truyền miệng” là detox - thanh lọc cơ thể bằng cách không ăn, chỉ uống nước trong khoảng một tuần. Tiến sĩ Fahma Sunarja khẳng định, người bị bệnh ung thư không nên áp dụng phương pháp này. Nếu người bệnh tự ý nhịn ăn hay giảm ăn thì tất cả những tế bào khác trong cơ thể đều bị thiếu dinh dưỡng, bản thân người bệnh sẽ bị đói. Khi cả cơ thể bị đói, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khỏe, thậm chí chết vì đói trước khi chết vì khối u. Vì vậy, đứng trước những thông tin chưa chính xác, người bệnh cần cân nhắc, xin tư vấn thêm từ chuyên gia để lựa chọn chế độ dinh dưỡng tốt nhất.

Thêm một quan điểm sai lầm là người bệnh ung thư không nên ăn đường vì gia vị này có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Tiến sĩ Fahma Sunarja khẳng định, thực tế là đường không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Trước tiên, cần phải hiểu về hoạt động của đường trong cơ thể. Thực phẩm mà con người ăn hằng ngày như: Cơm, ngô, khoai, sắn, ngũ cốc, các loại hoa quả... có chứa chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể có tên là carbohydrate. Carbohydrate có thể phân làm 3 loại chính, gồm: Đường là dạng carbohydrate đơn giản nhất; tinh bột là một loại carbohydrate phức tạp, có cấu trúc gồm nhiều đơn vị đường liên kết với nhau; chất xơ cũng thuộc loại carbohydrate phức tạp. Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để sản sinh năng lượng. Thế nhưng, ăn nhiều đường không có nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hay giảm đường cũng không khiến các tế bào ung thư “chậm lớn”. Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh là do tính chất ác tính của nó.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có nhiều bằng chứng cho thấy, tiêu thụ một lượng lớn đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư thực quản... Hơn nữa, tiêu thụ nhiều đường cũng làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư. Do đó, người bệnh nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp để tránh đường huyết tăng cao như: Bánh mì nguyên cám, cà rốt, cơm, mì, phở...

Bên cạnh đó, nhiều người lầm tưởng, thực phẩm hữu cơ tốt hơn và an toàn hơn so với thực phẩm thông thường. “Một sản phẩm ghi nhãn là hữu cơ hoặc chứa các thành phần hữu cơ không có nghĩa là sản phẩm đó sẽ lành mạnh hơn. Thậm chí, một số sản phẩm hữu cơ vẫn có nhiều đường, muối, chất béo hoặc calo...”, Tiến sĩ Fahma Sunarja lưu ý.

Sống lành mạnh, điều độ là quan trọng nhất

Ngoài việc điều trị bệnh, một chế độ ăn uống đầy đủ chất, bảo đảm an toàn thực phẩm là yếu tố quyết định để ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng và suy kiệt ở bệnh nhân ung thư. Tiến sĩ Fahma Sunarja chia sẻ: “Với bệnh nhân ung thư, sống lành mạnh, điều độ là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi luôn có các dịch vụ hỗ trợ tư vấn về dinh dưỡng và tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ an tâm trong quá trình điều trị”.

Với chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, vị chuyên gia này khuyến cáo, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau, quả; cắt giảm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đóng hộp và hạn chế uống rượu, bia. Cụ thể, bệnh nhân không ăn quá 500gram thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hằng ngày ở mức 70gram. Ngoài ra, người bệnh ung thư cần tránh ăn thực phẩm sống như sashimi (gỏi), rau sống, thịt bò tái...; không nêm nhiều gia vị sau khi nấu ăn; tránh ăn trứng chưa nấu chín; tránh ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay thực phẩm đã nấu nhiều giờ trước đó mà không được bảo quản đúng cách.

Đề cập đến việc bổ sung các thực phẩm chức năng đối với người bệnh ung thư, Tiến sĩ Fahma Sunarja lưu ý, người bệnh nên tham khảo thông tin từ các cơ sở y tế chuyên khoa và các chuyên gia tin tưởng xem có thực sự cần thiết phải sử dụng thực phẩm chức năng hay không; đồng thời nên cẩn thận với các quảng cáo và thông tin tràn lan về sản phẩm mà chưa có những bằng chứng lâm sàng chính xác.

“Thực phẩm chức năng nên được xem như một phương tiện bổ sung giúp tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thực phẩm có từ tự nhiên vẫn tốt hơn so với dùng thuốc. Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng tổng thể vẫn là phương án quan trọng nhất giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật”, Tiến sĩ Fahma Sunarja nói. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Liên tục ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ: Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì?

Đến nay tại TP HCM đã ghi nhận 13 ca bệnh đậu mùa khỉ. Tại Bình Dương cũng đã ghi nhận 2 ca, Đồng Nai ghi nhận 1 ca. Vậy nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ có lây lan ra cộng đồng hay không?

Một ngày phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ

Vào tối 8/10, Sở Y tế TP HCM đã báo cáo tình hình mới nhất về đậu mùa khỉ cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đến UBND TP HCM.

Theo đó, trong ngày 6/10, TP HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.

Các trường hợp đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế TPHCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống sáng 9/10 về nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ có lây lan ra cộng đồng hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng với những ca bệnh này, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hay không.

"Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng..."- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan.

Về phía người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo không nên hoang mang, cần đề cao biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân.

"Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam (MSM), người song giới (bisexual), người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su... Cùng đó bệnh này có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết. Do vậy, người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu đặc biệt nhấn mạnh: Các biện pháp phòng dịch cơ bản, phòng dịch lây từ giọt bắn là đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, rửa sạch các vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ em… để “một mũi tên phòng được nhiều mục đích, nhiều bệnh” như COVID-19, cúm, tay chân miệng… “Ban đầu, các nước cũng rộ lên vấn đề tiêm vaccine và dự trữ vaccine. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề vaccine không còn “nóng” nữa. Theo tôi đánh giá, Việt Nam cũng không phải là nước lưu hành dịch đậu mùa khỉ và đánh giá nguy cơ bùng dịch không cao… Do vậy, về rủi ro và lợi ích, thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vaccine và người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch, đánh giá đúng và đáp ứng đúng nguy cơ”, PGS.TS Phu nhấn mạnh và cho biết thêm tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa qua đã xếp đậu mùa khỉ là bệnh nhóm B.

Tập huấn các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ

Liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ, mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 26/9 đã có văn bản gửi Viện Pasteur TP HCM; Sở Y tế TP HCM; Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Dương về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động, cụ thể:

Đối với Sở Y tế TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ.

Cục Y tế dự phòng lưu ý cần chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ nêu trên để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; Thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống không để người dân hoang mang lo lắng không cần thiết.

Cùng đó tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với Viện Pasteur TP HCM, Cục Y tế dự phòng đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời về chuyên môn, kỹ thuật các địa phương (lưu ý TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương) trong công tác giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và khoanh vùng xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Đề xuất đưa bảo hiểm y tế bổ sung để giảm chi tiền túi cho người bệnh

heo Bộ Y tế, mục tiêu của bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT bắt buộc và giảm chi tiền túi của người bệnh, xây dựng các gói quyền lợi về y tế ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.

Quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của đơn vị BHYT bổ sung

Tại Toạ đàm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10/10, bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, loại hình BHYT hiện đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do nhà nước bảo đảm.

“Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân (100% dân số tham gia BHYT), do đó, chúng tôi mong muốn phát triển thêm BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.

BHYT bổ sung đề xuất hướng các doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm hiện nay sẽ cung cấp các gói BHYT bổ sung nhưng có quy định cụ thể, có những hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành liên quan để bảo đảm gói BHYT bổ sung cung cấp tối đa quyền lợi cho người bệnh. Đây là hình thức liên kết giữa BHYT bắt buộc với BHYT thương mại.

“Đưa vào quản lý nhà nước vấn đề liên quan đến phạm vi chi trả quyền lợi của người tham gia BHYT bổ sung, nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT”, bà Trang cho biết.

Theo ông Hoàng Trung Tuấn, Vụ Bảo hiểm Y tế, tại dự thảo Luật BHYT sưa đổi, bổ sung chương quy định về "Liên kết BHYT bổ sung và BHYT bắt buộc do nhà nước thực hiện". Mục tiêu phối hợp BHYT bắt buộc với bảo hiểm thương mại là tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm và giảm chi tiền túi của người bệnh, xây dựng các gói quyền lợi về y tế ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.

Nguyên tắc thực hiện BHYT bổ sung không trùng lắp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích, tổ chức cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung. Kinh phí mua BHYT bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.

"Người tham gia BHYT bổ sung được thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả ngoài mức hưởng của BHYT bắt buộc; các dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của BHYT bắt buộc. Các quyền lợi được nâng cao bao gồm: Tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn; được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo yêu cầu của người tham gia bảo hiểm; được thanh toán chi phí khám chữa bệnh thuộc quyền lợi gói BHYT bổ sung; được cơ sở y tế cung cấp chứng từ cần thiết để thanh toán BHYT bổ sung" ông Tuấn chia sẻ. 

Mục tiêu cao nhất là quyền lợi cho người bệnh, không trùng lắp việc chi trả

Tại Toạ đảm, bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có 50 doanh nghiệp bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ tại Việt Nam, hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm sức khoẻ của các doanh nghiệp bảo hiểm là 43.517 tỷ đồng. Các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ phổ thông hiện nay trên thị trường bảo hiểm gồm: Bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khoẻ; bảo hiểm bệnh ung thư; bảo hiểm bệnh hiểm nghèo; bảo hiểm học sinh sinh viên; bảo hiểm du lịch; bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm sức khoẻ cho người vay vốn.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, trường hợp quy định BHYT bổ sung tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi cần nghiên cứu, đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cần nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại, cụ thể về khả năng liên kết, hợp tác giữa cơ quan BHYT, cơ sở khám chữa bệnh với 50 doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh bảo hiểm sức khoẻ...

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang cho rằng, đối với BHYT bổ sung, nhà nước có quy định tăng số người tham gia, bắt buộc phải tham gia BHYT bắt buộc mới được tham gia BHYT bổ sung. Gói BHYT bổ sung không được trùng lắp với quyền lợi hiện BHYT bắt buộc đã chi trả.

"Hiện có nguy cơ một số hợp đồng BHYT thương mại bị trùng lắp, ảnh hưởng đến quyền của người tham gia hợp đồng bảo hiểm. Ưu điểm của chính sách này không được chi trả trùng lắp để người bệnh được chi trả những phần giá trị gia tăng thêm (phần đồng chi trả, phần dịch vụ thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ theo yêu cầu…), bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh. Điều này thể hiện vai trò quản lý của nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; cung cấp thông tin từ hệ thống BHYT của nhà nước cho việc bảo đảm phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm bổ sung", bà Trang nhấn mạnh.

Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho rằng, mục tiêu cao nhất của chính sách là bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, không trùng lắp cho việc chi trả cho người tham gia BHYT bổ sung hiện nay.

"Các gói BHYT thương mại hiện hành do các công ty kinh doanh bảo hiểm cung cấp vẫn là dịch vụ thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Gói BHYT bổ sung không nhằm mục tiêu trùng lắp với các gói bảo hiểm đó, mà là thêm một gói lựa chọn cho người tham gia BHYT bắt buộc để người dân tự nguyện và có điều kiện tham gia thêm", bà Trang cho biết.

Theo bà Trang, doanh nghiệp nào có nhu cầu tham gia gói bảo hiểm bổ sung thì phải tuân thủ quy định không được tự lựa chọn dịch vụ và lựa chọn đối tượng cung cấp như loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khoẻ mạnh để bán bảo hiểm. "Nếu chính sách này được thông qua và triển khai thì rất ưu việt", Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế nhấn mạnh.

Về mức phí của gói BHYT bổ sung, theo bà Trần Thị Trang, sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Luật sẽ phải quy định những nguyên tắc chung để bảo đảm mức phí phải tương xứng với phạm vi chi trả, không phải quyền lợi thì nhỏ mà mức đóng phí thì cao. (Công an Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Bảo hiểm y tế bổ sung: thêm sự lựa chọn cho người dân”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang