Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/11/2021

  • |
T5g.org.vn - Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường; Tôn vinh lực lượng tuyến đầu chống dịch; Bảo đảm tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế…

 

Điều chỉnh linh hoạt biện pháp ứng phó dịch

Không chỉ tập trung ở khu vực trọng điểm, những ngày gần đây, số người mắc Covid-19 đang tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Các địa phương đang bám sát địa bàn, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch sát với thực tế.

Ngăn chặn dịch xâm nhập khu công nghiệp

Liên tiếp mấy ngày qua số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Bạc Liêu tăng mạnh, là tỉnh có nhiều F0 trong cộng đồng nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 31/10, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận thêm 414 ca mắc mới, trong đó có đến 143 ca cộng đồng. Trong 217 ca ghi nhận tại các khu cách ly tập trung, có đến 193 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm xảy ra tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Châu Bá Thảo, đều ở thị xã Giá Rai.

Một trong những nguyên nhân số người mắc và tử vong do Covid-19 tại Bạc Liêu mấy ngày qua tăng cao là do công tác tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân còn hạn chế. Ngoài ra, những người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tự phát trở về địa phương đông, trong đó có nhiều người nhiễm Covid-19, đây cũng là nguồn lây làm gia tăng số người mắc mới trên địa bàn mấy ngày qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang rất quyết tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, giảm số ca mắc và chết do Covid-19. Tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, nên tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này, nhất là thiếu trang thiết bị và kinh nghiệm xử lý trong phòng, chống dịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, số ca mắc mới đã vượt quá kịch bản mà tỉnh xây dựng, điều đó đã khiến cho ngành y tế đứng trước nguy cơ quá tải trong công tác điều trị. Đáng lo ngại nhất là số ca nhiễm trong các nhà máy, xí nghiệp đang tăng cao, nhất là tại các nhà máy chế biến thủy sản ở thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn công nhân lao động tập trung. Hiện Bạc Liêu đã có 9/64 đơn vị xã ở mức cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ).

Trước tình hình này, Bạc Liêu đang huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng F0; nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm thấp nhất số ca mắc tử vong. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cao đã gây áp lực rất lớn các cơ sở y tế, nên tỉnh Bạc Liêu rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố để sớm kiểm soát dịch bệnh.

Tại tỉnh Bắc Giang, dịch cũng đang có nguy cơ tấn công vào khu công nghiệp (KCN) khi từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn xuất hiện hai ổ dịch tại xã Thượng Lan và Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam thuộc KCN Quang Châu (huyện Việt Yên). Nếu như ổ dịch tại xã Thượng Lan phát hiện 21 ca nhiễm chủ yếu là cán bộ, học sinh (đã xác định được nguồn lây và đang từng bước được khống chế) thì tại ổ dịch ở Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (đã phát hiện 30 F0) có dấu hiệu lây lan các doanh nghiệp khác. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khoanh vùng xử lý ổ dịch và truy vết những người tiếp xúc gần. Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh thêm nhiều F0 mới ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp khác, tại khu cách ly, từ những người về từ vùng dịch.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang cũng triển khai tăng cường giám sát những người cung ứng vật tư, xe vận chuyển, chuyên gia, người lao động từ tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố có dịch vào địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng thời tầm soát xét nghiệm Covid-19 cho lao động làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. Riêng tại Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam thuộc KCN Quang Châu, 100% người lao động tại Xưởng D (BU20) được xét nghiệm hai ngày/lần; 100% người lao động các xưởng, khu vực còn lại trong công ty được xét nghiệm ba ngày/lần; người lao động trong các doanh nghiệp khác trong các KCN, cụm công nghiệp được xét nghiệm ba ngày/lần. Thực hiện ít nhất ba chu kỳ xét nghiệm (10 ngày), nếu tình hình dịch ổn định thì giảm tần suất xét nghiệm và sau đó căn cứ tình hình dịch sẽ điều chỉnh phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định, đến nay ổ dịch ở xã Thượng Lan được khống chế. Riêng ổ dịch tại Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam xuất hiện trong công ty lớn, đông công nhân trong KCN là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang phát hiện sớm, ổ dịch đang ở chu kỳ lây nhiễm đầu tiên, chưa có lây nhiễm thứ phát sang những người ở cùng nhà, cùng phòng trọ. Tỉnh cũng đã nhanh chóng chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ doanh nghiệp trong các KCN... Đáng chú ý, do tỷ lệ người lao động trong KCN đã được tiêm vắc-xin cao, cho nên giảm thiểu tốc độ lây lan.

Nâng cấp độ, chống dịch linh hoạt

Sau khi mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, tại TP Cần Thơ xuất hiện các ca F0 từ bên ngoài xâm nhập vào; cùng với đó là sự chủ quan trong công tác phòng, chống dịch của một bộ phận cán bộ, người dân; công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ... Trưa 31/10, TP Cần Thơ thông báo phát hiện 178 ca mắc Covid-19 (F0) ở tất cả 9 quận, huyện, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới. Từ ngày 20 đến 31/10, thành phố ghi nhận thêm gần 1.000 ca F0, trong đó, có nhiều F0 trong cộng đồng, trong khu phong tỏa, đang cách ly tại nhà. TP Cần Thơ xuất hiện các ổ dịch lớn ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong các khu dân cư ở các quận, huyện, F0 ở Công ty Thủy sản Cá Việt Nam (KCN Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (KCN Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn).

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, UBND TP Cần Thơ thay đổi cấp độ dịch, nâng từ cấp độ 1 (nguy cơ thấp) lên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) toàn thành phố để phòng, chống dịch. UBND TP Cần Thơ yêu cầu khẩn trương tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, kể cả tiêm cho người dân tạm trú để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Ngành y tế có kế hoạch tầm soát, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng phù hợp; tập trung tập huấn, hướng dẫn và trang bị trạm y tế, bảo đảm mỗi một trạm y tế thu dung điều trị mười F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các sở, ngành, quận, huyện hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Về phía doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cần có phương án sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình mới, nhất là kiểm soát lịch trình di chuyển của công nhân để tránh bị lây nhiễm.

Tình hình dịch cũng đang nóng lên ở Sóc Trăng khi đến ngày 31/10, tỉnh Sóc Trăng đã có 5.384 người nhiễm Covid-19. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng) kể từ ngày 2/11. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu - Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chức sắc các tôn giáo và toàn thể nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng và ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các giải pháp hạn chế ra đường khi không cần thiết, người lao động tuân thủ “1 cung đường, 2 điểm đến” và thông điệp 5K.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, những ngày gần đây các chùm ca bệnh mới xuất hiện có diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm lan rộng. Do vậy, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương tập trung sàng lọc để tách F0 khỏi cộng đồng. Khi phát hiện ca F0 phải nhanh chóng phong tỏa phù hợp; nguyên tắc phong tỏa hẹp, khoanh vùng rộng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thần tốc, khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết. Đề cao kỷ luật kỷ cương trong khu vực cách ly; bố trí đủ lực lượng phục vụ người dân trong khu cách ly. Chấn chỉnh lại các khung tại khu cách ly tập trung; thành lập các tổ tuần tra để kiểm soát dịch bệnh...

Trong hai tuần qua số ca nhiễm Covid-19 tại An Giang tăng cao và đến ngày 31/10 toàn tỉnh có 11.193 ca bệnh. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh này, số ca F0 tăng cao do lượng người dân về từ các tỉnh, thành phố quá nhiều, từ sau ngày 1/10 đến nay, tỉnh này tiếp nhận hơn 65 nghìn người từ các địa phương trở về và đã có 1.163 ca dương tính với SARS- CoV-2. Đáng chú ý, từ sau ngày 19/10, An Giang xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang; thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); và một số ổ dịch nhỏ lẻ ở TP Long Xuyên...

Các điểm nóng nhất là huyện Chợ Mới và TP Long Xuyên nên Chợ Mới đã nâng lên cấp độ 3 toàn huyện; TP Long Xuyên quyết định từ 5 giờ sáng 31/10 các cơ sở, dịch vụ ăn uống tại địa phương chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ ngày 1/10 đến nay số ca F0 tăng cao do lượng người về từ các tỉnh quá đông, bên cạnh đó nguồn lây còn liên quan đến một số người vào tỉnh theo đường mòn, lối mở né tránh khai báo y tế; một số người trong khu phong tỏa và cách ly tại nhà ý thức phòng, chống dịch chưa cao; một số công nhân ngụ TP Long Xuyên qua lại TP Cần Thơ làm công dẫn đến nguồn lây nhiễm cho Long Xuyên...

Để hạn chế dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang tiếp tục duy trì chốt kiểm soát đặt trước cửa ngõ vào TP Long Xuyên; yêu cầu 11 huyện, thị, chỉ đạo các tổ phản ứng nhanh phối hợp chặt chẽ với tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng công an địa phương, tổ dân phố quản lý chặt các đối tượng lạ mặt khi đến địa phương, nơi cư trú, khóm, ấp, khu dân cư... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế và giám sát chặt chẽ các trường hợp này. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ đối với người dân tại các khu vực phong tỏa và người dân đang thực hiện cách ly tại nhà; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ việc cách ly tại nhà theo quy định. (Nhân dân, trang 1)

 

Tôn vinh lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tối 31/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Việt Nam - Khát vọng bình yên” nhằm khẳng định nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tôn vinh các lực lượng tuyến đầu, cán bộ công đoàn tham gia chống dịch.

Tham dự chương trình có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Y tế.

Chương trình gồm ba chương: “Trận chiến không tiếng súng”, “Bất chấp mọi hiểm nguy” và “Hòa một niềm tin reo ca”, là sự kết hợp giữa các phóng sự, clip, giao lưu trường quay với các nhân vật và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các tiết mục dàn dựng từ các tác phẩm đạt giải cao trong cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Tại chương trình, người xem được lắng nghe những câu chuyện của chính những người trong cuộc. Đó là những y, bác sĩ sẵn sàng tăng cường đến các địa phương chống dịch bất chấp hiểm nguy với tinh thần bảo vệ sinh mạng nhân dân là sứ mệnh của người thầy thuốc; những cán bộ công đoàn thầm lặng “3 cùng” với công nhân để tiếp phẩm, động viên người lao động an tâm, tiếp tục bám trụ cùng doanh nghiệp “3 tại chỗ”…

Từ trong gian khó, đã sáng lên tinh thần của cán bộ công đoàn, vì người lao động mà dám nghĩ, dám làm, từ đó xuất hiện nhiều sáng kiến của tổ chức Công đoàn được chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao: Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Túi An sinh Công đoàn, Túi thuốc cho F0, Suất cơm nghĩa tình, Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà, Đường dây nóng “An sinh Công đoàn”, Đi chợ hộ đoàn viên...

Phát biểu ý kiến tại Chương trình, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang càn quét nặng nề, khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây tác động tiêu cực nhiều mặt về kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong đó có Việt Nam.

Làn sóng dịch lần thứ tư với những diễn biến mới lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường, đã xâm nhập vào nhiều khu công nghiệp lớn, khu vực có dân cư mật độ cao, với số ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng, đến kinh tế, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tham gia phòng, chống dịch với quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, bất chấp mọi nguy hiểm, tất cả vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Nòng cốt, tiên phong trong cuộc chiến cam go, ác liệt này là lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm cán bộ nhân viên ngành Y tế, Quân đội, Công an, cán bộ cơ sở, cán bộ công đoàn các cấp… Những nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu đã giúp nước ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sản xuất.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài lưu ý, mặc dù đến nay dịch bệnh này đã từng được kiểm tra trong phạm vi cả nước, nhưng chúng ta cần xác định tình hình bệnh dịch trong thời gian tới còn có nhiều diễn biến khó lường, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, đòi hỏi chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu, trong đó có ngành y tế và tổ chức Công đoàn là hết sức quan trọng.

Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tập trung, thống nhất, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ.

Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phát huy kết quả đạt được, động viên lực lượng cán bộ trong ngành vượt mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ khó khăn hơn.

Dịp này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng hoa, tri ân cán bộ, nhân viên y tế tiêu biểu đã hết lòng phục vụ, chăm sóc, cứu chữa các bệnh nhân Covid-19; tôn vinh cán bộ công đoàn tiêu biểu, hết mình vì đoàn viên, người lao động; trao giải thưởng cho tám tác giả có tác phẩm xuất sắc, đạt giải trong Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”; sáu cá nhân có tác phẩm video clip ấn tượng trong Cuộc thi video clip “Thời khắc khó quên”. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 4: “ ‘Việt Nam - Khát vọng bình yên’ tri ân tuyến đầu chống dịch ”

 

Bảo đảm tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế

Tính đến hết năm 2020, cả nước có 87,97 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trong giai đoạn mới, mở rộng độ bao phủ tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm tính bền vững của BHYT là vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra cho hệ thống y tế cũng như hệ thống bảo hiểm xã hội.

Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế

Tại phiên họp Quốc hội thảo luận trực tuyến về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 68, chiều 27/10, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là làm sao mở rộng diện bao phủ BHYT một cách bền vững. Đại biểu Đoàn Lê Thị An (Cao Bằng) cho biết, đến ngày 31/8/2021, tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu, giảm 0,53 triệu người so năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so năm 2020. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19, do các địa phương khó bố trí ngân sách, hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định, và do Luật BHYT còn thiếu quy định chế tài cụ thể áp dụng đối với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng BHYT nhưng không tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình.

Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của việc thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ khu vực III sang khu vực I. Do đó, các đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT không được hưởng chính sách nữa hoặc bị cắt đột ngột làm cho người dân khó khăn trong quá trình đi khám, chữa bệnh hoặc không có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân giảm xuống, có địa phương giảm từ 97% xuống 94%, có địa phương giảm từ 95% xuống 90%... Để người dân tộc thiểu số tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, Chính phủ cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, nhất là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg; nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng như: người thuộc hộ nghèo đa chiều, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tham gia BHYT. Bên cạnh đó, vẫn còn tới 500 nghìn người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có thẻ BHYT. Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), Quốc hội cần nghiên cứu giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng chính sách BHYT miễn phí từ 80 xuống 75 tuổi, hỗ trợ 100% mức đóng cho người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo...

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận), cần đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu của người có thẻ BHYT ở tuyến xã, tuyến huyện chưa được bảo đảm, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đồng thời, cần sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả một cách toàn diện để giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh; giải quyết được những bất cập trong phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua và xóa bỏ sự thiếu thống nhất giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, thời gian qua y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những đầu tư, quan tâm cho đến nay chưa được như mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vực như: Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; đổi mới về cơ chế tài chính, để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống...

Đối với vấn đề thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để trong năm 2021 không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán, cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đổi mới phương thức thanh toán BHYT theo quy định của Luật BHYT, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương. Về thu, chi và Quỹ BHYT, trong thời gian qua có những bất cập do mức đóng BHYT còn ở mức độ rất giới hạn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng Bộ đã đưa dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao, vào trong thanh toán. Vì vậy, bảo đảm cân đối nguồn Quỹ BHYT là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới... (Nhân dân, trang 4)

 

Bệnh nhân ung thư truyền lửa thiện nguyện

Dù đang chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, nhưng suốt thời điểm dịch bệnh phức tạp, anh Nguyễn Xuân Hoàn vẫn xông pha vào tâm dịch tiếp sức người khốn khó. Có hôm, sáng truyền 4 chai hóa chất, chiều anh vẫn hăng hái lái xe bán tải chở cơm hỗ trợ lao động nghèo.

Sáng truyền hóa chất, chiều giao cơm

Anh Hoàn là Phó trưởng Team Tân binh thuộc Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam (PVC Club). Thành viên PVC Club gọi anh là “chiến binh truyền lửa”, còn anh ái ngại cười hiền khô, đáp: “Đừng gọi tôi bằng danh xưng đặc biệt như vậy, tôi chỉ đang làm việc khiến tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc thôi”.

Anh Hoàn phát hiện mắc ung thư vòm họng năm 2016 và được điều trị khỏi năm 2017, sau khi trải qua 40 mũi xạ trị. Chiến thắng căn bệnh quái ác, anh lao vào tập luyện thể thao, chạy bộ, đặc biệt là tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Anh tham gia nhiều giải chạy Marathon, trong đó có giải Tiền Phong Marathon năm 2019, marathon ở Trung Quốc năm 2018 với chặng 42,2 km trong thời gian 4 giờ 38 phút.

Cùng với chiếc xe bán tải, anh đã thực hiện hàng trăm chuyến thiện nguyện, chở hàng cứu trợ lên vùng sâu, vùng xa, vào vùng lũ miền Trung. Từ năm 2020, khi COVID-19 bùng phát, anh là thành viên tích cực của PVC Club đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển thiết bị y tế, nhu yếu phẩm vào tâm dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi đến các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa tại Hà Nội. Anh Hoàn cùng nhóm thiện nguyện FCF nấu cháo mỗi ngày, trao tặng cho bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện Hà Nội nhiều năm nay.

Tháng 7/2021, khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, anh Hoàn phát hiện căn bệnh ung thư vòm họng quái ác đã di căn xuống phổi. Không hoang mang, buồn phiền, anh bình thản đón nhận, với những đợt truyền hóa chất kéo dài.

Mỗi đợt hóa trị, anh tự lái xe đến bệnh viện, tự chăm sóc bản thân, thậm chí còn tranh thủ hỗ trợ thêm bệnh nhân giường bên cạnh. “Có lẽ, do tôi luyện tập thể thao đều đặn nên lần hóa trị này tôi không bị mệt như cách đây 5 năm”, anh Hoàn nói.

Mái tóc dài lãng tử qua vai của anh dần bị cắt ngắn rồi rụng hẳn, người gày xọp. Tác dụng phụ của các đợt hóa trị khiến lưỡi của anh như bị liệt, khó cử động, mất tuyến nước bọt, việc giao tiếp của anh gặp rất nhiều khó khăn.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh đều lạc quan và tràn đầy tinh thần nhiệt huyết của một chiến binh. Dù đang nằm trên giường bệnh truyền hóa chất, hay mới kết thúc đợt điều trị, anh đều tích cực hỗ trợ "tân binh" PVC từ xa qua nhóm trên mạng Zalo, Facebook… từ tư vấn hỗ trợ, lên kế hoạch, đến sắp xếp lịch trình cho các thành viên. Trên nhóm PVC Club, nick của anh luôn sáng đèn, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc.

Thậm chí, có hôm, buổi sáng nằm trong bệnh viện truyền 4 chai hóa chất, chiều anh đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, xông pha lái xe bán tải chở cơm tặng lao động nghèo. Đồng đội cứ thế theo chân anh lên đường.

“Hôm đó, đội tân binh làm nhiệm vụ chở các suất cơm trao tặng lao động nghèo thất nghiệp tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tôi không an tâm, sợ các tân binh chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm, rồi nhận, giao cơm không đủ cho bà con thì tội nghiệp lắm. Bởi dịch bệnh, bà con thiếu thốn, không có cơm ăn, ngồi chờ mình mang đến, nếu mình để thiếu sao đành. Vì thế, tôi thấy đỡ mệt là lên đường cùng anh em”, anh Hoàn chia sẻ.

Không dừng bước

“PVC Club tập hợp những tài xế cùng chung mục tiêu, niềm yêu thích thiện nguyện; nếu không đủ nhiệt huyết sẽ không vượt qua được khó khăn, thử thách để đồng hành cùng nhau trên mọi cung đường. Vì thế, người đứng đầu phải truyền được lửa nhiệt huyết cho các tân binh của mình”, anh Hoàn nói.

Anh Hoàn đã đào tạo được hàng trăm "tân binh" đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe gia nhập vào PVC Club. Suốt hơn 2 năm nay, PVC Club trở thành cánh tay đắc lực của Thành Đoàn, Hội LHTN thành phố Hà Nội trong tham gia vận chuyển cứu trợ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt; chở nhu yếu phẩm, vật tư y tế tiếp sức bà con, lực lượng tuyến đầu chống dịch; tham gia chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình”…

“Mỗi chuyến đi thiện nguyện, tôi gặp rất nhiều cảnh đời éo le, những bệnh nhân chạy thận nhiều đến nỗi ven tay to như cái chén. Thực sự nhìn thấy họ, tôi thấy mình còn nhiều may mắn. Đó là động lực để tôi tham gia các hoạt động thiện nguyện để tiếp thêm cho mình nhiều năng lượng sống tích cực”, anh Hoàn chia sẻ. (Tiền phong, trang 7)

 

Kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Để đảm bảo an toàn dịch tễ lâu dài, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát nhu cầu vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân, đặc biệt là lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3, 4.

Theo đó, để làm cơ sở cho việc phân bổ vắc xin trong tháng 10 - 12.2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vắc xin của Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin trong tháng 10 - 12.2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi; và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này; xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).

Tiếp tục bao phủ mũi 1, mũi 2

Ngày 31.10, thông tin từ Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã có hơn 107 triệu liều vắc xin Covid-19 (kể từ tháng 2.2021 đến nay - PV). Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 75 đợt vắc xin với tổng số gần 105 triệu liều.

Đến trưa 31.10, cả nước đã tiêm được 81,5 triệu liều: có 32,8 triệu người tiêm 1 liều vắc xin và hơn 24 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 78,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là hơn 33,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhìn chung tình hình dịch được kiểm soát trên toàn quốc. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lưu ý trong tuần qua, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày có xu hướng tăng lên. Nhiều địa phương tiếp tục ghi nhận ca mắc trong cộng đồng và đã triển khai nhiều phương án để nhanh chóng kiểm soát dịch như: Hà Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ... Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nguy cơ diễn biến khó lường, dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giao lưu lớn.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng; cập nhật, hoàn thiện ứng dụng PC-Covid, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người dân.

Trước đó, cuối tuần qua, thông tin với các cơ quan báo chí, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay các địa phương cần đạt độ bao phủ vắc xin theo lộ trình với người từ 50 tuổi (theo hướng dẫn về chuyên môn tại Quyết định 4800 ngày 14.10 của Bộ Y tế - PV). Theo TS Hương, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ người 50 tuổi là yếu tố quan trọng để giảm tử vong trong dịch, nếu không đạt tỷ lệ này theo lộ trình thì phải nâng cấp độ dịch. Và khi nâng cấp độ dịch, chính quyền địa phương phải báo trước 48 giờ để người dân, doanh nghiệp có phương án ứng phó chuyển đổi với biện pháp chống dịch cấp độ cao hơn.

Tiêm mũi 3 giúp củng cố miễn dịch

Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 vào chiều 30.10, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM cơ bản kiểm soát dịch bệnh và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá cấp độ dịch thì TP.HCM cấp độ 2, một số quận, huyện đạt cấp độ 1. Tính riêng về số ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần thì TP.HCM vẫn đang cấp độ 3, nhưng do tỷ lệ tiêm vắc xin cao và một số tiêu chí khác, thì TP.HCM được giảm 1 cấp độ. Do đó cần liên tục theo dõi, giám sát quản lý F0, kịp thời không để ca bệnh tăng cao, hạn chế chuyển nặng và tử vong.

Theo TS-BS Vĩnh Châu, TP.HCM đã có đề xuất tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch và nhóm nguy cơ cao trong tháng 11 và 12, nhưng điều này phải được UBND TP.HCM và Bộ Y tế đồng ý, thì mới công bố kế hoạch cụ thể.

Theo chuyên gia của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19, dù thực tế một số nước đã tiêm.

“Về nguyên tắc, đúng là tiêm vắc xin mũi 3 giúp củng cố hệ miễn dịch tăng khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, trong nước, việc này cần được cân nhắc thêm, vì phụ thuộc vào nguồn vắc xin tiếp cận và mức độ bao phủ vắc xin chung tại các địa phương”, chuyên gia này nhận định và cho rằng trong đợt dịch thứ 4, chúng ta ưu tiên vắc xin cho TP.HCM và một số tỉnh thành có dịch bùng phát, hiện TP.HCM là một trong các địa phương đã có tỷ lệ bao phủ cao, trong khi còn khá nhiều tỉnh thành tỷ lệ bao phủ thấp hơn cần tăng độ bao phủ.

“Các địa phương nếu huy động được nguồn vắc xin có thể cân nhắc việc tiêm mũi 3 và lựa chọn các đối tượng ưu tiên tiêm trước”, chuyên gia này nêu ý kiến.

Chia sẻ với đề xuất của TP.HCM về tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng: “Gần đây ghi nhận nhiều nhân viên y tế nhiễm Covid-19 tiếp. Do đó, nên tiêm nhắc lại mũi 3 cho nhóm này”.

Về nguồn cung ứng vắc xin, theo Bộ Y tế, cùng với vắc xin nhập khẩu, hiện Việt Nam đang có 4 vắc xin do các đơn vị trong nước nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Trong đó, vắc xin NanoCovax đã xong thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3, đã được Hội đồng đạo đức chuyển sang Hội đồng cấp phép xem xét, nhưng cần hoàn thiện dữ liệu nghiên cứu. 2 vắc xin khác gồm: vắc xin Ivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang nghiên cứu phát triển, và vắc xin ARCT-154 do Tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đều đang TNLS giai đoạn 2. Hai vắc xin này dự kiến hoàn thành nghiên cứu giai đoạn 3a vào cuối năm nay.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, các vắc xin sau giai đoạn đầu của TNLS giai đoạn 3, nếu chứng minh được an toàn, sinh miễn dịch cao, có hiệu quả bảo vệ và được Hội đồng đạo đức thông qua, có thể được Hội đồng cấp phép xem xét cấp phép khẩn cấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, phấn đấu sớm nhất trong quý 4 năm nay có một đơn vị trong nước sản xuất thành công vắc xin Covid-19. Ngoài ra, Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) hiện đã sản xuất gia công đóng ống vắc xin Sputnik V của Nga. (Thanh niên, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Đề xuất tiêm vắc xin thứ 3”

 

Chuyên gia nói gì về tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng việc đề xuất tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 là đúng, nhưng chỉ nên tiêm cho tuyến đầu chống dịch.

Liên quan đến kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc này là hoàn toàn phù hợp. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, các nghiên cứu cho thấy sau khoảng 20 tuần tiêm mũi 2, thì miễn dịch có giảm đi một phần, nhưng vẫn bảo vệ được người dân khỏi bệnh nặng, giảm tử vong. Số ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng có khả năng lây cho người khác cũng giảm đi. Nhưng nhóm tiếp xúc có khả năng lây bệnh cho người khác như nhân viên y tế cần bổ sung miễn dịch. Tiêm mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao, đáp ứng miễn dịch kém thì miễn dịch giảm, nguy cơ mất luôn miễn dịch và nguy cơ bệnh nặng. “Thời gian này người ta thấy tử vong không tăng nhưng tỷ lệ nhiễm tăng, nên việc tiêm lại để đảm bảo không lây lan cho người khác là quan trọng”, PGS-TS Dũng nhận định.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng việc đề xuất tiêm mũi 3 là đúng, nhưng chỉ nên tiêm cho tuyến đầu chống dịch. Vì những người này đã tiêm mũi 2 thời gian từ 3 - 6 tháng. Đặc biệt là ưu tiên tiêm mũi 3 cho những người đang điều trị bệnh nhân nặng, khoa hồi sức, phẫu thuật. Tiêm mũi 3 có ý nghĩa tăng cường miễn dịch, vì có một số người không đáp ứng sau tiêm 2 mũi. Còn nhóm nguy cơ cao mới tiêm thì cần có đủ thời gian sau tiêm mũi 2, và nếu đủ thì nên tiêm cho người trên 65 tuổi.

Tiêm loại vắc xin nào ?

Theo PGS-TS Dũng, ở góc độ khoa học, nguyên tắc muốn tiêm tăng cường mũi 3 vắc xin nào thì phải qua nghiên cứu, không thể nói chung được. Thường thì tiêm vắc xin mũi 2 giống loại vắc xin tiêm mũi 1. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer hiệu quả vẫn tốt, thậm chí tốt hơn. Muốn đổi loại vắc xin tiêm thì phải nghiên cứu thử, nhưng kết quả nghiên cứu thì chưa nhiều.

“Các vắc xin của Mỹ thì mũi 3 có thể cùng với loại vắc xin đã tiêm mũi 1, 2 hoặc có thể bắt chéo với vắc xin khác. Tại Việt Nam, không chỉ có 2 loại này, nên nếu muốn tiêm chính thức thì cần phải nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay các kháng khuyên để làm vắc xin thường dùng protein chung (protein S) nên có thể đáp ứng với nhau nên có thể chuyển đổi. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc chuyển đổi có hiệu quả. Thái Lan tiêm vắc xin Sinovac tiêm chéo AstraZeneca, Pfizer. Do đó, chúng ta vừa có thể tiêm chéo vừa tiến hành nghiên cứu, nếu được thì nghiên cứu trước thì hay hơn”, PGS-TS Dũng nói.

Nói về việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, 4 (mũi 3 tăng cường, mũi 4 củng cố) vào năm 2022 cho người dân, PGS-TS Dũng cho rằng cũng cần phải nghiên cứu đánh giá. Nhưng có thể vào năm 2022, hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm xuống, nhiều người mắc bệnh thì phải tiêm. Nếu lúc đó miễn dịch tuy giảm nhưng không ai mắc bệnh, thì cũng không cần tiêm. Các chuyên gia cũng lưu ý một điều là nên dành vắc xin cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao tại các tỉnh thành khác. (Thanh niên, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 13: “Tiêm mũi 3 ‘củng cố’ kháng thể ra sao”

 

Miền Tây lan rộng F0 cộng đồng

Số ca mắc Covid-19 tại một số tỉnh miền Tây liên tục tăng trong những ngày gần đây; trong đó Bạc Liêu và An Giang ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục.

Ca mắc trong cộng đồng liên tục tăng cao

Tại tỉnh Bạc Liêu, trong 2 ngày qua, dịch bệnh trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh, đặc biệt ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng. Cụ thể, ngày 30.10, ghi nhận 404 ca mắc, trong đó có đến 149 ca cộng đồng. Ngày 31.10, ghi nhận 414 ca, trong đó có 143 ca cộng đồng.

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tỉnh ghi nhận 3.242 ca mắc Covid-19, có 1.117 ca được điều trị khỏi bệnh, xuất viện; hiện còn 2.099 ca đang điều trị và có 26 ca tử vong. Từ ngày 1.10, tỉnh đón hơn 26.700 công dân trở về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; qua xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 710 trường hợp dương tính Covid-19. Hiện tỉnh Bạc Liêu áp dụng các giải pháp phòng chống dịch ở mức cấp 2. Tuy nhiên, trong đó có 11/64 đơn vị cấp xã, áp dụng các giải pháp phòng chống dịch ở mức cấp 4 (mức nguy cơ rất cao - vùng đỏ). TX.Giá Rai áp dụng mức cấp 3 (mức nguy cơ cao - vùng cam) và 6/7 đơn vị cấp huyện còn lại áp dụng mức cấp 2 (cấp nguy cơ trung bình - vùng vàng).

Ngày 31.10, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, dịch Covid-19 lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, từ ngày 1.10 đến sáng 31.10, tỉnh ghi nhận đến 4.763 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1.163 ca mắc là người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… về tỉnh. Tính từ ngày 15.4 đến sáng 31.10, An Giang ghi nhận 10.978 ca mắc Covid-19.

Gần đây, cùng với các ổ dịch tại các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tân Châu, thì tỉnh An Giang đã xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng mới với tốc độ lan nhanh tại các huyện Phú Tân, Chợ Mới, Tri Tôn và TP.Long Xuyên. Trong vòng 1 tuần qua, tỉnh liên tục có kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 trong ngày; trong đó ngày 30.10 ghi nhận 342 ca mắc Covid-19 là ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ khi có dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang đã ban hành thông báo mới về cấp độ dịch Covid-19 toàn tỉnh thuộc cấp độ 2 về dịch Covid-19 (màu vàng). Đối với cấp xã, phường, có 110 xã, phường thuộc cấp 1; 31 xã, phường thuộc cấp 2; 13 xã phường thuộc cấp 3 và 2 xã thuộc cấp 4 về dịch Covid-19 là xã Hòa Lạc và Long Hòa (H.Phú Tân).

“Đa số các ổ dịch tại An Giang xuất phát từ các tài xế vận chuyển hàng hóa và người từ vùng dịch về. Ngoài ra, còn có tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. An Giang có số F0 điều trị tại các khu điều trị hơn 3.000 ca, và tỉnh dự trù số lượng hơn 5.000 giường bệnh, đảm bảo mỗi huyện có từ 300 - 500 giường để thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu các khu điều trị bệnh Covid-19 quá tải do số ca mắc nhiều thì có thể cho F0 nhẹ, không có triệu chứng, trẻ tuổi, không có bệnh nền điều trị tại nhà”, ông Trần Quang Hiền nói thêm.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp

Chỉ trong vòng 5 ngày qua (từ 26 - 30.10), TP.Cần Thơ đã ghi nhận thêm 745 ca nhiễm Covid-19 mới. Lũy kế, số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8.7 đến nay là 7.368 ca, có 6.099 ca đã được điều trị khỏi.

Số ca nhiễm Covid-19 mới tăng trở lại khiến UBND TP.Cần Thơ đã phải nâng cấp độ dịch, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tương ứng với cấp độ 2. Cụ thể, ở cấp quận/huyện, chỉ có Q.Cái Răng hiện còn ở cấp độ 1, các quận/huyện khác đều ở cấp độ 2. Ở cấp xã, phường, thị trấn, Cần Thơ hiện có 29 đơn vị cấp độ 1; 43 đơn vị cấp độ 2; 10 đơn vị cấp độ 3 và 1 đơn vị cấp độ 4 (P.An Nghiệp, Q.Ninh Kiều).

Tại tỉnh Kiên Giang, ngày 30.10, số ca mắc mới đột ngột tăng lên đến 469 ca. Trong khi trước đó, ngày 27.10 chỉ có 160 ca; ngày 28 và 29.10, số ca mắc mới dao động gần 300 ca.

Đáng lo ngại, rất nhiều ca phát hiện trong cộng đồng qua thực hiện test nhanh tại các phòng khám ở Kiên Giang. Trước tình hình này, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kiên Giang, yêu cầu khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin nhanh nhất để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, sớm triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 11 - 17 tuổi và triển khai hướng dẫn điều trị F0 tại nhà.

Tại Đồng Tháp, dịch Covid-19 có dấu hiệu “nóng” trở lại. Trong ngày 31.10, tỉnh ghi nhận 83 ca mắc Covid-19 và là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi tỉnh thực hiện Nghị quyết 128 về kiểm soát hiệu quả được dịch Covid-19. Tỉnh đang tăng cường kiểm soát người ngoài tỉnh vào tại các cửa ngõ chính của tỉnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 2 huyện Châu Thành và Lấp Vò vào sáng 31.10, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: “Hiện nay các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 nên người dân di chuyển từ các địa phương có số ca mắc cao vào địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, các ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là mà phải kiểm soát chặt địa bàn, không để phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng. Cần tăng cường các đội tuần tra, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là tại các quán nhậu, nhà hàng, quán cà phê…”.

Tỷ lệ tiêm vắc xin chênh lệch khá cao giữa các địa phương

Tính đến chiều 30.10, TP.Cần Thơ đã tiêm phủ vắc xin gần 94% người trên 18 tuổi, trong đó 27,3% đã tiêm 2 mũi. Riêng người trên 65 tuổi đã tiêm phủ vắc xin trên 97%, trong đó tiêm đủ 2 mũi đạt gần 40%.

Tính đến sáng 31.10, tỉnh An Giang đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 1,24 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 90,85% và tiêm mũi 2 cho hơn 174.000 người, đạt tỷ lệ 12,72% dân số.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, liên tục nhiều ngày qua, tỉnh đã huy động cán bộ y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, tỉnh có 418.534 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 62,37% và 14.520 người được tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 15,57%.

Còn tại Đồng Tháp, tính đến sáng 31.10, tỉnh đã tiêm vắc xin mũi 1 cho hơn 881.000 người, đạt tỷ lệ 64,9% dân số từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 hơn 228.000 người, đạt 17,55%.

Tính đến ngày 28.10, Kiên Giang đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 918.916 người, đạt 76,59% dân số; có 330.540 người được tiêm mũi 2, đạt 25,78%. Theo kế hoạch, Kiên Giang phấn đấu đến ngày 15.11 có 100% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, đến ngày 30.12 thì đạt 100% mũi 2. Đối tượng từ 15 - 17 tuổi dự kiến tiêm từ ngày 1 - 15.11; độ tuổi từ 11 - 14 dự kiến tổ chức tiêm từ ngày 21.11 - 10.12. (Thanh niên, trang 4)

 

55 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa công bố danh sách 55 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại trang web của Cục: vfa.gov.vn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm nhằm xác định sản phẩm thực phẩm an toàn cho người sử dụng. Ví dụ: thực phẩm không chứa các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại, phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm…

Theo quy định hiện hành, sản phẩm thực phẩm phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Kiểm nghiệm thực phẩm là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản xuất thực phẩm.

Các đơn vị có chức năng kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm trên cả nước đã được nâng cao năng lực chuyên môn trong các năm gần đây. Các đơn vị đủ điều kiện sẽ thực hiện kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; tiếp nhận, soát xét và cấp giấy đăng ký cho các hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu theo lĩnh vực được phân công; tổ chức kiểm tra lấy mẫu thực phẩm nhập khẩu ở cảng hoặc tại kho của doanh nghiệp tạm giải tỏa hàng; tiếp nhận các mẫu thuộc quản lý nhà nước như thanh tra, ngộ độc… theo yêu cầu của các cơ quan quản lý và chuyển cho các đơn vị kiểm nghiệm theo quy định. (Thanh niên, trang 5)

 

Bạc Liêu quyết kéo giảm F0 trong 10 ngày

Tại buổi tiếp đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Dương đến thăm tỉnh Bạc Liêu sáng 31-10, ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - đã có những chia sẻ về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại địa phương này những ngày qua.

Theo ông Thiều, hôm qua tỉnh ghi nhận 404 ca và hôm nay là 414 ca COVID-19. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, năng lực điều trị, năng lực cách ly của tỉnh còn hạn chế. Tỉnh cũng không còn nguồn tài chính dự phòng và đang mượn từ những nguồn khác để chi cho chống dịch. 

Ông Thiều cho biết thêm, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội (thời điểm 1-10), tới nay có khoảng 26.000 người lao động trở về từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong số này có người đã tiêm 2 mũi vắc xin, có người tiêm 1 mũi, có người đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng về cộng đồng lại dương tính, từ đó lây lan.

"Họ đi chợ, tiếp xúc công nhân ở những công ty thủy sản, hiện đã lây trong nhà máy thủy sản. Công nhân ở Bạc Liêu có đặc điểm sáng đi chiều về, sinh hoạt tại gia đình, không làm '3 tại chỗ' như Bình Dương. Họ đi làm về, tiếp xúc với người thân ở TP.HCM và các tỉnh về, nhiễm từ đó, rồi vô nhà máy.

Tất cả nhà máy ở Bạc Liêu đều có công nhân rải rác các huyện, thành phố. Vì vậy hiện các địa phương ở tỉnh Bạc Liêu đều có F0", ông Thiều lý giải.

Về giải pháp, ông Thiều nói tỉnh đang làm quyết liệt để trong vòng 10 ngày tới khống chế, kéo giảm tỉ lệ nhiễm bệnh xuống. Lực lượng chức năng đang sàng lọc quyết liệt người dân tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Các nhà máy, xí nghiệp cũng sẽ được siết chặt hơn. Hoạt động phải có kế hoạch, xét nghiệm thường xuyên công nhân, buộc công nhân có cam kết và khai báo y tế hằng ngày để khi có tình huống xảy ra phải truy vết nhanh. (Tuổi trẻ, trang 4)

 

Phục hồi sức khỏe “hậu Covid-19”

Thời gian qua, một số cơ sở y tế ở nước ta đã tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19, sau khi điều trị khỏi trở về nhà vẫn xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở, căng thẳng, rụng tóc… kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Những người bệnh này được coi là mắc phải “hội chứng hậu Covid-19” hoặc “Covid-19 kéo dài”. Để vượt qua giai đoạn này, mau chóng phục hồi sức khỏe, người bệnh cần thực hiện chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, thăm khám định kỳ…

Những triệu chứng thường gặp

Một công bố trong năm nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài. Khoảng 20% số người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số người từng bị nhiễm vi rút còn rơi vào tình trạng cơ thể suy nhược…

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), một số nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, 18 tháng sau khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Những triệu chứng thường gặp là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau người, khó ngủ, căng thẳng tinh thần, đau tức ngực, khó thở khi vận động mạnh…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, nước ta có hơn 900.000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có hơn 800.000 người đã khỏi bệnh. Tiến sĩ Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, có nhiều bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau khi khỏi bệnh Covid-19 có các triệu chứng, như: Đau ngực, khó thở, mệt mỏi khi leo cầu thang, hồi hộp nhịp tim nhanh, choáng váng… Sau khi mắc Covid-19, các triệu chứng rối loạn nhịp, như: Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh… là khá thường gặp. Nguyên nhân do người bệnh bị mệt mỏi kéo dài sau khi nhiễm Covid-19, nằm điều trị lâu ngày, ít hoạt động sau khi mắc Covid-19…

Còn bác sĩ Lê Xuân Hà, Khoa Nội tổng hợp A (Bệnh viện Hữu Nghị) - người được cử tham gia chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, một số bệnh nhân sau khi được điều trị khỏi Covid-19 về nhà vẫn thường xuyên liên lạc với bác sĩ. Dù đã được điều trị khỏi sau một thời gian dài, nhưng họ vẫn thường bị đau đầu, khó thở đột ngột, không thể làm việc với tần suất như trước. Thậm chí, sau khi điều trị khỏi Covid-19, nhiều người phải đối mặt với tình trạng tóc rụng rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nhiều bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 khoảng 2-3 tháng sau khi khỏi bệnh đã đến bệnh viện để thăm khám, vì bị rụng quá nhiều tóc. Nguyên nhân là do khi mắc Covid-19, bệnh nhân bị sốt, căng thẳng hoặc phải sử dụng một số thuốc điều trị…

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Chuyên khoa hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), một số bệnh nhân mắc bệnh nhẹ và có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên, họ vẫn cần thêm thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được hồi phục hoàn toàn. Đối với một số người bệnh ở thể nặng đã gặp phải những biến chứng nghiêm trọng hay từng trải qua cơn nguy kịch, thì trong cơ thể họ vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trong tương lai. Chính vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ “hậu Covid-19” là rất cần thiết.

Tiến sĩ Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam thông tin, các triệu chứng tổn thương tim hồi phục sau Covid-19 phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương tim. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy, rất hiếm bệnh nhân bị Covid-19 có nhồi máu cơ tim nặng nề. Do đó, bệnh nhân sau mắc Covid-19, nên đến khám tim mạch 6 tháng/lần, nhất là khi xuất hiện các triệu chứng, như: Khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều… để được tầm soát lại các tổn thương tim.

Sau quá trình điều trị căng thẳng, các triệu chứng kéo dài cộng với tinh thần mệt mỏi có thể dẫn tới suy nhược cơ thể nên chế độ dinh dưỡng lúc này là vô cùng quan trọng. Do đó, người nhà cần lưu ý chăm sóc bệnh nhân “hậu Covid-19”. Về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, chăm sóc dinh dưỡng để ổn định sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh rất quan trọng. Vì vậy, người phục hồi sau khi mắc Covid-19, nên bảo đảm ăn 3-4 bữa/ngày, có thể chia nhỏ bữa và thêm bữa phụ, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp, chín mềm. Nếu ăn không đủ, nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng 1-2 cốc/ ngày. Nếu người bệnh ăn ít thịt, có thể thay bằng cá, tôm, cua và ăn các loại đậu, đỗ. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng và ăn thêm sữa chua, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt… Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp với các bài thể dục có cường độ nhẹ nhàng, như: Yoga, dưỡng sinh… giúp sức khỏe được phục hồi. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học tập khi đủ điều kiện và bảo đảm an toàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, liên sở Giáo dục và Đào tạo - Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới.

Văn bản hướng dẫn nêu rõ, những việc cần làm của từng bộ phận, thành viên trong nhà trường (giáo viên, học sinh, nhân viên y tế...) ở hai giai đoạn: Trước khi học sinh trở lại trường và khi học sinh đi học trở lại.

Một trong những việc quan trọng đối với học sinh trong giai đoạn này là giữ gìn sức khỏe (thường xuyên súc miệng, họng; giữ ấm cơ thể, tăng cường tập thể dục, ăn chín, uống sôi, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng...). Học sinh cần tự theo dõi sức khỏe, nếu có ho, sốt, khó thở thì báo ngay cho nhà trường; đồng thời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế. 

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, văn bản hướng dẫn là căn cứ để các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học khi đủ điều kiện. Sở yêu cầu các đơn vị, trường học thuộc thành phố Hà Nội chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo các đầu việc đã được quy định.

Căn cứ diễn biến của dịch Covid-19 tại từng địa bàn cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất thành phố cho phép học sinh ở một số khối lớp được học trực tiếp tại trường. (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang