Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ bệnh sốt rét tái phát; Trời lạnh, người mắc bệnh hô hấp gia tăng; Ngành y tế quyết liệt giám sát, xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm; Cứu sống bệnh nhân 35 tuổi đột quỵ do thiếu máu não; ...

 

Nguy cơ bệnh sốt rét tái phát

Chỉ trong 2 tuần qua, có 3 trường hợp người lớn mắc sốt rét thể nặng nhập vào Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, TP.HCM, trong đó 2 ca quá nặng, khó qua khỏi, gia đình đã phải xin đưa về nhà.

Ngày 7.12, người nhà bệnh nhân (BN) V.V.C (37 tuổi, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai), làm rẫy tại tỉnh Bình Phước, đã xin đưa BN về nhà. Ngày 6.12, BN nhập viện trong tình trạng rét run từng cơn, vàng da, mắt và được chẩn đoán: sốt rét ác tính, biến chứng não, gan, thận, suy hô hấp nặng. BN được cấp cứu, tiêm thuốc, thở máy, lọc máu nhưng diễn tiến bệnh quá nặng nên gia đình xin đưa về nhà.

Ngày 23.11, một BN khác (28 tuổi), sau 4 ngày sốt cao, được đưa đến BV tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt run, vàng da, mắt, tiêu phân có lẫn máu, sau đó rơi vào tình trạng lơ mơ. Khuya 24.11, BN được chuyển viện đến BV Bệnh nhiệt đới. Mặc dù được BV điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu nhưng BN diễn tiến vẫn nặng dần. Đến sáng 26.11 thì gia đình xin đưa BN về nhà trong tình trạng hấp hối.

Tháng 11 cũng có 4 trẻ (3 ở Đắk Nông, 1 ở Bình Phước) nhập vào BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 vì mắc sốt rét thể ác tính.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết năm 2016 BV tiếp nhận 95 BN sốt rét, trong đó 15 BN mắc thể ác tính, 1 BN tử vong. Trong khi đó, từ đầu năm 2017 đến ngày 7.12, BV tiếp nhận đến 113 BN sốt rét, trong đó 19 BN mắc thể ác tính.

Theo TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh (BV Bệnh nhiệt đới), người mắc sốt rét thể ác tính, phải được điều trị với thuốc kháng sốt rét tiêm; thể thông thường điều trị với thuốc kháng sốt rét uống. Nhưng với thể thông thường, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng liều, trễ... thì cũng sẽ rơi vào ác tính. “Hiện nay không có biện pháp uống thuốc ngừa sốt rét hiệu quả vì các loại thuốc dự phòng trước đây đã bị kháng thuốc. Khi ra khỏi vùng có sốt rét trong vòng 1 tháng, BN bị các dấu hiệu sốt rét run, liên tục; rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy); nhức đầu dữ dội; thiếu máu nặng... thì cần sớm đến BV”, TS-BS Phú khuyến cáo và lưu ý sốt rét có khả năng quay trở lại nếu việc phòng chống sốt rét lơ là. (Thanh niên, trang 4).

 

Trời lạnh, người mắc bệnh hô hấp gia tăng

Miền Bắc đang trong những ngày giá rét, nhiều sương, đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh viêm đường hô hấp phát triển. GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cứ sau mỗi đợt lạnh, nhất là những đợt lạnh sâu, kéo dài, số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Hô hấp tăng đột biến.

GS.TS Ngô Quý Châu cho hay, cứ 3-4 ngày sau đợt thay đổi thời tiết, số bệnh nhân đến khám và nhập viện không ngừng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi thay đổi nhiệt độ, trời chuyển lạnh, cơ thể con người cũng cần có một thời gian bị tác động. Với những người sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp mạn tính bị ảnh hưởng nặng nhất.

Hầu hết các bệnh hô hấp có căn nguyên từ virus, vi khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang... từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm khí, phế quản và phổi, màng phổi. Ở những bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở tăng lên, ho nhiều hơn khiến bệnh nhân phải đi khám, nhập viện, thậm chí là phải được cấp cứu.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng  dẫn điều trị cụ thể chứ không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị.

Thời tiết lạnh như hiện nay khiến nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện ho làm cha mẹ lo lắng. Theo các bác sĩ, ho có thể chỉ là một triệu chứng gây khó chịu, nhưng cũng có thể biểu hiện một bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Ho do virus, thường tự khỏi nhưng có trường hợp ho kéo dài, ho về đêm, nôn thứ phát sau ho khiến trẻ thức giấc làm cha mẹ mệt mỏi khi phải chăm sóc trẻ về đêm. Các chuyên gia cho rằng, để điều trị ho thì việc chữa triệu chứng ho rất quan trọng. Để điều trị, thuốc tây y có những thuốc đặc trị: thuốc kháng histamin, long đờm... nhưng có khi không hiệu quả hoặc đôi lúc còn có một số tác dụng phụ nếu chỉ định không đúng hoặc uống quá liều. Có nhiều bà mẹ lại cho con uống kháng sinh dù kháng sinh không chữa được ho, thậm chí còn kéo dài thêm bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau họng… kéo dài hơn so với bình thường, như ho kéo dài từ 3-5 ngày và kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, nhất là những đối tượng là người già và trẻ nhỏ không được chủ quan khi mắc bệnh, cần theo dõi chặt.

Không tự ý mua thuốc điều trị

Đối với trẻ em, trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. GS Châu cho rằng chính thói quen của người dân tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp hoặc nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống rất nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.  Bởi lẽ, việc dùng kháng sinh tùy tiện  có thể để lại nhiều hậu quả. Đó là  làm vi khuẩn kháng lại kháng sinh, điều này dẫn đến hệ lụy là khi mắc bệnh nặng, không thể có thuốc nào chữa được. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gây ra tình trạng  kháng kháng sinh trong  cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Ngoài ra, nếu tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến dị ứng thuốc, nặng có thể gây sốc phản vệ, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Nên việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng, theo sự chỉ định của bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, nhất là với trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi (nước mũi xanh xanh, vàng vàng, đục đục) thì việc rửa mũi rất quan trọng vì sẽ giúp thông thoáng đường hô hấp, giúp trẻ có thể tự khỏi và không cần dùng kháng sinh và đặc biệt là không bị lan ra gây viêm tai, hay xuống phế quản. (Tiền phong, trang 10).

 

Ngành y tế quyết liệt giám sát, xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chỉ đạo Thanh tra Bộ lập tổ phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm, dược phẩm. Các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; công khai Giấy xác nhận nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cứu sống bệnh nhân 35 tuổi đột quỵ do thiếu máu não

Chiều ngày 7-12-2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam H.N.T 35 tuổi. Bệnh nhân đột ngột yếu liệt nửa người trái lúc 13h00 cùng ngày được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.

Thời điểm nhập viện bệnh nhân còn tỉnh, liệt hoàn toàn nửa người bên trái, nói ngọng, liệt mặt. Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết và chụp C.Tscan não để chẩn đoán bệnh.

Kết quả cho thấy đây là trường hợp đột quỵ thiếu máu não, một cấp cứu nội khoa. Gia đình thuộc diện khó khăn, chi phí điều trị khoảng 100 triệu đồng đang quá khả năng thanh toán. Tuy nhiên, ban giám đốc chỉ đạo vẫn tiến hành can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân và phòng Công tác xã hội liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị.

Đội Can thiệp đột quỵ nhanh chóng được điều động để cấp cứu cho bệnh nhân. Nhận định bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, nên các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch để điều trị cho bệnh nhân. Ê-kíp can thiệp nội mạch gồm Ths.Bs. Hà Tấn Đức, Bs.CKI. Trần Công Khánh và Bs. Trịnh Thành Tính phối hợp cùng với các thành viên khác.

Kết quả chụp DSA (Digital Subtraction Angiography) cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên phải (hình 1). Các bác sĩ trong ê-kíp đã dùng kỹ thuật hút huyết khối để làm tái thông mạch máu não bị tắc. Sau khoảng 30 phút can thiệp, mạch máu đã được tái thông hoàn toàn (hình 2). Sau can thiệp 12 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hết nói ngọng, không còn yếu liệt và sinh hoạt gần như bình thường.

Đột quỵ thiếu máu não là một cấp cứu nội khoa. Các bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để nhận được điều trị tái thông mạch não càng sớm càng tốt. Thời gian điều trị tái thông mạch máu não có thể lên tới 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, mỗi phút trôi qua bệnh nhân không được điều trị sẽ làm gia tăng số lượng tế bào não bị chết. Điều trị hiện nay dựa vào việc sử dụng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối nội mạch. Hai phương pháp điều trị này phối hợp với nhau với mục tiêu tái thông mạch máu não càng sớm càng tốt.

Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã giúp cho những bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não đến sớm có cơ hội phục hồi và trở về cuộc sống bình thường. Sự thành công của ca bệnh thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa: khoa Cấp cứu, đội Can thiệp đột quỵ, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Xét nghiệm, khoa Gây mê hồi sức, và khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang